Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Những thừa tác viên giáo dân đích thực





Những thừa tác viên giáo dân đích thực

Nếu trong tác phẩm Irênê, các vị niên trưởng và các môn đồ linh thiêng đưpơc liên kết"dễ dàng như thế, thì ngược lại kể từ Clêmentê thành Alexandria đến Origène tất cả các học giả trong thời nầy bắt đầu cân nhắc, so sánh phẩm trật siêu nhiên và phẩm trật theo qui chế tổ chức. Dĩ nhiên họ đã tìm cách tương đối hóa tầm quan trọng và quyền hành của phẩm trật dựa vào qui chế, nhưng không bao giờ họ đi đến việc chống đối nền tảng cố hữu của một hàng giáo sĩ Kitô giáo cả. Kể từ thế kỷ thứ III trở đi, giáo hội học đã đưa ra một định đề tất yếu về một cộng đoàn dân Chúa chia tách làm hai nhóm: giáo sĩ và giáo dân.
Các Giám mục thời nầy chưa hành xử tất cả các chức vụ có ích cho sinh hoạt cộng đoàn, vì giáo sĩ được quan niệm là thừa tác viên được phong chức để chỉ phục vụ bàn thánh mà thôi. Do quan niệm nầy, có những thừa tác viên giáo dân, - nghĩa là những cá nhân không được phong chức thánh - đảm trách một cách lâu dài và liên tục một dịch vụ hữu ích cho cộng đoàn. Các bậc kỳ cựu nhất và được biết đến nhiều nhất hẳn là những nhà mô phạm và những vị tiến sĩ. Nhưng có những nhà mô phạm giáo dân không có nghĩa là chức vụ nầy chỉ dành riêng cho giáo dân, bởi vì giáo sĩ hay giáo dân đều có thể hành xử chức vụ nầy. Chức vụ giáo huấn trong khuôn khổ được xem như là một thừa tác vụ độc lập, dần hồi biến mất, và từ hậu bán thế kỷ thứ III, người ta không còn thấy có những giáo dân thật sự làm nhà mô phạm nữa. Tình trạng đó cũng xảy ra cho chức vụ thầy dạy giáo lý; chức vụ nầy sau đó được dành cho các linh mục được gọi là "Linh mục dạy giáo lý! hoặc đôi khi còn gọi là "linh mục tiến sĩ".
Vào đầu thế kỷ thứ III, thì chức vụ đọc sách đã mất vai trò giảng giải, và chỉ hạn hẹp vào việc đọc sách mà thôi. Nhưng qua chức nầy, ta thấy xuất hiện lần đầu tiên một chức vụ giáo dân hướng về sự qui nhập vào các thừa tác viên tế lễ. Từ giữa thế kỷ thứ III, chức vụ đọc sách có đôi lúc được xem là giáo sĩ, nhưng qui chế chính xác của nó xem ra còn trong vòng tranh cãi, cho đến thời thánh Augustinô. Đến lúc nầy, người ta bắt đầu xếp chức vụ nầy vào số "những viên chức của Giáo hội". Đến thời Cyprianô, ngoài việc đọc sách, vị nầy có thể hành xử các chức vụ thủ thư, bí thư hay đưa thư. Dần dà, chức vụ đó mất đi thế giá lúc ban đầu và sẽ được xếp vào cấp thấp hơn các vị phụ phó tế. Các vị phụ phó tế nầy, theo các tác giả cuốn "Truyền thống Tông đồ", thì vẫn được xem là giáo dân. Họ phục dịch cho các vị phó tế, có thể giúp các vị đó trong việc tế lễ, các công tác từ thiện hay quản trị. Họ cũng có thể được cử làm người đưa thư cho các vị đọc sách. Kể từ hậu bán thế kỷ thứ IV, họ được xếp vào hàng giáo sĩ và được xem là cao cấp hơn các vị đọc sách.
Các vị trừ quỷ không phải là giáo sĩ; họ là thừa tác viên linh khởi, được hưởng ơn chữa bệnh tật. Vị thế của họ thay đổi tùy vùng và tùy Giáo hội. Nhưng không bao lâu, chức vụ nầy mất đi vai trò đích thực lúc ban đầu và được kết nhập vào các nấc thang của giáo sĩ, như một giai đoạn trong tiến trình thăng tiến lên một chức vụ khác cao hơn. Trong một vài trường hợp, những vị trừ quỷ nầy hoàn toàn không hề được nghe nhắc đến nữa. Những kẻ hành xử chức vụ giáo huấn, những chức vụ phụng vụ thứ yếu hoặc á-phụng vụ, cũng như ơn riêng chữa lành bệnh tật, có thể được xem là thừa tác viên giáo dân, nếu ta lồng chúng vào cái nhìn của ta ngày nay. Nhưng, phải lưu ý là vào đến thế kỷ thứ III, có một ơn riêng luôn được xem là vượt lên trên sự phân chia giáo sĩ và giáo dân: đó là ơn làm chứng tá cho đức tin. Thật vậy, biên giới tạo ra do việc phong chức thánh không chi phối những vị đã từng chịu khốn khổ vì đạo: do việc tuyên xưng đức tin, những vị nầy hưởng được vinh dự của chức vụ linh mục. Nhưng tình trạng đặc biệt đó không tồn tại được bao lâu. Kể từ cuộc bách hại của Dêciô, Cyprianô sẽ khôn khéo đặt lại vấn đề đặc ân đã cho phép các vị đó vượt lên trên biên giới giáo sĩ và giáo dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét