Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Chương I Khi chính quyền dân su quay về với Chúa Kitô



Từ thế kỷ thứ tư
đến thế kỷ thứ sáu

Những loại Kitô hữu mới





Chương I

Khi chính quyền dân su quay về với Chúa Kitô


Các sử gia luôn thắc mắc về cuộc "trở lại" của Constantinô: Ông có phải là một vị thánh luôn tha thiết đến phần rỗi của mình và Nước Chúa như Êusêbiô thành Césarée mô tả không? hay ông chỉ là một chính trị gia lão luyện biết vận dụng tôn giáo đang đà lớn mạnh vào thời nầy để phục hồi quyền bính tuyệt đối của mình? Ở giữa hai nhận xét cực đoan nầy, tất cả mọi giả thiết cũng đã được nêu lên. Nhưng dầu có đánh giá thế nào về con người đó, thì cũng phải chân nhận rằng thời đại Constantinô đã khai mở ra những quan niệm mới về cơ chế của Giáo Hội. Thông thường, người ta đã thổi phồng những sự kiện sau đây để lên án một cách sai lầm Giáo Hội thời Constantinô: - Nào là khởi phát từ chính thời kỳ nầy, các giám mục hành xử chức vụ mình như những vị lãnh đạo thế tục, - nào là những hiện tượng quyền lực chen chân vào sinh hoạt của các cộng đoàn Kitô giáo, - nào là quan điểm về phẩm cấp và sự thăng tiến cấp bậc trong hàng giáo sĩ trở thành cố hữu của mọi người. Thực ra những sự kiện được xem "là không hay, không tốt"đó đã xảy ra trước thời Constantinô. Tình trạng Kitô giáo được Hoàng Đế thừa nhận chỉ đẩy mạnh việc hệ thống hóa các sự kiện đó mà thôi. Sau cuộc trở lại của Constantinô, từ một tôn giáo được coi là bất hợp pháp Kitô giáo trở thành một tôn giáo được dung nhân, và không bao lâu đã sớm thành một tôn giáo được ưu đãi.
Điều đáng làm ta thắc mắc có lẽ là thái độ khá lạ lùng của Kitô giáo thời nầy: Khi được thừa nhận là quốc giáo nó đã quên đi thời kỳ ngay trước đó, khi Kitô giáo từng kêu gọi các Hoàng đế nên bao dung và đừng chủ trương bách hại, để rồi đến phiên mình, được chính thức nhìn nhận, lại bách hại và bất bao dung.
Khi thần quyền và thế quyền liên kết chặt chẽ với nhau như thế, thử hỏi tình trạng biến đổi đó ảnh hưởng gì đến vai trò của giáo dân trong Giáo Hội? Có nên chủ trương rằng việc trở lại của Hoàng Đế Constantinô đã mở ra một kỷ nguyên mới cho giáo dân trong sinh hoạt của Giáo Hội như một vài tác giả đã quan niệm không? [1] Constantinô đã trở lại sau một chuỗi những biến cố chính trị - tôn giáo phức tạp, có phải vì thế ông trở thành một vị Hoàng đế "giáo dân " đầu tiên trong lịch sử không? Muốn trả lời những câu hỏi nầy, thiết nghĩ nên cân nhắc kỹ lưỡng.

Một vị Chúa tể có thể
trở thành giáo dân không?
Ta nên lưu ý rằng, trong Đế quốc La Mã, không thể nào tách rời chính trị ra khỏi tôn giáo, chúng là hai bình diện của một thực thể xã hội. Cũng vì vậy Tertulianô được xem là đã đi ngược lại với trào lưu tư tưởng còn thịnh hành trong thế kỷ thứ III khi tiên sinh tuyên bố rằng: "Hoàng đế càng đáng được tôn xưng là cao cả, khi ông ta càng tỏ ra thấp kém đối với Trời Cao" [2]. Thật vậy, từ César và Augustô, hào quang thần thánh nơi nhân vật hoàng đế đã trở thành định kiến. Không những hoàng đế được phong thần sau khi băng hà mà ngay cả khi tại vị, ông nầy vẫn được xem là thần minh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào vị nầy vẫn được gọi là "Thiên tử" - hoặc là "kẻ đồng sàng với các Thần Minh". Sau các cuộc khủng hoảng chính trị liên tục xảy ra hoàng đế Dioclétianô muốn phục hồi chính sự đã thiết lập nơi tứ-đại-chế (=tétranchie) dựa vào một lối phân cấp có tính cách thần học: Các hoàng đế được xem là "các Thần Minh của Đại Thần Jupiter", còn các vị "César" thuộc vào hàng ngũ "các vị thần Hercule". Có nên coi việc xử dụng các tước hiệu đó như là một cách xác quyết thông thường về sự hổ trợ của thần minh ban quyền cho các hoàng đế và các vị César, hay đúng hơn phải xem chính các vị đó là hiện thân của thần thánh một khi họ nắm chức vụ lãnh đạo? Và hiện thân của thần thánh chỉ ở với chức vụ lãnh đạo hay vĩnh viễn gắn liền với con người cụ thể của hoàng đế?
Việc thoái vị của Dioclêtianô vào năm 303 cho ta câu giải đáp về thắc mắc nầy: dầu trở về với tình trạng làm công dân thường vị cựu hoàng đế đó cũng sẽ được xếp hàng với các vị thần minh, sau khi chết. Nhưng giải pháp khác thường đó vẫn gây hoang mang cho dân chúng đương thời. Eutrope đã ngạc nhiên về sự kiện nầy và kể lại như sau: "Từ ngày thành lập đế quốc La Mã đến nay Diôclêtianô là người duy nhất, đã từ đỉnh cao danh vọng tự ý trở về với thân phận làm dân. Từ ngày có con người việc nầy chỉ xảy ra cho một mình ông và chưa thấy ai gặp hoàn cảnh như vậy: Ông chết trong cương vị một người thông thường, nhưng lại được xếp vào hàng ngũ các thần minh" [3]. Nếu chỉ hành xử chức vụ hoàng đế dầu tạm thời một người được phong làm thần, thì hẳn nhiên một hoàng đế đương quyền phải được xem là một vị thần thực sự, chứ không phải chỉ là một cách nói tượng trưng. Và như thế, hoàng đế Constantinô từ tình trạng thần thánh làm sao có thể hạ xuống làm thân phận một giáo dân!
Trước hết, ta cần nhấn mạnh điểm nầy: không có một tài liệu nào vào thời đó cho phép ta nói rằng chính Constantinô cũng như người đương thời cho rằng hoàng đế là giáo dân cả. Ngoài ra, ta cũng cần nêu lên thắc mắc, thử xem từ ngữ giáo dân vào đầu thế kỷ thứ IV mang nội dung, ý nghĩa gì? Như ta biết, chữ giáo dân nhằm chỉ - hoặc những kitô hữu đã trưởng thành và là người nam giới - hoặc toàn những người đã chịu phép rửa. Trong khuôn khổ ý nghĩa đó Constantinô chỉ có thể được gọi là giáo dân vào năm 337, nghĩa là vào lúc ông băng hà. Chính ngay lúc lâm chung, Constantinô mới được một vị Giám Mục theo hệ phái Arianô, tên Eusêbiô thành Nicomêdia rửa tội. Mỗi lần can dự các công việc của Giáo Hội, chẳng hạn triệu tập hội nghị các Giám Mục ở Arles năm 314 và Công đồng Nicée năm 325, hoàng đế chỉ nhằm tái lập sự thống nhất của đế quốc đang ỏ vào tình trạng Kitô hóa. Nói cách khác, ông chỉ thật sự can thiệp vào Giáo Hội trong tư cách một vị "Đại đế= Pontifex Maximus" mà thôi.. Dầu vậy, lề lối can thiệp vào Giáo Hội cũng như phương cách thực hiện chính sự của ông quá mới lạ, đến nổi Julianô (được gọi là kẻ bội giáo) đã mô tả ông như sau: "một kẻ canh cải và vi phạm các luật lệ và tập tục tuyền thống đã có từ ngàn xưa" [4]. Còn Êusêbio thành Césarée, thần học gia của vương quyền mới nầy, thì gọi Constantinô là vị Tông đồ thứ 13 hay Giám mục đàng ngoài. Như vậy, suốt tiền bán thế kỷ thứ IV, hoàng đế La Mã không có được sự "may mắn" để được xem như một giáo dân thông thường. Mặt khác, mãi hân hoan về sự chuyển hướng của thời kỳ đặc biệt nầy, Giáo Hội chưa thấy khó chịu trước sự can thiệp và quyền lực của hoàng đế.
Vào cuối thế kỷ, sự việc đã không còn như thế nữa, nhất là tại Tây phương. Những phiền não do cuộc tranh chấp với bè rối Arianô đã thúc đẩy một số Giám mục rút ra bên ngoài vòng thân mật, tương liên với chính quyền đế quốc, nhất là khi thấy chính quyền tỏ ra nhẹ dạ, hời hợt (trong vấn đề đức tin). Hơn thế nữa, hoàng đế lại phải đương đầu với một "linh mục Kitô giáo" có phong cách lạ thường, đó là giám mục Ambrosiô thành Milano [5]. Ít nhất tại Tây phương, hoàn cảnh xem ra khá chín muồi để manh nha quan niệm phân cách tương đối giữa các loại quyền . Dường như vì mệt mỏi với những cuộc tranh chấp liên tục bên trong nội bộ Giáo Hội, hoàng đế Valentianô I (364-375) đã trả lời thẳng thừng như sau với các Giám mục Đông phương đến yêu cầu ông mở một hội nghị: "Trẫm chỉ là một giáo dân, trẫm không có quyền lo đến các việc đó [6]. Và chính vị hoàng đế nầy đã ra chỉ dụ rằng: "Về lãnh vực đức tin cũng như trong bất cứ công việc gì liên quan đến hàng giáo phẩm, người phân xử phải là kẻ có chức vụ ngang hàng và quyền hạn tương tự" [7]. Và ông còn quả quyết thêm rằng việc phân xử những tranh tụng giữa các Giám Mục không thuộc thẩm quyền của hoàng đế. Người kế vị là Hoàng đế Graxianô (375-383) lại từ bỏ tước vị "Đại Đế" (=Pontifex Maximus). Về lý thuyết, ta không còn thấy có trở ngại nào ngăn cản việc xem hoàng đế là một "giáo dân" nữa. Nhưng trong thực tế, tình trạng đó cũng chưa dứt khoát được giải quyết. Khi Valentianô II (383-392) ra lệnh cho người giáo dân xét xử ngài, Ambrosiô đã giận dữ nhắc lại cho vị hoàng đế nầy ý thức những quyết định của cha ông ta là hoàng đế Valentianô I, như sau: "Hỡi hoàng đế rất nhân hậu, ngài đã có khi nào nghe nói rằng trong một vấn đề liên quan đến đức tin, giáo dân có quyền phân xử một giám mục bao giờ không? Có phải vì nghe lời nịnh hót mà ngài khinh khi chúng tôi đến độ quên đi những quyền hạn của chức tư tế, và trao cho kẻ khác đặc ân mà Chúa Kitô đã ban cho tôi hay không? Nếu một giám mục để cho giáo dân lên mặt dạy mình, thì việc gì nữa sẽ xảy ra? Giáo dân sẽ giảng giải và giám mục sẽ có bổn phận phải lắng nghe, và tự nhiên làm kẻ học trò của giáo dân! Nhưng nếu tham vấn lại Thánh Kinh và những thời kỳ đã xảy ra, ai dám chối cãi rằng trong lãnh vực đức tin - tôi nói: trong lãnh vực đức tin - các giám mục thường là kẻ xét xử các hoàng đế Kitô giáo, chứ không phải những hoàng đế Kitô giáo xét xử các giám mục" [8]. Bức thư nầy được viết vào tháng ba năm 368 gửi hoàng đế Valentianô II. Nội dung bức thư chứng minh rõ rệt tình trạng thay đổi trong các mối tương quan giữa thần quyền và thế quyền được thể hiện vào cuối thế kỷ IV.
Giám mục Milanô còn nhắn thêm cho vị hoàng đế trẻ tuổi đầy thiện cảm với nhóm Arianô hay rằng chính ông ta hiện đang còn là dự tòng nên có ít quyền hạn hơn là một giáo dân thông thường nữa là đàng khác. Tuy nhiên, ta đừng lầm lẫn việc nầy: trong nội dung đặc biệt của sự kiện đó, chữ giáo dân chỉ nhằm mô tả những cá nhân hiện đang hành xử một quyền uy thế tục muốn bắt ép Giáo Hội phải phủ phục dưới quyền bính của họ. Nếu trong việc nầy Ambrosiô dứt khoát từ chối để cho những người nầy phân xử, thì ngược lại ngài sẵn sàng đặt mình cho dân chúng phê phán. Thật mâu thuẫn! dân chúng lại phải đối đầu với giáo dân -, và kỳ cùng Ambrosiô chỉ còn có cách là phân biệt đôi đường, một bên là quyền lực trần thế của các giáo dân đầy uy thế và một bên là quyền uy linh thiêng của những kẻ nghèo khó và bé mọn luôn mến mộ vị Giám mục của họ.
Ambrosiô giữ vững lập trường, ý thức mình là một "linh mục tự do" và phải là như thế: việc ngài cho phép hoàng đế Théodose, sau cuộc sát hại dân chúng thành Thessalonica, được sám hối công khai, cho thấy rõ quyền bính linh thiêng của Giáo Hội trên hoàng đế. (Qua sự kiện nầy, ta thấy) Giáo Hội không tương nhượng về tình trạng đối lập của mình và chứng thực cho người đương thời ý thức rằng trong lãnh vực tôn giáo hoàng đế chỉ là một giáo dân có bổn phận phải phục tùng các Thầy cả. Một thế kỷ sau đó, Thêodorê thành Cyrô khâm phục thái độ nầy, và khi kể lại biến cố liên hệ, ông còn tô vẻ thêm qua giai thoại sau đây: - sau khi sám hối, Théodose mang đến những đồ vật dâng cúng và đến xếp hàng trong ca cung. Bấy giờ, Ambrosiô mới bắt" đầu thuyết giảng về vị trí sắp xếp trong giáo đường và nhắc ngay cho hoàng đế hay rằng ca cung chỉ dành cho các Thầy cả. Théodose liền xin lỗi, nại lý do là đã quen với tập tục của Giáo Hội Đông phương; sau đó, ông đến an vị trong hàng ngũ dành cho giáo dân. Khi trở về Đông phương, Théodose lại được một giám mục mời an vị tại ca cung. Bấy giờ hoàng đế lại trả lời rằng: "Dầu bất ưng, tôi đã được dạy cho biết việc phân biệt giữa một Thầy cả và một hoàng đế, bởi vì tuy không muốn, tôi cũng đã gặp được một bậc thầy dạy chân lý cho tôi" [9]. Vì chính quyền đế quốc tại Tây phương suy yếu, nên Giáo Hội nơi đây dễ hấp thụ bài học phân quyền; trong lúc đó, tại Đông phương, tình trạng liên kết thần quyền - thế quyền tạo ra một hình thức pháp chế hỗn tạp, làm cho luật pháp của đế quốc có hiệu lực trong những sinh hoạt thuộc khuôn khổ của Giáo luật.

Constantinô, Giám mục đàng ngoài
Lập trường của Đông phương, chung lộn thần quyền và thế quyền có vẻ thích hợp với quan điểm tôn giáo của Constantinô hơn là lập trường của Tây phương sau nầy. Như trước đây chúng ta đã phân tích, người đương thời không hề có quan niệm phân chia các loại quyền hành, và vị "Đại đế = Pontifex Maximus" khi can dự vào công việc của Giáo Hội không thể nào không cảm thấy mình được Thiên Chúa ủy thác sứ mạng đặc biệt đó. Trong một sắc lệnh Constantinô đã từng viết thế nầy: "Do Ngài dẫn dắt, trẩm đã bắt đầu và hoàn thành những sự nghiệp của trẩm vì lợi ích của mọi người; đâu đâu trẩm cũng mang dấu thánh của Ngài trước mặt trẩm, nhờ vậy trẩm đã đưa quân đội đạt đến những cuộc toàn thắng khải hoàn. Và nếu quốc gia khi nguy biến lại kêu gọi đến trẩm, trẩm sẽ theo chính Dấu ấy để chiến đấu với quân thù, đến nổi trẩm cảm thấy dấn thân hành động để phục hồi Nhà thánh của Ngài (Giáo Hội) đã từng bị những kẻ ác ôn và vô đạo cố tâm tàn phá và mạo phạm" [10].
Việc thế tục hóa quyền bính của hoàng đế chưa thấy thể hiện, Constantinô vẫn luôn ý thức mình là công cụ của quyền năng do Thượng Đế. Trên khải hoàn môn được dựng lên vào năm 315, ta đọc thấy quan điểm chung lộn quyền hành đó qua đoạn văn được khắc như sau: "Viện nguyên lão và dân chúng La mã cung hiến Cung môn nầy ghi nhớ sự khải hoàn của chính ngài, là Đại Hoàng đế Augustô Cêsarê Flaviô Constantinô, đạo hạnh và vĩnh phúc. Được cảm ứng do Thần minh (instinctu divinitatis) và do chính thần trí cao cả của chính Ngài, với quân đội và vũ khí công chính, trong một cuộc tấn công tất thắng, ngài đã chinh phạt kẻ độc tài và bè lũ, trả thù cho quốc gia".
Chiến thắng là một yếu tố thiết yếu trong quan điểm chính trị tôn giáo trong những thế kỷ đầu của đế quốc, và đoạn văn trên đây đã lặp lại chính nội dung thần học đó. Những cuộc chiến thắng được xem là cách thế biểu lộ ý muốn của Thần minh, chứng thực rằng uy quyền và sức mạnh của Thần minh được thể hiện nơi Hoàng đế thắng trận. Khi đức độ (= thế lực = virtus) đó có lợi thế cho Giáo Hội, các tác giả Kitô giáo sẽ cho rằng vị hoàng đế liên hệ là người được Chúa Quan phòng sai đến. Từ quan điểm nầy, ta thấy có một âm hưởng kỳ lạ - dầu tạm thời - giữa lập trường thần học của Constantinô và các quan điểm về lịch sử của kitô hữu đương thời. Bằng nhiều hình thức giảng giải khác nhau, Lactance và Eusêbiô đều triển khai quan niệm quan phòng về lịch sử theo đúng nội dung trên. Lactance viết: "Giờ đây tất cả những kẻ đối đầu với chúng ta đã bị đánh tan, hòa bình đã được vãn hồi trên trần thế; trước đây Giáo Hội đã bị đánh ngã nay vươn mình đứng dậy; từ tâm của Chúa đã dựng lại đền thánh của Người; đền thánh đó trước đây đã bị lũ vô đạo tàn phá, nay huy hoàng như chưa từng thấy bao giờ. Chính Thiên Chúa đã thúc đẩy các vị thủ lãnh triệt hạ đế quốc đầy tội ác và sát máu của bọn độc tài; chính Ngài đã xóa tan mây mù của thời kỳ nguy khốn, và thuận ban cho mọi người niềm an vui tràn ngập tâm hồn cũng như cảnh an lạc của thái bình" [11].
Trong cuốn Cuộc đời của Constantinô được xem là tác phẩm của Eusèbe thành Cêsarê, qua miệng hoàng đế vị nầy đã chủ trương một quan điểm thần học về lịch sử không khác với cái nhìn của Lactance: "Tình trạng vô đạo đè nặng lên mọi người, quốc gia lâm vào hoàn cảnh suy đồi toàn diện như gặp phải cơn dịch hạch, phải khẩn trương tìm cho ra một lối thoát hữu hiệu nhằm triệt hạ các tai biến đó. Nhưng, thử hỏi Thần Minh đã bày ra giải pháp nào đây? Thiên Chúa đã gọi trẩm để hoàn thành công việc đó và bảo chứng rằng sự nghiệp của trẩm đúng là để thực hiện ý định của Ngài. Và vì thế, nơi vùng đất mặt trời lặn, khởi từ biển của người Bretons, thừa lệnh của quyền năng đấng tối cao, trẩm đã khởi công đánh đuổi và dẹp tan mối kinh hoàng bao phủ khắp nơi nơi, hầu nhân loại nhờ trung gian của trẩm mà được cải hóa, trở lại con đường phụng sự lề luật chí thánh, và đây đó đầy đức tin đầy ơn phúc sẽ được trải tràn dưới sự dìu dắt đầy uy quyền của Thiên Chúa Cao Siêu" [12]. Khi được ủy thác một sứ mạng thần thánh như vậy, hoàng đế Kitô giáo dần hồi bỏ qua tước hiệu "Đại Đế = Pontifex Maximus", một tước hiệu còn mang quá nhiều âm hưởng ngoại giáo, nhưng thực sự quan điểm thần học chất chứa trong tước vị nầy thì được giữ nguyên. Hoàng đế sẽ được xem là người được Thiên Chúa tuyển lựa để chu toàn một chức tư tế (đặc biệt); chức tư tế nầy cho phép hoàng đế đứng lên trên bất cứ một sự phân biệt nào giữa giáo sĩ và giáo dân. Hoàng đế là người ngang hàng với các tông đồ, là vị tông đồ thứ mười ba. Vị thế của ông hết sức độc đáo khi ta chứng kiến việc ông đứng ra tụ tập các hội nghị và công đồng (Arles năm 314. Nicée năm 325...). Ngoài ra ông đã tiếp đãi các vị giám mục từ Nicêa đến một cách hết sức long trọng đến nỗi Êusêbiô tưởng là đang chứng kiến quang cảnh vĩnh phúc thiên đàng: "Tất cả các giám mục, không sót vị nào, đều được dự vào bàn tiệc của vị Chúa tể. Có những vị nằm chung giường ăn với hoàng đế, các vị khác thì nghỉ ngơi trên các giường kế cận. Người ta dám nói được rằng quang cảnh nầy gợi lên hình ảnh của vương quốc Chúa Kitô. Đúng như là giấc mơ hơn là sự thật" [13]. Khi công bố các sắc lệnh hoàng đế không ngần ngại dùng lối nói sau đây: "Quan phòng của Thiên Chúa thể hiện thuận hợp với tôi" - (thừa thiên hưng vận). Khi chứng kiến sự phân rẽ trong cộng đoàn kitô hữu vì "những lý do phù phiếm!" (các vấn nạn về Chúa Ba Ngôi), tạo ra mối nguy cơ cho tình trạng thống nhất của đế quốc, hoàng đế liên tục tổ chức các hội nghị giám mục, Công đồng, và không chút ngần ngại tự xếp mình vào thành phần của các vị nầy mặc dầu lúc bấy giờ hoàng đế chưa chịu phép Rửa tội: "Vì thế rất nhiều giám mục đã tụ họp; trẩm cũng vậy, trẩm ở giữa các vị, như bất cứ một vị nào trong anh em, vì trẩm không muốn từ bỏ điều làm trẩm vui sướng: trẩm ở trong hàng ngũ các vị, những tôi tớ của Thiên Chúa" [14]. Tiếp theo đoạn nầy, cuốn "Cuộc đời của Conatantinô" lại khai triển sự kiện nêu trên như sau: "Thiên Chúa đã lập các ngươi làm giám mục để chu toàn những công việc bên trong Giáo Hội. Còn trẩm, dườngnhư trẩm được chỉ định để làm giám mục của các công việc bên ngoài" [15]. Khi biện giải lời nói của hoàng đế, Êusêbiô còn đi xa hơn nữa: "Hoàng đế ưu tư đặc biệt cho Giáo Hội của Thiên Chúa; vì vậy, mỗi khi có một cuộc tranh chấp dấy lên trong một vùng nào bất kỳ, ngài liền tụ tập những tôi tớ của Chúa về hội nghị, như là Thiên Chúa đã muốn chỉ định ngài làm giám mục của tất cả mọi người" [16]. Như vậy, rõ là Êusêbiô không hề chủ trương chối bỏ một công việc nào bất kỳ do quyền bính của hoàng đế xướng xuất; thái độ đó khác xa với lập trường của giám mục thành Milanô sau nầy.
Tuy vậy, ta nên nhấn mạnh điểm nầy: các bản văn trên đây chứng minh rằng việc truy cứu một mẫu mực về "quyền hạn giáo dân" nơi Constantinô là việc sai lầm. Hoàng đế Lêô Isaurianô, một trong những kẻ kế vị thật lâu sau nầy của Constantinô, đã có lần từng viết cho Giáo Hoàng Grêgôriô như sau: "Ngài không biết trẩm là thầy cả và là vua hay sao? Ước muốn liên kết thế giới siêu nhiên và trần gian vẫn luôn luôn là cơn cám dỗ đối với Giáo Hội cũng như đối với các vị hoàng đế. Nếu "việc Kitô giáo hóa" các cơ cấu của chính quyền đế quốc có lúc đã thể hiện, thì việc đó không phải được thể hiện ngay trong một thời kỳ ngắn ngũi. Trái lại, mẫu mực về cách tổ chức chính quyền của đế quốc La mã đã đóng một vai trò đáng kể trong quan niệm của Giáo hội về quyền hành, và đã ảnh hưởng rất nhiều đến những mối quan hệ giữa các thành phần trong "dân chúng" (plebs) Kitô giáo và các phẩm trật khác. (Ordines)

Chính quyền, Giáo quyền: Công việc
mô phỏng và những giới hạn của nó
Những công trình nghiên cứu hiện nay về các cơ chế Giáo hội có khuynh hướng đề cao quá mức ảnh hưởng phát sinh từ các biến trạng của xã hội dân sự. Phản ứng đó có thể hiểu được khi ta chứng kiến phương cách mà một số tác giả đã tường trình một số biến cố lịch sử của Giáo hội; nhưng đó không phải là lý do cho phép ta thẳng thừng triển khai những xác quyết có tính cách một chiều. Dĩ nhiên việc mô phỏng đã thực sự xảy ra, nhưng nó có những giới hạn của nó;nhất là ngay việc mô phỏng cũng có những biến thiên tùy hoàn cảnh.
Trong việc hội nhập của Kitô giáo vào xã hội dân sự, bình diện nổi bật nhất có lẽ là việc tổ chức lãnh thổ. Vào đầu thế kỷ thứ III, Giáo Hội sinh hoạt trong khuôn khổ của các thành phố; suốt thế kỷ IV, các cộng đoàn lại hướng đến tình trạng tập trung, được phân phối dựa vào các cấu trúc địa lý của nền hành chánh dân sự. Giai đoạn đầu của tiến trình tập trung, phân phối nầy chắc chắn đã xảy ra trước thời Constantinô. Từ thế kỷ thứ II và nhất là trong suốt thế kỷ thứ III, các Giám mục đã có khuynh hướng tổ chức các hội nghị dựa vào các địa hạt dân sự, trước hết, hẳn là vì những lý do tiện lợi [17]. Do đó, Công đồng Nixê (325) sẽ kiểm định một tập quán được xem là rất thịnh hành, đã buộc bất cứ giám mục nào cũng cần phải được chỉ định bởi tất cả các giám mục trong tỉnh hạt theo Giáo luật số 4 của Công đồng nầy. Hậu quả của kiểu mẩu phân vùng như thế là bước đầu của công việc phân định phẩm cấp giữa các giám mục của thủ phủ sẽ thanh tra, kiểm soát những gì xảy ra trong các địa phận của toàn giáo khu liên hệ. Tuy vậy, ta nên lưu ý rằng công việc tổ chức dựa vào các yếu tố địa lý không có tính cách đồng bộ, áp dụng cho mọi nơi. Tại Tây phương, cơ cấu tổ chức lại được thể hiện một cách khác. Chẳng hạn tại Phi châu, người ta vẫn coi vị giám mục được phong chức lâu đời nhất là vị giám mục niên trưởng, chứ không phải là vị giám mục của vùng thủ phủ trong tỉnh hạt dân sự. Từ Công đồng Nixê (325) đến hội nghị In-Trullo (691) tiến độ thành lập cơ chế của địa phận sẽ dựa vào quy luật pháp chế đã nêu trên: Thời Công đồng Nixê, Đông phương đã có những thủ phủ quan trọng, được quản trị bởi một "Thượng phụ" trùng hợp với các địa phận dân sự. Khi thành phố Constantinopoli, một La mã mới được Constantinô thành lập, trở thành thủ đô thực sự của Đông phương thành phố nầy liền trở thành thủ đô của Giáo Hội, dười sự quản trị của một Thượng phụ đại kết (Patriarche oecuménique). Theo điều giáo luật 38 của Hội nghị In-Trullo (691), việc mô phỏng khuôn khổ địa lý chính trị nầy được nhìn nhận là có tính cách pháp định; điều luật đó quả quyết rằng: "Nếu một thành phố được thành lập do lệnh của hoàng đế, phẩm trật Giáo Hội (được thiết lập trong thành phố nầy) sẽ noi theo cơ cấu tổ chức dân sự và công cộng, phát sinh từ việc thành lập nầy".
Những hệ quả của việc phân cấp các Giáo hội địa phương dựa vào yếu tố địa lý sẽ sớm đi vào tâm thức của dân chúng, và ảnh hưởng đến những mối tương giao giữa các Giám mục và tín hữu của họ. Công đồng Nixê đã cho rằng việc di lưu từ địa phận nầy qua địa phận khác là một tội gia trọng, nhưng các tác giả vào cuối thế kỷ IV lại nhận thấy việc cấm đoán đó đã lỗi thời. Giám mục một cộng đoàn nhỏ thường cố tìm cách "thăng quan tiến chức" để trở thành giám mục tại thủ phủ của tỉnh hạt, nếu được lại vươn lên cao hơn làm giám mục của địa phận nơi thủ đô. Mặt khác mối liên kết chặt chẽ giữa giám mục và Giáo hội của vị nầy như đã thấy trong thế kỷ III, nay không còn nữa. Hình ảnh giám mục được nối kết với Giáo hội mình như tình vợ chồng, mất hết ý nghĩa. Kitô hữu có khuynh hướng thượng tôn giám mục như là vị "lãnh đạo" - "một ông chúa" trong Giáo hội, một khi chứng kiến các giám mục của họ giao lưu với các quan viên cao cấp của chính quyền, lắm khi hành động y như các vị ấy. Giáo dân dần hồi trở thành nhóm người bị trị trong guồng máy quan chế của Giáo Hội.
Một vài giám mục sớm chạy theo quyền thế, dần dà bê trể sinh hoạt của Giáo hội mình đến độ hội nghị Sardicô năm 343 đã lên tiếng phản đối tính cách bất nghĩa, việc đam mê quá đáng và sự sai trái của các thái độ đó, cũng như cấm không còn cho họ lui tới hoàng cung. Một cách đặc biệt, hội nghị cả giận lên án một số giám mục bất xứng như thế trong hàng giáo phẩm tại Phi châu: "họ chỉ nghĩ đến danh vọng và việc đời, thay vì cứu trợ những kẻ nghèo đói, giáo dân và các bà góa" [18].
Nhưng những thay đổi não trạng không phải chỉ thấy trong hàng ngũ các giám mục mà thôi. Một cách chung, thế kỷ IV được xem là thời vàng son của giới chức hành chánh và quan chế dân sự. Và nó cũng là thời vàng son của hàng giáo sĩ. Hai đội ngũ nầy lớn mạnh song song và gia tăng về số lượng: các quan thường được trả lương cao và bổng lộc lớn; các giáo sĩ thì hưởng nhiều đặc ân, không bị đóng các thứ thuế đang bóp nghẹt cuộc sống của một vài tầng lớp công dân, khỏi phải làm tạp dịch và khỏi phải đi nghĩa vụ quân sự. Số lượng quá đông đảo các giáo sĩ đưa đến tình trạng khẩn thiết phải tổ chức lại hàng ngũ nầy. Song song với việc phân chia phẩm cấp dựa vào lãnh thổ địa dư, lại phát sinh một lối tổ chức phẩm trật ngay bên trong sinh hoạt của cộng đoàn Kitô giáo: Để biện minh cho tổ chức phẩm trật nội vi nầy, các tác giả vào cuối thế kỷ IV không ngại dùng đến các mẩu mực dân sự đương thời, vay mượn dần hồi những mô hình tổ chức hành chánh, hàng hải, quân đội và giáo dục. Công việc đối chiếu nầy không những chỉ được dùng để chứng minh sự cần thiết trong việc tổ chức theo phẩm cấp, mà còn nhằm nêu lên lợi ích của việc chuẩn bị trước khi thụ nhận những chức vụ cao cấp, cũng như tiến trình tuần tự trong việc thăng "cấp bậc". Đức Giáo Hoàng Đamasô viết rằng: "người ta chưa hề nghe nói rằng kẻ chưa từng làm lính lại nhận quyền thống lãnh các đạo binh" [19]. Chữ "Stipendium" lúc đầu dùng để chỉ tình trạng thâm niên quân vụ, hoặc số năm phục vụ cần thiết để người lính được thoát ngũ (=tình trạng bán hưu dưỡng được hưởng tiền niên cấp), nay được dùng một cách chuyên môn trong sinh hoạt Giáo hội nhằm chỉ phần cấp dưỡng cho các giáo sĩ, hoặc còn nhằm đặc chỉ số năm tháng phục vụ trong Giáo Hội, một tiêu chuẩn cần thiết để được thăng cấp, đạt đến những chức vụ cao hơn.
Trong lãnh vực quan chế, công cử, phương cách bổ nhiệm các quan viên cũng thay đổi. Họ được trực tiếp chọn lựa bởi chính hoàng đế và tham dự vào quyền bính của vị nầy, một loại quyền được xem là thần thánh. Trong việc nầy, Kitô hữu không cần nại đến những biến trạng của cơ cấu quốc gia mới xác quyết được rằng mọi quyền bính đều do Thiên Chúa. Nhưng thúc đẩy bởi việc bắt chước dễ dàng mẫu mực sẵn có, mọi thứ tổ chức giáo quyền Kitô giáo đều được xem là trực tiếp phát nguồn từ Thiên Chúa. Do đó, thay vì để phục vụ một cứu cánh tôn giáo, giáo quyền sớm trở thành cứu cánh tôn giáo ngay tự chính nó. Đến phiên mình, công việc biện giải thần học cũng đảo lộn. Giáo quyền không còn phục vụ sự tương liên, nối kết của cộng đoàn tôn giáo nữa; giáo quyền chính nó trở thành tôn giáo, và mọi người phải dấn thân phục vụ cho giáo quyền. Người quan viên hoặc giáo sĩ tham dự vào quyền chức do từ cấp trên của họ. Họ chỉ có thể được kính trọng và được kẻ khác vâng phục, nếu chính họ biết tỏ ra những thái độ tương tự đối với những kẻ đã chỉ định, bổ nhiệm hoặc tấn phong cho họ. Trước đây ta thấy người ngoại giáo Lampridiô, vì lo sợ tình trạng hồ đồ của hoàng đế trong việc bổ nhiệm các quan chức, đã nêu việc tuyển lựa hàng giám mục Kitô giáo như là một mẫu mực của thủ tục dân chủ, nay, cũng vào thời nầy, Giáo Hoàng Đamasô nhắc nhở cho các giáo sĩ cấp nhỏ thấy thí dụ của việc tổ chức và kỷ luật quân đội! Do vậy, ta nên coi chừng những việc đối chiếu, so sánh một cách máy móc; thực ra mỗi bên đều có rút tỉa những điều mình thích nơi kẻ khác, và chỉ những điều mình thích mà thôi.
Hơn thế nữa, đây chỉ là những chứng lý nhằm mô tả việc ứng dụng cụ thể của một tổ chức có tính cách lập qui vào trong sinh hoạt, tập tục của một thời kỳ, chứ không phải là những xác minh có tính cách định đề hoặc đưa ra những mô thức giải thích trong khuôn khổ một nền xã hội học. Công việc mô phỏng cố tình nầy có lẽ chỉ là một việc làm có tính cách tượng trưng, hình thức bên ngoài; do đó, khi ta thấy Đức Giáo Hoàng Lêô cho rằng kẻ ngu dốt được chuộng hơn bậc thầy, quan mới được trọng hơn quan cũ, tân binh được đề cao hơn lão tướng [20] là một đều hết sức bất công và phi lý-, bấy gìơ ta đừng vội kết luận rằng Giáo Hội đã tổ chức cơ cấu của mình dựa vào khuôn mẫu của nền giáo dục nhà nước, hay của tổ chức quan chế hoặc quân đội.
Nhưng, dầu có chủ trương thế nào thì vị thế giáo dân kỳ cùng cũng không có gì thay đổi: giáo dân được xếp vào nấc thang thấp nhất; vì bộ máy điều hành trở thành quá nặng nề phức tạp, nên càng ngày họ càng bị tách rời khỏi vị giám mục, từ nay có thể trở thành người xa lạ đối với họ - vì con đường sự nghiệp của mình, giám mục có thể nhảy dù từ phương xa đến, lưu lại tạm thời trong một cộng đoàn mà ngài không phải là bản dân, không am tường đủ - nếu không nói là các vấn đề của cộng đoàn, thì ít nhất các cá nhân trong cộng đoàn.


Những giai đoạn đầu trong việc đào tạo hàng giáo sĩ:
Giáo dân ở vào nấc thấp nhất.
Thời kỳ bắt đầu từ đầu thế kỷ III và chấm dứt với cái chết của Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (604) làm rõ nét dần hồi biên giới phân cách giữa giáo sĩ và giáo dân, qua các cơ chế Giáo hội. Tiến trình đó được thể hiện qua nhiều giai đoạn; và trong mỗi giai đoạn, vị thế của giáo dân ghi nhận những nét thăng trầm khác nhau. Đầu thế kỷ thứ II, như ta lược qua, còn có những chức vụ trong Giáo Hội, không hoàn toàn dành riêng cho giáo sĩ: chức vụ đọc sách, chức vụ giảng huấn là những chức vụ thực tế của Giáo Hội được hành xử bởi những vị không phải là giáo sĩ. Bấy giờ sự phân cách được quan niệm một bên là những thừa tác viên được phong chức thánh (Giám ục, các linh mục và các phó tế) phục vụ công việc "tế lễ" (leitourgia), và một bên là tất cả những chức vụ khác, hoặc các lối sống khác. Nhưng, điểm đặc biệt khác nữa làm ta lưu ý; là một sinh hoạt mới được cuốn "Truyền thống Tông đồ" ghi lại. Tài liệu nầy, qua việc ghi lại lời kinh cầu trong cuộc phong chức thánh vị phó tế, cho hay rằng: "(Cầu cho vị nầy), bởi công việc phục vụ một cách nhiệt thành và nhờ cuộc đời trong sáng của ngài, được tiến đến một cấp bậc cao hơn" [21]. Ta thấy, từ thời nầy, manh nha có việc tiến cử trong hàng giáo sĩ (cursus clérical), và chắc chắn sự kiện đó phản ảnh một tình trạng thay đổi quan trọng trong tâm thức tôn giáo của kitô hữu. Có thể nói rằng, chính ngay từ thời nầy, việc phân biệt giáo sĩ và giáo dân trở thành chính thức, đồng thời ý niệm về "phục vụ" (=diakonia) bắt đầu biến đổi. Nếu trước đây, từ ngữ nầy có tính cách phổ thông nhằm chỉ tất cả những chức vụ trong cộng đoàn Kitô giáo, thì nay nó đặc chỉ một chức vụ, mà một trong những bình diện của chức vụ đó là thể hiện một giai đoạn cần thiết trong "bước đường thăng tiến của sự nghiệp người giáo sĩ". Một mặt - dựa vào việc gia tăng dân số kitô hữu (nghĩa là dựa vào lý chứng có tính cách xã hội) - dựa vào ý muốn của nhóm người nầy thích được tồn tục trong thế gian, nên cần phải có những cơ chế hoàn bị, (nói cách khác dựa vào lý chứng lịch sử) thì sự thay đổi nầy có thể giải thích được, nhưng mặt khác trong khuôn khổ thần học, sự thay đổi đó rất khó biện minh.
Lý chứng đơn giản nhất được nêu lên là lý chứng dựa vào sự khôn ngoan thông thường: để hành xử một chức vụ, hẳn phải cần đến việc chuẩn bị và hội đủ phong cách thích đáng. Dựa vào lý chứng đó, giáo luật thứ hai của Công đồng Nixê (325) sẽ qui định rõ về trường hợp của "những kẻ được cử ngay vào hàng giáo sĩ tiếp theo việc họ chịu phép rửa". Vì trước đây, sự kiện nầy thường xảy ra, do đó luật Giáo hội đến lúc phải phân định lại: "Hoặc vì cần kíp, hoặc vì những lý do khác thúc đẩy, nhiều việc đã xảy ra trái ngược với lề luật của Giáo Hội: thực vậy, người ta đã rửa tội và đề cử ngay sau đó vào chức vụ giám mục hoặc linh mục những người vừa mới trở về đức tin sau cuộc đời ngoại đạo, chỉ được học biết về đạo lý trong một thời gian rất ngắn; trong tương lai, không được hành động như thế nữa, bởi vì phải buộc người dự tòng kinh qua một thời gian thử thách, và sau khi nhận Bí tích Rửa tội, lại còn phải sống một thời gian thử thách dài hơn nữa. Thánh Tông đồ đã nói rõ rằng: chớ nên cử người đạo mới làm giám mục kẻo vì kiêu căng họ phán đoán sai lạc và mắc bẩy ma quỉ" [22].
Việc đòi hỏi cần có một thời gian thử thách giữa lúc chịu phép rửa và lúc chịu chức giám mục rất hữu lý. Nhưng nếu ứng viên là một người giàu có, được xã hội kính nể và biết đến, có cần giữ lại những yêu sách vừa nêu lên không? Trong Hội nghị giám mục Sardicô (343-344), Hôsiô trả lời thắc mắc đó, qua phần phát biểu của ngài: "Tôi nghĩ rằng, nếu một người giàu có hoặc một luật gia của nghị trường ao ước được đề cử vào chức vụ giám mục trước khi đương sự chu toàn các chức vụ đọc sách, phó tế và linh mục. Qua việc thăng tiến tuần tự đó, nếu xét thấy xứng đáng, đương sự có thể tiến dần đến đỉnh cao của chức vụ giám mục. Việc "thăng tiến trong mỗi cấp dĩ nhiên đòi hỏi một thời gian nhất định, không du di, để nhờ đó đức tin, cuộc sống ngay chính, tính cương trực và lòng nhân hậu của đương sự có cơ phát hiện cho mọi người thấy; như thế, khi được xem là xứng đáng với chức tư tế của Chúa, đương sự có thể hưởng tước vị rất cao cả nầy" [23]. Trong suốt 25 năm cuối của thế kỷ IV, các giám mục La mã sẽ khai triển đường hướng lập qui vừa nêu, liên quan đến việc tựu chức trong các phẩm cấp của hàng giáo sĩ. Các giáo lệnh thư, tức là những bức thư do các giám mục La mã gửi đến các vị giám mục khác để trình bày các quan điểm về giáo luật, có khuynh hướng bảo vệ và nhấn mạnh rõ hơn về giới tuyến phân cách giữa giáo sĩ và giáo dân; qua việc phân định đó, con người giáo dân lại càng được quan niệm tiêu cực hơn nữa. Giáo lệnh thư thứ nhất gửi cho các Giám mục nước Pháp, yêu cầu nên "lưu ý về việc phải chọn các Giám mục trong hàng giáo sĩ". Những chức vụ trước đây được hành xử bởi giáo dân vào đầu thế kỷ III, nay trở thành những chức vụ dành riêng cho giáo sĩ. Chúng mất dần nội dung cụ thể, để biến thành giai đoạn thử thách, trong đó các "giáo sĩ cấp nhỏ" rút tỉa kinh nghiệm phục vụ Giáo Hội, và nhất là để chứng tỏ đức trinh khiết của mình. Chính vào cuối thế kỷ IV, pháp chế của Giáo hội La mã bắt đầu khai triển chủ trương buộc giáo sĩ cấp cao phải giữ mình trinh khiết. Nếu thời gian thử thách nầy (tempora) cho thấy có kết quả tốt đẹp, ứng viên có thể được cử lên một cấp bậc cao hơn; như thế, chức vụ cao được đánh giá như là phần thưởng cho người đã lập công xứng đáng. Vô tình, người giáo dân được đánh giá là người không xứng được thăng chức, bởi lẽ họ là người bất xứng.
Những giáo lệnh thư của Giáo Hoàng Sêricô (384-399), Innôcentê (401-417) và Zôsimô (417-418) dần hồi khai triển và minh định việc lập qui liên quan đến các giai đoạn thử luyện (tempora).. Một cách tổng quát, các bức thư nầy nhất trí đòi buộc phải có hai thời kỳ thử luyện, hoặc hai giai đoạn chuẩn bị: thời kỳ đầu có chức trừ quỉ hoặc đọc sách, thời kỳ thứ nhì có chức cầm nến hoặc phụ phó tế. Nếu đương sự phục vụ toàn hảo trong những giai đoạn thử luyện nầy, y trở thành phó tế, linh mục hoặc giám mục, - và bấy giờ đời sống trinh khiết trở thành một điều kiện bắt buộc [24]. Đến cuối thế kỷ V, những hoàn cảnh, biến cố bên ngoài, những cuộc xâm lăng của man di gián tiếp chi phối một tiến trình thay đổi khác nữa trong các chức vụ Kitô giáo. Tình trạng thiếu hụt giáo sĩ sẽ buộc Giáo hoàng Gêlasô (492-496) khẩn trương tìm ra các giải pháp cần thiết, nhưng đồng thời vẫn cố tuân giữ những luật lệ đã được các vị tiền nhiệm đưa ra. Ngài giảm thời hạn chuẩn bị (tempora), nghĩa là thời hạn hành xử một chức nhỏ, nhưng bù lại, ngài đòi buộc đương sự phải trải qua ba đợt tập sự, thay vì hai đợt như trước. Để "bù trừ" vào thời hạn bị cắt giảm, ngài tạo nên những lễ nghi trong việc thăng chức, đồng thời chứng minh rằng việc thụ chức quan trọng không kém việc hành xử chức vụ liên hệ.
Tình trạng nầy giúp ta hiểu rõ nội dung những lời chỉ trích các quan viên nhỏ trong chính quyền La mã, được thấy trong các ngụy thư Symmacô (khoảng 501-508). Việc thăng chức trong hàng giáo sĩ qua từng giai đoạn (per gradum) chứ không dựa vào phương thức trực tiếp, nhảy vọt (per saltum) bảo đảm được công việc đào tạo về mặt luân lý và tôn giáo cho đương sự từng kinh qua tiến trình tiệm tiến nầy. Mặt khác, sự kiện đó chứng minh rằng vị linh mục hay giám mục tương lai phải được chuẩn bị hết sức chu đáo; sau khi đã chịu các "chức nhỏ", đương sự có thể và có quyền hành xử tất cả các chức vụ cần thiết trong sinh hoạt của Giáo Hội. Chính vì thế, việc qui thức hóa tiến trình thăng tiến hàng giáo sĩ dẫn đến nguyên tắc thay thế và tồn tụ các quyền: cấp trên có thể làm bất cứ công việc gì cấp dưới đang làm. Vào thế kỷ VI, chủ trương các thừa tác vụ Kitô giáo trong nội dung như thế chỉ được gợi ra như một ước mơ cải cách, nhưng dầu sao nó cũng đã phản ảnh sâu sắc tình trạng biến đổi trong tâm thức của người đương thời: giáo dân kỳ cùng được xếp vào cấp thấp nhất trong các nấc thang về đạo lý cũng như quyền hành. Thực vậy, giáo dân có cuộc sống khác với cuộc sống của giáo sĩ. Vào thế kỷ VI, chức cắt tóc để bước vào hàng giáo sĩ thể hiện sự khác biệt về thân trạng giữa hai giới nầy. Chức cắt tóc là một nghi lễ đặc biệt xác nhận một sự biến đổi về thân trạng khi từ giáo dân người ta được thăng tiến vào hàng giáo sĩ. Vào cuối thời kỳ nguyên thủy của Kitô giáo, Đức Grêgôriô Cả đã có thể đưa ba nhóm kitô hữu khác biệt nhau: Conjugati (những kẻ lập gia đình), Continentes (những kẻ trinh khiết, đặc biệt là các đan sĩ), và rectores (giới hữu trách của Giáo hội). Những người lập gia đình được xếp vào hàng thấp nhất, và cuộc sống lý tưởng sẽ được tiêu biểu bởi mẫu mực của những vị có đời sống đa diện, đa năng dung hợp đời chiêm niệm và sinh hoạt mục vụ. Một Hội nghị giám mục họp vào năm 595 còn đi đến việc cấm chỉ không cho phép dùng giáo dân phục vụ bên cạnh Giáo hoàng, công việc đặc biệt nầy phải do giáo sĩ hoặc đan sĩ phụ trách [25]. Là giáo sĩ, thuộc vào hàng giáo sĩ đồng nghĩa với "thành phần tích cực hoạt động trong Giáo Hội".


Vấn đề tài chánh: những vị quản lý
- giáo dân và những vị quản lý - giáo sĩ.
Việc "đề cao" các thừa tác vụ Kitô giáo và đồng thời cũng là việc "đánh giá thấp" giáo hữu thông thường về mặt tôn giáo, không phải mới xuất hiện vào thế kỷ V. Ngay vào cuối thế kỷ II, chúng ta đã thấy con người và chức vụ giám mục được trọng vọng về mặt xã hội cũng như về mặt tôn giáo. Hiện tượng nầy xuất hiện một cách nổi bật, khi có vấn đề về việc quản trị các tài sản của Giáo Hội. Giám mục bị buộc phải đứng ra quản trị những khối tài sản của Giáo Hội càng ngày càng trở thành khổng lồ. Do chính chức vụ nầy, giám mục đóng vai trò một kẻ có quyền hành trong sinh hoạt của cộng đoàn Kitô giáo. Có thể nói, Giám mục đóng vai ông chủ "patronus", đối với bạn hàng (= người cần được nuôi dưỡng) của ngài, tất cả những thành phần trong Giáo Hội, đặc biệt hơn cả là các giáo sĩ được ngài cấp dưỡng.
Các Giáo phụ họp tại hội nghị Antiochia (341) giao quyền cho các Giám mục xử dụng của cải của Giáo hội để cung ứng, giúp đỡ kẻ túng thiếu những nhu cầu cần thiết. Ngoài ra các vị còn đồng ý để các Giám mục được quyền dùng của cải của Giáo hội cho nhu cầu cá nhân của chính mình nếu xét thấy cần, cũng như để tiếp đón anh em đến thăm viếng. Nhưng, họ chống lại việc các Giám mục giao cho những người thân, người giúp việc nhà, cha mẹ, anh em hoặc con cái của mình [26] quản lý toàn bộ hoặc một phần tài sản của Giáo hội. Giáo luật số 24 của hội nghị Antiôchia đòi buộc rằng việc quản lý tài sản của Giáo hội phải được đặt dưới sự kiểm soát và xử lý của Giám mục, đồng thời các linh mục và phó tế cần phải am tường đầy đủ và chính xác về việc quản lý nầy. Nhưng dầu thế nào đi nữa, thì Giám mục cũng phải chịu trách nhiệm về việc quản lý đó trước hội nghị của tỉnh hạt; trong trường hợp có dư luận không hay về các linh mục và các Giám mục liên hệ, hội nghị có thể chỉ định một quản trị viên.
Trong những thành phố lớn, khi không thể nào chu toàn hết tất cả các phần vụ được giao phó, Giám mục thường ủy quyền quản lý cho các vị phó tế. Đó là trường hợp của một Calixtô. Vị nầy trước đây đã là nô lệ, vì khéo léo trong việc quản trị các món tiền khổng lồ, đã trở thành phó tế và cuối cùng giữ chức vụ Giám mục Lamã. Tuy nhiên, chuyện gì cũng có thể xảy ra, và tình trạng biễn thủ tiền của cũng là chuyện thường tình. Trong một bức thư gửi cho Cyprianô, Cornêliô đã từng nói đến một người tên là Nicostratô: "bị kết án về nhiều tội: không những y đã gian dối và cưỡng đoạt gia sản của bà chủ của y, khi giữ chức vụ quản lý cho nhà nầy, nhưng y còn nhận giữ kho dữ trữ rất lớn của Giáo hội để rồi đoạt lấy làm của riêng" [27]. Để trả lời, Cyprianô đã biên thư, kết án việc nầy với những lời lẽ gần giống với lối nói mà Hyppolitô đã từng dùng để chống lại Calixtô: "Chúng tôi được biết rằngNicostratô đã mất quyền hành xử chức phó tế vì đã ăn cắp tiền của Giáo hội, phạm vào tội trộm của thánh, và không chịu trả lại những đồ vật của kho dự trữ dành cho bà góa và các kẻ mồ côi. Y đã tìm cách đến Phi châu hầu trốn khỏi La mã vì lo sợ phải trả lời về những hành vi cướp đoạt vì tội ác xấu xa của mình" [28].
Trong thời kỳ đi lánh nạn, Giám mục Cyprianô dường như đã bận tâm giải quyết các vấn đề tài chánh không ít, nhưng đây có lẽ là tài sản riêng của ngài. Hội nghị Antiôkia đã tìm cách phân biệt gia sản riêng của Giám mục và tài sản của Giáo Hội, hầu tránh việc khả dĩ làm thiệt hại cho các người thừa kế hoặc để tránh việc gây tai tiếng.. Cũng áp dụng quan điểm nầy, Công đồng Chalcêdonia (451) sẽ cấm các giáo sĩ không được xâm phạm tài sản của các Giám mục sau khi vị nầy qua đời.
Ta không thể xác định được ý muốn của hội nghị Antiôkia về việc chọn người giáo dân làm quản lý: đây là một nguyên tắc áp dụng cho mọi trường hợp hay chỉ áp dụng trong trường hợp Giám mục giao quyền quản lý tài sản của Giáo hội cho những người thân thuộc hay bà con mình. Nhưng một thế kỷ sau, Công đồng Chalcêdonia minh định rõ ràng việc nầy bằng cách bắt buộc mỗi Giám mục phải cử một vị giáo sĩ thuộc quyền làm quản lý các tài sản của Giáo hội: <169>Vì được biết trong một vài giáo hội, các Giám mục quản lý các tài sản của Giáo hội mà không cần đến một người quản lý nào cả, Công đồng quy định rằng bất cứ Giáo hội nào có một Giám mục thì cũng phải có một người quản lý chọn trong hàng giáo sĩ của Giáo hội đó. Vị nầy sẽ quản lý tài sản của Giáo hội theo chỉ thị của Giám mục. Nhờ vậy, việc quản trị Giáo hội sẽ được kiểm soát, những tài sản của Giáo hội không bị mất mát, và chức vụ tư tế tránh được những lời chỉ trích. Giám mục nào không thi hành điều nầy, sẽ bị những việc chế tài theo giáo luật [29]. Những giáo luật dẫn tiền giáo luật nầy cho thấy vị quản lý đóng một vai trò quan trọng khi Giám mục tạ thế; điều luật 25 buộc rằng: "Những tài sản của Giáo hội nào thiếu vắng kẻ chủ chăn, đều phải được vị quản lý của giáo hội đó bảo toàn".
Ngay từ thế kỷ IV, chức vụ quản lý dường như đã là một qui chế bó buộc tại Ai cập. Thêophilê thành Alexandria đã từng chỉ thị cho vị khâm sai đặc trách tổ chức lại một cộng đoàn sau cơn khủng hoảng do hệ phái  Arianô tạo ra, nên chọn "một vị quản lý khác", sau khi bàn hỏi tất cả các giáo sĩ và với sự thuận ý của Giám mục Apollon (vị giám mục nầy dường như đã có thời gian liên kết với nhóm Arianô) [30]. Ta thấy không được rõ các vị quản lý nầy nhất thiết phải là giáo sĩ hay có thể là giáo dân. Nhưng dầu thế nào, những vị nầy không nhất thiết phải là linh mục. Bức thư của Gennade thành Constantinopoli viết vào năm 458 nhắc đến tình trạng mại thánh, đã phân biệt, một bên là việc mua chức giám mục, giám mục phụ tá, linh mục, phó tế hoặc một chức nào đó có ghi trong danh sách giáo sĩ bằng tiền bạc, và mặt khác là việc thăng chức quản lý, quản tài hoặc giám hộ trong Giáo hội. Sự kiện nầy cho phép ta suy đoán có hai phẩm trật song song, không nhất thiết sát nhập vào nhau. Đến thế kỷ VI thì chỉ cần một vị phụ phó tế thông thường để quản trị tài sản của Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, tại Sicilia [31].
"Giáo dân quen với việc điều hành thế sự, do tài năng đó, đã được chỉ định giữ những chức vụ phụ tác cần kíp cho giám mục trong việc quản trị gia sản (của Giáo Hội). Nhưng họ có thể đã lạm dụng tư cách nầy; bởi lẽ những văn bản vào các thế kỷ IV và V luôn có bảo vệ những đặc quyền của Giám mục hơn là nới rộng vai trò của giáo dân" [32].
Không phải nhận xét đó thiếu phần xác đáng, nhưng ta cần bổ sung thêm một vài điểm. Ngay từ đầu thế kỷ III, các Giám mục đã sở đắc các đặc quyền luân lý tuyệt đối liên quan đến việc quản lý các tài sản của Giáo hội. Nhưng việc quản lý tài sản không phải chỉ bị chi phối bởi những mệnh lệnh luân lý hoặc thần học. Nếu một vài giáo dân có thể lạm dụng lòng tín cẩn, lường gạt, tham lam, thì các vị phó tế, ngay cả giám mục cũng không tránh khỏi cơn cám dỗ nầy. Chính việc lập ra qui chế chức vụ quản lý biện minh quan điểm nầy. Mặt khác, các vấn đề đặt ra còn thay đổi tùy vào tầm quan trọng và bản chất của các tài sản của Giáo hội. Chưa kể đến hoàn cảnh sinh hoạt của cộng đoàn lại có thể chi phối rất nhiều vào công việc quản lý đó: Một khi các cộng đoàn Kitô giáo chỉ tạm thời được duy nhân, hoặc một khi các cuộc bách hại có thể buộc Giáo Hội phải sinh hoạt trong bóng tối, bấy giờ giao phó cho giáo dân quản lý tài sản, tất cả hoặc một phần, có thể được xem là khôn ngoan hơn, vì người đó ít bị trực tiếp theo dõi hơn là một vị Giám mục. Cuối cùng, ta còn cần phải lưu ý đặc biệt đến tình trạng của pháp chế từng thời kỳ nữa...


Những đặc quyền dân sự
dành cho các giáo sĩ.
Vào đầu thế IV, hội nghị Elvirô khuyên các Giám mục nên giao cho con ruột, hoặc một người nô lệ được phóng thích, một người giúp việc trong nhà, hay một người bạn thân, đặc trách công việc của mình, mỗi khi cần mua bán ở những vùng ngoài tỉnh hạt [33]. Ngược lại, 40 năm sau, hội nghị Antiokia lại nghiêm khắc chỉ trích những Giám mục muốn ủy thác việc quản lý tài sản của Giáo hội cho những người giúp việc, bạn bè, thân quyến mình. Tại sao lại có tình trạng thay đổi lập trường như thế? Ta biết vào khoảng  giữa hai quyết định trái ngược nầy, có việc "trở lại" của Constantinô và tiếp theo đó, những đặc quyền chuẩn ban cho Giáo hội và hàng giáo sĩ. Những sự kiện đó đưa đến nhiều hậu quả quan trọng: Giáo hội có thể chính thức làm sở hữu chủ tài sản, không còn phải nại đến những phương thức tế nhị gián tiếp qua các tang hội, như trong thời kỳ bị bách hại. Do vậy, việc ủy thác vấn đề quản trị các tài sản của Giáo hội cho giáo dân trở thành vô ích. Ngoài ra, hội nghị Antiokia minh định việc phân biệt những tài sản tư của Giám mục và tài sản của Giáo hội. Vào thời nầy, Giáo hội hưởng nhiều đặc ân của chính quyền, nên càng ngày gia sản càng trở nên lớn lao, đồng thời, cũng trong thế kỷ nầy, các giáo sĩ lại được tha miễn nhiều khoản đóng góp tài chánh cho quốc gia. Tài sản lớn nên cần phải kiểm soát chặt chẽ, không lạ gì việc quản lý lại được ủy thác cho các giáo sĩ. Chưa kể đến việc, các giáo sĩ lại ở vào một vị thế thuận lợi để hành xử một số sinh hoạt (liên quan đến tài chánh), một khi họ được miễn trả thuế. Đặc ân nầy rất quan trọng, vì vào thời đó thuế đánh rất cao hầu đáp ứng cho những nhu cầu của đế quốc, nào phải trả lương quan viên, binh lính, nào mua sắm các quí kim.
Ngoài những hậu quả thuần túy kinh tế, tình trạng ưu đãi mà pháp luật dành cho Giáo hội đã ảnh hưởng rõ rệt vào việc hình thành và định vị hàng ngũ giáo sĩ. Các giáo sĩ được tha miễn những gì? Trước hết, họ không phải gánh vác chức vụ trong chính quyền, các cộng tác dân sự (munera civilia) mà các phần tử của hội đồng thành phố phải chia nhau đảm đương. Những công tác đó là những dịch vụ công cộng như việc thu thuế, việc trước bạ, huy động quân nhu, binh lương [34]...  Các giáo sĩ còn được miễn thuế thương nghiệp, đặc biệt là thuế môn bài phải trả bằng hiện kim. Việc tha miễn quá hậu nầy còn nới rộng áp dụng cho người giúp việc của các giáo sĩ hoạt động trong ngành thương mại. Họ cũng được tha miễn các công tác nặng nhọc (munera sordida) hoặc những việc thấp hèn như làm bánh cung ứng cho binh sĩ [35]. Ngoài ra, không những chỉ có các giáo sĩ, mà nô lệ được thả tự do, gia nhân của giáo sĩ cũng hoàn toàn được miễn thuế thổ trạch và các loại thuế bất thường. Nói tóm lại, dường như giáo sĩ không phải đóng một loại thuế nào cả.
Kết quả của biện pháp đó là tình trạng đổ xô gia nhập hàng giáo sĩ. Thánh Basiliô thành Cêsarê đã từng than phiền lựa chọn những kẻ bất xứng vào phục vụ Giáo Hội, không màng lưu ý đến việc điều tra hạnh kiểm của họ mà chỉ dựa vào cảm tình bà con quen biết: "Từ tình trạng đó, mỗi vùng có không biết bao nhiêu là giáo sĩ, nhưng không có được một kẻ nào xứng đáng để tế lễ". Và Basiliô đã quyết định như sau: "Bởi lẽ không thể nào dung dưỡng được tình trạng nầy nữa, nhất là vào lúc nầy: nhiều người sợ đi lính đã đăng ký làm người của Giáo Hội -, do đó, tôi bắt buộc phải tái lập lại những cấm chỉ do giáo luật đã có từ xưa; tôi ra lệnh cho anh em phải gửi đến tôi danh sách những giáo sĩ của mỗi vùng... Sau lần kê khai đầu tiên nầy, nếu các linh mục có ghi thêm người nào vào trong danh sách, thì những người đó sẽ bị loại ra và chỉ được xem là giáo dân thôi; những kẻ đó sẽ được chúng tôi xét lại theo giáo luật<170>. Để tránh tình trạng lạm dụng, Giám mục buộc phải xác minh lại một cách mạnh mẽ rằng chỉ có ngài mới có quyền quyết định trong lãnh vực nầy. Basiliô đã ra lệnh cho các Giám mục phụ tá như sau: "Từ nay, các hiền huynh hãy cứu xét những ai xứng đáng và thu nhận họ, nhưng đừng giao ngay cho họ những chức vụ của hàng giáo sĩ trước khi bàn hỏi với chúng tôi; hãy nhớ rằng nếu điều kiện đó không được thi hành, thì bất cứ ai được đưa vào phục vụ Giáo Hội mà không có ý kiến của chúng tôi, đều chỉ được xem là giáo dân thôi" [36]. Việc thu hồi quyền bính vào trung ương hàm ngụ rằng Giám mục quyết định một cách tối thượng về việc minh xác ai là giáo sĩ và ai là giáo dân.
Nhưng Giám mục không phải là người duy nhất lo lắng đến việc kiểm soát tình trạng gia nhập hàng giáo sĩ. Bất kham trước ảnh hưởng quá lớn mạnh và mau chóng của các luật lệ vừa ban hành, hoàng đế muốn nắm vững, ổn cố lại tình hình. Năm 329, Constantinô lại tuyên bố một sắc luật cấm chỉ việc tuyển lựa giáo sĩ trong hàng ngũ các sĩ quan, con các sĩ quan, hoặc những người giàu có có thể đóng góp vào công phí. Hoàng đế chủ trương đưa những người bất tuân về lại tình trạng giáo dân và gia nhập vào thành phần của hội đồng thành phố [37]. Vì muốn giữ lại những kẻ có khả năng trả thuế hữu hiệu nhất, hoàng đế vô tình đã thu hẹp việc tuyển lựa hàng giáo sĩ trong khuôn khổ của giới tiểu tư sản. Tuy nhiên, biện pháp nầy thường chỉ áp dụng cho các chức nhỏ, chứ không áp dụng cho các phó tế, linh mục và Giám mục. Ngoài ra, còn có phương kế khác để tránh né pháp luật: một vài giáo dân đã cố tìm cách ủy thác việc quản trị các nghiệp vụ của mình cho các giáo sĩ để hưởng các đặc miễn dành riêng cho giới nầy [38].
Ta có quyền suy đoán rằng, theo gương Basiliô thành Cêsarê, các Giám mục đã tìm cách triệt hạ những điều dung túng gây ra tai tiếng. Nhưng không có lý do gì buộc các Giám mục loại những người giúp việc đàng hoàng, cũng như bắt họ phải từ chối không cho các người giúp việc nầy hưởng những đặc ân dành cho qui chế giáo sĩ. Từ đó, dần dần phát sinh ý niệm cho rằng bất cứ ai phục vụ một công tác nào bất kỳ trong Giáo hội đều có thể mang tước hiệu giáo sĩ. Tình trạng nầy khác xa với hoàn cảnh thời Cyprianô: Vào giữa thế kỷ III, Cyprianô yêu cầu tín hữu cấp dưỡng cho giáo sĩ để họ đừng lơ là việc phụng sự bàn thánh, nay các Giám mục phụ tá của Basiliô không tìm ra một ai khả dĩ chu toàn chức vụ tư tế trong số những kẻ đã ghi vào danh sách các giáo sĩ. Hàng giáo sĩ không còn là thành phần ưu tú, hạn chế, nhưng được mở rộng tối đa và mất đi một phần cá tính của mình. Ngược lại, hàng giáo dân bị thu hẹp hoặc ít nhất đã biến dạng: đặc biệt, trong các tầng lớp xã hội trung bình và thấp kém, không thấy có những giáo dân đảm trách các chức vụ hoặc thực sự tham dự vào việc phục vụ giáo hội nữa. Vừa giữ một chức vụ trong Giáo hội, đồng thời từ chối những đặc ân dành cho hàng giáo sĩ là việc làm quá khó khăn, nếu không nói là phải đạt đến một trình độ thanh thoát, khắc kỷ phi thường. Do đó, từ nay, những giáo dân "thấp bé", là những kẻ không hề tham dự gì tích cực trong sinh hoạt tôn giáo. Nhưng ngược lại, những giáo dân "quyền cao chức trọng", thuộc giai cấp khá giả lại đóng một vai trò rất ảnh hưởng trong Giáo hội.Tuy vậy, ta cũng nên lưu ý thêm rằng những thành phần thấp kém nhất trong dân chúng Kitô giáo lại có thể hưởng được những biện pháp độ lượng của hoàng đế: "Nếu là người giúp việc cho các giáo sĩ, họ có thể hưởng lây sự giàu sang của chủ mình và được miễn các sưu thuế do luật định; nếu là nô lệ, họ trông chờ vào quyền trả tự do hoàn toàn dành cho các giáo sĩ và Giáo hội, do đó, người nô lệ Kitô giáo có thể dễ thủ đắc đầy đủ quyền công dân hơn các người nô lệ khác" [39]. Cuối cùng, kể từ năm 321, tất cả công dân đều phải tuân giữ việc nghỉ ngày Chủ nhật (dies solis) [40]. Chỉ trừ các nông dân, trong trường hợp bị chi phối đặc biệt bởi lý do mùa màng, thời tiết, mới được đặc miễn luật nghỉ nầy. Ngay cả công việc kiện tụng, xử án cũng không được thực hiện trong ngày chủ nhật; tuy vậy, việc phóng thích, trả tự do ch nô lệ lại được cho phép vì tính cách lành thánh của sự việc.
Khoảng những năm 320, Constantinô lại thuận ban cho Giáo hội một đặc quyền rất lớn về mặt tư pháp. Kể từ nay, việc thụ lý của Giám mục được nhìn nhận một cách chính thức. Nó có tính cách chung thẩm như quyền dân sự của đế quốc, áp đặt cho tất cả kitô hữu và ngay cả người ngoại giáo, nếu trong cuộc tranh tụng có một kitô hữu liên can [41]. Điểm đặc biệt làm ta lưu ý trong sự kiện nầy là sự biến đổi tâm thức của các kitô hữu. Hai đàng khác biệt, giữa một bên là thái độ tự nguyện của một kitô hữu tìm đến  Giám mục nhờ phân giải một vấn đề luân lý, một bên là bị đặt vào thế phải tự biện hộ trước một Giám mục có quyền phân xử một cách chung thẩm, kèm thêm những biện pháp cưỡng chế dân sự để áp dụng phán quyết của mình. Người giáo dân càng ngày càng cảm thấy nhỏ bé trước vị Giám mục của mình, và cảm thấy vô dụng trước một hàng giáo sĩ càng ngày càng giống một tập đoàn quan lại khổng lồ.


Tình trạng giáo dân được
xem là một phương thức để chế
tài "laica communione contentus"
Một vị quan chức phạm lỗi, nhất là khi vị nầy ở vào phẩm trật cao cấp, sẽ bị truất chức. Nếu phạm lỗi gia trọng, y sẽ bị giáng cấp và có thể bị loại ra khỏi hàng quan chế. Hàng giáo sĩ vào thế kỷ IV cũng chịu những hình thức chế tài tương tự. Một giáo sĩ phạm lỗi sẽ bị "treo" chức; nếu lỗi phạm gia trọng, vị nầy sẽ bị giáng cấp hoặc "bãi nhiệm". Các tài liệu giáo luật cũng như pháp chế dân luật trong thế kỷ thứ IV có những khoản ghi lại những từ ngữ như sau: "bãi chức, giáng cấp, không được tham dự vào hàng giáo sĩ, mất phẩm hàm và chức vị giám mục, bị loại ra khỏi hàng giáo sĩ... Cùng đi vào chi tiết và các cấp độ của các hình thức chế tài liên hệ đến hàng giáo sĩ, ta càng thấy rằng cơ chế pháp luật thời kỳ nầy gián tiếp coi tình trạng giáo dân là một hình thức trừng phạt.
Thật vậy, vào cuối thế kỷ IV, bên cạnh các từ ngữ chính xác nói đến việc bãi nhiệm hoặc loại ra khỏi hàng giáo sĩ, pháp chế còn ghi lại những chú giải minh định tình trạng của kẻ bị lãnh các án phạt đó. Chẳng hạn, bộ Giáo luật Tông đồ (Canons apostoliques) buộc linh mục hoặc phó tế đã trốn bỏ địa phận mình và từ chối vâng phục lời hiệu triệu của Giám mục liên hệ, phải ngưng tất cả các chức vụ tế lễ; bộ luật nầy còn nói thêm: "tuy nhiên người đó có thể thông công (trong việc tế lễ) như các giáo dân" [42]. Năm 343, hội nghị Sardicô đã buộc Eutychianô và Musêô không được tự coi mình như Giám mục nữa: "Nhưng nếu họ xin được thông công với tư cách giáo dân, thì đừng từ chối họ việc nầy" [43]. Như thếmột nội dung của việc thông công trong Giáo hội với tư cách giáo dân lại được minh định rõ như là một biện pháp dùng để bãi nhiệm một giáo sĩ. Trong khuôn khổ nghiên cứu về lịch sử các tâm thức con người, thì hoàn cảnh của một giáo dân đối với một giáo sĩ được cảm nhận như là tình trạng đọa đày mà vị nầy có thể vấp phải nếu phạm lỗi. Việc chế tài nầy chi phối hoàn cảnh xã hội và dân sự của người giáo sĩ phạm lỗi; y sẽ bị hạ xuống tình trạng giáo dân, mất tất cả đặc ân, đặc quyền dành cho người giáo sĩ: chẳng hạn luật Théodosien XVI 2-39 buộc các giáo sĩ bị bãi nhiệm phải thi hành các dịch vụ công cộng. Về mặt tôn giáo và nghi lễ, người giáo sĩ phạm lỗi, bị bãi nhiệm không được đứng vào vị trí trước đây, trong cung thánh hoặc ca cung khi dự thánh lễ, và phải đứng chung với giáo dân. Dẫu có xác tín rằng giáo dân là những kẻ đã chịu phép rửa, là thành phần của dân Chúa, nhưng trong cương vị là giáo sĩ và còn là giáo sĩ, làm thế nào tránh được việc đánh giá rằng hàng ngũ của những kẻ phạm lỗi, bị truất chức kia lại không thấp kém hơn mình. Hàng ngũ giáo dân hẳn là tình trạng thấp kém, bởi vì chỉ có bị phạt mới rơi xuống tận đó. Quan niệm nầy ăn sâu vào não trạng mỗi người: Chắc chắn rằng một giáo sĩ phải cao trọng hơn một giáo dân, vì làm sao có thể nghĩ rằng một giáo dân có tội, bị phạt phải đày làm giáo sĩ cho được!
Việc đưa "tình trạng thông công" với tư cách giáo dân là một trong những yếu tố chính yếu đưa đến sự kiện coi rẻ vai trò tôn giáo của hàng ngũ giáo dân. Thật vậy, đối với một giáo sĩ phạm lỗi, án phạt "bị giáng xuống tình trạng giáo dân" còn được xem là nặng hơn án vạ "tuyệt thông". Thông thường, vấn đề tuyệt thông chỉ áp dụng tạm thời. Khi án được cất đi, người bị tuyệt thông sẽ trở lại hàng ngũ như ban đầu: giáo dân sẽ phục hồi làm giáo dân, giáo sĩ có thể trở về chức vụ cũ của mình. Trong lúc đó, việc bãi nhiệm vĩnh viễn thu hồi tư cách giáo sĩ của người phạm lỗi, không khác gì vị quan chức bị vĩnh viễn đuổi ra khỏi quan chế.
Cuối cùng, nếu so sánh những biện pháp trừng phạt dành cho giáo sĩ và giáo dân, ta sẽ còn thấy rõ tình trạng thấp kém của hàng ngũ giáo dân. Chẳng hạn, có lần Basiliô viết: "Vị phó tế phạm tội gian dâm sau khi chịu chức phải bị cất chức phó tế nhưng được làm giáo dân, và không bị tuyệt thông, bởi vì theo một phép tắc đã có từ xưa, các giáo sĩ bị truất chức chỉ chịu loại hình phạt nầy mà thôi. Sở dĩ như thế theo tôi nghĩ, vì tổ tiên chúng ta đã áp dụng luật nầy: "mầy đừng trừng phạt một tội hai lần" -. Một lý do khác nữa, đó là việc giáo dân khi bị loại khỏi hàng ngũ tín hữu, lại được phục hồi về tình trạng cũ, nhưng vị phó tế bị bãi chức một lần là vĩnh viễn mất chức phó tế. Do vậy, vì y không được phục hồi chức phó tế, nên người ta mới dùng lại án phạt duy nhất đó mà thôi" [44].
Đến đây toàn bộ hệ thống đã hoàn toàn được ổn cố: trong Giáo hội, vị thế giáo dân ở cấp thấp kém nhất về mặt xã hội và ngay cả về mặt tôn giáo. Từ cấp thấp đó, người ta sẽ thăng tiến lên tình trạng cao hơn, đó là hàng giáo sĩ, qua chức cắt tóc thay đổi điều kiện và tình trạng sinh hoạt. Bởi lẽ bí tích Rửa tội được phổ cập cho đại đa số dân chúng, và mọi công dân sớm muộn rồi cũng được xem là kitô hữu, nên tất cả pháp chế cũng như sinh hoạt xã hội đều quay quanh trục phân chia giáo sĩ và giáo dân. Một giáo dân có thể đáng được cân nhắc làm giáo sĩ nếu có hạnh kiểm tốt và hội đủ một số điều kiện. Một giáo sĩ phạm vào các tội gia trọng, có thể bị giáng cấp hoặc hạ xuống làm giáo dân. Từ thời kỳ nầy trở đi, để bù trừ sự thua thiệt của mình, một số giáo dân đã dốc tâm xử dụng quyền dân sự còn lại. Lúc đế quốc La mã đã suy tàn bước qua thời trị vì của man di, sự kiện đó tiên đoán những tranh chấp khốc liệt giữa hai thứ quyền hành: tôn giáo và chính trị. Nhưng nội dung sách nầy không tiến xa đến thời kỳ có biến cố Canossa...


















[1] Xem M. Carrouge, Le laicat, mythe ou réalité, Paris, Centurion, 1964, p 63.
[2] Tertulien, Apologétique, 30,1-3.
[3] Eutrope 9, 27-28.
[4] Ammien Marcellin, 21,10, 8.
[5] Cuối thế kỷ thứ IV, tiếng Linh mục còn chỉ về Giám Mục.
[6] Sozomène, Histoire ecclésiastique, VI,7; H. Rhaner, L'Église et l'Etat dans le christianisme primitif. coll. Chrétiens de tous les temps 2, Paris, éd. du Cerf,1964.
[7] Ambroise, Lettre à l'empereur Valentinien II (3.386).
[8] Ambroise, Ibid.
[9] Théodoret, Histoire ecclésiastique V, 17-18.
[10] Vita Constantini. II, 55.
[11] Lactance, De la mort des persécuteurs, I, 2-3 (SC 39, I, p. 78).

[12] Vita Constantini, II,28.
[13] Ibid., III,15.
[14] Ibid., II,7.
[15] Ibid., IV,24.
[16] Ibid., I,44.
[17] Dựa vào tài liệu của  C. Vogel, "Circonscriptions ecclésiastiques et ressorts administratifs civils durant la première moitié du quatrième siècle", dans La géographie administrative et politique d'Alexandre à Mahomet, Travaux du Centre de recherche sur le Proche-Orient et la Grèce antique, Strasbourg, 1981.
[18] Sardique, canon 7.
[19] Décrétate aux évêques de Gaule, II, 13.
[20] Xem P-H Lafontaine, Les conditions positives de l'accession aux ordres dans la première législation ecclésiastique (300-492). Éd. de l'Université d'Ottawa, Ottawa, 1963, p. 309.
[21] Tradition apostolique, 8. Xem. 1Tim 3,13.
[22] Nicée, canon 2.
[23] Sardique, canon 10.
[24] Xem A. Faivre, Naissance d'une hiérarchie, coll. Théologie historique, no 40, Paris, éd Beauchesne, p.309-370.
[25] Công Đồng năm 595, canon 2: Người ta không được dùng giáo dân phục vụ cho Đức Giáo Hoàng; như đã xảy ra từ bấy lâu, nay các phận vụ đó phải do giáo sĩ hay đan sĩ chu toàn. Và được lặp lại bởi  Grégoire le Grand, Lettre 5, 57a.
[26] Công Đồng Antiôchia, canon 25.
[27] Cyprien, Lettre 50 (Bayard, 2, p.122-123).
[28] Cyprien, Lettre 52 (Bayard, 2, p.125-126).

[29] Chalcédoine, canon 26.
[30] Théophile thành Alexandria, canon 10.
[31] Grégoire le Grand. Lettre I (9-590). Xem A. Favre, op. p.356-357.>.
[32] J. Gaudemet, L'Église dans l'Empire romain (Ivè-Vè), Paris, Sirey, 1958, p. 190-19.

[33] Elvire, canon 19.
[34] Code Théodocien XVI, 2, 1 và XVI 2,2...
[35] Code Théodocien XVI, 2,14.
[36] Basile, canon 89.
[37] Code Théodosien XVI, 2, 3.
[38] Chacédoine, canon 3.

[39] Code de Justinien I, 13, 1 và 2.
[40] Code de Justinien III, 12,2 và code Théodosien II, 8. 1.
[41] Xem Code Thédosien I, 27, 1.
[42] Canons apostoliques 15.
[43] Basile, Lettre canonique I,3.
[44] Basile, Lettre canonique I, 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét