Chương III
Sinh hoạt của một giáo đoàn
vào giữa thế kỷ thứ ba
Vị Giáo
Chủ thành Carthage
Từ thân phận nô lệ, Calixtô đã
trải qua bao thăng trầm trước khi trở thành Giám Mục của La Mã. Về phần
Cyprianô, ngài được đề cử vào chức vụ giám mục trong những điều kiện huận lợi
hơn nhiều. Ngài được một vị niên trưởng giúp đỡ để trở lại đạo, và được rửa tội
vào năm 245. Đến năm 249 thì ngài được phong làm giám mục. Ta không biết được
gì nhiều về thời kỳ trước khi Cyprianô trở lại, ngoài ý kiến của nhiều người
cho rằng ngài chuyên giảng dạy về tu từ học. Có điều chắc chắn là Cyprianô
thuộc vào thành phần khá giả; bằng chứng là khi đã trở thành giám mục, ngài lấy
của cải riêng của mình để cứu trợ các nạn nhân bị bắt đạo, và chính ngài đã lui
về ẩn núp tại biệt thự và vườn tược riêng của mình ở ngoại thành Carthage. Nhờ
vào thân thế giàu sang nầy, ngài hưởng được nhiều sự dễ dàng trong việc giao
tiếp với các giới chức Giáo Hội, thể hiện được uy quyền và tài năng quản trị
của mình, đến nỗi có thể nói rằng ngài điều hành cộng đoàn Carthage như một vị
quan toàn quyền, với đầy đủ tác phong và hiệu năng công tác.
Những hoàn cảnh khó khăn (do
tình thế sau nầy tạo ra) lại giúp ngài thể hiện cụ thể uy quyền và khả năng tổ
chức cá biệt của mình. Năm 250, Hoàng đế Đêciô xuống lệnh truy bắt các kitô
hữu, đem họ làm vật tế bụt thần của Đế quốc. Nhiều giám mục đã chịu tử vì đạo.
Các Giáo Hội địa phương tan tác vị mất người lãnh đạo. Một mặt bị nhà cầm quyền
bách hại, mặt khác bị phân tán vì những tranh chấp, xâu xé nội bộ, các cộng
đoàn ở vào tình thế rã rời, tiêu hao. Tuy bị bó buộc phải ẩn mình tránh cơn bắt
bớ, Cyprianô vẫn cố tìm mọi cách để liên lạc, và bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo
Hội, không phải chỉ cho cộng đoàn Carthage của ngài mà thôi, mà còn cho các
Giáo Hội địa phương khác. Chính nhờ hoàn cảnh đặc biệt nầy, Cyprianô đã để lại
rất nhiều thư từ liên lạc, đề cập đến các vấn đề tổ chức Giáo Hội một cách cụ
thể. Cuộc bách hại của Đêciô chấm dứt vào năm 252; nhưng kitô hữu lại chịu bắt
bớ thêm một lần nữa vào năm 257, và trong lần nầy Cyprianô đã chịu chết vì đạo
đúng vào năm 258.
Một
Giáo Hội Được Tổ Chức Chặt Chẽ
Thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ thứ
III là thời kỳ phồn vinh của Phi châu: - Kinh tế nông nghiệp vững mạnh -
Carthage là trung tâm thương mại lớn lao, là địa điểm tập trung và cũng là nơi
khởi phát đi đến các vùng thuộc nước Pháp xưa, Tây Ban Nha, Cận đông và nhất là
Ý. Trong khung cảnh kinh tế như thế, Kitô giáo cũng ở vào tình trạng thịnh đạt.
Tỉnh hạt Phi châu gồm hơn 60 cộng đoàn. Kitô hữu chiếm gần phần nửa dân số; có
thể nói Phi châu thuộc quyền La Mã đã biến thành Phi châu Kitô giáo. Chính ngay
đúng vào thời có tiến độ phát triển như thế, Giáo Hội Phi châu lại chịu cú đòn
chí tử do cuộc bách hại của Đêciô gây ra.
Một
vị giáo sĩ không phải là một người giáo dân
Trong các cuộc bách hại,
Cyprianô bắt buộc phải ở xa (và dùng thư từ để liên lạc) quản trị Giáo Hội.
Những thư từ đó chứa đựng nhiều lời giáo huấn liên quan đến việc tổ chức Giáo
Hội một cách cụ thể. Thư thứ nhất
định nghĩa thế nào là hàng giáo sĩ. Trong thư, ngài không quên gợi lại những
quyết định của các hội nghị giám mục đã có từ trước, việc nầy chứng tỏ Giáo Hội
Phi châu thời bấy giờ đã sở đắc một nền pháp chế (khá qui mô) rồi. Bức thư nầy
gửi cho hàng giáo sĩ giáo phận Furni để bàn về di chúc của ông Gêminiô Victor
nào đó. Di chúc đó đã chỉ định vị niên trưởng Gêminiô Faustinô làm giám hộ cho
các con của đương sự. Cyprianô nhắc lại cho biết đã có một hội nghị giám mục
cấm chỉ việc chọn những thành phần thuộc hàng giáo sĩ làm giám hộ hoặc quản
tài, đồng thời ngài giải thích thật thấu đáo quyết định đó:
"Bởi lẽ những kẻ có được
phẩm chức tư tế của Chúa và bị trói buộc bởi những bổn phận của chức vụ giáo
sĩ, phải thi hành thừa tác vụ của mình trong việc tế lễ (phục vụ) bàn thánh,
cũng như chuyên tâm cầu nguyện mà thôi" [1].
Cyprianô đã lấy lại thí dụ của
hàng tư giáo Lêvi trong Cựu ước để biện minh cho lý thuyết nầy. Nếu mọi người
kitô hữu đều phải tránh những lo toan quá mức để đến nỗi chìm đắm vào thế sự,
thì đối với hàng giáo sĩ đã hiến mình phục vụ nhà Chúa, lời giáo huấn nầy phải
được xem như một mệnh lệnh: "Đây là kỹ cương mà hàng tư giáo Lêvi trong
Cựu ước đã phải tuân giữ: Mười một chi họ đều được chia đất, mỗi chi họ được
một lô; dòng họ Lêvi không tham dự vào việc chia phần nầy, vì đã được chọn để
hiến mình phục vụ đền thờ và bàn thánh. Các chi họ khác lo khai thác đất đai để
trồng trọt, riêng chi họ Lêvi chỉ lo phụng sự Chúa mà thôi. Và để nuôi dưỡng
họ, mười một chi tộc kia phải đóng thuế thập phân (10%) trên hoa màu cho chi họ
Lêvi. Thiên Chúa đã muốn sự thể xảy ra như vậy, để những ai hiến thân phụng sự
Chúa khỏi phải lơ là việc nhà Chúa, cũng như khỏi phải bận tâm bận trí lo nghĩ
đến thế sự. Và nay hàng giáo sĩ phải tuân giữ lề luật nầy" [2].
Cũng đúng vào thời kỳ nầy, bằng
một lối lập luận khác, Origène lại đưa ra những ý kiến tương tự: - Cyprianô thì
đưa ra mẫu mực của hàng tư giáo Lêvi chuyên tâm phục vụ bàn thánh và công việc
tế lễ; Origène lại nhấn mạnh đến sinh hoạt của hàng tư giáo Lêvi trong việc học
hỏi Lề luật: Một bên là vì học giả chuyên về nghiên cứu giảng dạy, một bên là
vị giám mục mang trọng trách chính yếu về phụng vụ tế lễ. Hai đàng có khác nhau
về lãnh vực chuyên môn cần phải nêu lên, tình trạng đó không có gì đáng làm ta
ngạc nhiên, chẳng qua chỉ là sắc thái độc đáo của mỗi vị. Cyprianô chủ trương
rằng: "Những kẻ được phong chức thánh, được đưa vào hàng giáo sĩ trong
Giáo Hội của Chúa, không được trễ nãi việc phụng sự Chúa, để chuốc lấy mối nguy
do việc lao mình vào các chuyện phiền toái, những đa đoan của thế sự". -
Origène thì nhấn mạnh đến việc cần thiết phải sắp xếp làm sao cho "hàng tư
giáo Lêvi" thoát khỏi những âu lo về mặt vật chất, và cảnh giác rằng nếu
công việc nầy không được thể hiện, thì nguy cơ chắc chắn sẽ xảy đến. Tiên sinh
giải thích như sau: "Thật vậy, các vị Thượng tế cùng hàng tư giáo Lêvi
được Thiên Chúa trao phó các Lề luật, để nó trở thành mục tiêu duy nhất của đời
họ, do đó, họ phải đứng bên ngoài những lo toan về mặt vật chất hầu hiến trọn
đời mình phục vụ Lời Thiên Chúa. Nhưng muốn chu toàn công việc đó, họ lại phải
nại đến thừa tác vụ của hàng ngũ giáo dân. Nếu giáo dân không cung ứng cho các
vị Thượng tế và hàng tư giáo Lêvi những gì cần thiết, thì các việc lo toan hằng
ngày - nghĩa là những đa đoan về mặt vật chất - sẽ ngăn trở không cho phép các
ngài hoàn toàn hiến mình cho Lề luật của Chúa. Và một khi các ngài không thể
hết mình chu toàn công việc nầy, không tận tâm tận lực phục vụ Lề luật của
Thiên Chúa, thì chính anh em (= giáo dân), anh em sẽ lâm vào tình trạng nguy
khốn. Thật thế, Lời Chúa là ánh sáng của sự thông hiểu nơi họ sẽ lu mờ đi, nếu
chính anh em không đổ dầu vào bình đèn" [3]. Origène
dùng lối lý luận trực khởi để nhấn mạnh đến lợi ích mang lại cho giáo dân, một
khi họ chịu đóng góp vật chất giúp đỡ hàng giáo sĩ. Còn Cyprianô thì cho rằng:
"Ai muốn làm cho Thầy cả và những thừa tác viên của Chúa xa rời bàn thánh,
thì người đó không xứng đáng được các Thầy cả nhắc đến tên mình nơi bàn thánh
của Chúa, trong lời cầu nguyện của các ngài" [4]. Cyprianô
chủ trương giáo sĩ phải đứng vào một tư thế đặc biệt để phụng sự Giáo Hội và để
hết tâm trí vào những sinh hoạt tôn giáo. Bù lại, Giáo Hội, nghĩa là anh em
(giáo dân) có bổn phận phải nuôi dưỡng họ. Hàng giáo sĩ "hưởng lễ vật và
đồ dâng cúng", - chữ nầy lấy lại một từ ngữ trong sinh hoạt người đời,
nguyên chỉ cái thúng (cái quả), mà người phú hộ thường đặt của trợ cấp, giúp khách
hàng (= những người túng thiếu), tương đương với một bữa ăn. Của cúng có thể
được dâng bằng lễ vật. Tuy vậy, Giáo Hội ở Carthage đã được tổ chức qui mô, nhờ
vậy hàng giáo sĩ khỏi phải lâm vào tình trạng ngày ngày chờ đợi của cúng giường
nhỏ giọt của tín hữu. Nhân nhắc đến một vị phụ phó tế và một vị cầm đèn đã bỏ
chức vụ mình trong thời kỳ bách hại, Cyprianô muốn tạo điều kiện cho họ biết lo
âu hối cải, nên yêu cầu: "những ai đã bỏ không nhận phần trợ cấp bấy lâu
nay, thì bây giờ nên đòi hỏi phần đãi ngộ hàng tháng của mình (divisio
mensurna)" [5].
Như vậy, ta thấy hàng giáo sĩ ở Carthage được cấp dưỡng theo nguyệt kỳ, có lẽ
được phân phối, tổ chức dựa vào hệ thống ngân quỹ chung mà Tertulianô có lần đã
mô tả.
Nhưng ai được xem là thành phần
hàng giáo sĩ? Từ ngữ "Clerus" = giáo sĩ có thể tùy hoàn cảnh mà gọi
tên nhiều nhóm khác nhau. Một cách tổng quát và còn mơ hồ, chữ nầy hình như hàm
ngụ những người đàn ông, giữ một chức vụ nào đó trong Giáo Hội, thông thường
nhất đó là các Linh mục và Phó tế. Nhưng có lúc, nó lại chỉ một nhóm gồm có
Giám Mục và hàng niên trưởng chung quanh Ngài [6]. Trong một
vài trường hợp, nó bao gồm tất cả những thừa tác viên cấp nhỏ hơn, đang phục vụ
trong cộng đoàn (phụ phó tế, giúp lễ hoặc đọc sách)" [7] và có nhận
phần trợ cấp hàng tháng. Tóm lại, theo Cyprianô, một cách chính xác hàng giáo
sĩ phải là "các vị Thượng tế và hàng tư giáo Lêvi" nghĩa là các Linh
mục và các Phó tế, nhưng theo nghĩa rộng, chữ nầy còn áp dụng luôn cho thừa tác
viên cấp nhỏ có được sự trợ cấp tài chánh.
Nhưng, nếu tất cả các thành phần
giáo sĩ đều có nhận sự trợ cấp của Giáo Hội, thì không phải bất cứ ai có nhận
trợ cấp đều là giáo sĩ cả đâu. Giáo Hội trợ giúp nhiều người, và những kẻ được
trợ cấp không nhất thiết phải là giáo sĩ hay thuộc vào một thành phần của bất
cứ một nhóm cá biệt nào: Ta đã có lần thấy Tertulianô chống lại việc đưa một
thanh nữ gặp khó khăn vào hàng ngũ (ordo) các bà góa, và khuyên giám mục chỉ
giúp đỡ người nầy một cách bình thường thôi. Cũng như việc Cyprianô đề nghị
giúp đỡ phương tiện sinh sống cho một kịch sĩ, nếu người nầy chịu từ bỏ nghề
của mình: "với điều kiện anh ta muốn sống một cách thanh đạm và đừng nghĩ
rằng chúng ta có bổn phận phải trả tiền cho anh để anh không còn phạm tội;
không phải vì chúng ta mà anh ấy bỏ đường xấu xa, nhưng chính vì lợi ích của
chính anh ấy, mà y đừng nên phạm tội nữa" [8].
Dường như đối với Cyprianô, đây
chính là sự khác biệt (giữa người được trợ giúp thông thường) và hàng giáo sĩ,
bởi lẽ, trong khi phục vụ bàn thánh, các vị giáo sĩ đem lại lợi ích cho mọi tín
hữu bằng lời nguyện cầu của mình.
Tuy có nói vậy, nhưng chúng ta
sẽ thấy Cyprianô (mở rộng lòng) lo lắng rất nhiều cho tất cả những nạn nhân
trong cuộc bách hại: những kẻ đã tuyên xưng đức tin, hay dù chỉ vì nghèo khổ,
túng thiếu mà thôi. Ngài coi những công việc bác ái nầy như là phận vụ hiển
nhiên của một vị giám mục. Trong thời bách hại của Đêciô, ngài có lần viết cho
hàng giáo sĩ của ngài như sau: "Ước gì trong cương vị mà cha đang đảm
trách, cha phải có mặt ngoài ấy: cha sẽ tận tâm thực hiện những công việc bác
ái đối với anh em yêu quí của cha, hầu chu toàn thừa tác vụ (giám mục được giao
phó cho cha)" [9].
Dầu không có mặt tại chỗ, ngài vẫn giao cho hàng giáo sĩ của ngài tùy nghi xử
dụng những món tiền thu góp được, hoặc ngay chính tài sản riêng tư của ngài [10], nhưng
đồng thời ngài cũng không quên kèm theo những lời khuyên lơn, nhắc nhở về phong
cách thực thi đức bác ái [11]. Cyprianô
luôn sợ rằng, vì nghèo khổ quá, một số người có thể bỏ Kitô giáo [12], nhưng
mặt khác, ngài cũng lo ngại những kẻ được trợ giúp quá ỷ y (mà sinh ra ươn
hèn). Ngài đã trực tiếp nhắc nhở họ việc nầy; qua câu nói của thánh Phaolô:
"Cha đã không ăn bánh của ai mang lại, nhưng cha hằng làm việc và mệt
nhọc, vất vả ngày đêm, để không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai trong anh
em" [13].
Ta thấy mối nguy cơ mới phát hiện, khi kitô hữu đang trở thành
"khách hàng" của giám mục. Cũng vì lý do nầy, Cyprianô đã lên tiếng
kêu gọi kitô hữu đừng vì hoàn cảnh được trợ cấp, mà sinh ra lười biếng, cam
chịu tình trạng ăn rỗi ở thì. Trong nội dung nầy, Giám Mục Carthage biên thư
nói với một vài linh mục của ngài như sau: "Cha đã cử các con thay mặt cha
để mang đồ cứu trợ đến, đáp ứng nhu cầu của anh em chúng ta, để giúp đỡ khẩn
cấp những ai muốn làm việc, nhưng đồng thời cũng để nghiên cứu tuổi tác, hoàn
cảnh của họ, và biết được tài năng, phong cách của những người nầy; cũng như
cha đây, trong bổn phận dành riêng cho cha, cha mong ước được biết mọi người,
mong ước được đề cử tất cả những người xứng đáng, những kẻ khiêm tốn và hiền
lành vào các chức vụ trong phẩm trật của Giáo Hội" [14].
Điều nầy thật đáng làm cho ta
ngạc nhiên: vào một thời kỳ các hàng giáo sĩ lệ thuộc vào giám mục, đón nhận
những trợ cấp từ giám mục gửi đến, thì những giáo sĩ tương lai lại được tuyển
chọn dựa vào các đức tính khiêm tốn và hiền lành. Người đối thủ chính của
Cyprianô là Felicissimô đã không nhầm khi chỉ trích sự kiện nầy: việc điều tra,
tuyển lựa những giáo sĩ được xem là đúng tiêu chuẩn để đưa vào phẩm trật của
Giáo Hội (như Cyprianô mong muốn) lại làm trở ngại cho việc phân phối đồ cứu
trợ.
Sự thánh thiện của một cộng đoàn
lại có thể đánh giá dựa vào tình trạng sung túc (tài chánh) và số lượng những
phần tử của cộng đoàn - nghĩa là sự thánh thiện phải được đo lường qua con số
những người được Giáo Hội giúp đỡ, đãi ngộ. Dường như đây là luận chứng được vị
Giám Mục thành La Mã, đồng thời với Cyprianô, tên là Cornêliô, khai triển để
chống lại người ly giáo Novatianô:
"Người cừu địch của Phúc Âm
nầy không biết rằng chỉ có một giám mục trong một Giáo Hội Công giáo hay sao?
Hẳn ông ta đã am tường việc nầy - Tại sao ông còn làm (bậy) như thế, trong Giáo Hội nầy có đến 46 linh mục, 7
phó tế, 7 phụ phó tế, 42 vị cầm nến, 52 vị trừ quỉ, đọc sách và giữ cửa, hơn
1500 bà góa và những kẻ nghèo khó, mà hồng ân và lòng nhân hậu của Thầy (Chí
Thánh) đã nuôi dưỡng tất thảy. Một đoàn người đông như thế (là một yếu tố) cần
thiết cho Giáo Hội, nhờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa, nó tạo thành con số
to lớn và sung túc, với một dân chúng đông đảo vô kể, như vậy để không đủ làm
cho người nầy hết mê muội, sa đọa, và trở lại với Giáo Hội hay sao" [15].
Vào giữa thế kỷ thứ III, nguy cơ
không tại việc dân chúng mua chuộc ơn Chúa, bằng cách mua chuộc hàng giáo sĩ,
nhưng do việc giám mục mua chuộc hàng giáo sĩ và tín hữu bằng các phương tiện tài
chánh vật chất do giáo dân đóng góp, cũng như bằng ân huệ của Chúa!
Tín
hữu, giáo dân, giới chức của Giáo Hội
Qua bức thư thứ nhất, Cyprianô đã cho ta thấy quan niệm chính xác về
hàng giáo sĩ; nhưng đối với giáo dân, ta chưa thấy ngài nêu lên một định nghĩa
nào cụ thể. Hơn nữa, Cyprianô cũng rất ít khi dùng đến chữ giáo dân, ngài thích
dùng những chữ như "tín hữu" hoặc "dân chúng" (plebs). Ngài
đánh giá cao vai trò của dân chúng; ngay từ khi mới nhậm chức, ngài tự đưa ra
một nguyên tắc là không quyết định bất cứ việc gì nếu không có sự hội ý với
hàng giáo sĩ và sự thuận tình của dân chúng [16]. Nên, tín
hữu có một vai trò để đảm đương "chứ chưa phải là con cừu yên lặng để mục
tử cắt len" [17], theo lối
nói của V.Saxer. Cyprianô không ngại ngăm dọa sẽ xét xử những giáo sĩ phản loại
trước mặt giám mục, những vị đã tuyên xưng đức tin và"trước toàn thể dân
chúng" [18].
Đến lúc hàng giáo sĩ của ngài có những thái độ làm cho ngài ngao ngán, thì
chính Cyprianô lại viết thư trực tiếp gửi đến cho dân chúng, yêu cầu họ nhẫn
nhục, chờ đợi (một thời gian) trước khi các giám mục có thể truy xét (đúng mức)
vụ những người bỏ đạo (lapsi) trước mặt các vị đã tuyên xưng đức tin và dân
chúng [19]. Dường
như nhân chính bức thư nầy, hàng giáo sĩ La Mã, bấy giờ không có giám mục (kể
từ khi Fabianô chịu Tử Đạo) đã biên thư cho Cyprianô với lời lẽ như sau:
"Hơn nữa, trong một số quan hệ như thế (vụ những người bỏ đạo trong thời
kỳ bách hại), chúng tôi muốn sự việc tiến hành như lời Đức Cha đã dạy, - nghĩa
là trước hết phải đợi lúc Giáo Hội trở lại an bình, lúc bấy giờ sẽ phân xử số
người bỏ đạo, hầu (mọi người) có đủ
thời giờ cùng nhau bàn cãi kỹ càng giữa các giám mục, các linh mục, các phó tế,
những vị đã tuyên xưng đức tin và giáo dân trung kiên" [20]. Những kẻ
đã tuyên xưng đức tin tại La Mã cũng đồng ý với Cyprianô điều nầy. "Trước
hết, các giám mục bàn luận kỹ lưỡng việc nầy với các linh mục, các phó tế, các
kẻ đã tuyên xưng đức tin, với sự có mặt của các giáo dân còn trung kiên" [21]. Sau nầy,
có lần Cyprianô nhắc lại nguyên văn những từ ngữ chỉ các nhóm người vừa kể [22]. Và đó là
lần duy nhất ngài dùng chữ giáo dân, nhân một cuộc thảo luận (với những vị đã
dùng chữ nầy). (Thông thường) khi có một trường hợp tế nhị cần giải quyết,
Cyprianô luôn chủ trương công việc phải được thực hiện trước sự hiện diện của
"toàn thể dân chúng" [23]. Ngài
không hay dùng chữ giáo dân, và cũng không áp dụng chữ nầy vào một chức vụ nào
tích cực, cụ thể. Tóm lại, từ ngữ giáo dân lúc nầy dường như chỉ được thông
dụng nhiều hơn tại La Mã.
Sau khi lên kế vị Fabianô làm
giám mục tại La Mã, Cornêliô đã viết thư cho vị đồng liêu Fabianô ở Antiochia,
bàn về những người trước đây theo Novatianô, với lời lẽ như sau: "Họ đã
trở lại với Hội Thánh và phát biểu tất cả mọi mưu mô, những hành vi bí ổi của
ông ấy trước mặt nhiều nhân vật, gồm các giám mục, các linh mục, các giáo
dân" [24].
Nhân đây ta lưu ý việc Cornêliô đã không nhắc đến các phó tế, khi kể băng từ
Linh mục đến giáo dân; cũng như ngài đã dùng từ ngữ khá đặc biệt "những nhân vật giáo dân".
Ngoài ra, cũng với đề tài nầy, khi viết thư cho Cyprianô, Cornêliô lại mô tả:
"sự đồng ý đầy hân hoan của (dân chúng) cộng đoàn tín hữu" trước
quang cảnh buổi lễ hòa giải [25]. Như vậy,
những giáo dân trong thư gửi cho Fabianô ở Antiochia có phải là lũ đông dân
chúng kitô hữu nói cách chung chung vậy thôi hay không? Chắc hẳn là không phải
như thế, bởi vì thư nầy mô tả các giáo dân như những nhân vật, nghĩa là những
người đàn ông, có lẽ đã lập gia đình, nói tóm lại đó là những vị được xem là đã
trưởng thành và chững chạc, về mặt tuổi tác cũng như phẩm cách đạo đức. Những
giáo dân có mặt trong buổi lễ hòa giải ở La Mã chắc hẳn phải là những người như
thế, để có thể chứng kiến sự thú tội của những người trước đây thuộc nhóm
Novatianô. Cũng có thể chính những vị giáo dân theo tiêu chuẩn vừa kể, đã được
phép đưa ra ý kiến về các vấn đề quan trọng trong sinh hoạt của cộng đoàn, nên
mới manh nha việc chống đối lại vấn đề phong chức thánh cho Novatianô: "Vị
nầy đã có được phẩm chức tư tế do ơn thánh, vì đã được Đức Giám mục đặt tay và
đưa vào hàng ngũ niên trưởng, dầu bị tất cả hàng giáo sĩ và giáo dân chống
đối" [26].
Tất cả các văn bản được viết tại
La Mã đều chủ trương vai trò tích cực của giáo dân. Ở đây, giáo dân được xem là
người tham dự vào việc quản trị Giáo Hội và được tham gia ý kiến. Cyprianô, về phần
ngài, lại không bao giờ áp dụng chữ giáo dân theo nghĩa nầy, dẫu ngài có chủ
trương phải hội ý với giáo dân trong mọi việc. Thật khó mà xác quyết được rằng
sự khác biệt về ngữ vựng nầy thực sự có hàm ngụ những sai biệt có tính cách
thần học, hay chỉ là tình trạng đa biệt về ngôn ngữ có tính cách hình thức mà
thôi. Việc xử dụng tiếng La tinh (trong Giáo Hội) chỉ phổ biến tại La Mã vào
giữa thế kỷ thứ III, nên các (giới chức Giáo Hội) ở đây thường có khuynh hướng
giữ lại những từ ngữ gốc Hy lạp như "laikos" hơn các bạn đồng liêu ở
Phi châu.
Tuy vậy, ở La Mã hay ở Phi châu,
khi dùng chữ giáo dân có tính cách "tiêu cực", thì người ta lại gặp
nhau. Cả hai nơi đều cho rằng: "việc dung hợp (các giáo sĩ đã từ bỏ Giáo
Hội) vào trong hàng ngũ giáo dân là phương cách trừng phạt nhẹ nhàng, đồng thời
thực hiện được việc giáng chức các giáo sĩ bất xứng". Trong chính bức thư
gửi Fabianô ở Antiochia, Cornêliô đã nhắc đến việc nhiều Giám mục đã phong chức
giám mục cho Novatianô; một thời gian không lâu sau việc nầy, một trong các vị
giám mục trên đã nài nỉ xin được trở về lại với Giáo Hội. Ngài còn nói thêm:
"Chúng tôi đã đón nhận (và) cho phép vị nầy thông công với Giáo Hội trên
cương vị giáo dân. Toàn thể dân chúng có mặt đã cầu xin cho vị ấy". Cũng
một nố tương tự, nhân vụ Giám Mục Trofime xin sám hối, Cyprianô minh định như
sau: "Thực ra, Trofime chỉ được nhận cho trở lại cộng đoàn với tư cách
giáo dân mà thôi, chứ không phải được phục hồi phẩm chức giám mục như nhiều
người xấu bụng có thể viết để kể lại cho các anh như vậy[27]. Hình
phạt "bị truất xuống làm giáo dân" là hình phạt thường được áp dụng
cho các giám mục phạm lỗi, nhưng không phải là hình phạt nghiêm khắc nhất. Nhân
có lần nói về một giám mục đã sa ngã trong thời bách hại, Cyprianô kể lại rằng:
"Vị ấy đã tự nguyện từ chối phẩm chức giám mục của mình, đáp lại tiếng nói
của lương tâm luôn ray rứt và chấp nhận sám hối; y hết sức sung sướng khi được
dung nhập vào Giáo Hội trong tư cách giáo dân [28]. Còn
những vị giám mục ngoan cố không chịu thần phục và mãi tiếp tục chống đối thì
bị liệt vào tình trạng tệ hại hơn nhiều. Chẳng hạn, khi được thư của Cornêliô
cho biết tin tức, Cyprianô liền loan báo rằng Evaristô, thuộc nhóm Novatianô
"trước đây là giám mục, nay cũng chả phải là giáo dân"[29]. Sự kiện
nầy mặc nhiên cho thấy tình trạng dứt phép thông công. Một cách tổng quát,
Cyprianô cũng như các Giám mục Phi châu chủ trương rằng các linh mục, các phó
tế của Đại Giáo Hội, đã theo ly giáo, cũng như vị được nhóm ly giáo phong chức,
họ chỉ có thể được thông công lại với Giáo Hội với điều kiện phải bị giáng
xuống làm giáo dân mà thôi [30].
Qua lời khẳng định cuối cùng vừa
nêu, Cyprianô cho ta thấy ngài không xem vị phó tế là người giáo dân, mặc dù
trong toàn bộ tác phẩm của ngài, không bao giờ minh nhiên có sự đối kháng giữa
giáo sĩ và giáo dân. Tuy sự phân biệt đó xem ra quá hiển nhiên, nhưng Giám Mục
ở Carthage lại có khuynh hướng bỏ "quên" các vị phó tế trong danh
sách xếp loại của ngài. Dựa vào danh sách nầy, ngài chỉ đối kháng giữa giáo dân
và những vị đảm trách chức vụ tế lễ, cũng như chỉ phân biệt giám mục với giáo
dân mà thôi [31].
Như vậy, ngài lại có điểm tương đồng với Cornêliô, khi việc nầy chủ trương đối
kháng giáo dân với những kẻ chu toàn những chức vụ tư tế theo nghĩa hẹp của nó:
trong Giáo Hội La Mã, những vị sau nầy được hiểu là giám mục và các linh mục. Ý
niệm về hàng giáo sĩ lại bắt đầu được qui định thêm một cấp độ nữa, do quan
niệm về chức vụ tư tế (sacerdotalisation). Do đó, các vị phó tế, tuy thuộc về
hàng giáo sĩ, được Giáo Hội nuôi dưỡng và có khác với giáo dân - điều đó được
coi là không thể chối cãi -, nhưng họ bắt đầu bị coi là thấp hơn các vị tư tế
"=sacerdotes", các "linh mục". Giáo dân, về phần mình, có thể được định
nghĩa bằng hai cách: Một cách tích cực, họ là người nuôi dưỡng các vị thừa tác
viên của bàn thánh qua hình ảnh của hàng tư giáo Lêvi - Một cách tiêu cực, họ
là những người không phải là linh mục. Cách định nghĩa thứ hai nầy tạo nên một
trạng huống mập mờ về cương vị đích xác của hàng phó tế. Lại càng mập mờ hơn
nữa, khi cần phải minh định chức vụ nhỏ hơn chức phó tế: đó là chức đọc sách.
Nhân câu chuyện của một người
tên là Cêlêrinô, được chọn để thụ chức, Cyprianô nói rằng người nầy đã được
liệt vào "những thừa tác vụ của Hội Thánh" (ministères
ecclésiastiques). Ngài còn cho rằng đừng nên để một vị đã tuyên xưng đức tin
như người nầy ở vào tình trạng "không có một phẩm chức Giáo Hội nào
cả"[32]
(honneur ecclésiastique). Những thành ngữ (mới) nầy bao hàm thực thể nào đây?
Lại
một lần nữa, vấn đề chức đọc sách
Ta thấy trước đây dường như
Tertulianô đã xếp chức vụ đọc sách vào hàng ngũ giáo dân hơn là vào hàng giáo
sĩ [33]. Theo tác
giả nầy, chức vụ đọc sách được xem là một chức vụ bắc cầu, được phong cho những
người còn trẻ tuổi, trong lúc chờ đợi sẽ đạt đến những cấp bậc cao hơn nữa.
Nay, các tác giả Phi châu lại thích dùng tĩnh từ "thuộc về Giáo
Hội=eccésiastique" để gán cho những vị đọc sách. Hơn một thế kỷ sau, thánh
Augustinô sẽ có dịp nói đến "lecteur ecclésiastique" vị đọc sách
(thuộc hàng viên chức) của Giáo Hội [34].
Dầu sao, thì vào thời của Cyprianô,
những vị đọc sách được xem là giáo sĩ. Lucianô, một vị đã tuyên xưng đức tin
nói rằng, trong lúc ông viết thư cho Cyprianô thì có hai giáo sĩ hiện diện: một
vị đọc sách và một vị trừ quỉ [35]. Ngay
Cyprianô cũng có lần báo tin cho hàng giáo sĩ của ngài hay là ngài đã phải bổ
nhiệm một vị đọc sách và một vị phụ phó tế để bù vào tình trạng thiếu hụt những
vị giáo sĩ [36].
Nhưng cũng ngay trong thư đó, ngài cho hay rằng người ta có thể hành xử những
chức vụ của người đọc sách mà không nhất thiết phải là giáo sĩ. Đó là trường
hợp của Saturô. Trước khi được bổ nhiệm vào chức vụ đọc sách, vị nầy đã "xích lại gần với
hàng giáo sĩ" khi đảm trách việc đọc sách, hai lần liền trong ngày lễ Phục
Sinh. Như vậy, phận vụ đọc sách đôi khi có thể được giáo dân đảm trách.
Vào cuối thế kỷ thứ IV,
Augustinô sẽ phân biệt rõ ràng giữa người đọc sách như là viên chức của Giáo
Hội, chuyên đọc những bản văn lễ qui, và người đọc những bản văn không thuộc về
lễ qui, tại nhà thờ: người sau nầy chỉ là một giáo dân mà thôi [37]. Hình
như, chính vì tình trạng mù mờ liên quan đến những chức vụ của các người đọc
sách tại Phi châu, mà hội nghị các giám mục dưới thời Giám Mục Gratô (Concile
sub Grato) đã quyết định cấm chỉ giám mục không được cử các vị đọc sách hoặc
giáo dân thuộc quyền một giám mục khác vào sinh hoạt trong cộng đoàn của mình [38].
Ngay cả vị đọc sách thuộc vào
thành phần của hàng giáo sĩ, cũng phải cần phân định rõ qui chế và phẩm tước
với chính chức vụ nầy theo nghĩa đích xác của nó: Khi phân tích trường hợp các
vị đã tuyên xưng đức tin Saturô và Cêlêrinô, Cyprianô minh định rằng: "Tuy
vậy, phải nhớ rằng ta bổ nhiệm họ vào chức vụ đọc sách để còn hướng đến (những
chức cao) hơn nữa... Nhưng (mặt khác) ta đưa họ vào phẩm chức của hàng niên
trưởng: họ sẽ nhận phần trợ cấp như các vị niên trưởng và hàng tháng nhận phần
bổng lộc y như các vị nầy; sau nầy, đợi khi họ già dặn hơn, họ sẽ nhập vào hàng
ngũ chúng ta" [39]. Như thế,
các vị đọc sách trẻ tuổi hưởng những trợ cấp tài chánh đúng theo qui chế của
các linh mục. Có lẽ vì công đức các vị qua việc chịu khổ vì đạo, cũng có lẽ vì
sự mến mộ của dân chúng mà người ta đã đề xướng ra một loại đặc ân như thế;
nhưng cũng có thể vì các vị đã trở thành tàn phế hoặc hay ốm đau vì đã bị tra
tấn qua cơn bách hại, mà việc trợ cấp phải được nghĩ đến. Ngoài những trường
hợp cá biệt vừa nêu, ta thử hỏi những vị đọc sách ở vào vị thế lưng chừng giữa
giáo dân và giáo sĩ, thông thường phải đảm trách những chức vụ gì? Chắc chắn,
phận vụ chính của các vị là việc đọc những lời giáo huấn và Phúc âm của Chúa [40] ngay trong
Thánh lễ [41].
Nhưng, cũng như bất cứ một vị giáo sĩ nào, vị đọc sách cũng có thể được cử làm
liên lạc viên và đảm trách việc đọc thư[42]. Với
trình độ văn hóa sẵn có, các vị hẳn phải đảm nhận phận vụ làm thư ký, bao quản
văn khố [43].
Cuối cùng, các vị còn có thể làm phó tế cho các linh mục tiến sĩ
(presbytres-docteur) chuyên trách giáo huấn cho người dự tòng. Khi phụ trách
việc nầy, các vị được gọi là lector
audientum (người đọc sách dân nghe). Chuyên đọc các bản văn mà các linh mục
sẽ giảng giải sau đó, hoặc đọc sách trong các buổi lễ. Chức vụ nầy được coi là
khá trọng vọng và để tạo điều kiện cho các vị bước lên các nấc thang cao hơn
trong phẩm trật Giáo Hội [44].
Kẻ
Lạc giáo có phải là giáo dân không?
Ta đã thấy rằng một giám mục,
một linh mục hay phó tế đã rối đạo, nếu trở về với Giáo Hội và ăn năn sám hối,
thì có thể được thông công lại với cộng đoàn với tư cách là giáo dân. Nhưng cần
lưu ý rằng giải pháp nầy chỉ áp dụng cho những giáo sĩ rối đạo, đã từng được
rửa tội trong Giáo Hội Công giáo trước khi họ theo bè rối. Nếu không ở vào tình
trạng nầy, thì theo quan điểm của Cyprianô và các bạn đồng liêu của ngài ở Phi
châu, họ chắc chắn phải rửa tội lại. Cyprianô coi việc rửa tội do những người
lạc giáo hành xử là vô hiệu, và ngài mạnh mẽ chống đối lại chủ trương của
Stêphanô, Giám Mục La Mã, về chuyện vị nầy cấm chỉ không cho phép rửa tội lại,
một khi phép nầy đã thực hiện đúng (lễ nghi) truyền thống. Giám Mục Carthage
nhân việc nầy đã tập họp một hội nghị các giám mục, và cũng đã viết rất nhiều
thư luận bàn về đề tài liên hệ. Ngài được hậu thuẫn của nhiều nơi; nổi tiếng
nhất và dứt khoát nhất trong các vị hỗ trợ chủ trương của ngài là Giám Mục
Césarée, Firmilianô [45].
Học thuyết của Cyprianô đơn giản
như thế nầy: chỉ có Giáo Hội mới được quyền rửa tội, và (mặt khác) Giáo Hội
không thể bị phân chia. Người đã tự ý ra khỏi Giáo Hội, thì không có quyền rửa
tội [46], dầu hình
thức thực hiện xem ra hợp qui luật. Nên nhớ rằng câu hỏi nêu lên cho người dự
tòng phải trả lời khi chịu phép rửa tội bao hàm vị qui thuộc vào Giáo Hội.
Người ta không thể nào nói câu nầy một cách đúng phép: "ngươi có tin vào
phép tha tội và sự sống đời đời nhờ bởi Giáo Hội không?", một khi đứng ở
bên ngoài Giáo Hội đích thực [47]. Điểm
chính yếu (trong Bí tích rửa tội) đối với Giám Mục của Carthage không phải là
hình thức bên ngoài, nhưng là đức tin đầy đủ và toàn diện của kẻ ban cũng như
của người nhận [48].
Theo quan niệm nầy, dầu kẻ liệt được ban phép rửa tội bằng cách rảy nước thay
vì nhận chìm toàn thân, Chúa Thánh Thần vẫn thân hành ngự xuống trên kẻ tin, và
từ giây phút khởi sự nầy, mọi người đều nhận được ơn từ trời đổ xuống đồng đều
"không phân cách nam nữ, không phân biệt tuổi tác, không tư vị một
ai" [49].
Bức thư công nghị năm 255 lấy lại lý chứng nầy, và bổ xung thêm các luận cứ
khác nữa nặng về nghi lễ: Nước dùng để rửa tội trước hết phải được thanh tẩy và
thánh hóa bởi giám mục [50]. Người
chịu phép Rửa tội còn được xức dầu đã làm phép tại bàn thánh trong lúc dâng
Thánh lễ. Có lẽ đây là dầu thánh được cuốn "Truyền
thống Tông đồ" gọi là dầu tạ ơn (= dầu được làm phép ngay trong Thánh
lễ), xức trên người mới chịu phép rửa, sau khi Giám Mục đặt tay và cầu xin Chúa
Thánh Thần [51].
Dầu nầy có thể được làm phép trong Thánh lễ ngay sau khi ban phép lành trên
bánh và rượu [52].
Như vậy, dầu thánh nầy không cách gì có thể được làm phép bởi những người đã
hết thông công với Giáo Hội. Những kẻ rối đạo trở về với Giáo Hội, muốn được
thông dự vào sinh hoạt cộng đoàn với tư cách giáo dân, không phải chỉ có hối
lỗi, ăn năn là đủ, mà cần phải "chịu phép rửa tội lại". (Vì thực ra,
theo Cyprianô, đây mới là phép rửa đích thực). Tập tục tái rửa tội cho loại
người rối đạo nầy dường như đã được qui định tại Phi châu vào năm 220, qua một
hội nghị dưới sự điều động của Giám Mục Agrippinô [53], và tại Á
châu vào cũng thời kỳ nầy, trong một hội nghị họp tại Iconium vùng Phrygie [54].
Khi biện giải tập tục mới nầy,
Cyprianô cho hay Giáo Hội không bao giờ chủ trương rửa tội lại những kẻ rối đạo
đã từng được rửa tội trước khi đi theo bè rối; nhân tiện ngài mô tả tập tục đó
được áp dụng tại Giáo Hội Carthage như sau: "Những kẻ mà ta biết chắc đã
được rửa tội tại đây (trong Giáo Hội Carthage), nhưng rồi bỏ chúng ta mà theo
bè rối, nếu sau nầy họ chịu thú lỗi và từ bỏ con đường lầm lạc để quay về lại
với Chân lý và Giáo Hội, thì ta chỉ cần đặt tay trên họ, để đón nhận họ như một
người sám hối (thông thường)" [55]. Ngược
lại, đối với những kẻ dù đã được nhận chìm xuống nước (do nhóm bè rối) ngoài
Giáo Hội, và bị nhuốm thêm bùn nhơ của nước phàm tục "thì việc đặt tay
trên họ để cầu xin Chúa Thánh Thần xuống, như thế quả là chưa đủ (= quá
thiếu)" [56].
Về phần Novatianô, vị nầy còn tỏ ra khe khắt hơn Cyprianô nữa, bởi lẽ ông rửa
tội lại tất cả những người nào thuộc Giáo Hội Công giáo muốn theo ông [57]. Vị nầy
thì chối bỏ tư cách làm thành phần dân Chúa của người kia, phe kia lại từ khước
tư cách được thanh tẩy của phe nọ.
Các
vị đã tuyên xưng đức tin
là những vị linh khải cuối
cùng
Ta nhớ lại lối chú giải của cuốn
"Truyền thống Tông đồ" bàn
về các vị đã tuyên xưng đức
tin, được viết như sau:
"Nếu có người, vì danh Chúa bị bách hại, và đã tuyên xưng đức tin của
mình, thì ta sẽ không đặt tay lên người đó (phong chức) phó tế hay linh mục,
bởi vị ấy đã sở đắc phẩm chức Linh mục do bởi sự tuyên xưng đức tin. Nhưng nếu
muốn cử lên chức giám mục, ta sẽ đặt tay lên vị nầy" [58]. Mấy chục
năm sau khi được viết ra, luật nầy được Giáo Hội Carthage áp dụng như thế nào?
Khi Cyprianô bổ nhiệm hai vị đã tuyên xưng đức tin là Celerinô và Aurêliô vào
chức vụ đọc sách, ngài lưu ý rằng những vị đó được đưa vào qui chế của chức vụ
đọc sách để còn tiến thêm nữa, ngoài ra ngài còn nhấn mạnh thêm là họ "đã
được chỉ định vào phẩm chức niên trưởng" [59]. Ở đây,
phẩm chức niên trưởng thiết yếu chỉ được trình bày trong khuôn khổ tài chánh,
như một sự đãi ngộ, hoặc như một quyền lợi hưởng phần trợ cấp (sportula), và
tiền bỗng lộc hàng tháng (divisio mensurna). Ngược lại, trong cuốn "Truyền Thống Tông đồ", phẩm
chức Thầy cả trước hết phải được nhìn dưới khía cạnh siêu nhiên, hàm ngụ việc
thụ nhận Thần khí của ân sủng và sự soi sáng liên quan đến chức vụ Thầy cả, nên
ta hiểu tại sao (phẩm chức đã được thủ đắc do việc tuyên xưng đức tin) làm cho
việc đặt tay và cầu xin Chúa Thánh Thần được coi là không cần thiết nữa. Nhưng
đến thời Cyprianô, ngài dường như không chủ trương đưa (thẳng) các vị đã tuyên
xưng đức tin vào hàng Linh mục: "Họ sẽ nhập vào hàng ngũ chúng ta sau nầy,
khi nào họ già dặn hơn". Ta thấy ở đây Giám Mục của Carthage có phần bối
rối, khi ngài nói tiếp trong phần còn lại của đoạn văn: "Mặc dù không vì
lý do tuổi tác mà ta đánh giá thấp con người đã từng sống (xứng đáng) để đạt
được vinh quang cao trọng như vậy [60]. Việc nói
đi nói lại vấn đề tuổi tác xem ra giả tạo, vì tuy Celerinô chưa phải là người
lớn tuổi, nhưng vị nầy cũng không còn là một trẻ em. Nếu Cyprianô nhất tâm thừa
nhận ơn siêu nhiên đặc biệt do việc tuyên xưng đức tin mang lại, thì vị nầy đã
có thể được xếp vào hàng ngũ các linh mục rồi. Như vậy, ở đây chắc phải có chủ
trương thu hẹp đặc ân dành cho những người đã tuyên xưng đức tin, một đặc ân đã
được thừa nhận từ bấy lâu nay.
Trong suốt thời kỳ giữ chức vụ
Giám Mục, thái độ của Cyprianô đối với những vị đã tuyên xưng đức tin thay đổi
tùy lúc: - "Bức thư thứ nhất"
khích lệ anh em nên đạt đến vinh quang Tử đạo; "bức thư thứ mười" ca tụng vinh quang của các vị tuyên xưng đức
tin một cách đầy hứng khởi và hết sức thi vị; "bức thư thứ mười hai" nhắc nhở hàng giáo sĩ phải đặc
biệt lưu tâm đến những kẻ còn trong tù ngục: "đừng để những kẻ không hề
thiếu thốn phần vinh hiển (vì Chúa), phải chịu thiếu thốn về sự săn sóc (mặt
vật chất)" [61];
"bức thư thứ mười ba" gửi
đến những kẻ tuyên xưng đức tin, khích lệ họ hãy bền vững với sự vinh quang (do
việc chịu bách hại) một cách can đảm và quyết tâm. Cyprianô dường như lo sợ một
vài người phải đầu hàng trước cơn bách hại kéo dài, nên khuyên họ hãy khôn
ngoan, bằng những lời lẽ như sau: "Những gì (anh em) đạt được chưa phải là
nhiều và cũng chưa quan trọng bằng việc biết bảo vệ những gì mà anh em đã chinh
phục được; kết quả trong tức thời không cứu rỗi anh em, nhưng do nơi sự thành
công cuối cùng" [62]. Ngài
luôn khuyên họ phải trở thành gương sáng cho anh em bằng cuộc sống đạo hạnh,
yêu cầu họ để ý đến danh dự của hàng ngũ của kẻ đã tuyên xưng đức tin, đồng
thời phải biết sửa sai "những kẻ làm hoen ố (danh dự) trước mặt dân
chúng" [63].
Ở đây, ngài muốn ám chỉ những kẻ tự cao, tự đại quá đáng, vượt lên trên sự thẩm
định của ngài, những kẻ vi phạm lề luật, cũng như ngay những kẻ, vì quá vui
sướng khi được trở về quê quán sau cuộc khải hoàn vinh quang vì Danh Chúa, đã
tổ chức tiệc tùng linh đình quá mức để mừng sự kiện nầy! Ngài còn mắng trách
những kẻ dám buông tha sống chung với đàn bà. Trong phần cuối bức thư, ngài
nhắc cho những kẻ đã tuyên xưng đức tin hiểu rằng tiền trợ cấp được gửi đến là
chỉ để giúp họ cơm ăn, áo mặc mà thôi; bức
thư thứ mười bốn khuyên các vị hãy khiêm tốn và hiền lành, nhắc nhở cho họ
hiểu rằng còn nhiều điều phải làm hơn là những việc đã được họ thực hiện:
"bởi lẽ có lời nầy đã được viết: các ngươi đừng ca tụng ai trước khi họ
chết" [64].
Ngài cũng tế nhị nhắn các chứng nhân của Đức Kitô đừng ngồi không chờ cứu trợ,
đừng đòi hỏi Giáo Hội giúp đỡ một cách ngạo mạn như người ta đi đòi nợ. Từ nay,
ta thấy uy thế của các vị tuyên xưng đức tin giảm xuống mức tương đối. Các vị
trước hết phải biết tôn trọng kỷ luật của Giáo Hội, cũng như phải ăn ở khiêm
nhu và hiền hòa.
Dĩ nhiên, những vị chịu bắt bớ
vì đạo vẫn còn được tôn trọng và kính nể. Chính Cyprianô cũng dựa vào uy thế
của vị niên trưởng đã tuyên xưng đức tin tên Numidicô, và không ngại nhắc lại
những cực hình mà Cornêliô đã chịu để hỗ trợ vị Giám Mục La Mã nầy trong việc
lên án Novatianô; nhưng điều quan trọng là các vị tuyên xưng đức tin không được
phá rối trật tự đã được thiết định. Qua việc một vài vị tuyên xưng đức tin đã
can dự vào việc tranh cãi về nố những người rối đạo, cũng như qua phương cách
các vị đã dùng uy thế của mình để đòi buộc Giáo Hội hội nhập những kẻ đã sa ngã
trong cơn bắt bớ, Cyprianô lại có cớ để xác tín hơn nữa chủ trương của mình.
Ngài sẽ phân biệt ra những vị tuyên xưng đức tin tốt và những vị xấu; chẳng hạn
việc ngài phân biệt một Mappalicô "khôn ngoan và thận trọng", một
Cêlerinô "hòa nhã, khôn ngoan, có đức tính dè dặt đúng với phong thái của
tôn giáo chúng ta"; với một Lucianô "không có chút thông minh, hiểu
biết về Kinh Thánh, lại còn tỏ ra táo bạo, hồ đồ" [65].
Hẳn nhiên, chỉ những kẻ xứng
đáng, khiêm tốn và hiền lành mới được Cyprianô chọn vào những chức vụ của phẩm
trật Giáo Hội [66].
Giáo
Hội nơi mà dân có quyền phát biểu
Mặc dù có lúc ngài áp dụng mạnh
mẽ quyền uy tối thượng của mình, Cyprianô luôn chủ trương thỉnh ý dân chúng, và
xác quyết điều nầy ngay từ khi mới nhận chức chức giám mục [67] là muốn
cá nhân mình phải thể hiện. Nhưng thử hỏi đây có phải là truyền thống độc đáo
của toàn Giáo Hội Phi châu hay không, hay chỉ thấy tại Carthage do những hoàn
cảnh bất ưng đưa đẩy phải chấp nhận? Nó có phải chỉ là một giải pháp nhằm nối
kết một cộng đoàn đang bị bầm dập, khắc khoải do những cuộc bách hại hay không?
Việc kêu gọi đến dân chúng có nên được xem như dấu hiệu biểu lộ tình trạng khó
khăn của Giám Mục ở Carthage, trước sự chống đối của một số giáo sĩ phản kháng,
bị ép buộc phải nại đến uy quyền của dân chúng hay không? Tất cả những giả
thiết vừa nêu trên đều có chứa đựng một phần nào sự thật. Khi ngài thấy không
thể nào thuyết phục hàng giáo sĩ của mình trong vụ những kẻ bỏ đạo, Cyprianô
không ngại trực tiếp nói với dân chúng, bất chấp các linh mục và phó tế. Nhưng
nếu ở Giáo Hội tại Carthage, việc thỉnh ý dân có một tầm ức quan trọng đặc
biệt, thì phải hiểu rằng nó không phải là một nét cá biệt dành cho Giáo Hội Phi
châu mà thôi.
Người ta đã thỉnh ý dân chúng
bằng cách nào và về chuyện gì? Dân chúng chỉ có quyền đồng ý hay thực sự có
quyền bàn cãi? Người ta đã thực sự thỉnh ý toàn dân hay chỉ thông qua các đại
diện của dân? Sau khi cộng đoàn Carthage bị phân tán bởi vụ ly khai của
Fêlicimô, dân chúng tín hữu được Cyprianô thỉnh ý thực hiện được vai trò quan
trọng như thế nào?
Việc
hối cải và tái hội nhập vào cộng đoàn.
Dân chúng có vai trò gì quan
trọng trong tiến trình sám hối của một tín hữu đã bỏ đạo? "Về những tội
nhẹ, không xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa, trước hết, (kẻ phạm tội) phải
thực hiện việc sám hối trong một thời gian có hạn định; sau đó người ta xem xét
cuộc sống của kẻ sám hối, và cho phép y tự thú công khai (exomologise). Y chỉ
được chấp thuận cho thông công lại với cộng đoàn, sau khi Giám mục và hàng giáo
sĩ đặt tay trên người" .[68] Trong
trường hợp nầy, chỉ có vai trò của hàng giáo sĩ và giám mục. Nhưng, dường như
đặc biệt trong trường hợp phạm tội trọng, dân chúng lại được quyền góp ý trong
việc sám hối cũng như trong việc chấp thuận cho tái nhập vào cộng đoàn.
Về vấn đề những người bỏ đạo, dĩ
nhiên các vị đã tuyên xưng đức tin phải là những kẻ ưu tiên được mời để tham dự
một vai trò nào đó. Những kẻ bỏ đạo tự nhiên hướng về các vị đã từng chịu khốn
khổ vì đạo, một mặt để xin họ bầu cử cho, mặt khác là để xin lỗi họ. Dẫu thế
nào, thì quyết định chung quyết vẫn thuộc quyền giám mục. Tuy vậy, những kẻ đã
không bị đe dọa đến sự sống mình mà bỏ đạo, thì Cyprianô tỏ ra quyết liệt:
"Mặc dù có các ý kiến can thiệp của các vị từng chịu khốn khổ vì đạo, tôi
đã nói rằng nên hoãn nố của những kẻ đó để hậu xét, cho đến khi chúng tôi khả
dĩ hiện diện (tại chỗ); đợi ngày Chúa cho an bình, chúng tôi có dịp hội chung
với nhiều giám mục để giải quyết và ổn định lại mọi việc, không chừng lúc nầy
chúng tôi lại đồng ý với các ngài (hàng giáo sĩ La Mã)" [69]. Hàng
giáo sĩ La Mã đồng ý với chủ trương quyết liệt nầy, khi xác quyết rằng, dầu có
bị thúc bách bởi những lời van nài, các vị đã chịu khổ vì đạo, các vị đã tuyên
xưng đức tin cũng phải tùy thuộc vào quyền (tối hậu) của giám mục [70].
Cũng như các vị đã tuyên xưng
đức tin, hàng giáo sĩ cũng được kêu gọi nên tuân phục quyết định của giám mục.
Cyprianô không ngại hăm dọa dứt phép thông công những vị linh mục và phó tế dám
liên lạc với những người bỏ đạo trước khi có phán quyết của chính ngài [71]. Trong
khuôn khổ của việc sám hối, Cyprianô thiết định sự tương quan song hành giữa
quyền của giám mục và quyền của Thiên Chúa [72]. Nhưng,
mặc dù được trao cho quyền tối thượng trong lãnh vực nầy, Cyprianô vẫn muốn
thỉnh ý dân chúng. Dầu sao, trong tiến trình cụ thể giải quyết vấn đề đó, thái
độ của Cyprianô không tránh khỏi những mâu thuẫn. Một mặt ngài hăm dọa có thể
đình chỉ tạm thời chức vụ tế lễ của những giáo sĩ có ý định bất phục tùng những
chỉ thị của ngài, ngoại trừ trường hợp họ biện hộ quan điểm của mình ngay trước
mặt ngài, với sự hiện diện của chính những kẻ đã tuyên xưng đức tin, cũng như
trước mặt toàn dân [73].Mặt khác,
Giám Mục thành Carthage lại trực tiếp viết thư cho dân chúng. Trong thư nầy,
ngài mong ước những người bỏ đạo hãy nhẫn nhục chờ đợi lúc ngài trở lại bản
quán, để có thể cùng với các vị giám mục khác xem xét các thư can thiệp của các
vị đã chịu bắt bớ vì đạo, trước sự hiện diện của các vị nầy, với việc góp ý của
dân chúng [74].Nhân
dịp nầy, Cyprianô ca tụng sự khiêm tốn và nhẫn nại của dân ngài. Ta thấy lúc
nầy ngài vận dụng uy quyền của dân chúng để chống lại những giáo sĩ cứng cổ,
ngang đầu, hầu ổn cố quyền uy của ngài.
Tuy nhiên, nếu coi việc thỉnh ý
dân chúng chỉ như là một phương thế chính trị thì thật là sai lầm. Cyprianô đã
quan niệm việc thỉnh ý dân chúng như là một luật tổng quát (áp dụng nhiều
trường hợp khác nhau). Chẳng hạn, ngài đã trách cứ Giám Mục Thêrapiô, khi vị
nầy thông qua một cách qúa dễ dãi cho một linh mục đã phạm tội "mà không
đợi phải có một thời hạn theo luật định, bất chập việc thông tri, hoặc hỏi ý
kiến dân chúng, cũng như không hề bị thúc bách bởi lý do bệnh hoạn hay bởi một
sự cần kíp nào khác" [75]. Ngoài
ra, Cyprianô lại đặc biệt chủ trương việc thỉnh ý dân, khi xét thấy trường hợp
phải xử trí có thể biến thành một án lệ. Chẳng hạn, trường hợp những giáo sĩ đã
trốn tránh một thời gian trong cuộc bách hại. Giám Mục tại Carthage cho biết
"về điểm nầy tôi không nghĩ là phải đưa ra ý kiến cá nhân của mình; nhiều
thành phần trong hàng giáo sĩ vắng mặt, chắc không còn nghĩ đến việc trở lại
với công việc của mình nữa; ngoài ra, tôi phải lưu ý đến những trường hợp cá
biệt và phải nghiên cứu thật kỹ càng các giải pháp cần thiết không phải chỉ với
các bạn đồng liêu của tôi, mà với cả toàn dân. Thật vậy, cần nên cân nhắc thật
thấu đáo trước khi quyết định bất cứ việc gì (vì) mỗi quyết định sẽ trở thành
một tiền lệ cho tương lai liên hệ đến những thừa tác viên của Giáo Hội"[76].
Chung chung, hàng giáo sĩ La Mã
cũng áp dung lề lối sinh hoạt thận trọng như vậy, khi họ chủ trương phải nhẫn
nhục chờ đợi ngày an bình trở lại mới có thể yên ổn giải quyết nố các người bỏ
đạo. Bấy giờ, họ sẽ bàn bạc với các giám mục, linh mục, phó tế, những vị đã
tuyên xưng đức tin và giáo dân còn trung tín. Lý do (cần có sự hội ý chung của
mọi người) được nêu lên như thế nầy: Một người mà xét đoán chống lại nhiều
người là việc làm tế nhị, khó khăn, có thể gây nên bất mãn. Trong vấn đề nầy,
hàng giáo sĩ chứng tỏ tinh thần dân chủ, qua câu phát biểu sau đây: "Hơn
nữa, một quyết định không thể tạo được đủ uy thế, nếu nó không hội được những ý
kiến của một số đông đảo người bàn cãi" [77]. Ngay cả
các vị tuyên xưng đức tin cũng nhất trí với sự thận trọng của Cyprianô. Khi họ
có những ý kiến giống với lời phát biểu của hàng giáo sĩ của họ. Cornêliô sẽ
giải thích phương cách ngài tiến hành công việc, khi đưa một số những kẻ đã
theo Novatinô vào hiệp thông lại với Giáo Hội: - Sau khi đã tiếp xúc sơ khởi
với những người được nhóm ly khai gửi đến, ngài gọi chính các đương sự đến để
xác tín về ý định của họ. Tiếp đến, ngài chính thức tụ tập hàng linh mục, với
sự hiện diện của năm giám mục đang có mặt (tại La Mã). Cùng nhau họ bàn bạc và
tiếp nhận những lời thỉnh cầu của các người xin sám hối. Ngài cho rằng công
việc nầy tự nhiên phải được thông tri cho tín hữu, không phải để thỉnh ý họ cho
bằng xác tín về sự đồng tình của mọi người, cũng như để công khai hóa việc tha
tội. Những kẻ sám hối sẽ lặp lại lời thú trước mọi người; và cuối cùng, toàn dân
tín hữu sẽ hoan nghênh bày tỏ sự đồng ý chấp thuận việc xá tội [78]. Tuy nhiên, có những trường hợp mà sự thể
không xảy ra một cách êm đẹp như thế, khi sự nhất trí của mọi người không được
thể hiện. Trong những vụ như thế, ý dân cần phải được tiên quyết nghe theo để
tránh tai tiếng: "Thật vậy, có một vài người trong anh em còn có nhiều mối
hận quá sâu đậm, hoặc chống kháng một cách gay gắt và tuyệt đối, đến nỗi không
có cách gì để đón nhận (những kẻ sám hối) vào hiệp thông với Giáo Hội được...
Hiền huynh thân ái, ước gì hiền huynh có mặt nơi đây với chúng tôi, khi những
kẻ đã lạc đường, đã mê lầm nầy từ tình trạng ly giáo muốn trở về với Giáo Hội.
Hiền huynh sẽ biết rằng tôi khổ tâm rất nhiều để nhắc nhở anh em chúng ta nên
nhẫn nhục và nguôi giận, hầu có thể đón nhận những kẻ tội lỗi và rán tìm phương
cách chữa lành họ. Anh em tỏ ra sung sướng, hoan hỉ tiếp nhận những kẻ phạm lỗi
nhẹ, còn dung nhân được; nhưng trái lại, khi có những tay bất trị, hung hăng,
những kẻ dính dấp đến chuyện ngoại tình hoặc thờ bụ thần mà vẫn ngang nhiên
vênh váo, tính chuyện trở lại cộng đoàn để mưu làm hư hỏng các tâm hồn ngay
chính bên trong Giáo Hội, thì anh em lại chào xáo và chống đối" [79]. Trong
những nố tương tự, dầu bất đắc dĩ, Cyprianô vẫn chủ trương phải chấp nhận việc
tái hội nhập vào Giáo Hội cho những người đó. Tuy nhiên, ngài cũng đã thú nhận
rằng có lúc ngài lầm vì đã bất chấp sự chống đối của dân chúng, bởi lẽ những kẻ
mà ngài cho tái hội nhập, không phải lúc nào cũng trung thành với những thiện ý
của họ lúc sám hối. Đến đây, ta thấy rõ mức độ chính xác của uy quyền dân
chúng: trên nguyên tắc, giám mục luôn luôn tự do không cần phải theo ý kiến của
dân, nhưng thông thường ý dân vẫn đáng được giám mục lưu ý, làm cho giám mục
thận trọng, suy nghĩ mỗi một khi quyết định.
Việc
tiến cử Giám Mục.
Ngoài khuôn khổ sám hối, việc
tham dự của dân chúng còn thiết thực hơn nữa trong vấn đề tiến cử giám mục. Dựa
vào Kinh Thánh, Cyprianô nêu lên nguồn gốc phát sinh tập tục bầu cử giám mục,
trước sự hiện diện của dân chúng - dân phải được biết và được thấy. Để minh
giải tập tục nầy, ngài trở lại thời nguyên thủy của Giáo Hội để xác quyết rằng:
"Phải bảo vệ chu đáo truyền thống thần thánh, tập tục của các Tông đồ, và
tuân giữ những thói quen của Giáo Hội nhà, cũng như của các Giáo Hội trong tỉnh
hạt. Nơi nào cần có việc phong chức vị thủ lãnh dân chúng, thì các giám mục
trong tỉnh hạt phải tụ họp lại; việc tiến cử giám mục phải được thực hiện trước
mặt dân chúng, vì họ am tường cuộc sống, cũng như có thể đánh giá được hạnh
kiểm của mỗi (ứng viên), một khi họ sống cận kề đương sự" [80]. Đó là
tiêu chuẫn của một cuộc phong chức đúng với qui luật. Tục lệ bầu cử giám mục
bởi dân chúng, không phải là điểm cá biệt tại Phi châu, nhưng nó được thực thi
ở mọi nơi.
Cyprianô có lần nhắc lại việc
ngài được bầu một cách đúng qui luật (vào chức giám mục) do sự đề cử của toàn
dân [81]. Ngài đã
giữ lại một kỷ niệm êm đẹp về cuộc bầu cử đầy nhiệt tình nầy [82]. Khi minh
định tính hợp qui trong phụng vụ phong chức giám mục cho Cornêliô, ngài đã cố
nhấn mạnh đến điểm vị nầy đã được dân chúng bầu lên [83]. Và mỗi
lần cần nói đến tính hợp qui của chức vụ giám mục, ngài đều nhắc lại sự kiện
nầy: <169>Cornêliô đã được cử làm giám mục do ý muốn của Thiên Chúa và
của Đức Kitô, qua việc bày tỏ ý kiến thuận của hầu hết các giáo sĩ, qua sự đồng
ý của dân chúng hiện diện, qua cộng đoàn các vị Giám mục đáng kính, và ngài là
người ngay chính: nên trước Cornêliô, không có một giám mục nào khác kế vị
Fabianô"[84].
Sự hiện diện và việc đề cử của
dân chúng thật sự có tầm mức quan trọng như thế nào? Trong bức thư thứ 67, Cyprianô dường như cho rằng dân phải chọn một trong
nhiều ứng viên khác nhau dựa vào danh sách đưa ra gồm nhiều ứng viên đã được
tuyển lựa trước đó và đã được nhìn nhận là xứng đáng. Hoặc có lúc họ chỉ xác
nhận lại ý kiến ưng thuận của hàng giáo sĩ về một ứng viên được xem là xứng hợp
nhất. Việc trưng cầu dân ý không phải là việc làm hình thức, một khi dân chúng
được trao "quyền chọn lựa những vị giám mục xứng đáng và loại ra những kẻ
bất xứng" [85].
Thật thế, vai trò dân chúng trong việc bầu cử giám mục có thể trở thành yếu tố
quyết định, khi bất ngờ gặp phải những trường hợp xác xuất, hoặc sự đồng thuận
một cách đặc biệt của toàn dân. Ta chứng kiến trường hợp nầy trong cuộc bầu cử
đột ngột Fabianô, vị tiền nhiệm của Cornêliô, lên chức Giám Mục. Eusebiô mô tả
rằng Fabianô bất ngờ được cử vào chức giám mục, khi dân chúng được Thánh Linh
thúc đẩy nhất tâm kêu đến tên vị nầy [86]. Trong
vấn đề bầu cử giám mục, khi dân chúng một lòng lên tiếng không chút ngần ngại,
thì người ta tin đó là tiếng nói của Thiên Chúa. Như vậy, ở đây, việc can dự
của dân chúng lại vượt lên trên sự hội ý thông thường mà Cyprianô cho rằng Giám
Mục có bổn phận phải để tâm suy nghĩ mỗi khi giải quyết một công việc khá quan
trọng [87].
Khi Kitô hữu nêu gương dân
chủ
Cyprianô đã chủ trương việc bầu
cử Giám Mục bắt nguồn từ Thánh Kinh và truyền thống các Tông đồ. Có đúng như
vậy không? Kitô giáo, trong việc nầy, đã không chịu ảnh hưởng của các lối bổ
nhiệm quan chức trong xã hội dân sự hay sao? Không hẳn như vậy. Trước đây, nếu
vào thời Cộng hòa, quan chức La Mã đã được dân chúng đề cử, thì nay trong thời
Đế quốc, sự kiện đó không còn xảy ra đúng như vậy nữa. Dĩ nhiên, dân chúng còn
có thể có ý kiến, cũng như được mời đến để bày tỏ sự thuận tình qua việc hoan
hô người đã được chỉ định. Tuy vậy, các cấp bậc bên trên, hoặc phẩm cấp (ordre) có liên hệ, cũng có thể
tự mình bổ nhiệm người nào họ thích, không cần nại đến ý kiến của dân chúng. Đó
là việc bổ nhiệm (adlectio), phương
cách mà thể chế tập trung quyền hành của Đế quốc lúc bấy giờ ắt phải ưa thích
áp dụng hơn cả. Dẫu thế nào đi nữa, thì một thế kỷ sau thời của Cyprianô, trong
khung cảnh của một Đế quốc càng ngày càng chịu ảnh hưởng của Kitô giáo, tác giả
Lampridiô, một người ngoại giáo chủ trương tự do, mong ước dân ngoại áp dụng
những cuộc bầu cử trong xã hội dân sự, dựa vào mẫu mực dân cử của Kitô giáo.
Qua một câu chuyện ngụy sử, tác giả khéo léo nói lên nguyện vọng của mình: -
Hoàng đế Alexandrô Sêvêriô (222 - 235) đã chủ trương rằng tự hậu, các quan chức
sẽ được dân bầu lên, giống như "các vị tư tế" Kitô giáo và Do thái
giáo" [88].
Câu chuyện nầy chắc chắn không có tính cách lịch sử chính xác xảy vào tiền bán
thế kỷ thứ III. Nói cách khác, đây là một chuyện ngụy sử được Lampridiô tưởng
tượng ra để nói lên nguyện vọng của cá nhân mình. Nhưng có điều chắc chắn là
người đương thời với tác giả vào thế kỷ thứ IV hẳn đồng ý về chủ trương nầy;
đồng thời những gì tác giả mô tả về các thể chế dân sự cũng như về các tập tục
của Giáo Hội vào thế kỷ thứ III trước đó, không thể đi ngược lại với sự hiểu
biết của người đương thời với tác giả về các việc như thế.
Sự di
chuyển các quyền hành
Bức
thư thứ 16 đưa
ra một nguyên tắc thật hay: đừng bao giờ quyết định sự gì mà không có sự hội ý
của các Linh mục và Phó tế cũng như sự đồng ý của dân chúng. Không may, quyết
tâm nầy khó có thể được thể hiện trong những hoàn cảnh đặc biệt, tạo nên do các
cuộc ly giáo và do việc xích mích về nố những người bỏ đạo. Bức thứ thứ 17 là bằng chứng việc
Cyprianô đã bỏ qua ý kiến của hàng giáo sĩ đi ngược lại quan điểm của ngài, và
ngài đã tìm hậu thuẫn cho mình trong sự tương thuận của dân chúng. Tình cảnh
nầy làm cho Giám Mục Carthage thấy lấn cấn, khó chịu, vì thế ngài tìm cách tăng
cường các mối liên lạc với các Giáo Hội khác khi thấy sự đoàn kết bên trong
cộng đoàn của ngài có vấn đề. Do việc nầy, ta thấy xuất hiện sự thông công có
tính cách hàng ngang, trải tràn về mặt địa lý trong Giáo Hội "Công
giáo"; đồng thời có sự giảm sút dần dần những tương giao có tính cách hàng
dọc, nghĩa là những liên hệ gắn bó giữa các phần tử trong cùng một cộng đoàn.
Sự kiện sau nầy sẽ xảy ra, do những chuyện bất đồng về những nố tiêu cực tiếp
theo cuộc bách hại; tất cả những hậu quả đó đã làm cho sinh hoạt của Giáo Hội
địa phương nứt rạn.
Cyprianô mau mắn kêu gọi đến sự
cảm thông, nếu không nói là sự hỗ trợ của các Giáo Hội lân cận [89] và của
Giáo Hội La Mã [90].
La Mã hết lòng đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của ngài [91]. Những
cuộc thảo luận giữa các Giám mục được xúc tiến và đem đến nhiều kết quả,
Cyprianô nhờ vậy lấy lại được tư tế vững mạnh và trực tiếp lên tiếng với dân
chúng của ngài. Bấy giờ, ngài xác quyết rằng chính ngài, cũng như các vị đã
tuyên xưng đức tin, các giáo sĩ nội thành và các Giám mục bên trong tỉnh hạt và
bên kia Địa Trung Hải, đã cùng quyết định không trở lại việc phải giải quyết
bất kỳ chuyện gì liên quan đến vụ những người bỏ đạo, trước khi tất cả (những
vị kể trên) có thể tập họp lại để cùng nhau phân giải và đưa ra một nghị quyết
...[92] Việc nại
đến những cuộc bàn hỏi trong tỉnh hạt cũng như ngoài tỉnh hạt làm nổi bật mức
độ phổ biến và gia trọng của các vấn nạn tiếp sau cuộc bách hại. Vì cuộc bách
hại nầy diễn ra trong toàn cõi Đế quốc, nên hầu như tất cả các Giáo Hội địa
phương đều gặp phải những khó khăn tương tự. Khi một trong các cộng đoàn gặp
phải cơn thử thách đặc biệt, khi Giám mục hoặc một số giáo sĩ phải chết vì đạo,
hẳn nhiên các cộng đoàn khác sẽ bày tỏ niềm lo âu và tùy sức mà giúp đỡ. Ngoài
ra, còn quan hệ hơn nữa là cuộc bách hại đã làm bùng nổ Giáo Hội địa phương,
theo đúng nghĩa của chữ nầy. Nhiều người đi lánh nạn, hoặc do lệnh trục xuất đã
đi từ cộng đoàn nầy đến trú ngụ tại cộng đoàn khác. Vì vậy, việc trao đổi tin
tức -, hoặc muốn biết tin kẻ đã ra đi, hoặc muốn hiểu rõ lý lịch, tính tình, tư
cách kẻ đến, - được diễn ra một cách tự nhiên. Thêm vào đó, (là sự liên hệ khác
thường xảy ra giữa dân chúng và các vị đã tuyên xưng đức tin)- các giáo sĩ bị
ràng buộc bởi các luật lệ liên quan đến chức vụ của mình, nên không thể vượt
qua những giới hạn của cộng đoàn địa phương của mình, nhưng các vị tuyên xưng
đức tin thì không thấy có gì trói buộc các vị trong khuôn khổ đó cả. Mặt khác,
những Kitô hữu Carthage đã bỏ đạo trước đây, nay muốn được tha thứ, thường
trông chờ vào giấy chứng nhận của các vị đã tuyên xưng đức tin tại La Mã hầu dễ
bước qua kỷ luật sám hối nghiêm khắc do Giám mục họ chủ trương! Sau hết, cũng
có thể có một vài kitô hữu bị bắt bớ và bị điệu về các địa sở hành chánh quan
trọng hơn cả, và dĩ nhiên địa sở đó phải là La Mã. Tất cả những của di lưu đó
tạo ra những mối liên lạc và tương trợ khá mới mẻ.
Dân chúng có đóng thêm một vai
trò gì hay mất đi quyền hành gì, một khi các cuộc thảo luận giữa các Giáo Hội
địa phương chỉ còn những cuộc thảo luận giữa các giám mục mà thôi không? Dường
như không có gì thay đổi cả. Cyprianô vẫn trực tiếp lên tiếng với dân chúng và
liên lạc với họ. Lúc nào ngài cũng tỏ ra tôn trọng dân chúng và tiếp tục thỉnh
ý họ. Tuy vậy, trong thực tế, dân chúng thật khó có thể trực tiếp cho ý kiến.
Ngoài ra họ cũng chỉ có thể được thông tri hậu sự về các cuộc bàn cãi của các
giám mục mà thôi. Từ nay, họ không còn có thể đặt lại vấn đề liên hệ đến những
giải pháp đã được các giám mục thông qua. Nếu nguyên tắc về sự tham dự của giáo
dân trong tất cả các quyết định quan trọng cho sinh hoạt Giáo Hội vẫn còn, thì
việc thực thi nguyên tắc đó, trong nhiều dịp, có khuynh hướng chỉ còn giá trị
tượng trưng.
Kết luận
Một thế kỷ chúng kiến sự
thay đổi
quan trọng của hhàng giáo sĩ
Từ ngữ giáo dân được phổ biến và
thông dụng trong suốt thế kỷ thứ III. Tình trạng phổ biến mau chóng nầy thấy
được trong việc xử dụng từ ngữ đó nhiều lần và tại nhiều nơi khác nhau. Lúc ban
đầu, chữ giáo dân xuất hiện trong văn phẩm của Clêmentê thành Alexandria, của
Tertulianô thành Carthage. Sau đó, ta lại thấy nó trong cuốn Mô Phạm tại Syria,
cũng như tại La Mã qua các thư từ trao đổi trong cuộc bách hại của Đêciô. Trước
tiên, chữ giáo dân nhằm định nghĩa một nhóm người giới hạn, gồm "những
người đàn ông chỉ có một vợ". Trong giai đoạn nầy, giáo dân chưa được phân
định là khác với giáo sĩ. Tên gọi giáo dân thực ra chỉ là một dấu hiệu nhắc nhở
cho những người kitô hữu nầy nhớ rằng họ được kêu gọi vào một chức vụ và ít
nhất về mặt luân lý - họ cũng bị ràng buộc bởi những bổn phận y hệt như các
Linh mục và Phó tế. Về điểm nầy, Clêmentê thấy không cần phải chứng minh dài
dòng, vì ngài xem đó là một sự kiện hiển nhiên. Tertulianô, một tác giả có tài
tranh biện và nặng tính cách mô phạm hơn, cố tìm cách giải minh rằng sự phân
biệt giữa giáo sĩ và giáo dân chỉ phát sinh do quyền (=quyết định) của Giáo Hội.
Tác giả nầy, còn nhắc thêm rằng giáo dân phải luôn sống xứng đáng để hành xử
những chức vụ tư tế, vì chính họ có thể được gọi để chu toàn những chức vụ đó
khi thiếu vắng giáo sĩ, hoặc gặp lúc họ được đề cử một cách đúng qui thức.
Nhưng, sự thể đã diễn tiến rất
nhanh, đến lúc giáo dân trở thành hoàn toàn khác biệt với giáo sĩ. Bấy giờ, tất
cả các vị đàn ông không phải là giáo sĩ, và là thành phần của Giáo Hội thì đều
được gọi là giáo dân, họ không còn toàn hảo như Clêmentê và Tertulianô chủ
trương nữa, và việc nầy đã làm Origène tiếc nuối. Trong cuốn Mô Phạm, giáo dân
chỉ được xem là con cái cần được Giám mục chăm sóc. Giáo dân lại không còn được
xem là thành phần ưu thế, được tuyển lựa đặc biệt: lần đầu tiên trong lịch sử
các cộng đoàn Kitô giáo bàn đến thừa tác vụ dành riêng cho giáo dân, thì cũng
lần đó "thừa tác vụ" nêu lên được mô tả như là bổn phận phải đảm bảo
cuộc sống vật chất cho các thừa tác viên bàn thánh. Về mặt lý thuyết, vai trò
nầy là việc làm của bất cứ kitô hữu nào, nên hàng ngũ giáo dân lại được hiểu
ngay là toàn thể dân chúng. Dầu thế nào đi nữa, thì suốt thế kỷ thứ III, không
bao giờ có chuyện xem người phụ nữ là "một giáo dân" một cách minh
nhiên.
Thực ra, khó mà xác định một
cách rõ rệt những phân cách bên trong nội bộ hàng ngũ giáo dân. Phải chăng hàng
ngũ nầy chỉ giới hạn cho các vị đàn ông? Ngược lại, có phải tất cả nam kitô hữu
đều là giáo dân hay không? Những kẻ dự tòng, những người sám hối, trẻ em, thanh
niên có bị coi như đứng bên ngoài hàng ngũ giáo dân hay không? Giáo dân được xem
là bất kỳ ai trong dân chúng hay là kẻ xứng đáng nhất, khôn ngoan hoặc hăng hái
hoạt động nhất? Giữa dân chúng (plebs) tại Carthage và giáo dân tại La Mã thực
sự có tương xứng như có lần Cyprianô đã gợi ra không? Ta thấy dân chúng đối với
Cyprianô là tập thể mà ngài thỉnh ý mỗi lần cần có sự xác quyết về một quyết
định quan trọng trong khuôn khổ việc sám hối, hoặc trong việc đề cử hàng Giám
mục; trong khi đó ta có thể có lý do giải thích rằng giáo dân được hàng giáo sĩ
La Mã thỉnh ý là những bậc vị vọng, hoặc ít nhất đó là những kitô hữu đã được
tuyển lựa, mặc dù có những trường hợp quan trọng, dân chúng được yêu cầu để
hoan hô khi quyết định đã được thông qua.
Nhưng, ngoài những khác biệt về
tên gọi những kẻ có tham dự vào các quyết định, không thể chối cãi rằng các
Giáo Hội địa phương bấy giờ đã áp dụng nguyên tắc dân chủ, cũng như hằng lưu
tâm lắng nghe ý kiến của dân chúng trong các vấn đề tế nhị. Có nhiều phương
cách áp dụng nguyên tắc dân chủ đã được thực hiện vào thời đó: bàn hỏi ý kiến
của toàn dân, hội ý với các đại diện dân chúng, thỉnh ý dân chúng trước, trong
lúc hay sau khi quyết định... Trong một vài vụ khó khăn, việc thỉnh ý các thành
phần đại diện dường như được xem là quan hệ hơn việc yêu cầu dân chúng hoan hô.
Tuy vậy, trong tiền bán thế kỷ thứ III, việc thỉnh ý toàn thể kitô hữu được xem
là một quyền hành thiết thực, hữu hiệu chứ không phải chỉ có tính cách hình
thức; chính vì thế, có lần dân đã đưa một ứng viên, không ai có thể ngờ trước,
lên chức giám mục; cũng như ý kiến của dân chúng là một yếu tố quyết định trong
khuôn khổ sám hối, mặc dù chỉ có Giám mục là Thầy cả thượng phẩm, trong cương
vị của chức vụ Tư tế mới có quyền tha tội.
Sự xuất hiện của một Giáo Hội
quần chúng hình thành dễ dàng nền dân chủ nhân dân đích thực, nhưng không thuận
lợi cho việc đề cao những cá nhân có được ân huệ đặc biệt. Khi dân số tín hữu
gia tăng, các cộng đoàn hướng đến việc tổ chức qui mô và ổn định, đồng thời
loại dần các yếu tố may rủi, bất ngờ. Vì thế, các vị đã tuyên xưng đức tin mất
dần uy thế, trước đây từng được các cộng đoàn đánh giá rất cao. Nếu tác giả
cuốn "Truyền thống Tông đồ"
chủ trương bảo vệ truyền thống và nhắc nhở rằng những vị đã chịu đau khổ vì đức
tin đương nhiên hưởng được phẩm chức của hàng niên trưởng, thì với cương vị là
người quản trị cộng đoàn một cách cụ thể, Cyprianô lại tỏ ra rất thận trọng
trong vấn đề nầy. Ngài cân nhắc thật kỹ lưỡng việc đưa các vị đã tuyên xưng đức
tin vào hàng giáo sĩ và không cho họ trực tiếp được đồng sàng một cách đương
nhiên với các vị linh mục.
Thể chế tập trung quyền hành ở
cấp địa phương mặc nhiên cho thấy rằng chỉ có Giám mục mới có quyền phân bổ các
chức vụ (klèros); và càng ngày càng có khuynh hướng không chấp nhận những quyền
hành đến tự bên ngoài (chức vụ nầy).
Trước đây, trong một thời gian
khá lâu, các cộng đoàn đã dung nhân thừa nhận những chức vụ văn hóa tách rời và
khác biệt với các chức vụ tế lễ và quản trị, ngay khi các hức vụ văn hóa đã
được trao vào tay giáo sĩ. Nhưng nay, các quyền hành đều tập trung vào Giám
mục, nên vị nầy lại càng khó chấp nhận tình trạng phân cách các chức vụ nói
trên. Một vài chức vụ, như chức vụ thầy dạy giáo lý biến mất luôn. Những chức
vụ khác, như chưc đọc sách thì còn được trọng vọng trên bình diện xã hội nữa;
vai trò của vị nầy được thu hẹp lại trong một khuôn khổ hạn định, vừa phải, để
cuối cùng được liệt vào nấc thang thấp nhất trong các phẩm chức của hàng giáo
sĩ. Những nhân vật, như các vị tiến sĩ hoặc chú giải Thánh Kinh thì không cách
gì tránh khỏi tình trạng phải sát nhập vào hàng giáo sĩ. Dĩ nhiên, giáo dân vẫn
còn đóng vai trò văn hóa trong Giáo Hội; nhưng vai trò nầy, hoặc sẽ bị coi là
không ăn nhập gì vào sinh hoạt thiết yếu của Giáo Hội, hoặc sẽ được coi là tài
năng riêng của những vị tai to mặt lớn trong xã hội dân sự. Đây là tình trạng
mập mờ, tranh tối, tranh sáng lầm lẫn quyền uy chính trị và quyền bính tôn
giáo. Người nắm uy quyền tối thượng dĩ nhiên là "Hoàng đế", - nhưng
đó là một chuyện khác đang bắt đầu được viết ra trong những trang sử của Giáo
Hội.
[17] V. Saxer, Vie
liturgique et quotidienne à Carthage vers le milieu du troisième siècle. Le
témoignage de saint Cyprien et de ses contemporains d'Afrique. Coll.
Studi di Antichità Christiana, no. 29, Cité du Vatican, 1969, p.73.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét