Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Dẫn nhập Những khó khăn hiện tại và những truy cứu thời đã qua



 
Dẫn nhập

Những khó khăn hiện tại và những truy cứu thời đã qua

Đến thế kỷ hai mươi, Giáo Hội Công giáo đã khám phá ra lại hàng ngũ giáo dân của mình. Giáo Hội đồng thời cũng tìm lại sự hứng khởi của lịch sử, sức thu hút của những thế kỷ đầu tiên. Nhằm định nghĩa lại bản-sắc cá biệt, cải cách lại đường lối sinh hoạt, Giáo Hội không ngần ngại quay về những thời kỳ nguyên thủy để rút tỉa những hình ảnh, mẫu mực, lời giáo huấn hoặc những minh giải cần thiết. Phải đối diện với hiện tại xem ra còn hồ đồ, Giáo Hội tra vấn quá khứ để được soi dọi và dẫn dắt. Khi càng bước gần lại thời kỳ Tông đồ công vụ và ngay thời đương tiền của Đức Kitô, tự bản năng, Giáo Hội nghĩ rằng mình càng chiêm ngắm được Chân Lý. Hiện tượng "Giáo Dân" cũng đã không thoát khỏi xu hướng nầy. Suốt thời kỳ phục hưng lại hàng ngũ giáo dân, các nhà thần học đã đặc biệt lưu tâm minh định sự hiện hữu và sinh hoạt của thành phần đó, ngày nay chính giáo dân lại có nhu cầu muốn  biết sâu hơn tất cả những bình diện của lịch sử chính mình. Giáo dân ý thức được rằng từ nay họ chiếm một vị trí và đóng một vai trò trong Giáo Hội họ đang sống. Và dĩ nhiên, họ còn muốn biết thêm vị trí và vai trò của giáo dân trong thời Giáo Hội sơ khai.
Nhưng trước khi đi sâu vào quá khứ, cũng nên nắm vững thực tại ngày nay vì chính thực tại đó dấy lên câu hỏi lịch sử nầy. Những góc cạnh đa biệt của thực tại ngày nay, khung cảnh mà thực tại đó định vị, những hình ảnh lắm lúc mâu thuẫn ... tất cả thường cũng là những dấu vết của một quá khứ phần nào bị xóa nhòa.

Hãy thử trắc nghiệm với chính mình!
Nếu có ai yêu cầu bạn nêu tên những giáo dân nhiệt thành, trước hết bạn có nghĩ ngay đến những chiến sĩ hoạt động Công giáo Tiến hành không, hay bạn kể tên ông Voltaire và Diderot, có phải vì các ông này đã từng tự nhận cho mình danh nghĩa đó? [1]  Bạn có cho rằng một vị đan sĩ hoặc một tu sĩ là một giáo sĩ chăng? Một nữ tu phải chăng là một giáo sĩ? Và trong Giáo Hội bạn có cho rằng giáo dân là kẻ "không có gì để nói" nên chẳng có gì để nghe, hay ngược lại sống giữa khối tín hữu thụ động, họ là những kẻ chiến đấu và tự mang lấy trách vụ đặc biệt, có một sứ mệnh phải thi hành? Theo bạn, giáo dân ở giữa lòng Giáo hội phải bị xóa nhòa như một kẻ vô danh trong khối người đặc đầy, hay ngược lại họ phải vươn mình ra khỏi đám đông để xác định trách nhiệm của mình? Giáo dân phải chăng chỉ được định nghĩa một cách tiêu cực là kẻ không được kêu gọi làm giáo sĩ, hay trong nhãn quan tích cực họ là người đã được Thiên Chúa chọn để gia nhập làm thành phần Dân Chúa, là người đã được tuyển chọn và được kêu gọi làm con cái của Thiên Chúa, kể từ ngày họ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy?
Trong tiếng Pháp chẳng hạn, chữ "laique" mang nhiều ý nghĩa khác nhau, và không phải lúc nào cũng có ý nghĩa là "Giáo Dân" trong nội dung sinh hoạt tích cực của Giáo Hội. Đối với
bạn, chữ "laique" phải chăng có nghĩa là "một người phụ nữ kitô hữu" nhằm gọi tên bất cứ người phụ nữ nào trong Giáo Hội, hoặc chữ đó nhất thiết phải gợi lên một thực tại nằm bên ngoài khung cảnh tôn giáo hoặc dòng tu? Trong cung cách suy tư của bạn, chữ "laique": "Giáo Dân", phải chăng đồng nghĩa với từ ngữ "laicard" (= người đời, trần tục) mang tính cách đối nghịch với Giáo Hội, hoặc chống báng lại hàng giáo sĩ? Trong một bối cảnh chính trị nào đó, (là nội dung hồ đồ của chữ "laic") bạn có đồng hóa người giáo dân với kẻ chủ trương dẹp bỏ các trường tư thục tôn giáo hay không? [2] Một cách tổng quát, bạn có cho rằng chữ giáo dân (laique) luôn luôn chỉ định một thực tế, phong cách đi ngược lại với "hàng giáo sĩ" (clérical) hay không?

Giáo dân bên trong cộng đồng tín hữu
Trong Giáo Hội, ta không thể vừa là giáo sĩ lại vừa là giáo dân. Hai khối thực tại nầy thường được phân biệt để nêu lên mối tương quan, nhưng trong thực tế chúng lại không hỗ trợ cho nhau. Giáo sĩ là một chức vụ điều hành, nhằm chỉ một kiểu mẫu định chế, trong lúc giáo dân lại nhằm chỉ một pháp nhân . Cũng vì thế, chúng ta hiểu lý do tại sao người ta có khuynh hướng đẩy xa ý niệm quá mơ hồ của chữ "giáo dân" để đồng hóa với ý niệm "Công giáo Tiến hành". Muốn sớm xác minh tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân, chúng ta nhiều khi bị cám dỗ thu hẹp ý nghĩa của chữ "giáo dân". Công đồng Vatican II đã dự đoán trước khuynh hướng nầy, nên tự thấy cần xác định một cách rõ rệt trong Hiến Chế về Giáo Hội (số 31) "Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận".
Dầu đã cố gắng nhiều để đem lại một ý nghĩa tích cực cho ý niệm "giáo dân", trong ngôn ngữ thực dụng hằng ngày, người ta còn gặp nhiều khó khăn để xác định một nội dung minh bạch cho những thực tại sinh hoạt của giới nầy. Chẳng hạn trong tiếng Pháp, tĩnh từ "clérical" (=thuộc hàng giáo sĩ) là chữ thông dụng, trái lại chữ "laical" (= thuộc về giáo dân), dù được hình thành trong một mẫu mực hoàn toàn tương tự, lại không mấy khi được nhắc nhở, dùng đến; chẳng qua người ta dường như hiểu rằng đặc điểm chính yếu  của giáo dân là sống trong "điều kiện thông thường của bất cứ ai". Dù sao cũng thử định nghĩa cái đặc điểm của con người chung chung đó!

"Bị" làm giáo dân
Hiến Chế Lumen Gentium đã áp dụng từ ngữ giáo dân cho tất cả thành phần của cộng đồng tín hữu (peuple fidèle) không phân biệt. Vì thế, nhiều người đã là giáo dân mà không hay biết. Còn tiến xa hơn quan niệm của các Nghị phụ Công đồng và các nhà thần học, thực tế lịch sử lại muốn rằng tất cả những ai đã chịu phép Thánh tẩy phải là giáo dân. Tình trạng giảm sút số người sống đạo một cách tích cực đã thúc bách tín hữu thụ động vươn mình lên khỏi đám đông, và dù bất ưng họ cũng để lộ khuôn mặt giáo dân của họ. Hàng giáo sĩ giảm sút (tương quan đến sự giảm sút của tín đồ) buộc họ kêu gọi đến sự trợ giúp của giáo dân. Từ đó, người kitô hữu bấy lâu bằng lòng sống âm thầm trong khối tín hữu vô danh, nay dù muốn dù không bỗng thấy mình được nâng lên hàng ngũ giáo dân theo ý nghĩa, nội dung mà Đức Piô XII đã muốn minh định. Theo ngài, giáo dân là người được chỉ định để cộng tác một cách có quy mô hơn với giáo quyền, giúp đỡ giáo quyền một cách hữu hiệu hơn trong công tác tông đồ [3]. Chúng ta có thể thấy hình ảnh đó qua một vài thí dụ thường nhật: Một tín hữu dự lễ bất chợt được mời đọc sách Thánh lúc đầu lễ, - một bà mẹ gia đình tận tâm tận lực (hoặc phải nói có khi vì nhẫn nhục mà làm) dạy giáo lý tại nhà cho một nhóm nhỏ, năm, bảy trẻ em, để chính con trai hay con gái mình cũng có thể "rước lễ lần đầu" chung một lượt, - hoặc vì muốn cho ngày lễ rửa tội con mình được long trọng, công khai, cha mẹ phải chạy ngược, chạy xuôi, chuẩn bị thật chu đáo. Ở đây ta thấy tinh thần trách nhiệm phát sinh do hoàn cảnh thúc bách, đòi buộc.

Giáo dân người có trách nhiệm.
May thay, không phải người giáo dân nào cũng là giáo dân miễn cưỡng. Nhiều người mong ước được chiến đấu, xây dựng Giáo Hội một cách tích cực. Ý thức hoạt động đó vừa là một nhu cầu phục vụ và đồng thời là việc cảm nhận tinh thần trách nhiệm. Như có lần, các vị Giám Mục Pháp đã nói: "Tất cả đều mang trách nhiệm trong Giáo Hội". Tâm thức kitô hữu đang thay đổi. Khi bàn về việc người tín hữu thông thường muốn giúp đỡ giáo quyền, Đức Piô XII đã nói như sau: "Họ sẽ tự đặt mình lệ thuộc vào hàng giáo phẩm một cách chặt chẽ hơn, vì chỉ có hàng giáo phẩm mang trách nhiệm về việc quản trị Giáo Hội đối với Thiên Chúa". Với câu nói nầy, dĩ nhiên Đức Giáo Hoàng đã không muốn chối bỏ trách nhiệm của giáo dân, vì cũng theo ngài, giáo dân phải hành xử một cách tự do "trong khuôn khổ của chức vụ mình, hoặc trong khuôn khổ mà lợi ích chung Giáo Hội vạch ra" [4]. Nhưng vấn đề là làm sao biết được chức vụ của giáo dân là gì, và làm sao có thể định nghĩa được chức vụ đó.
Ngày nay nhiều giáo dân cho rằng trước hết phải mang trách nhiệm của một kẻ đã chịu phép Thánh tẩy, chứ không phải vì lý do chính yếu là sự tự nguyện tuân phục hàng giáo phẩm. Việc nầy giải thích tại sao hàng giáo phẩm có phản ứng đứng xa các phong trào từ lâu được nhìn nhận chính thức, bằng cách nầy hay bằng cách khác. Hiện tượng nầy cũng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của các phong trào Công giáo Tiến hành. Bất cứ ở đâu, cũng thấy có những giáo dân sinh hoạt một cách khá độc lập, đi đôi với việc nảy sinh ý thức trách nhiệm nơi họ.

Những tiên tri của ngày mai
và những mẫu mực của thời xưa
"Làm gì - có thể làm gì - phải làm gì, khi mình là giáo dân trong Giáo Hội ngày nay?"
Nhiều kitô hữu đầy thiện chí tự vấn mình lại như thế, mỗi khi thấy dấy lên ước mơ chứng kiến những hình thức thánh thiện và sinh hoạt tông đồ mới; và hơn thế nữa, họ ao ước được thấy những hình thái mới mẻ của Giáo Hội, có thể đáp ứng toàn hảo hơn những khó khăn và những nguyện vọng của thời đại chúng ta. Nhiều giải pháp đa biệt đã được áp dụng. Nào là việc quản lý các phương tiện vật chất, nhà cửa phòng bè của giáo xứ nhằm chia sẻ gánh nặng cho vị Linh mục, nào là sinh hoạt phụng vụ khi thiếu vắng vị nầy, nào là việc xây dựng các cộng đoàn sống và cầu nguyện, chưa kể đến việc học hỏi giáo lý và việc dấn thân vào sinh hoạt xã hội hoặc chính trị. Nhưng, Kitô giáo trong thế bị căng mắc giữa mẫu mực thời đại đương tiền của Chúa Giêsu và sự xuất hiện trước mặt một thế giới mới, luôn cảm thấy nhu cầu minh giải qua lịch sử những phương thế mình xử dụng, hầu xúc tiến nhanh công cuộc xây dựng Nước Trời. Năm 1972, Giáo Hội Công giáo đã nghĩ rằng nên mở rộng một vài thừa tác vụ cho giáo dân. Lá thư Tông tòa thiết lập những thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cho giáo dân bắt đầu bằng những lời lẽ như sau: "Một vài thừa tác vụ đã được Giáo Hội định chế hóa từ thời kỳ rất xa xưa để tôn thờ Thiên Chúa một cách chính đáng và để tùy nhu cầu bảo đảm công việc phục vụ dân Chúa". Ước muốn đưa lý tưởng tương lai vào trong quá khứ là đường lối thông thường của các hiện tượng canh tân. Trong các "nhóm Thánh Linh" (= groupes charismatiques), hoặc trong các đoàn thể "Canh tân" (= Renouveau) chẳng hạn, cũng áp dụng phương cách nầy. Noi gương các kitô hữu trong thời kỳ sơ khai được Thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Corinthô mô tả và xếp loại, ngày nay những đoàn viên Thánh Linh được cảm ứng hơn cả, đôi lúc cũng là tiên tri hoặc trừ quỷ, thông thường và khiêm tốn hơn, họ nói các tiếng lạ, hoặc thốt nhiên cầu nguyện lớn tiếng trong giờ kinh phụng vụ. Trong những cộng đoàn như thế - lắm lúc trở nên những hình thức tu viện giáo dân mới - có những mục tử (bergers), những kẻ chăn dắt hoặc còn có những vị huynh trưởng trẻ tuổi gợi lại hình ảnh những vị niên trưởng của các thời kỳ đầu tiên. Từ những Văn kiện lập qui chính thức đến những cộng đoàn cơ sở hoặc những nhóm Thánh Linh, đâu đâu người ta cũng dựa vào những thời kỳ khởi thủy của Giáo Hội để chuẩn hành, biện giải, cảm ứng hay sáng tạo.
Hẳn nhiên, chính vì cố tâm trở về nguồn, mà người ta minh định được rằng tước vị giáo sĩ chỉ dành riêng cho những phần tử của Giáo Hội đã nhận một trong ba chức lớn (chức Phó tế, Linh mục và chức Giám mục), đồng thời phổ cập cho giáo dân những thừa tác vụ đọc sách, giúp lễ và còn có thể kêu gọi các Hội đồng Giám Mục tạo ra những chức vụ mới, như chức vụ mở cửa, dạy giáo lý, quản lý các công việc từ thiện ... Nhưng, mỗi khi tra vấn lịch sử, lịch sử đôi lúc đẩy đưa chúng ta đi xa hơn dự đoán. Khi ta tra vấn nó xem giáo dân trong những thế kỷ đầu đóng vai trò gì, phải chăng ta đặt ra cho lịch sử một câu hỏi sai? Ngoài việc vay mượn những từ ngữ được hình thành trong thời Giáo Hội sơ khai, ngoài những bản văn mặc nhiên hay minh nhiên nói đến một vài tác vụ, một vài thái độ nào đó ... phải chăng điều cần hơn nữa là nỗ lực đặt lại cung cách mà chúng ta suy tư, ưu lo về Giáo Hội (sống cuộc sống Giáo Hội) một cách cơ bản và toàn diện hơn?





[1] Khác với tiếng Việt, chữ laic trong tiếng Pháp không những mang nội dung tích cực của chữ "giáo dân", mà thông thường có nghĩa là "người trần tục" trong nội dung tiêu cực (= chống lại hàng giáo sĩ).
[2] Chú thích của người dịch: Trong khung cảnh sinh hoạt giáo dục của Pháp, trường công lập còn được định nghĩa là trường "đời". Tác giả là người Pháp nên đặc biệt nhạy bén với thời sự liên quan đến chủ trương "công lập hóa" triệt để nền giáo dục của nhà nước Pháp và những phản đối của dân chúng diễn ra lúc viết chương dẫn nhập  này.
[3] Các văn kiện Giáo hoàng chính yếu về giáo dân đã được các đan sĩ Solesme, Tournai sắp xếp, trình bày. Desclée et Cie 1956 (671 trang thêm 103 trang mục lục)... Về chữ "laic" theo Giáo hoàng Piô XII, xem hai bài diễn văn của ngài đọc nhân các cuộc đại hội tông đồ giáo dân thế giới, 5-10.1957.
[4] Piô XII, các diễn văn tại đại hội thế giới lần thứ hai về tông đồ giáo dân (15-10-1957) A.A.S 49, 1957, trang 922..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét