Chương
II
Sự
xuất hiện của người giáo dân
Như vậy
thì chúng ta đã nhận thức được rằng không thể nào tìm cho ra từ ngữ "giáo
dân" trong Tân Ước. Hàng ngũ giáo dân là một thể loại không thấy nói đến
trong các bản Phúc âm. Và thật mâu thuẫn với dự kiến của chúng ta, cũng chính
trong các bản văn trên, lại thấy có một "kléros", từ ngữ dùng để chỉ
toàn thể dân của Đức Kitô, vượt ra ngoài khuôn khổ của ý niệm một đẳng cấp, một
thành phần tách rời ra khỏi cộng đoàn.
Dường
như chữ "Laikos" cũng không có trong các bản dịch của "Bản Văn Bảy Mươi" (Bản văn Hy
Lạp của Cựu Ước). Nhưng nó lại xuất hiện trong một vài bản văn trần tục kể từ
thế kỷ thứ III trước kỷ nguyên: ở đây xem ra có ý nói đến bản dân (dân địa
phương) để phân biệt với giới chức chính quyền [1]. Phải
đợi đến thế kỷ thứ nhất mới thấy xuất hiện chữ giáo dân trong địa hạt tôn giáo,
nhờ vào một bản văn Kitô giáo. Nếu xem hàng ngũ giáo dân là một thực tại sơ
nguyên của Kitô giáo, và rồi cố đẩy xa thực tại đó lên tới tận nguồn, thì việc
nhật kỳ nầy xem ra chậm trễ. Thực ra, nếu qui chiếu vào thời kỳ Clêmentê thành
La Mã nói đến chữ "giáo dân"
lần đầu tiên, bấy giờ một vài bản văn Tân Ước chưa được viết ra, thì nhật kỳ
nói trên tương đối lại có phần sớm sủa. Nhưng việc tranh luận về điểm nầy hẳn
là vô bổ. Thiết thực hơn, chúng ta nên truy cứu về tầm quan trọng của sự kiện
đó. Việc tân tạo ra từ ngữ nầy trong ngữ vựng của Kitô giáo có gợi lên sự xuất
hiện của một tâm thức nào mới lạ không? - nó có mô tả một thực tại nào cụ thể
tương ứng không? - Và những hoàn cảnh nào đã đẩy đưa đến sự xuất hiện của từ
ngữ "Laikos" trong
"bức thư của Clêmentê thành La Mã?".
Vì đã am
tường những biến cố lịch sử xảy ra sau sự kiện trên, nên chúng ta cho rằng nó
là một biến cố đáng phải ghi nhớ, một dấu hiệu tiên báo được những khuôn khổ
sinh hoạt tất định cho tương lai. Tuy nhiên, trong thực tế, dấu hiệu tiên phong
đó có thực xuất hiện đúng vào thời điểm của nó không? Nó có mục tiêu thiết thực
nào đối với những kitô hữu đương thời? Tình hình Giáo Hội vào cuối thế kỷ thứ
nhất có chín mùi để khởi tạo những giáo dân thực sự không?
Để trả
lời những câu hỏi trên, chúng ta sẽ đi vào chính bản văn hầu truy cứu.
Bản
văn phát sinh từ một cuộc tranh tụng
"Bức thư của Clêmentê thành La Mã gửi giáo đoàn
Corinthô" là một bút ký phát sinh trong một hoàn cảnh cá biệt:
một bản văn có tính cách tranh biện, hay đúng hơn, đó là một bản văn nhằm xoa
dịu và, nếu được, thì giải quyết một tình trạng tương tranh. Chính bức thư đã
vạch rõ những sự kiện chính xác như sau: sự bất hòa xảy ra trong giáo đoàn
Corinthô; lý do của sự giao động đó dường như nằm trong khuôn khổ của các định
chế. Những vị niên trưởng trước đây thường vẫn hành xử nhiệm vụ của họ một cách
thành chính và nghiêm túc đã hoặc có thể bị bãi nhiệm. Biến cố nầy gây nên phẫn
uất, và Clêmentê cố tìm cách dàn xếp. Những tranh chấp phe phái đã làm nản chí
nhiều kitô hữu, và làm cớ cho người ngoài phỉ báng. Đến lúc cần phải giảng hòa
và ổn định lại trật tự. Cuối thư, Clêmentê khuyên những ai đã gây nên mối bất
hòa nên hy sinh và tự nguyện lánh đi nơi khác cư ngụ để đoàn chiên Chúa Kitô
sống an bình với những vị niên trưởng đã được thụ chức trước đây[2].
Nhưng
trước khi dẫn đến kết luận đó, Clêmentê muốn trình bày nền trật tự cần phải
được thực hiện. Nhân dịp nầy, tác giả bức thư vạch ra một khung cảnh lý tưởng
và nền trật tự chính đáng, và sự hòa hợp đã được thực hiện trong cộng đoàn
Corinthô lúc khởi thủy; từng trãi qua một biến cố tương tự, kitô hữu trước đây
đã biết quên đi những hiềm khích giữa những kẻ tự nhận là đồ đệ của Phaolô và
những kẻ tự nhận là đồ đệ của Apollos (1Cor. 1,10-16). Sau đó, ngài nêu lên cho
kitô hữu thí dụ về trật tự đó qua hình ảnh hài hòa của vũ trụ mà thánh ý của
Tạo Hóa đã an bài. Cuối cùng, tác giả đi đến việc minh chứng sự cần thiết của
kỷ cương trong cộng đoàn. Trong khuôn khổ nội dung nêu lên, trước tiên ngài
dùng hình ảnh của những chiến sĩ tuân phục vị chỉ huy, rồi đến các hình ảnh của
các chi thể tương thuộc nhau trong một thân xác, và sau hết, là thí dụ rút ra
từ phẩm cách của hàng Tư tế trong Cựu Ước. Và chỉ khi đó, qua bút tích của
ngài, xuất hiện từ ngữ "Laikos"
(= giáo dân), hai lần trong một câu.
Từ ngữ
trên không bao giờ được dùng đến nữa trong phần còn lại của bức thư. Mặt khác,
để gọi tên kitô hữu, Clêmentê lại dùng nhiều cách nói như: "Những kẻ sống
trong tình huynh đệ" "anh em ruột thịt", "những kẻ được lựa
chọn", "những kẻ được kêu gọi và được thánh hóa", "đám
đông", "một phần tử thánh", "thành phần được Chúa Cha
chọn". Có thể thành ngữ "đoàn chiên của Đức Kitô"là cách nói
được Clêmentê dùng nhiều hơn cả để đặt chỉ những phần tử của cộng đoàn kitô
hữu. Ở đây, đoàn chiên lại được phân biệt với những kẻ chăn dắt, tức là những
vị niên trưởng đã được thụ chức, hoặc phân biệt ra với những kẻ kiêu căng muốn
nâng mình lên trên tất cả. Đối với Clêmentê, nếu hết thảy kitô hữu đều là những
kẻ được chọn, một thành phần thánh, thì hiện trạng đó không ngăn trở (hay mâu
thuẫn) việc phân biệt cố hữu giữa đoàn chiên và những kẻ có trách nhiệm chăn
dắt; tác giả cũng không quên nhắc lại cho những kẻ muốn được liệt vào bậc chăn
dắt rằng tốt hơn họ "nếu sống trong sự khiêm tốn ở giữa những kẻ được chọn
thuộc đàn chiên của Đức Kitô, hơn là nhận những vinh dự mình không đáng nhận và
để bị rút mất đi ơn trông cậy vào Chúa" [3].
Giáo
dân và cương vị của họ trong việc thờ phượng
Mặt
khác, Clêmentê lặp đi lặp lại lời cầu chúc ước mong của mỗi người sống đúng
cương vị của mình: "Mỗi người ở đúng vào hàng ngũ của mình", là một
câu văn được dùng đến hai lần trong đoạn văn mô tả những mẫu mực sống của kitô
hữu [4]. Lấy
mẫu mực của lịch sử trong quân ngũ làm thí dụ, tác giả kết luận rằng: "Tất cả không phải đều là vị chỉ huy,
những vị chỉ huy cấp ngàn lính, cấp trăm lính, cấp năm mươi, và các bậc chỉ huy
khác như thế, nhưng "mỗi người đứng
vào hàng ngũ của mình" thi hành những gì đã được vua quan qui
định". Cũng vậy, sau khi mô tả phẩm cấp trong sự thờ phượng thời Cựu
Ước, Clêmentê đã lại dùng cũng một lối nói đó để khuyên dụ anh em kitô hữu. "Hỡi anh em, ước gì mỗi người trong
chúng ta, trong phận vụ riêng của mình hãy làm đẹp lòng Chúa với một lương tâm
chính trực, một phẩm cách xứng đáng, không vi phạm những lề luật đã được thiết
định cho chức vụ của mình".
Sự tương
đồng trong lối dụng văn chứng minh rằng điểm then chốt là đề cao tinh thần tôn
trọng trật tự; và hình ảnh về sự thờ phượng của dân Israel, cũng như của quân
ngũ là chỉ nhằm vẻ ra một thí dụ, một hình ảnh tương tự, để giúp kitô hữu dễ
suy nghĩ về cộng đoàn mà thôi, đừng bao giờ nên xem đó như một việc mô tả thuần
túy và minh nhiên về tổ chức Giáo Hội của những người kitô hữu.
Người
giáo dân trong việc thờ phượng thời Cựu ước có hoàn toàn tương tự với người
giáo dân trong việc thờ phượng của người Kitô giáo không? Bản văn không hề xác
quyết một điều gì như vậy cả. Nó chỉ nhằm xác định rằng: "Thầy Cả Thượng phẩm, đã có những chức vụ đặc biệt dành cho vị ấy;
các Thầy cả, vị trí cá biệt của họ được chỉ định riêng; hàng tư giáo, có những
dịch vụ (diakonioi) được đặt để cho họ; người giáo dân (anthropos laikos) lại
bị trói buộc bởi những lề luật thuộc về giáo dân" [5].
Thầy Cả
Thượng phẩm, các Thầy cả và các vị tư giáo, mỗi vị đều có thể tự hào về một cái
gì đó được dành riêng cho mình, hoặc một chức vụ, một vị trí, hay một dịch vụ.
Riêng người giáo dân lại bị ràng buộc bởi các lề luật thuộc về giáo dân. Bản
văn dường như phân biệt, một mặt ba đẳng cấp trên có một cái gì đặc biệt để chỉ
định họ, mặt khác là giáo dân, một hạng người dường như chỉ lấy sự tuân phục để
tìm lại bản sắc của mình. Tuy nhiên, những sự khác biệt về phẩm cấp ở giữa hàng
tư tế và người giáo dân không ngụ ý riêng hàng tư tế tự áp đặt một uy quyền nào
lên trên giáo dân. Cả hai giới nầy đã không tự mình chọn lấy cương vị và chức
vụ riêng cho mình. Cả bản văn trên đều đặt ở "thể thụ động": những chức vụ đặc biệt "được dành" cho Thầy Cả Thượng
phẩm, một vị trí cá biệt "được chỉ
định" cho các Thầy Cả, những dịch vụ cá biệt "được đặt để" riêng cho các vị tư giáo. Hàng Tư tế cũng
như người giáo dân, đều chịu số phận được an bài do sở thích và ý muốn tối cao
của Đấng Chủ Tể.
Niềm
mong ước cho mỗi người nên đứng vào cương vị của mình và làm đẹp lòng Chúa, đó
là điểm then chốt của đoạn văn. Và nếu thật sự trong bối cảnh của việc thờ
phượng trong Cựu ước, người giáo dân dường như không có chức vụ và dịch vụ nào,
thì không nhất thiết phải đi đến kết luận rằng trong cộng đoàn Kitô hữu, giáo
dân chỉ giữ một vai trò thụ động. Trái lại, khi nói với anh em mình, qua chữ "chúng ta" mang tính cách cộng
đoàn, tác giả của "bức thư gửi giáo
đoàn Corinthô", gợi lên cho ta thấy mỗi một người phải hoàn thành một
chức vụ (leitourgia). Theo thể chế của Kitô giáo, những chức vụ cũng như những
chi thể của thân xác, lại đa biệt, nhưng bổ sung. Đối với tác giả bức thư, sự
bổ sung nầy ngụ ý rằng, mỗi thành phần không phải có quyền làm bất cứ điều gì,
bất cứ ở đâu và bất kể như thế nào; dĩ nhiên, việc nầy lại phải được nhấn mạnh
một cách đặc biệt trong khuôn khổ của việc thờ phượng. Tính cách hòa hợp cần thiết
trong cộng đoàn không hề ám chỉ rằng một hạng người kitô hữu nào đó phải (ở vào
thế hoàn toàn thụ động) bị loại ra khỏi tất cả các chức vụ (leitourgia).
Nhưng,
thử hỏi với những điều kiện đặt ra như thế, việc gợi lại hình ảnh trong Cựu ước
mang lại lợi ích gì và có thể hướng đến mục tiêu gì đặc biệt?
Những mẫu mực trong Cựu Ước
Cuộc
tranh chấp trong cộng đoàn Corinthô diễn ra gay gắt và cần những lối lập luận
mạnh mẽ nhằm giải quyết. Trong mục tiêu như thế, lấy việc thờ phượng thời Cựu
ước làm tỉ dụ sẽ cống hiến những hình ảnh và những câu chuyện dễ gây nên xúc
động rất nhiều, hầu cảnh tỉnh kitô hữu đương thời. Ở chương kế tiếp, khi tiếp
tục đưa ra việc so sánh nầy và đồng thời quả quyết rằng những kẻ hành động trái
nghịch với ý muốn của Đấng Chủ tể đáng bị án tử hình, Clêmentê chắc phải nghĩ
đến câu chuyện phản nghịch và án phạt của Corê, Datan và Abiran (Nhị Luật 16).
Theo câu chuyện dân gian nầy, 250 con cái Israel do Corê, Datan và Abiran dẫn
đầu đã chống kháng quyền uy của Aaron và Môisen, nhân danh tính cách toàn thánh
của cả khối cộng đoàn. Họ mưu đoạt những chức vụ của hàng tư tế, tự chiếm lấy
các lư hương, xông xáo dâng lễ vật lên Yavê. Vì lễ vật nầy bị coi là lửa
"bất chính", những kẻ nổi loạn đã bị đất nứt nẻ ra nuốt trửng và,
đang sống, mà họ phải bị đẩy nhào xuống âm phủ. Những người dâng hương thì bị
lửa của Yavê thiêu đốt.
Những
người được Clêmentê nhắn nhủ không thể nào không biết đến câu truyện phản loạn
của Corê, Đatan và Abiran. Hơn nữa Clêmentê đã nói đến việc nầy khi khởi đầu
bức thư của ngài [6]. Ở
chương 43, ngài kể lại câu truyện cây gậy của Aaron (Nhị luật 17); và câu
truyện nầy trong sách Dân Số đi tiếp liền với chuyện phản loạn của Đatan và
Abiran. Ở chương 51, ngài lại nhắc đến "hình phạt nhãn tiền" dành cho
những kẻ chống đối Moisen. Trong bối cảnh mạch lạc của nội dung bản văn vừa
nêu, việc so sánh với sự thờ phượng thời Cựu ước làm nổi bật lên được sự tương
đồng của hoàn cảnh đương thời, và minh chứng rõ rằng việc tôn trọng những luật
lệ đã được thiết định cho chức vụ của mỗi người mang tính cách bó buộc tuyệt
đối.
Hướng
đến việc định nghĩa một cách
tiêu
cực về con người giáo dân.
Qua nội
dung của bản văn, với tất cả những hình ảnh ức áp rút ra từ những thí dụ của
Cựu ước, phải chăng ta không còn có thể định nghĩa người giáo dân một cách khác
hơn là như "người bị cấm làm", "không được làm", hay
"cam chịu, tuân phục một cách thụ động" mà thôi?
Hẳn
nhiên, "Thư của Clêmente"
khả dĩ mang âm hưởng tiêu cực như trên về từ ngữ giáo dân. Người giáo dân được
nhắc đến cuối cùng trong bản liệt kê những kẻ có quyền tham gia vào việc thờ
phượng. Khác với ba đẳng cấp của hàng tư tế có được một cái gì đặc biệt dành
riêng cho họ, giáo dân tạo thành một lớp người nhạt mờ hơn; vai trò duy nhất
của họ dường như chỉ là tuân phục, và được diễn tả bằng những từ ngữ ở thể thụ
động: người giáo dân bị trói buộc bởi những luật lệ thuộc về giáo dân. Tuy
nhiên, chúng ta đừng quên rằng vai trò dành cho mỗi người đều do tự ý muốn của
Thiên Chúa; và tất cả mọi người, từ bậc Thầy Cả Thượng phẩm đến người giáo dân,
đều phải tuân nhận và tòng phục trước ý muốn nầy. Và cũng nên lưu ý thêm rằng
cuộc phản loạn của Corê, Đatan và Abiran không phải chỉ được coi là một sự phản
kháng của dân chúng mà thôi, nhưng là việc bạo loạn của hàng tư tế chống lại
chức tư tế của Aaron. Như vậy, sự cấm đoán không cho phép vượt ra ngoài cương
vị đã được dành riêng, không chỉ đặc biệt áp dụng cho giáo dân, mà cho tất cả
những ai không chịu sống trong khuôn khổ hàng ngũ của mình.
Cuối
cùng, đừng quên rằng điều quan trọng hơn cả, có lẽ không phải là Clêmentê đã
liệt kê người giáo dân vào cấp bậc thấp nhất của phẩm cấp vừa nêu, nhưng đáng
lưu ý hơn là việc ngài không quên nhắc đến họ. Thật vậy, trong thư thứ nhất
Clêmentê 40, 2-3, tác giả đã phác họa bố cục của toàn bộ lập luận của ngài như sau:
"(Đấng Chủ Tể) đã dạy rằng những công tác dâng lễ vật và những chức vụ
trong nghi lễ thờ phượng được chu toàn không phải do tùy hứng và vô trật tự,
nhưng phải đúng thời, đúng lúc được thiết định hẳn hoi. Việc ngài muốn những
công việc đó được thực hiện ở đâu và do ai, thì điều đó ngài đã tự định liệu
lấy do ý định tối cao của ngài ...": Trong đoạn 40,4, Clêmentê sẽ trả lời
câu hỏi xem "bởi ai" mà
những công việc dâng lễ vật và những chức vụ nghi lễ thờ phượng phải được chu
toàn. Trong đoạn 41,2, ngài sẽ cho biết "ở
đâu" những việc đó phải được chu toàn. Sự kiện Clêmentê cố tâm đưa
chung người giáo dân vào danh sách những kẻ thực hiện những công việc dâng lễ
vật và những chức vụ phượng thờ chứng minh rằng, đối với ngài, mỗi kitô hữu đều
có một "leitourgia", một
chức vụ trong việc dâng lễ vật phượng thờ. Nhưng trong cùng một khuôn khổ tương
tự, Cựu ước lại không mấy lưu tâm đến việc nầy. Ta không thấy trong đó người
giáo dân có một chức vụ, một vị trí, một tác vụ nào đặc biệt cả. Rõ là Clêmentê
sẽ không được xem như người xướng xuất một nền thần học chủ trương việc dâng lễ
vật và những chức vụ phượng thờ là độc quyền của một vài phần tử tách rời ra
khỏi toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Tiếp liền theo đoạn văn chúng ta vừa nhắc
đến, ngài lại đã không xác định rõ ràng rằng mỗi người thuộc cộng đoàn Kitô hữu
đều có một "leitourgia"
(một chức vụ) phải hoàn thành đó hay sao? <169>Hỡi anh em, ước gì mỗi
người trong chúng ta, trong cương vị của mình, hãy làm đẹp lòng Chúa theo đúng
lương tâm chính trực, với phẩm cách xứng đáng, không vi phạm những lề luật đã
được thiết định riêng cho chức vụ của mình" [7].
Những
ngại ngùng bối rối
của
một dịch giả Latinh
Thật là một cuộc biến thái kỳ
la! Người giáo dân đã được phát sinh trong khuôn khổ gò bó của một thí dụ, bị
chi phối bởi khung cảnh tranh chấp, bị giới hạn trong một phạm vi nghi lễ
phượng thờ. Chưa có một dấu chỉ nào cho thấy mụn măng đang biến hóa đó được qui
hướng thành một thể loại đặc biệt; và ta còn khó mà truy kiếm được những đường
nét cơ bản của chủng loại mà nó sẽ hình thành. Nhưng, kỳ cùng, tại sao nó được
gọi là"giáo dân?"
Với bản văn của thánh Clêmentê
thành La Mã, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta chứng kiến từ ngữ giáo dân
được dùng trong lãnh vực tôn giáo. Tại sao trong lối dụng văn Hy lạp, tác giả
đã chọn chữ "laikos", nhằm chỉ một ý niệm về đặc loại
("ikos")? Cũng có thể bởi vì ngài thấy đó là một lối dịch sát nghĩa
nhất từ một từ ngữ của vùng Tiểu Á, hay là vì, một cách hết sức đơn giản, ngài
có thói quen thích dùng những tĩnh từ bằng "ikos". Tuy nhiên, trong
toàn bộ bức thư, những tĩnh từ như thế lại không có bao nhiêu, và đặc biệt hơn
nữa, chúng không phải là những chữ lấy lại từ các bản văn "Tân ước" (từ chữ pneumatikos: thuộc về thần khí).
Trong một trường hợp, tác giả
lại không ngần ngại tạo ra một chữ mới bằng "ikos": pantokratorikos [8], một từ
ngữ hoàn toàn xa lạ với văn chương tôn giáo, cũng như văn chương trần tục.
Nhưng hãy quên đi những lý do
thúc đẩy Clêmentẽ dùng từ ngữ đó, việc quan trọng hơn cả là tìm xem nó đã được
tiếp nhận sau đó như thế nào. Về việc nầy, chúng ta có bằng chứng của một dịch
giả latinh vào hậu bán thế kỷ thứ II. Vị nầy dường như có phần nào cảm thấy khó
chịu khi phải gán tĩnh từ "laikos"
cho con người. Ông bó buộc phải dịch từ ngữ "laikos"
bằng hai cách khác nhau, tùy vào tương quan của nó đối với con người cụ thể hay
đối với một ý niệm trừu tượng. Cũng vì thế, câu "người giáo dân bị ràng
buộc bởi những luật lệ thuộc về giáo dân" được dịch bằng la ngữ như sau:
"Plebeius homo laicis praeceptis datus est". Theo nghĩa thứ nhất,
"người giáo dân" trở thành "người bình dân", có nghĩa là
người thuộc thành phần dân giả, không ở trong thế giới quí tộc. Theo nghĩa thứ
hai, tác giả không còn thấy bối rối, ngập ngừng nữa và sao y từ ngữ (laikos) để
nói về những "luật lệ thuộc về giáo dân". Chắc hẳn người dịch thấy
tĩnh từ "laic", có âm hưởng tiêu cực chỉ dùng để chỉ sự vật nên từ
chối không áp dụng vào con người ta; và từ đó nghiêng chiều việc dịch là người
bình dân, một hạng người ít được trọng vọng hơn.
Nhưng dù với nội dung ý nghĩa theo
ngôn ngữ Hy lạp hay La tinh đi nữa, thì chữ "laic" cũng phải đợi một
thời gian rất lâu mới thấy thông dụng trong ngôn từ tôn giáo. Sau một thế kỷ,
từ ngữ đó mới thấy xuất hiện lần thứ hai. Những người đầu tiên dùng lại nó
trong văn từ Hy lạp là Clêmentê thành Alexandria, và trong văn từ La tinh là
Tertulianô. Như thế, việc thánh Clêmentê thành La mã đã tân tạo từ ngữ
"giáo dân" vào cuối thế kỷ thứ I đã bị âm thầm quên lãng; và
"con người giáo dân" mà chúng ta hôm nay ra sức truy nguyên đã không
làm cho những người đương thời lưu tâm chút nào.
Người giáo dân không có ai
để đối ứng
Kỳ thực, người giáo dân trong "bức thư thứ hai của Clêmentê" không
phải là kitô hữu, nhưng là một người Do thái. Đúng hơn, phải nói đó là một loại
người chủng tạp và tổng hợp. Một mặt, người giáo dân được trình bày một cách
giả tạo như một kẻ có một chức vụ đặc biệt trong khuôn khổ nghi lễ phụng thờ
của Do thái giáo; một mặt người giáo dân phải là hình ảnh của một kẻ chịu phép
thánh tẩy tham dự thiết thực vào nghi lễ phụng thờ Kitô giáo trong việc tiến
dâng lễ vật hiệp thông bằng cuộc sống theo đúng lý tưởng Kitô giáo. Mô tả như
thế là bóp méo hình ảnh Cựu ước bằng cuộc sống thực tế của kitô hữu, và người
giáo dân bị đặt vào một vị thế giả tạo, sai sự thật. Phạm trù "giáo dân"
được gợi ra để đáp ứng việc tập hợp toàn thể dân Chúa, rập theo khuôn khổ của
phẩm trật các chức vụ nghi lễ thờ phượng thời Cựu ước; từ sự so sánh đó, nó đảm
bảo một nền trật tự toàn diện phải được thể hiện. Nhưng phạm trù nầy không được
xây dựng trên một nền tảng thực tế và vững chắc, và cũng không mang một nội
dung nào độc đáo, cụ thể. Ở đây ta chỉ có thể xác quyết được rằng chức vụ của
người giáo dân trong Cựu ước khác hẳn với bất cứ chức vụ nào tác giả muốn nêu
ra. Mâu thuẫn chính yếu ở tại việc lấy một hình ảnh của Cựu ước được mô tả như
không có một chức vụ gì rõ rệt, nhằm gợi lên một chức vụ hiện thực và rõ rệt
của người "giáo dân" kitô hữu. Nói cách khác, để quả quyết tính cách
tích cực của chức vụ dành riêng cho bất cứ một kitô hữu nào, người ta lại tạo
ra một ý niệm có tính cách hoàn toàn tiêu cực.
Người giáo dân sẽ chỉ có thể
hiện hữu đích thực và triển nở khi có một ai khác hầu đối chiếu. Mẫu mực trong
nghi lễ thờ phượng thời Cựu ước theo sự mô tả của Clêmentê chỉ cho thấy những
nét sơ phác của người đối ứng nầy. Cũng nên nhớ kỹ rằng theo bản văn của
Clêmentê tương quan Tư tế/ giáo dân không phải là một tương quan lưỡng cực và
đối đầu, nhưng là một tương quan nêu lên sự khác biệt và bổ sung giữa người
giáo dân và thầy cả thượng phẩm, các thầy cả và hàng tư giáo. Thực tế của cộng
đồng Kitô hữu vào cuối thế kỷ thứ I không cho thấy có một hàng ngũ đối ứng lại
với con người giáo dân, theo đúng qui thức thần học. "Thư thánh Phêrô" mà chúng ta đã lược qua, áp dụng ý niệm
"kléros" cho tất cả dân Chúa; và ngay đối với Clêmentê, tất cả kitô
hữu đều là những kẻ được chọn lựa và kết hợp toàn bộ thành một phần tử thánh.
Ngoài việc áp dụng chữ
"kléros" vào "sự tuẩn giáo" do Ignatio thành Antiochia đã
làm, chúng ta phải đợi đến đầu thế kỷ thứ III mới thấy chữ "kléros"
chỉ một nhóm người hạn chế ở trong cộng đoàn kitô hữu. Và chỉ khi đó, một vài
thừa tác viên kitô hữu mới trở thành giáo sĩ. Cũng trong thời kỳ nầy, người ta
mới bắt đầu dùng lại từ ngữ "giáo dân". Điều đó hẳn không phải là một
chuyện ngẫu nhiên! Phát sinh do việc so sánh với người giáo dân thời Cựu ước,
nên khi cần làm xuất hiện con người giáo dân, thì người ta chỉ có thể định
nghĩa nó một cách tiêu cực.
Tóm lại, bây giờ ta có quyền thử
hỏi rằng "người giáo dân"
lúc ban đầu phải chăng chỉ là hậu quả của một lối dụng văn vụng về hay không?
Clêmentê đã không muốn làm một cuộc đối chiếu, dù miễn cưỡng, giữa những qui
chế trong Cựu ước và tổ chức của cộng đoàn kitô hữu đó hay sao? (Chúng ta nhớ
lại rằng) việc so sánh với Cựu ước chỉ nhằm mục đích đưa ra một thí dụ về "trật tự" tồn thịnh trong
những sinh hoạt thờ phượng, dù có sự đa biệt của các chức tước của mỗi người.
Tuy nhiên, trong những cộng đoàn kitô hữu, nếu những thừa tác viên là những kẻ
tham dự vào chức tư tế linh thiêng, thì bất cứ ai đã chịu phép thánh tẩy, cũng
bằng một cách thế và quyền hạn đó, không hơn không kém, đều tham gia vào chức
tư tế trên. Tình trạng đó đã không thấy trong tổ chức thờ phượng của Cựu ước.
Vậy, có lẽ muốn làm một cuộc so sánh thật thấu đáo, đối chiếu từng từ ngữ một,
nên Clêmentê cảm thấy không thể nào ngừng lại được ở hàng tư tế thời Cựu ước,
và đã đưa thêm vào công việc mô tả của mình, những người còn lại là những kẻ
không phải là thừa tác viên. Từ đó, ta thấy trong lịch sử đã xuất hiện một con
người giáo dân, chỉ có một việc để làm là tuân phục những lề luật. Khởi phát từ
một hình ảnh giả tạo nầy, tự hậu người ta có khuynh hướng thường gán cho người
giáo dân kitô hữu vô số những đặc tính khuôn rập theo phần vụ đặc biệt đó. Thực
ra, vào thời của Clêmentê, con người giáo dân chỉ là một ảo ảnh, một nhân vật
tưởng tượng trong văn chương mà thôi. Suốt gần một thế kỷ kế tiếp, mặc dù Kitô
giáo tràn lan đây đó để trở thành một dòng tộc phổ quát (genre) hơn là một nhóm
người hạn hẹp (espèce), và nếu số người chịu phép thánh tẩy càng ngày càng gia
tăng nên bắt đầu tự phân biệt ra trong nội bộ những hàng ngũ biệt loại
(sous-espèce), thì cơ nguyên của những môn đồ Chúa Kitô và sự hợp nhất của đại
gia đình các kitô hữu vẫn vượt lên trên sự đa biệt của các chức phận của mỗi
người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét