Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Nền thần học giáo dân phải chăng là một ngỏ bí?




Nền thần học giáo dân phải
chăng là một ngỏ bí?
Ngày nay chúng ta có khuynh hướng kết hợp một cách đơn giản người giáo dân với người tín hữu, hàng ngũ giáo dân với dân Thiên Chúa. Ngay từ đầu, không phải vậy. Giáo dân chỉ tượng trưng cho một phần tử của dân Chúa, được phân biệt với hàng giáo sĩ. Người ta có thể tự hỏi phải chăng, do từ quan điểm nguyên thủy nầy, nền thần học giáo dân đã không gặp ngay một sự lấn cấn nào đó rồi hay không. Về mặt lý thuyết, từ trong ý định của nó nền thần học về giáo dân không loại bỏ một tín hữu nào cả, tuy nhiên nó có nguy cơ gặp phải sự phân chia mới giữa những chiến sĩ sinh hoạt có sự ủy nhiệm của hàng giáo phẩm, những thừa tác viên giáo dân được qui chế nhìn nhận và số tín hữu còn lại. Giữa một khối tín hữu thông thường chỉ mong được "cai trị" và một nhóm nhỏ những "giáo dân đích thực", có thể gần như đứng vào hàng ngũ giáo sĩ, nền thần học về giáo dân thật khó mà quyết định được những việc lựa chọn cần thiết nhằm đưa ra vai trò cá biệt của người giáo dân một cách cụ thể.
Có lẽ chính khó khăn nầy đã khai sinh ra một nền thần học về dân Thiên Chúa. Dĩ nhiên, nêu lên những nhiệm vụ đặt để cho tất cả kitô hữu thì dễ hơn là tìm cách thiết định một nhiệm vụ độc đáo dành riêng cho những kẻ không là giáo sĩ, và chỉ dành riêng cho họ mà thôi. Nhưng nền thần học về giáo dân không thể nào được lẫn lộn với nền thần học về dân Thiên Chúa, bởi vì nền thần học đó nhất thiết phải chấp nhận định đề về một sự phân chia làm hai trong nội bộ dân nầy. Nó loại hàng giáo sĩ ra ngoài nội dung của nó và không nhằm nghiên cứu hết tất cả kitô hữu. Hẳn nhiên, nền thần học đó có công rất lớn vì đã nhắc nhở cho những kẻ đã chịu phép rửa bình thường ý thức rằng chính họ cũng được kêu gọi để hành động để trở thành muối đất. Trong mục tiêu nhằm gây ý thức nơi người tín hữu về bản sắc cá biệt của họ, nền thần học về giáo dân đã tạo ra cho họ một nhân cách, đó là người giáo dân, và thúc giục họ làm triển nở nhân cách nầy. Nhưng, đồng thời, nó buộc phải tạo ra những giới hạn của con người kitô hữu và sinh hoạt của nó. Dường như chính vì tình trạng nhập nhằng nầy, muốn có một nền thần học về giáo dân nhằm khai thông những giá trị tích cực lại là một việc còn quá nhiều khó khăn.
Như thế, nền thần học về giáo dân phải chăng đã lâm vào ngỏ bí? Ta biết rằng việc khai sinh ra nền thần học nầy vào thế kỷ thứ III đã tiên báo và đánh dấu một sự thay đổi về giáo hội học. Nó đã giúp một ít kitô hữu nhận thức rằng mình còn là thành phần của dân Chúa, mặc dầu hàng giáo sĩ bắt đầu chiếm phần hết các vai trò trong cuộc sống của cộng đoàn. Việc khai sinh ra những giáo dân nằm vào thời kỳ Kitô giáo sơ khai, lúc mà Giáo Hội cảm thấy cần cố gắng bắt kịp đà tăng trưởng dân số của các cộng đoàn, nhưng phân vân không biết nên khẩn trương tăng gia con số giáo sĩ có khả năng hướng dần làn sóng tín hữu đó, hay phải tạo ra một lối sinh hoạt năng động bên trong khối tín hữu bằng cách xử dụng những "giáo dân linh hoạt". Việc phục hưng hàng ngũ giáo dân vào thế kỷ XX lại xuất hiện trong khuôn khổ của một cuộc chạy đua chống lại tình trạng "bỏ đạo". Chúng ta cũng gặp phải những băn khoăn tương tự: Nên huy động các tín hữu còn lại hay tạo ra những người phụ tá cho hàng giáo sĩ đang thiếu hụt, việc nào khẩn trương và nên làm hơn? Ta nhớ lại sự kiện nầy, vào thế kỷ thứ III, những thừa tác vụ giáo dân có tính cách cá biệt đã không tồn tại quá 50 năm. Việc đó không nhất thiết phải đưa đến kết luận rằng nền thần học giáo dân (nói một cách tích cực) đang đi vào nỏ bí. Xuất hiện rồi lại tái xuất hiện vào những thời kỳ có biến động, nền thần học đó hổ trợ việc chuyển đổi các tín hữu đi từ hình thái Giáo hội học nầy đến một hình thái Giáo hội học khác. Đây không phải là một ngỏ bí, mà là con đường rẽ tạm thời, giúp con người tiếp tục đi lại sinh hoạt, một khi con đường cũ đang thời sửa chữa và tái tạo không thể xử dụng được. Là nền thần học của công trường và của giao thông công cộng, nền thần học về hàng ngũ giáo dân hẳn nhiên phải là một nền thần học vì lợi ích công cộng, vì sự cứu độ của mọi người, một khi nhịp độ biến đổi của thế giới buộc kitô hữu phải tiếp tục tiến bước, dầu những đường mòn ngày xưa, nay ở vào tình trạng lỗi thời, gập ghềnh khó đi. Nền thần học như thế phải chăng đang chờ đợi một đường hướng giáo hội học mới!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét