Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Alexandre Faivre Giáo dân vào những thế kỷ đầu của Giáo hội





Alexandre Faivre



Giáo dân
vào những thế kỷ đầu
 của Giáo hội


Bản dịch tiếng Việt

    Nguyễn Đăng Trúc




© Định Hướng Tùng Thư
13 g rue de l’ILL
67116 Reichstett, France


Tác giả

 Alexandre Faivre là Giáo sư dạy tại nhiều Đại học.
Từ năm 1970, ông dạy về các Thánh Phụ và lịch sử các định chế Kytô giáo tại Phân khoa Thần học Công giáo Đại học Strasbourg II.
Ông đã sáng lập và điều khiển một "Chương trình đào tạo thần học liên tục" từ năm 1972 đến 1978.
Hiện ông là Giám đốc khoa học của "Bibliographie Information Bank in Patristies" của Viện Đại học Laval (Canada), thành viên của Hội đồng phát hành Tập San Notre Histoire (Paris) và ban biên tập "Revue des sciences religieuses" (Strasbourg).
Ông được biết đến qua các tác phẩm về sự khai sinh ra một hàng Giáo phẩm (Naissance d'une Hiérachie Paris), Beauchesne, 1977, 448 trang), về lịch sử Giáo dân và các tài liệu về nghi lễ-giáo luật.  Gần đây, ông cho xuất bản cuốn Ordonner la Fraternité. Pouvoir d'innover et retour à l'ordre dans l'Eglise ancienne (Paris, 1992, 554 trang): đây là một bộ sách dày trình bày những công trình nghiên cứu mới nhất về các định chế Kytô giáo vào những thế kỷ đầu.


Cùng một tác giả

Fonctions et premières étapes du cursus clérical,
Service de reproduction des Thèses, Lille, 1975, 1068 pages.
Naissance d'une hiérarchie,
Théologie historique 40, Paris, Beauchesne, 1977, 443 pages.
Ordonner la fraternité,
Pouvoir d'innover et retour à l'ordre dans l'Église ancienne,
Paris 1992 - Cerf - 555 pages.




Lời tựa của tác giả cho bản dịch tiếng Việt




Lời tựa của tác giả
cho bản dịch tiếng Việt

Tác phẩm này được Gs Nguyễn Đăng Trúc cẩn thận dịch ra Việt ngừ, đã được viết ra trước ngày Thượng Hội Đồng Giám Mục họp tại Roma năm 1987 bàn về "Ơn gọi và sứ mạng người Giáo dân trong Giáo hội và giữa trần thế". Từ dạo đó, những công trình nghiên cứu liên tục được phổ biến. Nhiều tác giả đã đồng ý và lấy lại những lập luận tôi đưa ra cũng như xử dụng những nghiên cứu của tôi để đưa lịch sử của những thế kỷ đầu vào một lối đặt vấn đề có tính cách rộng lớn hơn. Cũng có những công trình giới hạn vào các chủ điểm chính xác bổ túc một số khía cạnh đã được nêu lên trong tác phẩm này. Cá nhân tôi, do sự yêu cầu của các nhóm nghiên cứu hoặc các Tập San, cũng đào sâu hoặc bổ túc một số điểm mà tôi đã khai triển một cách quá vội vàng trong sách, vốn nhằm phục vụ giới độc giả đại chúng. Một cách đại thể, cái nhìn toàn cục có tính cách tương đối mới mẻ được rút ra từ quan điểm lịch sử đó đã được giới đại học đón nhận.

"Một lịch sử chia làm 3 thời kỳ".
Qua tác phẩm này, tôi minh chứng có ba giai đoạn trong lịch sử của các cơ chế Giáo hội thời cổ-Kytô giáo và những nền thần học về Giáo hội hàm ngụ trong đó.
Trước hết, là thời "không có giáo dân"; không những chữ đó không được dùng để chỉ những thành phần của toàn dân Kytô giáo, mà ngay thực thể mà từ ngữ "giáo dân" ám chỉ vào các thời kỳ sau đó cũng không được ai nghĩ đến, hoặc có thể nghĩ đến. Suốt thời kỳ kéo dài trong hai thế kỷ đầu, Kytô hữu tập chú vào việc xác định và xây dựng sự nhất thống của họ nơi chính Đức Kitô. Sự phân biệt nền tảng được quan niệm một bên là các Kitô hữu và bên kia là thế gian, nhu cầu khẩn thiết là nhu cầu truyền giáo.
Khởi từ cuối thế kỷ thứ hai và suốt tiền bán thế kỷ III - một giai đoạn giao thời chứng kiến sự gia tăng lượng số Kytô hữu trong xã hội - các ý niệm về "người giáo dân" và "giáo sĩ" đồng thời xuất hiện. Tuy thế, từ ngữ "giáo dân" cũng chưa áp dụng vào toàn khối tín hữu không-là-giáo-sĩ, và mang một ý nghĩa tích cực, đề cao những kẻ được gọi là: những người đàn ông chỉ có một vợ - chữ "giáo dân" nhằm nói đến một Kytô hữu thuộc vào hàng ngũ tiêu biểu nhất của toàn dân Kytô giáo, có thể đó là vị chủ gia đình, một người đàn ông chứ không phải đàn bà - chỉ cưới vợ một lần. Những thừa tác vụ chính yếu trong Giáo hội chưa hoàn toàn tập trung vào một khối giáo sĩ Kytô giáo và một số thừa tác vụ. đặc biệt về công tác giảng dạy, còn mở rộng cho những vị không-phải-là-giáo-sĩ.
Đến giữa thế kỷ III, sự việc không còn diễn tiến như thế nữa. Vào thời này, tiến trình về một nền Giáo hội học bước vào một giai đoạn chót được đặc biệt củng cố do sự hội nhập chính thức của Giáo hội vào xã hội dân sự thời Constantinô, nhất là vào cuối thế kỷ IV. Giáo dân, bây giờ gồm cả đàn bà và toàn khối những người đã chịu phép Rửa mà không-phải-là-giáo-sĩ, tự định vị một cách tiêu cực như là ở ngoài khối giáo sĩ (và sau này còn thêm các đan sĩ). Người giáo dân từ đấy được xác định do việc họ thuộc vào môi trường trần thế hơn là việc gia nhập của họ vào mối hiệp thông của Giáo hội. Sự phân chia như thế ngay giữa toàn khối dân Kytô giáo dường như có tính cách quyết định. Tự hậu, người ta có khuynh hướng dùng danh hiệu "giáo dân" để đặc chỉ các quyền hành và trách nhiệm trần thế, chính trị hoặc xã hội, hơn là nhấn mạnh đến cuộc sống đạo đức Kytô giáo hoặc sinh hoạt bên trong-Giáohội. Đó là thời của những "quan lớn giáo dân" các hoàng đế, công chức và các bậc vị vọng (mà đôi khi hàng giáo phẩm lại phân biệt với dân chúng "đạo hạnh"...). Từ đó vấn đề đặt ra là tìm cách tạo thế quân bình giữa các loại quyền hành hơn là ưu tư xây dựng một mối hiệp thông.

"Về việc "sử dụng" một cách đứng đắn trong việc truy cứu lịch sử."
Việc khám phá ba thời kỳ kể trên cho chúng ta thấy lịch sử của giáo dân vào thời cổ Kytô giáo không tiến triển đều đặn theo tiến trình hàng ngang liên tục, nhưng đã có những giai đoạn và những sự thay đổi thật sự về các quan điểm về Giáo hội học. Chúng ta hẳn đã đồng ý rằng mục đích của việc truy tìm lịch sử không phải là để kiếm cho ra một thời vàng son hoặc một thiên đàng đã mất, từng thể hiện trong thuở ban đầu, hoặc để quyết định chọn lựa một mẫu mực của một giai đoạn nào trong quá khứ hoặc đề cao "thời kỳ tốt đẹp, không thấy có bóng giáo sĩ hay giáo dân". Không phải là việc đấu tranh để phục hồi và tồn tục thời gian đầu ngắn ngủi khi mã chữ "Giáo dân" nhằm nói đến những Kytô hữu xuất sắc hoặc để mãi nuối tiếc thời của những giáo dân đầy uy lực lẫn lộn quyền bính đạo đời vào thời hoàng đế Thêodose - Lịch sử không quay vòng cũng không lặp lại. Nó không đem lại cho ta một mẫu sẵn để ứng dụng hay giải quyết khó khăn trước mắt. Nó chỉ giúp ta hiểu rằng chúng ta không bị bó tay phải chấp nhận một tình trạng bất di bất dịch hoặc thái độ buông xuôi, thụ động. Vì nếu lịch sử không lập lại một cách y nguyên, thì nó cũng không hoàn được vẽ sẵn một cách tất định một bóng nào đó cho tương lai. Nói cách khác, từng mỗi giây phút trong cương vị của chúng ta, chúng ta mang trọn trách nhiệm vè lịch sử của chúng ta hôm nay và ngày mai.
Đưa mình về quá khứ thật xa xưa không nhằm mục đích làm ta xem thường thời buổi ta đang sống để hướng đến những mẫu mực khác, nhưng là để giúp ta có một cái nhìn truy cứu, mới mẻ và linh động về các thế kỷ đầu tiên, từ đó ý thức hơn về sự tương đối của các định chế Giáo hội ngày nay: Giáo hội là sự kết hợp của những người Kytô hữu không phải là Vương quốc đã hoàn thành.
Một lối truy cứu lịch sử được quan niệm như thế có thể làm cho chúng ta được tự do và trách nhiệm hơn đồng thời đem lại cho chúng ta những phương tiện phân tích và lãnh hội, những điều kiện để so sánh, những qui thức thực nghiệm hoàn chỉnh.

"Những trách nhiệm và giới hạn của công tác nghiên cứu thần học lịch sử".
Việc phân định một trong những tác phẩm của mình là một ngôn ngữ khác, hơn nữa lại hướng đến một khối độc giả có một nền văn hóa khác, một lịch sử khác đặc biệt gây cho tôi ý thức những trách nhiệm cũng như những giới hạn của  sự cống hiến của một sử gia về các định chế thời cổ-Kytô giáo.
"Những giới hạn" vì lịch sử được nói đến (trong tác phẩm) dừng lại ở buổi cận kề thời Trung Cổ, hơn nữa lịch sử đó, trong (khuôn khổ của) Giáo hội Tây phương chịu ảnh hưởng của hai sự kiện sau đây trong tiến trình phát triển của mình:
- Việc phong chức thánh trong tiến trình đào tạo Giáo sĩ qua phụng vụ thuộc Giáo triều Lamã-Đức từ thế kỷ thứ X- và -  sự tuyệt đối hóa thành "hai chủng loại Kytô hữu" được diễn tả trong tập Giáo luật thường được gọi tên là "Sắc lệnh Gratianô" Vấn đề này có thể được giảm nhẹ đi rất nhiều vì hai nhận xét sau đây - Trước hết do lịch sử của Tây phương từ cuối thời cổ-Kytô giáo, và nhất là từ phụng vụ Giáo triều Lamã-Đức thế kỷ X đến Công đồng Vaticanô II; cũng như đến phụng vụ Lamã năm 1968 và Tự sắc "Ministeria quaedam" năm 1972. Các cấu trúc về tổ chức Giáo hội Kytô giáo hầu như ổn cố về mặt định chế trong vòng một ngàn năm. Ngoài giới hạn về thời gian, còn có hàng rào địa lý: lịch sử này mang lại lợi ích gì khi có sự ngăn cách do việc du nhập Kytô giáo vào một nền văn hóa khác, với những cơ cấu xã hội xa lạ với quá khứ Kytô giáo?
Trong khuôn khổ đó, lợi ích của lịch sử cổ-Kytô giáo đúng là để giúp cho chúng ta có được một cái nhìn về quan niệm xây dựng nên các cơ chế Giáo hội, nhờ vào việc chúng ta lãnh hội các nền thần học về Giáo hội học khác nhau trước đó. trong thực tế, các Giáo hội Á châu không sống qua những thăng trầm của nền Giáo hội học đó diễn ra trong thời Trung Cổ Tây phương, những thăng trầm phát sinh từ những cuộc tranh chấp giữa thần quyền và thế quyền - nhưng sự kiện đó lại rất hữu ích cho việc so sánh các cơ chế khác nhau của Giáo hội. Bởi vì, nếu những thăng trầm lịch sử đó đã không xảy ra, vấn đề được biết để vẫn quan hệ và có thể tái phát theo một kiểu tổ chức lấn cấn tương tự, nhưng dưới những dạng thức mới khác.
"Những giới hạn và đồng thời cũng là những trách nhiệm" của nhà thần học về sử học ý thức được những vị thế cá biệt khi nghiên cứu. trong tiếng Pháp, và cả trong lịch sử hiện đại, từ ngữ "Laic" mang nhiều nghĩa mâu thuẩn.: nó có nghĩa là "laicard", nghĩa là chống lại hàng giáo sĩ, chống luôn Kytô giáo, đồng thời cũng là "người giáo dân", một kẻ đã trưởng thành trong một Giáo hội mà  mọi người đều phải có trách nhiệm. Làm sao có thể dịch một chữ như thế qua một ngôn ngữ khác hoặc cho những tâm thức đôi khi không ăn nhập gì với khuôn khổ văn hóa đã nêu? Nếu vấn đề này đã từng được đặt ra trên bình diện lý thuyết trong các bản dịch tác phẩm này qua tiếng Ý hoặc tiếng Mỹ, thì bản dịch ra các thứ tiếng thuộc các vùng, các xứ mà "giáo dân" Kytô hữu còn mang những trách nhiệm chính trị đặc biệt phải chu toàn... lại có những hệ quả bao quát hơn... Tôi thường nghĩ đến thảm trạng mà những người Kytô hữu của nước Nam Tư cũ đã từng dịch tác phẩm của tôi vào năm 1986, những người thuộc xứ Transylvania đang dịch sách này và hẳn nhiên là phải nghĩ đến hoàn cảnh đặc biệt của Phong trào Giáo dân Việt Nam hải ngoại của quí bạn.
Là một sử gia về các thế kỷ đầu, tôi biết rằng khả năng của mình không thể cho phép đưa ra những giải pháp đáp ứng những hoàn cảnh cụ thể cá biệt này. Tôi chỉ cố nêu lên cho các bạn thấy được các câu hỏi mà Kytô hữu thời cổ Kytô giáo đã đặt ra cho chính họ, để một mặt làm nhẹ bớt thảm kịch của hoàn cảnh nhất thời thường giam hãm tầm nhìn của con người, và mặt khác cũng mở rộng việc nhận thức các vấn đề hướng đến một chân trời rộng lớn hơn. Tôi đề nghị những người cùng thời với tôi đối chiếu những thắc mắc của mình với những vấn đề mà Kytô hữu vào các thế kỷ đầu đặt ra cho chính họ, hoặc đã được họ giải quyết qua một lối thực hành mà người ta vẫn nghĩ là một chuyện đương nhiên phải như thế.
Việc làm của tôi, hẳn nhiên là một việc làm kiểm thảo, nhưng không vì thế có nghĩa là gieo rắc sự nghi ngờ, trái lại là để "lắng nghe tất cả" như Maurice Bellet mới đây đã từng viết. Vì vậy, sự kiểm thảo đó hướng đến nổ lực "gắn bó với ký ức cực lớn" - Ước gì một ký ức như thế giúp các bạn hiện đang sống trong những hoàn cảnh phức tạp và thường là khó khăn, nổ lực "canh tân từ những truyền thống của chính mình....".
Strasbourg, ngày 02 tháng 02 năm 1993
Alexandre Faivre
Giáo sư các Đại học


Dẫn nhập Những khó khăn hiện tại và những truy cứu thời đã qua



 
Dẫn nhập

Những khó khăn hiện tại và những truy cứu thời đã qua

Đến thế kỷ hai mươi, Giáo Hội Công giáo đã khám phá ra lại hàng ngũ giáo dân của mình. Giáo Hội đồng thời cũng tìm lại sự hứng khởi của lịch sử, sức thu hút của những thế kỷ đầu tiên. Nhằm định nghĩa lại bản-sắc cá biệt, cải cách lại đường lối sinh hoạt, Giáo Hội không ngần ngại quay về những thời kỳ nguyên thủy để rút tỉa những hình ảnh, mẫu mực, lời giáo huấn hoặc những minh giải cần thiết. Phải đối diện với hiện tại xem ra còn hồ đồ, Giáo Hội tra vấn quá khứ để được soi dọi và dẫn dắt. Khi càng bước gần lại thời kỳ Tông đồ công vụ và ngay thời đương tiền của Đức Kitô, tự bản năng, Giáo Hội nghĩ rằng mình càng chiêm ngắm được Chân Lý. Hiện tượng "Giáo Dân" cũng đã không thoát khỏi xu hướng nầy. Suốt thời kỳ phục hưng lại hàng ngũ giáo dân, các nhà thần học đã đặc biệt lưu tâm minh định sự hiện hữu và sinh hoạt của thành phần đó, ngày nay chính giáo dân lại có nhu cầu muốn  biết sâu hơn tất cả những bình diện của lịch sử chính mình. Giáo dân ý thức được rằng từ nay họ chiếm một vị trí và đóng một vai trò trong Giáo Hội họ đang sống. Và dĩ nhiên, họ còn muốn biết thêm vị trí và vai trò của giáo dân trong thời Giáo Hội sơ khai.
Nhưng trước khi đi sâu vào quá khứ, cũng nên nắm vững thực tại ngày nay vì chính thực tại đó dấy lên câu hỏi lịch sử nầy. Những góc cạnh đa biệt của thực tại ngày nay, khung cảnh mà thực tại đó định vị, những hình ảnh lắm lúc mâu thuẫn ... tất cả thường cũng là những dấu vết của một quá khứ phần nào bị xóa nhòa.

Hãy thử trắc nghiệm với chính mình!
Nếu có ai yêu cầu bạn nêu tên những giáo dân nhiệt thành, trước hết bạn có nghĩ ngay đến những chiến sĩ hoạt động Công giáo Tiến hành không, hay bạn kể tên ông Voltaire và Diderot, có phải vì các ông này đã từng tự nhận cho mình danh nghĩa đó? [1]  Bạn có cho rằng một vị đan sĩ hoặc một tu sĩ là một giáo sĩ chăng? Một nữ tu phải chăng là một giáo sĩ? Và trong Giáo Hội bạn có cho rằng giáo dân là kẻ "không có gì để nói" nên chẳng có gì để nghe, hay ngược lại sống giữa khối tín hữu thụ động, họ là những kẻ chiến đấu và tự mang lấy trách vụ đặc biệt, có một sứ mệnh phải thi hành? Theo bạn, giáo dân ở giữa lòng Giáo hội phải bị xóa nhòa như một kẻ vô danh trong khối người đặc đầy, hay ngược lại họ phải vươn mình ra khỏi đám đông để xác định trách nhiệm của mình? Giáo dân phải chăng chỉ được định nghĩa một cách tiêu cực là kẻ không được kêu gọi làm giáo sĩ, hay trong nhãn quan tích cực họ là người đã được Thiên Chúa chọn để gia nhập làm thành phần Dân Chúa, là người đã được tuyển chọn và được kêu gọi làm con cái của Thiên Chúa, kể từ ngày họ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy?
Trong tiếng Pháp chẳng hạn, chữ "laique" mang nhiều ý nghĩa khác nhau, và không phải lúc nào cũng có ý nghĩa là "Giáo Dân" trong nội dung sinh hoạt tích cực của Giáo Hội. Đối với
bạn, chữ "laique" phải chăng có nghĩa là "một người phụ nữ kitô hữu" nhằm gọi tên bất cứ người phụ nữ nào trong Giáo Hội, hoặc chữ đó nhất thiết phải gợi lên một thực tại nằm bên ngoài khung cảnh tôn giáo hoặc dòng tu? Trong cung cách suy tư của bạn, chữ "laique": "Giáo Dân", phải chăng đồng nghĩa với từ ngữ "laicard" (= người đời, trần tục) mang tính cách đối nghịch với Giáo Hội, hoặc chống báng lại hàng giáo sĩ? Trong một bối cảnh chính trị nào đó, (là nội dung hồ đồ của chữ "laic") bạn có đồng hóa người giáo dân với kẻ chủ trương dẹp bỏ các trường tư thục tôn giáo hay không? [2] Một cách tổng quát, bạn có cho rằng chữ giáo dân (laique) luôn luôn chỉ định một thực tế, phong cách đi ngược lại với "hàng giáo sĩ" (clérical) hay không?

Giáo dân bên trong cộng đồng tín hữu
Trong Giáo Hội, ta không thể vừa là giáo sĩ lại vừa là giáo dân. Hai khối thực tại nầy thường được phân biệt để nêu lên mối tương quan, nhưng trong thực tế chúng lại không hỗ trợ cho nhau. Giáo sĩ là một chức vụ điều hành, nhằm chỉ một kiểu mẫu định chế, trong lúc giáo dân lại nhằm chỉ một pháp nhân . Cũng vì thế, chúng ta hiểu lý do tại sao người ta có khuynh hướng đẩy xa ý niệm quá mơ hồ của chữ "giáo dân" để đồng hóa với ý niệm "Công giáo Tiến hành". Muốn sớm xác minh tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân, chúng ta nhiều khi bị cám dỗ thu hẹp ý nghĩa của chữ "giáo dân". Công đồng Vatican II đã dự đoán trước khuynh hướng nầy, nên tự thấy cần xác định một cách rõ rệt trong Hiến Chế về Giáo Hội (số 31) "Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận".
Dầu đã cố gắng nhiều để đem lại một ý nghĩa tích cực cho ý niệm "giáo dân", trong ngôn ngữ thực dụng hằng ngày, người ta còn gặp nhiều khó khăn để xác định một nội dung minh bạch cho những thực tại sinh hoạt của giới nầy. Chẳng hạn trong tiếng Pháp, tĩnh từ "clérical" (=thuộc hàng giáo sĩ) là chữ thông dụng, trái lại chữ "laical" (= thuộc về giáo dân), dù được hình thành trong một mẫu mực hoàn toàn tương tự, lại không mấy khi được nhắc nhở, dùng đến; chẳng qua người ta dường như hiểu rằng đặc điểm chính yếu  của giáo dân là sống trong "điều kiện thông thường của bất cứ ai". Dù sao cũng thử định nghĩa cái đặc điểm của con người chung chung đó!

"Bị" làm giáo dân
Hiến Chế Lumen Gentium đã áp dụng từ ngữ giáo dân cho tất cả thành phần của cộng đồng tín hữu (peuple fidèle) không phân biệt. Vì thế, nhiều người đã là giáo dân mà không hay biết. Còn tiến xa hơn quan niệm của các Nghị phụ Công đồng và các nhà thần học, thực tế lịch sử lại muốn rằng tất cả những ai đã chịu phép Thánh tẩy phải là giáo dân. Tình trạng giảm sút số người sống đạo một cách tích cực đã thúc bách tín hữu thụ động vươn mình lên khỏi đám đông, và dù bất ưng họ cũng để lộ khuôn mặt giáo dân của họ. Hàng giáo sĩ giảm sút (tương quan đến sự giảm sút của tín đồ) buộc họ kêu gọi đến sự trợ giúp của giáo dân. Từ đó, người kitô hữu bấy lâu bằng lòng sống âm thầm trong khối tín hữu vô danh, nay dù muốn dù không bỗng thấy mình được nâng lên hàng ngũ giáo dân theo ý nghĩa, nội dung mà Đức Piô XII đã muốn minh định. Theo ngài, giáo dân là người được chỉ định để cộng tác một cách có quy mô hơn với giáo quyền, giúp đỡ giáo quyền một cách hữu hiệu hơn trong công tác tông đồ [3]. Chúng ta có thể thấy hình ảnh đó qua một vài thí dụ thường nhật: Một tín hữu dự lễ bất chợt được mời đọc sách Thánh lúc đầu lễ, - một bà mẹ gia đình tận tâm tận lực (hoặc phải nói có khi vì nhẫn nhục mà làm) dạy giáo lý tại nhà cho một nhóm nhỏ, năm, bảy trẻ em, để chính con trai hay con gái mình cũng có thể "rước lễ lần đầu" chung một lượt, - hoặc vì muốn cho ngày lễ rửa tội con mình được long trọng, công khai, cha mẹ phải chạy ngược, chạy xuôi, chuẩn bị thật chu đáo. Ở đây ta thấy tinh thần trách nhiệm phát sinh do hoàn cảnh thúc bách, đòi buộc.

Giáo dân người có trách nhiệm.
May thay, không phải người giáo dân nào cũng là giáo dân miễn cưỡng. Nhiều người mong ước được chiến đấu, xây dựng Giáo Hội một cách tích cực. Ý thức hoạt động đó vừa là một nhu cầu phục vụ và đồng thời là việc cảm nhận tinh thần trách nhiệm. Như có lần, các vị Giám Mục Pháp đã nói: "Tất cả đều mang trách nhiệm trong Giáo Hội". Tâm thức kitô hữu đang thay đổi. Khi bàn về việc người tín hữu thông thường muốn giúp đỡ giáo quyền, Đức Piô XII đã nói như sau: "Họ sẽ tự đặt mình lệ thuộc vào hàng giáo phẩm một cách chặt chẽ hơn, vì chỉ có hàng giáo phẩm mang trách nhiệm về việc quản trị Giáo Hội đối với Thiên Chúa". Với câu nói nầy, dĩ nhiên Đức Giáo Hoàng đã không muốn chối bỏ trách nhiệm của giáo dân, vì cũng theo ngài, giáo dân phải hành xử một cách tự do "trong khuôn khổ của chức vụ mình, hoặc trong khuôn khổ mà lợi ích chung Giáo Hội vạch ra" [4]. Nhưng vấn đề là làm sao biết được chức vụ của giáo dân là gì, và làm sao có thể định nghĩa được chức vụ đó.
Ngày nay nhiều giáo dân cho rằng trước hết phải mang trách nhiệm của một kẻ đã chịu phép Thánh tẩy, chứ không phải vì lý do chính yếu là sự tự nguyện tuân phục hàng giáo phẩm. Việc nầy giải thích tại sao hàng giáo phẩm có phản ứng đứng xa các phong trào từ lâu được nhìn nhận chính thức, bằng cách nầy hay bằng cách khác. Hiện tượng nầy cũng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của các phong trào Công giáo Tiến hành. Bất cứ ở đâu, cũng thấy có những giáo dân sinh hoạt một cách khá độc lập, đi đôi với việc nảy sinh ý thức trách nhiệm nơi họ.

Những tiên tri của ngày mai
và những mẫu mực của thời xưa
"Làm gì - có thể làm gì - phải làm gì, khi mình là giáo dân trong Giáo Hội ngày nay?"
Nhiều kitô hữu đầy thiện chí tự vấn mình lại như thế, mỗi khi thấy dấy lên ước mơ chứng kiến những hình thức thánh thiện và sinh hoạt tông đồ mới; và hơn thế nữa, họ ao ước được thấy những hình thái mới mẻ của Giáo Hội, có thể đáp ứng toàn hảo hơn những khó khăn và những nguyện vọng của thời đại chúng ta. Nhiều giải pháp đa biệt đã được áp dụng. Nào là việc quản lý các phương tiện vật chất, nhà cửa phòng bè của giáo xứ nhằm chia sẻ gánh nặng cho vị Linh mục, nào là sinh hoạt phụng vụ khi thiếu vắng vị nầy, nào là việc xây dựng các cộng đoàn sống và cầu nguyện, chưa kể đến việc học hỏi giáo lý và việc dấn thân vào sinh hoạt xã hội hoặc chính trị. Nhưng, Kitô giáo trong thế bị căng mắc giữa mẫu mực thời đại đương tiền của Chúa Giêsu và sự xuất hiện trước mặt một thế giới mới, luôn cảm thấy nhu cầu minh giải qua lịch sử những phương thế mình xử dụng, hầu xúc tiến nhanh công cuộc xây dựng Nước Trời. Năm 1972, Giáo Hội Công giáo đã nghĩ rằng nên mở rộng một vài thừa tác vụ cho giáo dân. Lá thư Tông tòa thiết lập những thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cho giáo dân bắt đầu bằng những lời lẽ như sau: "Một vài thừa tác vụ đã được Giáo Hội định chế hóa từ thời kỳ rất xa xưa để tôn thờ Thiên Chúa một cách chính đáng và để tùy nhu cầu bảo đảm công việc phục vụ dân Chúa". Ước muốn đưa lý tưởng tương lai vào trong quá khứ là đường lối thông thường của các hiện tượng canh tân. Trong các "nhóm Thánh Linh" (= groupes charismatiques), hoặc trong các đoàn thể "Canh tân" (= Renouveau) chẳng hạn, cũng áp dụng phương cách nầy. Noi gương các kitô hữu trong thời kỳ sơ khai được Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Corinthô mô tả và xếp loại, ngày nay những đoàn viên Thánh Linh được cảm ứng hơn cả, đôi lúc cũng là tiên tri hoặc trừ quỷ, thông thường và khiêm tốn hơn, họ nói các tiếng lạ, hoặc thốt nhiên cầu nguyện lớn tiếng trong giờ kinh phụng vụ. Trong những cộng đoàn như thế - lắm lúc trở nên những hình thức tu viện giáo dân mới - có những mục tử (bergers), những kẻ chăn dắt hoặc còn có những vị huynh trưởng trẻ tuổi gợi lại hình ảnh những vị niên trưởng của các thời kỳ đầu tiên. Từ những Văn kiện lập qui chính thức đến những cộng đoàn cơ sở hoặc những nhóm Thánh Linh, đâu đâu người ta cũng dựa vào những thời kỳ khởi thủy của Giáo Hội để chuẩn hành, biện giải, cảm ứng hay sáng tạo.
Hẳn nhiên, chính vì cố tâm trở về nguồn, mà người ta minh định được rằng tước vị giáo sĩ chỉ dành riêng cho những phần tử của Giáo Hội đã nhận một trong ba chức lớn (chức Phó tế, Linh mục và chức Giám mục), đồng thời phổ cập cho giáo dân những thừa tác vụ đọc sách, giúp lễ và còn có thể kêu gọi các Hội đồng Giám Mục tạo ra những chức vụ mới, như chức vụ mở cửa, dạy giáo lý, quản lý các công việc từ thiện ... Nhưng, mỗi khi tra vấn lịch sử, lịch sử đôi lúc đẩy đưa chúng ta đi xa hơn dự đoán. Khi ta tra vấn nó xem giáo dân trong những thế kỷ đầu đóng vai trò gì, phải chăng ta đặt ra cho lịch sử một câu hỏi sai? Ngoài việc vay mượn những từ ngữ được hình thành trong thời Giáo Hội sơ khai, ngoài những bản văn mặc nhiên hay minh nhiên nói đến một vài tác vụ, một vài thái độ nào đó ... phải chăng điều cần hơn nữa là nỗ lực đặt lại cung cách mà chúng ta suy tư, ưu lo về Giáo Hội (sống cuộc sống Giáo Hội) một cách cơ bản và toàn diện hơn?





[1] Khác với tiếng Việt, chữ laic trong tiếng Pháp không những mang nội dung tích cực của chữ "giáo dân", mà thông thường có nghĩa là "người trần tục" trong nội dung tiêu cực (= chống lại hàng giáo sĩ).
[2] Chú thích của người dịch: Trong khung cảnh sinh hoạt giáo dục của Pháp, trường công lập còn được định nghĩa là trường "đời". Tác giả là người Pháp nên đặc biệt nhạy bén với thời sự liên quan đến chủ trương "công lập hóa" triệt để nền giáo dục của nhà nước Pháp và những phản đối của dân chúng diễn ra lúc viết chương dẫn nhập  này.
[3] Các văn kiện Giáo hoàng chính yếu về giáo dân đã được các đan sĩ Solesme, Tournai sắp xếp, trình bày. Desclée et Cie 1956 (671 trang thêm 103 trang mục lục)... Về chữ "laic" theo Giáo hoàng Piô XII, xem hai bài diễn văn của ngài đọc nhân các cuộc đại hội tông đồ giáo dân thế giới, 5-10.1957.
[4] Piô XII, các diễn văn tại đại hội thế giới lần thứ hai về tông đồ giáo dân (15-10-1957) A.A.S 49, 1957, trang 922..

Thế kỷ thứ Nhất và thế kỷ thứ Hai Khai sinh của một hàng ngũ giáo dân Chương I Thời vàng son, khi không có giáo sĩ, cũng không có giáo dân




Thế kỷ thứ Nhất và thế kỷ thứ Hai

Khai sinh của một hàng ngũ giáo dân


Chương I

Thời vàng son, khi không có giáo sĩ,
cũng không có giáo dân

Trước hấp lực của ánh sáng thời sơ khai của Giáo Hội, giáo dân có thể cảm thấy say sưa choáng váng bởi một vài chân lý. Nhưng, như thân phận "hồn bướm mơ tiên", say sưa đến gần ngọn đèn đang cháy sáng, mãi bay lượn nhỡn nhơ không khéo có lúc phải cháy rụi đôi cánh mình. Ánh sáng não nề và ác độc chăng! Khi quay trở về nguồn, người kitô hữu sớm nhận ra rằng trong Tân Ước không tìm thấy dấu vết nào về giáo dân, cũng không có từ ngữ đó ở trong ấy! Lại cũng chẳng có dấu vết của bất cứ một thực thể nào giúp ta du di, đối chiếu được với sự kiện giáo dân ngày hôm nay! Mặt khác, phần nhiều những yếu tố ngày nay giúp ta định nghĩa giáo dân như một hàng ngũ cá biệt, thì lại không thấy có ở trong những bút ký của Tân Ước; chưa kể đến việc Tân Ước minh nhiên nói ngược lại tính cách phân loại nầy.

Đức Kitô, Thầy Cả Thượng phẩm
và sự chống đối hàng giáo sĩ của Chúa Giêsu.
Đức Kitô đã tự đặt mình lên trên tất cả những gì có thể dẫn đưa đến việc chia phân, xếp loại hoặc tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người được Thiên Chúa mời gọi, trong bối cảnh xã hội Do thái đương thời. Ngài khước từ những tiền kiến cố hữu của xã hội đến nỗi gây nên tình trạng ngỡ ngàng khó chịu; Ngài chung bàn ăn với người Publicanô, giao thiệp với người Samaritanô, chuyện trò với những phụ nữ có tai tiếng, dám lên tiếng trước giáo quyền đương thời đến độ có thể nguy cơ đến tính mạng. Làm sao một thái độ như thế lại có thể dẫn đưa Ngài thiết lập trong tương lai những giai cấp kitô hữu khác nhau được? Và quan trọng hơn hết, phải chăng Đức Giêsu có thể được xem như người chống báng lại giáo quyền trong khuôn khổ của xã hội Ngài đang sống? Còn có gì cao hơn hoặc khác lạ hơn thế chăng?
"Nếu Đức Giêsu lại ở trong thế gian, thì hẳn Ngài cũng không có chức Tư tế, bởi đã có những người tiến dâng lễ vật chiếu theo Lề luật" [1]. Thư gửi tín hữu Do Thái đã cho chúng ta biết như vậy, nhưng cũng chính thư đó, lại minh định rằng Đức Kitô là Thầy Cả Thượng phẩm duy nhất trên trời. Thật vậy, Đức Giêsu "sinh tự dòng dõi Giuđa, một dòng họ mà Môisen bàn về Tư Tế đã không nói gì đến" [2], như thế Ngài đứng bên ngoài khuôn khổ của sự phân cách hàng tư tế với giáo dân. Đúng thế, Ngài giảng dạy trong các nhà hội [3], ăn uống với những giáo dân đạo đức, những người Pharisiêu chẳng hạn [4], nhưng việc đó không ngăn trở Ngài khiển trách ngay những người Pharisiêu đó, và những Luật sĩ đã cất đi chìa khóa mở đường hiểu biết [5]. Ngài dạy trong Đền Thánh, nhưng cũng chính nơi đây, Đức Giêsu đã một lần xử dụng bạo lực: chính Ngài đã đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền Thánh nầy [6]. Và khi đội ngũ cao cấp nhất của hàng tư tế và giáo dân, khi những Thầy cả Thượng phẩm và những bậc niên trưởng trong dân hội lại để chất vấn Ngài."Bởi quyền lực nào mà Ông làm điều đó?" Ngài từ chối trả lời và đã bắt họ trở về tự vấn lại lương tâm [7]. "Hãy coi chừng những Luật sĩ ưa lui tới xum xoa phẩm phục, ưa được cúi chào trong các công trường, ưa chiếm chỗ cao trọng trong các yến tiệc" [8]. Lời nhắn nhủ đó phải chăng phải được xem như lời giáo huấn "có tính cách chống báng lại giáo quyền?" Ở đây cũng nên ghi nhận thêm rằng những Luật sĩ, những nhà thông thái thường là giáo dân chứ không thuộc hàng giáo sĩ, và họ cũng có thể xuất thân từ hàng dân giã thông thường. Trở thành Luật sĩ hẳn là một dịp may để ngoi đầu lên khỏi giai cấp cố hữu của mình. Chúng ta có một thí dụ điển hình là chuyện ông Hillel, xuất thân là người hành khất, đã trở thành một trong những bậc thầy nổi danh nhất của Israel. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng các luật sĩ không hẳn luôn luôn thù nghịch chống lại Đức Giêsu. Theo các thánh sử Maccô và Matthêu, chúng ta biết được rằng một vài luật sĩ đã có thể trở lại theo Đức Kitô [9]. Thực ra, Đức Giêsu không nhằm chống đối hay bênh vực giới giáo dân hay hàng ngũ giáo sĩ đương thời, và cũng không chống đối hay bênh vực một giai cấp xã hội nào. Tiên quyết, Ngài thống mạ các thái độ và chối bỏ tất cả những quyền lực của con người trần thế tự cho là tuyệt đối, dù quyền lực đó phát sinh do phú quí, do lễ nghĩa hay là do chính cả tài trí của con người, "và người ta đã hết sức ngạc nhiên về lời giảng dạy của Ngài, bởi vì Ngài giảng dạy như người có quyền năng và không phải như các luật" [10].

Cộng đoàn lý tưởng:
Tình huynh đệ và việc để chung của cải
Thời các thánh Tông đồ Công vụ nhấn mạnh một cách tích cực tình trạng không giai cấp, không chia phân ở bên trong các cộng đoàn kitô hữu. Để mô tả những nhóm nầy, sách Công Vụ nhấn mạnh đến việc cộng thông hài hòa giữa các phần tử khác nhau: "Đám đông tín hữu chỉ có một tấm lòng, một linh hồn. Không ai còn nói cái gì mình có là của riêng mình, nhưng giữa họ với nhau, tất cả là của chung" [11]. Một vài thủ bản còn muốn nhấn mạnh thêm "Đám đông tín hữu chỉ có một tấm lòng, một linh hồn, và giữa họ với nhau không có một sự phân biệt nào cả", hoặc một sự "cách ly", "để riêng của cải" nào. Ngay nơi những người mới trở lại, cũng thấy có sự nhấn mạnh đến sự hiệp nhất nầy: "Họ tỏ ra chuyên chú học hỏi lời giáo huấn của các Tông đồ, trung thành với sự hiệp thông huynh đệ, với công việc bẻ bánh và cầu nguyện" [12]. "Tất cả các tín hữu cùng nhau góp tất cả của cải làm thành của chung: Họ bán đất đai, nhà cửa và của cải và chia cho nhau của bán được tùy theo nhu cầu của mỗi người" [13]. Không có gì cho thấy cộng đoàn lý tưởng phân cấp về mặt siêu nhiên. "Những tín hữu" tất cả đều được xử đối bình đẳng với nhau.
Sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta hay là chính tại Antiochia, các môn đồ lần đầu tiên nhận danh hiệu "Kitô hữu" [14]. Lúc ban đầu, từ ngữ đó dường như đã không được chính những người kitô hữu xử dụng bao nhiêu. Họ tự nhận mình là "môn đồ" [15], hoặc "tín hữu" [16] một cách đơn giản như vậy thôi. Điều làm cho người ngày nay ngỡ ngàng và có lẽ khó chịu hơn cả, là thói quen xưng hô nhau bằng "thánh"do các người tín hữu đầu tiên. Họ gọi nhau như thế, một cách hồn nhiên, không chút lưu tâm đến hình thái, cấp độ của sự "thánh thiện" đó. Sách Tông đồ Công vụ cũng như các thư của Thánh Phaolô cho ta nhiều thí dụ về cách xưng hô nầy. Không phải chỉ là cộng đoàn Giêrusalem là cộng đoàn "thánh"mà thôi, mà còn có các thánh ở La Mã [17], ở Corinthô, và ở cả toàn vùng Achaia [18]. Sự "thánh thiện"chứa chan trong toàn cộng đoàn và lan tràn đến con cái - dù chỉ một trong hai thân là kitô hữu [19]. Không có giáo dân trong giáo đoàn đó, bởi lẽ tất cả đều được gọi làm thánh. Tất cả đều là đồng hương, đồng cư của các thánh [20] và quyền công dân thánh đó vượt lên trên, bức bỏ những biên giới của quốc gia, đô thị cũng như của các cộng đoàn địa phương lúc bấy giờ. Khi biên thư cho giáo đoàn Corinthô, thánh Phaolô gửi đến "những kẻ đã được thánh hóa trong Đức Giêsu Kitô, đã được gọi làm thánh cùng với bất cứ những ai, dù ở nơi đâu, khi họ kêu tên Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, Chúa của họ và của chúng ta"[21].

Dân được chọn, dân của hàng Tư tế?
Chỉ có một Chúa, một sự tuyển chọn, một sự thánh thiện. Nơi những kẻ thừa kế (klèronomoi) của lời hứa ban cho Abraham "không còn có Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà" [22]. Klèros trong nguyên tự Hy Lạp nhằm chỉ là số, dụng cụ dùng để bắt thăm. Nghĩa rộng, từ ngữ này được dùng để chỉ số trúng, phần hưởng được trong cuộc bắt thăm, dầu cho số trúng đó có tính cách vật chất (như một phần gia sản, đất đai, ruộng vườn nhằm lập cư) hoặc nó là một qui chế hay trách vụ xã hội. Cũng vì thế mà sau khi rút thăm, Matthias sẽ nhận klèros lá số của vị tông đồ thứ mười hai bị khuyết và sẽ thay chân Giuđa. Nhưng ngoài số "trúng" hoặc những trách vụ cá biệt, còn có một số trúng chung cho tất cả những môn đệ của Đức Kitô.
Trong thư gửi giáo đoàn Colôsê, thánh Phaolô nói đến "klèros của các thánh" (=phần số chung cho kitô hữu) [23]. Sách Công vụ, qua lời thánh Phaolô, đã hai lần nhắc lại từ ngữ "gia nghiệp" (klèronomia) khi nói đến (tất cả) những người được thánh hóa [24]. Kitô hữu đã được tái sinh bởi Đức Kitô "để hưởng gia nghiệp không hư nát, không tì ố và không bị héo tàn" [25]. Thánh Phaolô nói với cộng đoàn Galata: "Nếu anh em thuộc về Đức Kitô, anh em phải là hậu duệ của Abraham, người thừa kế (klèronomoi) theo như lời hứa" [26]. Nơi kitô hữu, vinh dự "kẻ được tuyển lựa"là vinh dự được chia ban tràn đều hơn cả. Trong Đức Kitô, kitô hữu đã được "tuyển chọn riêng ra" (klèronomoi), được chỉ định từ trước [27]. Thánh Phaolô ý thức sâu xa rằng việc tuyển chọn nầy trói buộc những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn "các thánh của Ngài, những kẻ Ngài sủng ái" (Galata 2,12) phải sống xứng đáng [28], nhưng việc Thiên Chúa tuyển chọn kitô hữu lại được thánh Phaolô đặt trước việc tạo dựng nên thế gian [29]. Ở đây không nhằm phân biệt ơn gọi với sự tuyển chọn, cũng không nhằm tìm xem rồi ra ai sẽ được hưởng gia nghiệp Vương quốc đời đời của Thiên Chúa, nhưng chỉ muốn nhắc đến tình cảm sống động nơi kitô hữu khi cùng nhau trở thành kẻ thừa kế chung của Đức Kitô, và đồng thời từ đó cấu thành một số mệnh đặc biệt ngay khi được ấn dấu bởi Chúa Thánh Thần, Đấng ban lời hứa. Đây vừa là một nền Thần học về ân sủng, lại vừa là một tình cảm trong việc thông dự vào một nhóm, là tuyến lộ của một đường ranh giới, và điều biện minh cho việc thông dự vào số mệnh đặc biệt đó, hẳn không phải là một chức vụ nào trong việc điều hành, hoặc quản trị, cũng không phải là một cấp độ khả quan trên đường thánh thiện, cũng không phải là một công trạng đặc biệt nào, nhưng là việc thông dự vào dân Chúa. Câu hỏi đặt ra là bởi ai, "klèros" số mệnh nầy được cấu thành? Thư thứ nhất của thánh Phêrô trả lời rằng không phải do những kẻ niên trưởng có phận sự chăn dắt đoàn chiên, nhưng do chính đàn chiên đó [30].

Kitô hữu, là Vua, là Tư tế, là Tiên tri
Trong Tân Ước, từ ngữ "klèros" lại được áp dụng cho toàn dân Chúa (peuple fidèle), chứ không dành riêng cho những thừa tác viên. Còn danh từ thường dùng trong Do thái giáo và trong truyền thống thế giới ngoại giáo, nhằm để chỉ các vị Thầy cả, Tư tế = hiéreus, thì trong Kitô giáo, những sự kiện rõ rệt cho thấy có một sự khác biệt rất xa: Không bao giờ chữ nầy được áp dụng cho các thừa tác viên, nhưng chỉ áp dụng cho Đức Kitô hoặc cho toàn cộng đoàn dân Chúa [31]. Một lần nữa, thư thứ nhất của thánh Phêrô giúp ta có bản văn minh nhiên nói về đề tài nầy: "Anh em (những tín hữu), anh em là một giống dân được tuyển chọn, một hàng Tư tế Vương giả, một dân tộc thánh, một dân mà Thiên Chúa đã dành riêng cho Ngài ... "Tín hữu phải sẵn sàng xây dựng tòa nhà thiêng liêng, "thành hàng Tư tế thánh thiện, nhằm tiến dâng những lễ vật thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa bơi "Đức Kitô" [32]. Là kẻ đồng bào, đồng hương với các thánh, kitô hữu là Nhà của Thiên Chúa, một đền thánh (Eph 2,20-22), một nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần. Thánh Phaolô khuyến khích họ hãy thờ phượng Chúa bằng nghi lễ thiêng liêng (Rom 12,1). Đức Kitô đã khai mở một đường lối mới qua bức màn che (Heb 10,20): Có nghĩa rằng, những ai đã được thánh tẩy trong Đức Kitô đều được gọi để theo Ngài đi sâu vào nơi cực thánh của đền thờ, hầu dâng lên Thiên Chúa một sự phụng thờ linh thiêng, và đó là sự phụng thờ chân thật.
Chức vụ Tư tế, vị Tư tế thực sự chỉ dành cho Đức Kitô, chính Ngài thông ban điều đó cho tất cả kitô hữu. Trong những cộng đoàn của thế kỷ đầu tiên, không có một chức vụ tư tế độc lập được hành xử bởi một hàng ngũ hay một thừa tác viên đặc biệt. Tân Ước không cho thấy có một hàng ngũ giáo dân, nhưng một dân, một dân thánh, một dân được tuyển chọn, một dân riêng, một klèros toàn thể cùng hành xử một chức Tư tế Vương giả, kêu gọi mỗi người trong cộng đoàn phượng thờ Thiên Chúa bằng một nghi lễ chân thực trong tâm linh. Đi tìm một nền thần học về hàng ngũ giáo dân trong các văn bản Tân ước là việc làm hoài công: sẽ không tìm ra giáo dân, cũng như linh mục theo nghĩa con người cá biệt cụ thể như ngày nay người ta thường hiểu. Phần gia nghiệp còn giữ lại tình trạng chưa phân ly ở giữa những người thừa kế, dân Chúa sống ơn gọi làm người tín hữu trong hình thức tập đoàn, số mệnh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân Ngài từ Abraham, và đã ân ban cho họ trong Đức Kitô, không phải là một đối vật để chia phần. Những kỳ mục, những bậc niên trưởng nầy, hẳn không có tên là linh mục, không nhằm quản lý phần số gia nghiệp nầy như đấng bậc làm chủ, làm thầy, nhưng các vị ưu lo làm sao trở nên gương mẫu giúp cho "klèros"dân riêng của Chúa sống đúng thân phận mình như là một dân được tuyển chọn.




Bổ sung cho nhau các ơn thánh.
Cùng chung mang một chức tư tế, một ơn gọi duy nhất để nên thánh, một sự tuyển chọn mà thôi, nhưng sự kiện đó lại không ngăn cản tình trạng đa biệt của các ơn thiêng liêng. Đối với những người đã chịu phép thánh tẩy, ơn được nói những điều thông thái, khôn ngoan, những chân lý đức tin, ơn chữa lành bệnh hoạn, quyền được phép làm phép lạ, ơn được nói nhiều ngôn ngữ, ơn giảng giải Lời Chúa [33], tất cả đều là những sự kiện khả dĩ biểu lộ việc Dân Chúa được tuyển chọn. Những ơn đặc biệt đó đều đã xảy đến và được thừa nhận trong cộng đoàn, nhưng chúng chỉ nhằm phục vụ công ích và sự tương liên, nối kết tất cả anh em lại với nhau.
Bên cạnh những kẻ được ơn nầy ơn kia đặc biệt như thế, phải chăng còn có một lớp người tín hữu bình thường, thụ động? Có lẽ có tình trạng đó; ta thử đọc lại các thư thánh Phaolô khi ngài nói đến những người có ơn nói tiếng lạ, như sau: "Nếu con chỉ chúc tụng Chúa trong tâm trí con, làm sao người đang ở trong hàng ngũ của kẻ phàm phu (idéotes) đọc được "Amen" tiếp theo lời tạ ơn của con, bởi người đó không biết con đang nói cái gì? [34] Dường như việc đó đã xảy ra trong bối cảnh buổi hội của anh em kitô hữu [35]. Sự kiện những người phàm phu nầy chiếm một chỗ riêng trong buổi hội có thể cho thấy rằng tình trạng đó rất phổ quát và được chính thức chấp nhận. Theo văn bản của bức thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corinthô 11,6, thánh Phaolô tự coi mình như tầm thường (idiotes) trong tài hùng biện, nhưng không phải tầm thường trong việc hiểu biết; thì trái lại trong cũng chính bức thư đó, đoạn 14, chữ "idiotai" lại ngụ ý chỉ những kẻ phàm phu, nghĩa là người thường, nói một cách chung chung. Như thế, những kẻ phàm phu "idiotai" nầy là ai mà chiếm một chỗ riêng và chỉ biết trả lời "Amen" Phải chăng đó là những cảm tình viên chưa trở lại? Những kẻ dự tòng? Hoặc họ chỉ là những tín hữu thông thường không được ơn gọi gì đặc biệt; và như thế phải chăng ta có quyền liên tưởng đến việc cho rằng họ là những kẻ đầu tiên manh nha hàng ngũ giáo dân, khi ta định nghĩa giáo dân như người không có chức vụ gì đặc biệt trong việc thờ phượng? [36] Cũng có thể là như thế. Phải chăng chúng ta cũng đã được nhắc nhở rằng không phải mọi người đều làm phép lạ và có ơn chữa lành bệnh tật, không phải ai cũng nói được tiếng lạ và giảng giải Lời Chúa [37]?
Thật ra, tất cả những ơn đó được ban cho để qui hợp anh em, để xây dựng sự triển nở chung, và tùy vào lợi ích của cộng đoàn mà những ơn nầy được phân cấp. Đây không phải là việc phân cấp dựa trên quyền hành hay tình trạng thánh thiện, nhưng đây chỉ là sự sắp xếp nhằm chu toàn công cuộc phục vụ. Khi không có ai giải thích lời Chúa, những kẻ có ơn nói tiếng lạ có thể tự nói với mình hoặc hàn huyên với Thiên Chúa bên trong tâm hồn mình, trong trường hợp nầy ơn riêng của họ không còn quan trọng chi cho cộng đoàn. Nếu thánh Phaolô có cho rằng một vài ơn cao hơn các ơn khác, và nếu ngài có phân biệt trước hết là các Tông đồ, thứ đến các Tiên tri, thứ ba các người thông thái, sau đó là các phép lạ, ơn chữa bệnh tật, ơn trợ giúp, ơn điều hành cai quản và sau hết ơn nói tiếng lạ [38], tất cả cũng chỉ dựa vào công việc phục vụ mà các ơn ích trên đem lại trong việc xây dựng cộng đoàn. Và cũng chính vì trong thâm tâm ngài, chỉ có thể có một hệ cấp là hệ cấp nhằm phục vụ, nên ngài mới đưa Đức ái lên trên tất cả các ơn ích [39].
Một lần nữa, ta thấy lại tính cách  nghịch thường trong Kitô giáo: Ơn thiêng liêng phổ quát nhất, khó định nghĩa nhất mà kẻ thụ hưởng lại không vì thế được ban cho một địa vị, chức vụ, một qui chế, một sự nhìn nhận đặc biệt nào trong cộng đoàn, ơn đó lại được đặt lên trên tất cả các ơn khác. Những kẻ được các ơn cá biệt lại không được quên điều nầy. Người nói tiên tri, cũng như kẻ phục dịch, người giảng dạy cũng như kẻ ủi an, người bố thí cũng như kẻ lãnh đạo hoặc kẻ làm việc từ tâm: Tất cả phải tránh tự mãn kiêu căng, bởi lẽ tất cả là chi thể của nhau (Rom 12). Việc phải bổ sung cho nhau những ơn đặc biệt, việc chung mang trách nhiệm trong ân sủng của Chúa, đã được thư thứ nhất của Thánh Phêrô đặt thành nguyên tắc, mà không cần dùng đến lối so sánh thông thường qua hình ảnh các chi thể của thân xác: "Mỗi người tùy vào ơn riêng nhận được, anh em hãy sẵn sàng phục vụ nhau, như những người quản lý tốt chu toàn một ân sủng đa biệt (une multiple grâce) của Thiên Chúa" (1P 4,10).

Tình trạng đa biệt của các chức vụ.
Các Tông đồ mười hai vị, bảy vị, các tiên tri và các nhà thông thái, các vị ghi chép, chú giải Phúc âm, các mục tử, các vị niên trưởng, các chấp sự và các giáo chủ..."Những tước vị đa biệt được liệt kê trong Tân Ước đáng làm ta ngạc nhiên. Nhưng tước vị có luôn thiết định chức vụ hay không? Thư thứ nhất gửi cho Timothê nói đến "những ai ao ước nhận rách nhiệm giáo chủ"(1Tim 3,1); nhưng trong thư đó cũng lại cho ta thấy có "những vị niên trưởng hành xử toàn hảo việc lãnh đạo ... nhất là những vị đã khó nhọc để loan báo Tin Mừng và thuyết giảng". Như vậy các chức vụ của các vị niên trưởng có thể rất đa biệt. Trong thư gửi giáo đoàn Roma; khi liệt kê nào là những kẻ nói tiên tri và những kẻ phục dịch, những kẻ ủi an, những kẻ giảng dạy, những kẻ ban phát của cải, những kẻ lãnh đạo hoặc những kẻ làm việc từ tâm (Xem Rom 12), thánh Phaolô muốn nói đến ai đây? Tại sao tước vị của họ lại không được nêu lên, phải chăng vì phận vụ phải làm quan trọng hơn tước vị? Cũng tương tự như thế, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thessalonica, những kẻ lao nhọc ở giữa anh em kitô hữu, những kẻ cầm đầu cộng đoàn trong Chúa và những kẻ sửa dạy răn đe, những kẻ đó là ai? Ngay cả trong những thư Mục vu, dầu việc mô tả tình trạng tổ chức của Giáo Hội đã đạt đến giai đoạn khá qui mô, chúng ta biết được gì về Timothê? Timothê là con của Phaolô trong đức tin (1Tim 1,2; 2Tim 1,2), ngài phải là một người đầy tớ tốt lành của Đức Giêsu Kitô (diakonos) và là một môn đồ trung thành với đạo lý lành thánh (1Tim 4,7), ngài có được một ơn siêu nhiên ban xuống cho ngài nhờ lời tiên tri với việc đặt tay của hàng niên trưởng (1Tim 4,14), Ngài chắc hẳn phải hành xử những trọng trách điều hành (1Tim 5) và giảng dạy (1Tim 6), hẳn Ngài cũng phải thi hành công việc của kẻ rao giảng Phúc âm và chu toàn thừa tác vụ của Ngài (diaconia) (2Tim 4,5). Như vậy Ngài có phải là Tông đồ vì có tương giao với thánh Phaolô chăng? Ngài là người chú giải Phúc âm, là tiên tri thể theo ơn siêu nhiên ban cho ngài? Là niên trưởng vì đã được đặt tay? Là giáo chủ vì chức vụ chăn dắt? Là nhà giảng thuyết dựa vào chức vụ giáo huấn?- Tác giả của các bức thư Mục vụ đã không gán cho ngài một tước hiệu nào trong các tước hiệu vừa nêu. Thế thì ... thế thì có nghĩa rằng công tác phải chu toàn và phong cách phải chu toàn công tác, việc phục vụ cộng đoàn, đáng được lưu ý hơn tước hiệu rất nhiều. Dĩ nhiên Timôthê không phải là bất cứ ai, cũng không phải là một kitô hữu bình thường, nhưng trước hết ngài phải là người anh em đối với cộng đoàn kitô hữu và là cộng tác viên của Thiên Chúa (1Thes. 3,2).
Công tác phải chu toàn là điều đáng kể hơn cả; và nếu dần dà xuất hiện ý tưởng đòi buộc một vài thành phần của cộng đoàn phải trở nên toàn hảo hơn (giáo chủ - trong thư thứ I - Tim 3,2) và xứng đáng hơn (chấp sự - 1Tim 3,8), thì không phải mục đích là nêu lên tước vị, ngụ ý nói đến việc tham dự vào một phẩm cấp biệt đãi, nhưng là kêu gọi việc thực hiện công tác lành thánh (1Tim 3,1), tự nó đòi buộc một vài phẩm cách cần phải có.

Những công tác của nữ giới trong cộng đoàn tiên khởi
Chính các phụ nữ vào thời tiên khởi của Giáo Hội - và có lẽ đó cũng đã là một dấu chỉ cho tương lai - minh chứng tính cách khả phân của chức vụ, qui chế và tước vị trong Giáo Hội.
Nếu ai muốn tìm trong Tân Ước những thí dụ về thừa tác vụ dành cho nữ giới, họ sẽ lưu ý ngay đến mục nói về các bà góa trong thư thứ nhất gửi Timothê. Thực ra, trong trường hợp các bà góa, trước hết phải coi đây như một qui chế được biện minh bởi một tình trạng cá biệt: tình trạng cấp bách. Người đàn bà góa thật sự trước hết phải là người không còn có một gia đình nào khác để họ trông chờ sự giúp đỡ (1Tim 5,3-5). Những bà góa phải tự tỏ ra hết sức chính đính; nhưng ở đây ta cũng không rõ yêu sách nầy phải là một đòi hỏi đương nhiên do qui chế đặt ra, hay chỉ là mức độ lý tưởng nêu lên để đương sự hướng đến. Chức vụ của bà góa cũng không thấy có gì độc đáo, khác thường: bà phải ngày đêm chuyên cần cầu nguyện. Người ta cũng nhắc đến những công tác khác liên quan đến cuộc sống bà góa: là phải nêu gương đạo hạnh, dạy dỗ con cái, làm việc cứu tế, rửa chân các thánh, giúp đỡ kẻ khốn cùng và thực hiện các việc từ tâm khác (1Tim 5,10). Nhưng cũng cần lưu ý điểm nầy: tất cả những công việc đó thật ra là những bổn phận hằng ngày của bà với tư cách là một nữ kitô hữu thông thường trước khi được qui chế công nhận. Khi đã được công nhận, dĩ nhiên là sẽ tiếp tục chu toàn các việc thiện đó; nhưng việc nầy không có nghĩa rằng những công tác như vậy phải được dành riêng cho bà do bởi qui chế nầy, dầu qui chế đã làm cho bà khác biệt với quần chúng kitô hữu thông thường; ngay cả việc cầu nguyện, thì đó cũng là sinh hoạt thiết yếu, cơ bản của bất cứ kitô hữu nào. Ở đây, sự cá biệt của tước vị đã không hàm ngụ tính cách cá biệt của chức vụ phải làm.
Ngoài ra, nhiều chức vụ cần thiết cho cuộc sống cộng đoàn đã do nữ giới đảm đang, nhưng không vì thế hàm ngụ việc đòi buộc phải có một tước vị, qui chế gì đặc biệt phân cách họ với các phụ nữ kitô hữu thông thường. "Ở Jopppée, một bà tên là Tabitha làm nhiều việc thiện và hay bố thí của cải, may áo dài, áo khoác nhằm phân phối cho anh em (Cv 9,36-39). Maria, mẹ của Gioan Marcô, đã mở cửa mời đón kitô hữu ở Giêrusalem hội họp trong nhà bà (Cv 12,12). Lydia, người đàn bà bán tơ lụa quí giá tại thành phố Thyatire, nài ép thánh Phaolô và các bạn đồng hành trú ngụ tại nhà mình [40]. Ngoài những việc phục vụ liên quan đến tài vật bên ngoài, các bà, như bà Tryphêna, dường như còn tham dự vào việc loan truyền Phúc âm (Rom 16,12). Một phụ nữ khác, bà Priscilla, lại cùng chồng chia sẻ tước vị cộng tác của thánh Phaolô (Rom 16,3). Bà theo gót thánh Phaolô trên đường truyền giáo (Cv 18, 18-19) và cùng chồng lo hoàn thành việc dạy dỗ cho Apollos (Cv. 18,24;19,1) [41].
Những công tác các bà đã làm cũng quan trọng để đáng được xem là những thừa tác vụ thật sự, dầu công tác đó không do một tước vị hay một qui chế nào rõ rệt phân định. Những nữ trợ tá (= thừa tác viên phụ nữ) không hề thành lập một hàng giáo sĩ, một hệ cấp riêng, nhưng hội nhập hài hòa vào trong cộng đoàn dân Chúa. Vì thế, thư thứ nhất gửi cho Timothê, khi ám chỉ đến những thừa tác viên phụ nữ, có thể so sánh với các vị trợ tế (diakonoi), lại không cho họ một tước vị gì đặc biệt, nhưng chỉ nhắn nhủ họ rằng "Các phụ nữ cũng thế, phải chính đính, không đa ngôn ác khẩu, chừng mực và trung tín trong mọi sự" (1Tim 3,11). Tuy nhiên, noi gương bà Phêbê, người bảo trợ cho các kitô hữu và cho thánh Phaolô, cũng có thể có những bà đã đòi hỏi cho được một tước vị tá viên, tước vị diakonos (XemRoma 16,1-2). Nhưng nếu đôi khi thừa tác vụ có gợi lên sự trọng vọng, thì trong trường hợp nầy không có gì cho thấy bởi tước hiệu đó những phụ nữ trên được nâng lên một cấp bậc tách biệt họ ra khỏi cộng đoàn. Trong lúc đó, các nam trợ tế chu toàn chức vụ mình "được ở vào một hàng ngũ đáng trọng vọng" (1Tim 3,13); một sự cân nhắc như thế, dường như không thấy có trong giới phụ nữ.
Cũng phải lặp lại lần nữa rằng, ngay dựa vào các Thư Mục vụ, trong trường hợp những chức vụ mà nam giới đảm đương, công việc phục vụ vẫn quan trọng hơn tước vị danh dự. Nhưng, liên quan đến những chức vụ do phụ nữ đảm trách, cần phải chân nhận có sự hiện hữu đó, ngoài ra không một tước vị hoặc một đẳng cấp nào tương ứng đi theo. Về sự kiện nầy, tình trạng được mô tả trong các Thư Mục vụ lại khá tương ứng với tình trạng được giáo luật hiện thời nêu lên: "Nữ giới hoàn thành nhiều chức vụ, tương tự như các chức vụ của nam giới, nhưng họ không thể nhận những thừa tác vụ tương ứng được định chế hóa. Họ dễ dàng được phép đọc Thánh thư trong Thánh lễ, phân phát Mình Thánh Chúa, nhưng không được phép chịu chức đọc sách, hoặc chức giúp lễ [42]. Nhưng, hãy trở lại với bức thư thứ nhất gửi Timothê. Trong đó còn đi xa hơn: dường như không những phụ nữ không được mang một vài tước hiệu, mà họ lại còn bị cấm chỉ không được nhận một vài chức vụ nữa; phụ nữ phải giữ im lặng, không được giảng dạy và ra luật cho đàn ông (1Tim 2,12). Điều nầy xem ra mới lạ, mâu thuẫn với việc chúng ta biết về những phụ nữ như Prisca hoặc Tryphêna. Huấn chỉ nầy, cũng như lời chỉ giáo trong thư thứ 1Cor 14,34, dạy phụ nữ giữ im lặng trong công hội, đi ngược lại chứng cứ của thánh Phaolô về những phụ nữ nói tiên tri (1Cor.11,5), và những gì chúng ta biết được về các người con gái của Philippe (Cv. 21,9).
Không thể chối cải được rằng sự kiện nầy dễ dấy lên một mối bất đồng giữa những người kitô hữu.

Lý tưởng và thực tế trong những cộng đoàn kitô hữu đầu tiên.
Vào thời kỳ của các Thư Mục vụ, cũng không hề thấy có giáo sĩ, cũng như không thấy có giáo dân, tuy nhiên bối cảnh lý tưởng được Sách Công vu mô tả đã không còn nữa. Việc bỏ chung của cải trước đây được nhấn mạnh, nay không còn thực thi toàn diện và phổ biến rộng rãi. Tình trạng nầy giải thích một phần nào lý do có những lời chỉ dạy liên quan đến việc trợ cấp của các bà góa. Rõ ràng đã có sự phân biệt và chia cách giữa những người kitô hữu. Từ một cộng đoàn mà mỗi thành phần tự coi nhau là thánh, chúng ta bước đến một cộng đoàn lưu tâm đòi hỏi sự chính đính tốt lành của một vài phần tử; việc đó cho phép ta mường tượng suy ra sự hiện hữu của các cấp độ của sự "tốt lành" nầy. Ngày trước dân Chúa được chân nhận như một dân được chọn, được đãi ngộ đặc biệt, được chỉ định và được tuyển lựa do tự ý thích của Thiên Chúa, thì nay giữa các cộng đoàn "Một vài phần tử bắt đầu sở đắc một phẩm cấp đáng trọng vọng". - Ngày trước trong cộng đoàn dân Chúa, tất cả đều là tư tế và được kêu gọi để dâng lên Thiên Chúa sự tôn thờ linh thiêng, thì nay người ta bắt đầu hình dung sự tôn thờ linh thiêng đó trong kinh nguyện ngày đêm của bà góa, như phải gắn liền với một qui chế. Hàng giáo sĩ chưa được khai sinh ra, nhưng những chức vụ, những tước hiệu, những qui chế cá biệt đã xuất hiện. Từ nay, cuộc sống cộng đoàn đã vạch ra những ranh giới giữa anh em với nhau. Manh nha phát sinh một vài nhóm người chỉ bằng lòng với vai trò thụ động. Những kẻ phàm phu -idiotai- ít tài cán, có thể vì chưa nhận lấy Chúa Thánh Linh, hoặc không được những ơn ích biểu lộ tràn đầy ra bên ngoài - nên được xếp ở vào một chỗ riêng trong công hội. Còn phụ nữ thì phải giữ miệng làm thinh và không được giảng dạy, cũng như không được nhận những chức vụ điều khiển. Phải chăng đó là dấu hiệu tiên đoán sự hình thành một tập thể kitô hữu, thông thường và trước hết phải được định nghĩa như là một khối người tiêu cực và thụ động?




[1] Heb. 8,5.
[2] Heb. 7,14.
[3] Mt. 4,23.
[4] Lc. 11,37.
[5] Lc. 11,5.
[6] Mt. 21,12-13.
[7] Mt. 21,23.
[8] Mc. 12, 38-40.
[9] Mc. 12,28-34; Lc. 10,25tt; Mt. 13,52.
[10] Mc. 1,22.
[11] Cv. 4,32.
[12] Cv. 2,42
[13] Cv. 2,44-45.
[14] Cv. 11,26.
[15] Cv. 6, 1; 7, 7; 9, 1; 10, 9.
[16] Cv. 10,45; Eph. 1,2; Col. 1,2
[17] Rom. 1, 7; 16, 15.
[18] 1Cor. 1,1.
[19] 1Cor. 7,14.
[20] Eph. 2,19.
[21] 1Cor. 1,2.
[22] Gal. 3,28-29.
[23] Col 1,12.
[24] Cv. 20,32 và 26,18.
[25] 1P. 1,5.
[26] Gal 3,29.
[27] Eph. 1,11.
[28] Chứng cứ gián tiếp, xem Giacôbê 2,5.
[29] Xem Eph. 1,4.
[30] 1P. 5, 1-3.
[31] Khải Huyền 1, 5b và 6; 5,9 và 10.
[32] 1P. 2,20-22.
[33] 1Cor. 12,7-11.
[34] 1Cor. 14,16.
[35] 1Cor. 14,19.
[36] 1Cor. 14,23-24.
[37] 1Cor. 11,29-30.
[38] 1Cor. 12,28.
[39] 1Cor.13.

[40] R. GRYSON, Le ministère des femmes dans l'Eglise ancienne, coll. Recherche et synthèses n. 4, Gembloux, éd. Duculot, 1972, p.22.
[41] Xem R. GRYSON, đã dẫn trang 21-25.
[42] Xem điều 230 Bộ Giáo luật 1983