Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Kết luận Giáo dân: Tổng lược năm thế kỷ của lịch sử




Kết luận

Giáo dân: Tổng lược năm
thế kỷ của lịch sử

Suốt năm thế kỷ đầu tiên của lịch sử Kitô giáo, người giáo dân tiêu biểu những gì? Chúng ta đã từng thấy rằng trong "Tân Ước" không hề có người giáo dân. Vào đến cuối thế kỷ I, Clêmentê thành La mã lần đầu tiên xử dụng danh xưng "giáo dân", nhưng trong khuôn khổ nội dung của Cựu Ước. Sau đó, lịch sử lại làm thinh, không nghe nhắc đến sự kiện nầy. Như thế, ta có thể nói rằng Kitô giáo trải qua hai thế kỷ đầu không có bóng dáng người giáo dân. Phải đợi đến thời Clêmentê thành Alexandria, người giáo dân thực sự mới được khai sinh.
Vào cuối thế kỷ thứ II, đầu thế kỷ thứ III, những giáo dân đầu tiên xuất hiện. Họ không phải là những giáo dân theo nội dung ta thường biết ngày nay. Dĩ nhiên, giáo dân chỉ ý thức được vị trí của mình, một khi họ đối diện với một hàng giáo sĩ xuất hiện đồng thời với họ; tuy vậy, họ không phải là toàn khối những người kitô hữu, mà chỉ là một nhóm gồm những thành phần ưu tú: tín hữu đã chịu phép rửa, nam giới và chỉ có một vợ. Theo chủ trương của Tertulianô, họ có thể rửa tội, dâng Thánh lễ khi thiếu vắng hàng giáo sĩ. Quan niệm về giáo dân như một thành phần ưu tú, nam giới, chỉ cưới vợ một lần, tồn tại khoảng hơn 50 năm. Tuy vậy, mãi đến năm 300, hội nghị các Giám mục ở Elvirô vẫn còn lưu lại những hình ảnh của truyền thống nầy, khi tuyên bố rằng trong trường hợp khẩn trương và không có giáo sĩ, người tín hữu "còn bảo vệ toàn vẹn Bí tích rửa tội của mình và không cưới vợ hai lần, có thể rửa tội" (= Giáo luật số 38). Khi tình trạng độc thê hết còn là một điều kiện cần để được xếp vào hàng ngũ giáo dân, người giáo dân cũng không được quan niệm là đồng nghĩa với người tín hữu. Thật vậy, phụ nữ vẫn không được xếp vào thành phần giáo dân. Vào thời kỳ nầy phụ nữ vẫn chưa được quyền rửa tội. Mãi đến thế kỷ thứ IV, từ ngữ giáo dân mới minh nhiên áp dụng cho nữ giới. Khởi từ dạo đó, giáo dân mới được xem là tất cả những người kitô hữu không phải là giáo sĩ.
Nhưng đến thời Constantinô, lại xuất hiện một loại Kitô hữu mới. Trong đế quốc La mã, mặc dầu hoàng cung và các quan viên thuộc cấp đã thấm nhuần cuộc sống tôn giáo, cũng phải đợi hơn ba phần tư thế kỷ sau, hoàng đế mới bắt đầu cho rằng mình là một giáo dân. Ngược lại, chỉ cần một thời gian ngắn hơn thế, để thấy xuất hiện trong cộng đoàn dân Chúa Kitô, một loại người thứ ba đó là các đan sĩ và tu sĩ.
Giáo sĩ, đan sĩ và giáo dân: Vào thế kỷ thứ V, những phân loại qui mô của cộng đoàn dân Chúa Kitô được thiết định, và kể từ dạo đó đến ngày nay, tình trạng đó đã thực sự không có gì thay đổi. Nhưng suốt năm thế kỷ đầu tiên, những kẻ chính thức coi mình thuộc về hàng ngũ giáo dân là ai vậy? Thánh Justinô hiên ngang tuyên bố: "Tôi là kitô hữu, đó là vinh dự của tôi!". Thế thì những ai đã từng tự xưng "tôi đây là giáo dân"? Theo chỗ chúng tôi biết, chỉ có một lần có người đã tự cho mình ở vào vị thế nầy: người đó là hoàng đế Valentianô đệ I. Nhưng việc tự nhận danh hiệu giáo dân nầy dường như không phải là việc nhận lấy trách nhiệm để chu toàn trong Giáo Hội, đúng hơn đó chỉ là một duyên cớ để tránh né việc dấn thân vào công việc của Giáo hội nầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét