Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Chương III Thời kỳ các môn đồ của Chúa Kitô





Chương III

Thời kỳ các môn đồ của Chúa Kitô


Kể từ thế kỷ thứ II, các cộng đoàn đã lớn mạnh, đã thấy xuất hiện những vị lãnh đạo theo qui chế, và một hình thái chuyên môn "nghề nghiệp" nào đó của các chức vị khẩn thiết nhất, y như trong bất cứ một tập thể nào tương tự. Trước đó, vào thế kỷ thứ I, các cộng đoàn kitô hữu chắc chắn đã không thể nào tránh được định luật chung của bất cứ tập thể nào trong tiến đồ bành trướng: càng lớn mạnh ra bao nhiêu thì càng thấy có nhiều các phần tử nguội lạnh hoặc hèn kém trong các hàng ngũ của mình. Đến thế kỷ thứ II, sự tương phản giữa các lối sống đạo lại càng nổi bật hơn, và nhất là hố ngăn cách giữa những thừa tác viên chuyên nghiệp và kitô hữu không có chức vụ nào lại càng rõ rệt.
Sự kiện đó được tiếp thu thế nào trong cộng đoàn? - Bằng cách nào tình trạng hợp nhất được thể hiện, vượt lên trên những cách sống đạo khác nhau? - Các tín hữu thông thường cảm nghiệm và sống thân phận của mình như thế nào?
Ý niệm người "giáo dân" được gợi ra trong thư của Clêmentê thành La Mã vào cuối thế kỷ I, khó có thể gây nên sự chú ý cho kitô hữu thời bấy giờ. Suốt thế kỷ thứ II, ưu tư chủ yếu của các kitô hữu là làm thế nào thiết định được những tương quan giữa họ và Đức Kitô, hơn là tìm cách định nghĩa những tương giao giữa họ với nhau. Làm cách nào để trở nên môn đồ của Đức Kitô, và tại sao phải như thế?
Đó là những vấn đề cốt yếu trong một thời kỳ, còn gọi là thời qui chính (trở lại đạo), và cũng sẽ là thời tranh đấu chống lại các Lạc giáo quan trọng đầu tiên. Vào thế kỷ thứ II nầy, không một tác giả nào để tâm xây dựng một nền thần học giáo dân cả. Ngay cả chữ "giáo dân" cũng không thấy dùng đến trong văn phẩm của Justinô (vào khoảng năm 150) và của Irênê (khoảng năm 180): việc nầy lại không ngăn cấm hai nhà Hộ giáo và thần học nói trên xác tín chức vị cao cả của kitô hữu.

Justinô, triết nhân đi tìm sư phụ
"Justinô, con của Priscos, con của Baccheios, của Flavia Neapolis, ở vùng Syria thuộc Palestina". Đó là lý lịch của một trong những nhà Hộ giáo quan trọng nhất của thế kỷ thứ II. Khi ngài tự giới thiệu mình với hoàng đế trong thư gửi lên vị nầy nhằm bênh vực danh hiệu kitô hữu. Tiên sinh đã nhiệt tâm biện hộ một danh hiệu mà một vài người ngoại giáo dùng lại để xỉ mạ tín đồ Đức Kitô, trong lúc chính ngài lại không phải xuất thân từ một gia đình kitô hữu. Triết nhân đã thấu hiểu kitô hữu sau một thời gian dài suy tư và cảm nhận. Ngài thú nhận như sau: "Chính ngay cả tôi, trước đây khi còn là đồ đệ của phái Platon, tôi đã được nghe nhiều những lời chỉ trích chống lại kitô hữu, nhưng khi thấy những kitô hữu hiên ngang trước sự chết và trước những gì chứng nhân run sợ, tôi liền hiểu được rằng không thể nào họ sống trong tội lỗi xấu xa và ham mê dục vọng được" [1]. Nếu trong phần mở đầu "Sách Hộ giáo thứ nhất", tiên sinh tự giới thiệu bằng lý lịch và gốc tích của mình, thì trong phần thứ hai, tiên sinh mạnh dạn xưng rõ rằng: "Tôi là một người kitô hữu, tôi hãnh diện về việc nầy, và tuyên xưng điều đó. Tôi sung sướng vô cùng khi được giới thiệu mình với tư cách trên" [2]. Và thái độ hiên ngang, phong cách cao quí đó sẽ đưa tiên sinh đến cái chết tuẩn giáo vào năm 165.
Thánh Justinô thích dùng từ ngữ "kitô hữu" để gọi tên anh em mình, tức là các phần tử của cộng đoàn mà tiên sinh tham dự. Tuy ngài biết rằng đối với nhiều người, danh hiệu kitô hữu bị xem như một cái gì thuộc về tà đạo [3], bị người Do thái nguyền rủa, bị các nước bắt bớ Dial. 92,2., nhưng ngài vẫn không hề thay đổi cách gọi tên đó. Dầu vậy, ngài cũng không quên làm sáng tỏ vấn đề: "Kitô hữu với kitô hữu! phải biết phân biệt điều nầy: Một danh xưng tự nó không xấu mà cũng không tốt, điều cần thiết là xét xem những hành vi liên quan đến cách xưng hô" IAp. 4. . Với quan điểm "chính danh" nầy, Justinô đã gọi tên nhiều người dựa vào tên các đầu mục của họ: Marcionites, Basilidiens, Saturniliens, Valentiniens [4]. Justinô và kitô hữu đích thực không có gì chung với những kitô hữu chỉ xưng tên Đức Kitô ngoài môi miệng mà thôi.
Ngoại trừ những trường hợp vừa kể, phải nhận rằng nhà hộ giáo Justinô cố bảo vệ tính phổ quát trong cách gọi tên kitô hữu. Tác giả không chút ngần ngại khi cho rằng tước hiệu nầy phải áp dụng chung cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô, "kết hợp cùng Ngài trong cùng một tâm hồn, trong cùng một nhà hội và cùng một giáo đường" [5]; qua miệng của người Do thái Tryphon, tiên sinh còn nói rằng, kitô hữu là con dân của bất cứ dân tộc nào chân nhận Đức Giêsu là Chúa, là Đấng Kitô và là Thượng Đế [6]. Justinô biết rằng tính phổ quát nầy bao hàm nhiều hình thái bất đồng, nhưng ông phân biệt tính bất đồng và tình trạng lạc giáo. Tiên sinh nhìn nhận rằng có nhiều kitô hữu có thể suy nghĩ khác với tiên sinh; họ sống theo đạo lý tinh tuyền và thành kính", còn tiên sinh lại theo lối "chính thống toàn diện" [7]. Ngoài ra, triết nhân chứng kiến cụ thể những trình độ hoàn hảo khác nhau trong các nhóm của cộng đoàn; tuy vậy cuộc sống chung của cộng đoàn vẫn hài hòa và tương dung. Vì những lý do đó, Justinô không thấy có nhu cầu phải phân biệt giáo sĩ với giáo dân, và cũng không thấy cần phải tìm một tên gọi nào khác, đặc biệt dành cho những kitô hữu không hoàn toàn đạt đến mức độ sống theo "sự chính thống toàn diện".
Ngài cũng bỏ lối dùng chữ có tính cách mộ đạo thường gọi kitô hữu không những là kẻ được tuyển chọn, mà còn là "những vị thánh", "những kẻ toàn hảo".  Ngoài việc xưng kitô hữu là "anh em", hoặc những "kẻ được soi sáng". Ngài lại thích định nghĩa kitô hữu là "môn đệ" [8]. Tiên sinh mô tả mình như là thành phần của cộng đoàn kitô hữu, "môn đệ" của "giáo huấn tinh tuyền và chân thật của Chúa Giêsu" [9]. Ngài dường như còn xác tín rằng người ta không thể "triết lý" được nếu không là đồ đệ của một ai. Ở chương đầu cuốn "Đối Thoại" Justinô bỏ công tường thuật rất dài dòng về cuộc hành trình tư tưởng mà mình đã đi qua trong việc truy cứu nền triết lý chân thật. Theo sự mô tả nầy, tiên sinh đã lần lượt thụ giáo tất cả các bậc thầy có thể tìm ra được lúc bấy giờ - "Những triết gia khắc kỷ", những triết gia theo phái Aristote, những đạo sĩ trường phái Pythagore - trước khi qui phục một vị thầy thuộc trường phái Platon. Và mãi đến sau nầy, một vị bô lão nào đó giúp tiên sinh vượt qua tư tưởng Platon để tìm gặp Kitô giáo. Câu truyện xem ly kỳ, quá cấu kết thêu dệt để có thể xem là xác thực hoàn toàn, và ta có quyền nghi ngờ về mức độ chính xác của nó. Nhưng không thể chối cải rằng trên đường đi tìm về Chân ly, Justinô chỉ cầu mong, là làm sao tìm được một bậc thầy hầu có thể xin làm đồ đệ. Dường như theo tiên sinh, không cách nào đi vào triết học hay tôn giáo mà không dùng đến những chữ như: trường phái [10], những vị sáng lập và những vị khai tâm [11].
Bước đầu tầm đạo của Justinô có thể được coi như một lối vận dụng trí năng; tuy nhiên, với ưu tư làm sao gây được nhịp cầu giữa Kitô giáo và triết lý, con người đó không mong tìm một lối thuyết phục nặng tính cách thuần lý. Theo gương vị bô lão đã giúp ngài trở lại đạo, tiên sinh xác tín rằng Kitô giáo có thể cống hiến nhiều hơn là việc suy lý, chứng minh của trí năng. Khi luận bàn về các tiên tri, vị bô lão đã xác quyết rằng: "Không phải do lối biện bác mà các ngài đã lên tiếng: vượt lên trên tất cả các lề lối minh chứng, lập luận, họ là những chứng tá trung thành của Chân lý; những sự kiện đó đã và đang xảy ra buộc ta phải tin vào lời các ngài. Những việc kỳ diệu mà các ngài đã hoàn tất làm cho chúng ta đặt niềm tin vào các ngài" [12]. Và chính Justinô đã nói về Đức Kitô như sau: "Do bởi công việc Chúa làm, do bởi quyền năng hằng ở nơi Ngài, mọi người có thể hiểu rằng chính Ngài là "Lề Luật Mới, Giao Ước Mới", là sự mong đợi của bất cứ ai, thuộc bất cứ dân tộc nào chờ đón những ơn ích của Thiên Chúa" [13]. Do đó, những kẻ "được soi sáng" được thông hiểu nhân danh Chúa Kitô, sẽ từ bỏ con đường sai lầm [14], và những ai tin vào Chân lý của Giáo huấn và đạo lý Kitô giáo đều được Chúa hứa ban cho một cuộc sống đúng theo Chân lý và giáo huấn của Ngài [15]. Kitô hữu không chỉ là những "môn đồ" do bởi trí năng; nhưng trong tất cả các chiều kích của cuộc sống, họ đều nhận được ơn huệ bởi Chúa ban cho [16]. Quy kết, Justinô muốn chứng minh cho thấy rằng Kitô hữu tin vào những lý thuyết "tràn đầy Thánh Thần, sung mãn khí lực và dạt dào ơn thánh" [17]. Vị thầy của họ là Chúa Toàn năng.

Thầy cả hay giáo dân, một vấn đề giả tạo
"Justinô ... người giáo dân đó" [18] - Bởi lẽ không biết tìm cách nào mô tả vị triết nhân Kitô giáo nầy trong khuôn khổ sinh hoạt của cộng đoàn kitô hữu, nên thông thường người ta ghi lại lối nói trên. Nhưng, như chúng ta đã thấy, Justinô lại không bao giờ dùng đến từ ngữ nầy để nói về mình hay về bất cứ ai. Đối với tiên sinh, "dân (dèmos) và ekklésia (hội)" biểu thị cho một số đông người, nhưng vì họ kết dệt thành một khối duy nhất, nên người ta gọi và chỉ định họ bằng một tên gọi mà thôi [19]. Để áp dụng nguyên tắc đó một cách nghiêm túc hơn nữa vào thực thể của Giáo Hội, Justinô đã tìm ra những lối nói thật bóng bẩy, diễn đạt và biện minh cho sự nhất thống nầy. "Chính với họ, những kẻ tin vào Ngài, được kết hợp với Ngài trong một tâm hồn, một nhà hội và một giáo đường, mà Ngôi Lời của Thiên Chúa lên tiếng, như là người nói với con gái Ngài, tức là Giáo Hội, (một thực thể) được cấu thành bởi danh Ngài và tham dự vào danh của Ngài. (vì mọi người chúng ta đều gọi nhau là kitô hữu) [20].
Danh hiệu kitô hữu đã đủ cho Justinô; ngài không đòi hỏi một chức vụ, một ước vị, một trách nhiệm, một thừa tác vụ nào đặc biệt, dù đường đường là một bậc thầy, một triết gia lỗi lạc, không ngại viết ra để hy vọng được hoàng đế đón đọc, tiên sinh vẫn coi tài năng của mình như không có gì đáng để phô trương. Nếu có gì đã làm cho tiên sinh nổi bật hơn những kitô hữu khác, thì ngài chủ trương phải tìm cách chia sẻ vinh dự đó: "Chúa ban cho tôi một ơn huệ, và chính nhờ vào ơn huệ đó, tôi hiểu biết được Kinh Thánh của Người. Tôi kêu mời tất cả mọi người tham dự vào ơn huệ nầy một cách nhưng không và không hạn chế, hầu tôi khỏi phải vì cớ nầy mà bị xét đoán bởi Thiên Chúa, Đấng tạo thành muôn vật, qua Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi" [21]. Thật khó mà tìm ra cách nào để nói rõ hơn nữa về sự thông dự rộng rãi nầy! Tất cả các ơn ích cá nhân đều phải được chia sẻ và phân phối lại cho toàn khối cộng đoàn dân Chúa.
Tính cách nhưng không trong công việc giáo huấn là một nguyên tắc nghiêm nhặt. Nó dựa vào nền tảng của sự nhưng không nguyên thủy của ơn huệ Chúa ban. Cái gì đã được nhận một cách nhưng không, thì không thể bị đem ra buôn bán hoặc đổi chác [22], cũng không thể bị chiếm giữ làm của riêng, hoặc bị coi như đặc quyền của một cá nhân nào. Hậu quả cụ thể của nguyên tắc đó là sự phổ biến rộng rãi giáo lý Kitô giáo cho toàn dân: tất cả mọi tầng lớp đều có thể học hỏi đạo lý Chúa Kitô. Một đồ đệ của Justinô, là Tatianô trình bày đề tài nầy một cách rõ ràng như sau: "Trong cộng đoàn chúng tôi, không phải chỉ có những người giàu mới trau giồi kiến thức triết học, những người nghèo khó cũng có thể hưởng thụ nhưng không các lời giáo huấn, bởi vì những gì phát xuất từ Thượng Đế, không thể nào được trả giá bằng của cải đời nầy. Vì vậy, chúng tôi đón nhận tất cả những ai muốn đón nghe; dù là bà già hay con trẻ, dù ở lớp tuổi nào, đều được chúng tôi hân hoan đón tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi không chấp nhận bất cứ một sự mờ ám nào bất kỳ" [23].
Việc cởi mở đón nhận mọi người thuộc mọi hoàn cảnh xã hội, đã ngăn cản Kitô giáo hướng đến tình trạng duy trí thức. Hẳn nhiên, thông thường Kitô giáo được trình bày như một học thuyết, và những kẻ sống theo học thuyết nầy là những đồ đệ của một nền giáo huấn; tuy vậy, Athénagore, một tác giả đồng thời với Tatianô, đã minh xác rằng trong hàng ngũ những đồ đệ trên, có những kẻ không ăn học, những thợ thuyền, những bà già, những kẻ nầy khó có thể diễn tả một cách mạch lạc đạo lý mà họ tin [24]. Nhưng quan trọng gì điều đó, những người hèn kém và những kẻ bé mọn sẽ rao truyền đạo lý bằng việc làm của họ, và trở thành môn đồ bằng gương sáng của cuộc sống mình!
Riêng đối với Justinô, tiên sinh không bao giờ lưu tâm biện minh cho quyền hành của mình, nại vào một qui chế phải được thừa nhận, hoặc do một thừa tác vụ nào đó mà tiên sinh đang thi hành. Tiên sinh không thấy có nhu cầu đó. Ngài phục vụ cộng đoàn và xem đó là một bổn phận và một điều cần thiết phải làm. Ngài luôn chủ trương rằng ơn ích cá nhân kitô hữu nhận được phải được chia sẻ và cống hiến cho toàn thể nhân loại. Do đó, đối với ngài, dường như nêu lên cho người ta thấy sứ mạng cá biệt của mình là vô ích, bởi lẽ, toàn thể Giáo Hội phải mang sứ mệnh truyền giáo.
Con người tha thiết với công việc giải hòa triết học ngoại giáo với Tin Mừng, hội nhập Kitô giáo vào văn hóa và loan báo Phúc Âm cho toàn thể nhân loại ... Con người đó phải chăng là một giáo dân đã hoạt động Công giáo Tiến hành mà không hay? - Không phải thế, việc so sánh nầy đã vượt ra ngoài sự thật của lịch sử! Và đây cũng không phải chỉ là một vấn đề từ ngữ. Justinô chắc chắn không biết đến tên gọi giáo dân, hơn nữa, ngài cũng không hề biết đến một thực thể "hàng ngũ giáo dân" như ta thường gọi ngày nay.
Đối với ngài, không có sự phân cách giữa các kitô hữu với nhau, không  có sự đối kháng giữa giáo sĩ và giáo dân, cũng không có sự phân biệt nào giữa hàng tư tế và kitô hữu. Ngài cho rằng "- Chính vì nhớ lại sự thống khổ đã cam chịu cho chúng nhân hầu linh hồn họ được tẩy sạch khỏi mọi điều tai ác, mà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta dạy chúng ta dùng bánh nầy làm lễ tạ ơn, để đồng thời chúng ta cảm đội ơn Chúa đã tác tạo vũ trụ và muôn vật cho con người, đã cứu chúng ta khỏi sự dữ đang kiềm hãm chúng ta, đã triệt hạ những vương quốc và quyền lực, nhờ Đấng đã trở thành kẻ chịu đau khổ do từ Thánh ý của Ngài" [25]. Chữ "Chúng ta" mà Justinô nói đây hẳn không phải là chữ "Chúng tôi" đầy quyền uy, gắn liền với chức vụ nào đó. Theo ngài, "chúng ta" là những dân tộc [26], như ở trong chương 116 của cuốn "Đối thoại", "chúng ta" là "chúng tôi đích thực có chức tư tế cao cả" của Thiên Chúa, "chúng ta" là những ai nhân danh Đức Giêsu đã tin vào Thiên Chúa, Đấng làm nên mọi sự - "Chính Thiên Chúa làm chứng điều nầy, khi Ngài nói rằng "ở mọi nơi giữa lòng các dân tộc, người ta dâng lên những lễ vật tốt đẹp và tinh khiết"; nhưng Chúa sẽ không nhận lễ vật của ai cả, nếu họ không phải là các Thầy Cả của Người" [27].
Lập trường độc đáo thật sự của Justinô ở tại tính cách triệt để của lời xác quyết nầy: Tất cả các kitô hữu đều là tư tế. Trong những tác phẩm của tiên sinh, ý niệm chức tư tế, luôn áp dụng cho toàn thể kitô hữu, và chỉ áp dụng cho toàn khối nầy. Chữ đó đã không bao giờ áp dụng cho một loại thừa tác viên đặc biệt. Trong cuốn "Đối thoại" cũng như trong hai cuốn "Hộ giáo", không thấy có một chức tư tế chồng lên hay thêm vào chức tư tế phổ quát của những người kitô hữu. Ngày nay, khi ta đọc qua lời xác quyết nầy, chúng ta có thể cảm thấy ngỡ ngàng và tức khắc tự hỏi rằng như thế thì làm sao Thánh lễ được cử hành! Hãy lắng nghe chính Justinô trả lời.

Việc cử hành Thánh lễ.
Cuốn "Hộ giáo" thứ nhất cống hiến cho chúng ta hai đoạn mô tả về Thánh lễ. Đoạn đầu liên quan đến Hiến lễ trong Bí tích Thánh tẩy [28]. Đoạn thứ nhì bàn đến Thánh lễ ngày Chúa Nhật[29]. Bài mô tả Hiến lễ thánh tẩy làm xuất hiện hai chức vụ: - Chức vụ của "người chủ sự buổi hội của anh em" và chức vụ "những thừa tác viên mà chúng tôi gọi là trợ tế". Trong khuôn khổ Thánh lễ Chúa Nhật, Justinô gián tiếp nói đến sự hiện diện của "người đọc sách". Ngoài ra, theo cách mô tả của Justinô, Thánh lễ Chúa Nhật được cử hành vào buổi sáng và cùng một lượt với nghi thức Lời Chúa. Điểm nầy rất đáng lưu ý, bởi vì không phải khi nào sự kiện ấy cũng được mô tả như thế. Một bức thư của Pline le Jeune gửi cho Hoàng Đế Trajan vào khoảng năm 112-113 đã giải thích rằng các kitô hữu có hai loại hội họp: - Một vào buổi rạng đông để ca hát chúc tụng, - một diễn tả lúc ban chiều, nhân dịp bữa ăn tối, đó chính là Thánh lễ theo đúng nghĩa của nó. Việc tụ họp để cử hành nghi lễ Lời Chúa và dâng Thánh lễ trong cùng một buổi hội như Justinô trình bày làm nổi bật lên tầm quan trọng của người chủ sự buổi hội nầy.
Nhưng đáng ta lưu ý hơn là việc Justinô không cho "người chủ sự buổi hội của anh em" một tước hiệu gì đặc biệt cả. Tiên sinh chỉ gọi người đó bằng một phân từ = Kẻ đang làm chủ sự ( = le présidant), là một cách để nói đến phận vụ của người đó thôi. Trong "thư thứ nhất gửi Timôthê", và trong cuốn "Đấng Mục tử" của Hermas [30], những chức vụ chủ sự được mang tước vị niên trưởng; còn với Justinô, thì trong đề tài nầy, tiên sinh lại không nhắc đến niên trưởng hay giáo chủ gì cả. Tại sao như thế? Vài tác giả tin có thể giải thích sự kiện nầy, bằng cách minh chứng rằng Justinô không muốn làm rối ren bản văn của mình bằng những chữ xem ra quá chuyên môn đối với người đọc, vì đọc giả được nhắm đến là người ngoại giáo, không biết nhiều về Kitô giáo. Chứng lý đó không mấy chuẩn xác. Thật thế, khi bàn đến các thừa tác viên có nhiệm vụ phân phối cho tất cả những người tham dự buổi hội bánh rượu và nước đã dâng hiến, Justinô đã chịu khó nêu rõ rằng những thừa tác viên trên được cộng đoàn kitô hữu gọi tên là "trợ tế". Như thế, nếu tác giả cuốn "Hộ giáo" đã không thấy cần nêu rõ tước vị của "người chủ sự", thì phải hiểu rằng tước hiệu đối với tiên sinh hoàn toàn thứ yếu so với công việc phục vụ đem lại cho cộng đoàn.
Trong Thánh lễ được Justinô mô tả, chúng ta thấy xuất hiện ba mẫu nhân vật khác nhau: - người (hoặc nhiều người) đọc sách, - người chủ sự, - những thừa tác viên gọi là trợ tế. Kẻ chủ sự phải chăng được đề cử ra từ những kẻ trợ tế? Chữ "trợ tế" phải nên xem như còn là một chữ chung chung cho bất cứ ai có tác vụ trong cộng đoàn kitô hữu hay không? Ở đây phải chăng người chủ sự đúng là vị "Giáo chủ - phụ dịch viên" (có nghĩa là một "người đầy tớ - chăn dắt") hay không? Thật quá tế nhị khi phải trả lời những câu hỏi nầy! Nhưng dù thế nào đi nữa, thì trong những tác phẩm lưu lại đến ngày nay, Justinô đã không dùng đến những chữ niên trưởng hoặc giáo chủ. Điểm lưu ý là những chức vụ của người chủ sự được mô tả như là những chức vụ linh khởi, nên xem ra chúng khá quan trọng, khó mà phó thác cho bất cứ một kitô hữu thiện chí nào. Như vậy, chúng ta chỉ biết chắc về một chức vụ ổn cố là người chủ sự, dù không nhất thiết giữ chức vụ nầy liên tục thì cũng phải được chọn trong một nhóm người tương đối hạn chế và được chỉ định kỹ lưỡng.
Ngoài ra chức vụ của người nầy còn hàm ngụ một vài tác năng như sau: - Khuyên dụ anh em sau bài đọc, - ứng kinh trong Thánh lễ "theo sức của mình" - (đó là tính cách linh khởi của chức vụ nầy) - Chủ trì việc phân phối của ăn đã dâng hiến, và cuối cùng - thu góp của dâng cúng và trợ giúp tất cả những ai thiếu thốn. Công việc cuối cùng nầy, dĩ nhiên không phải là việc dễ đảm nhận, vì nó đòi hỏi một ít khả năng quản trị, một mức độ hiểu biết cụ thể về tình hình kinh tế của các phần tử đa biệt trong cộng đoàn, và một uy quyền khả dĩ giải quyết những tranh chấp có thể phát sinh do việc phân phối của cải nầy. Công việc như thế dễ tạo cho người chủ trì một vị thế gần như ông chủ (patronus) trong xã hội La Mã lúc bấy giờ, và có thể làm cho những kẻ được cứu trợ trở thành "một giới khách hàng" của ông chủ. Trong lâu dài, ta sẽ chứng kiến rằng công việc quản lý tài sản nói đây đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình cấu tạo ra hàng ngũ giáo sĩ Kitô giáo[31].
Tóm kết, ta có thể nói rằng trong những "buổi hội giữa những người anh em" tụ họp để dâng Thánh lễ, không có một chức tước nào nâng một vài kitô hữu lên trên kẻ khác, không có một nền thần học nào chủ xướng việc sắp xếp, hoặc phân loại những người kitô hữu đang tụ họp, không có một cái gì ngăn trở công việc thông dự của toàn thể cộng đoàn vào chức vị tư tế của Thầy cả Thượng phẩm duy nhất theo dòng dõi Melchisedech: vị Thầy Cả đó là Đức Giêsu Kitô. Nhưng trong thực tế, có một vai trò nổi bật: vai trò của vị "Chủ Sự", và một sự lệ thuộc nào đó của một số kitô hữu vào  vị chủ sự. Đó là tập thể của những người được cứu trợ.

Thuộc vào dân Chúa bởi phép Thánh tẩy
Dầu là kẻ hèn mọn, dầu là kẻ khó nghèo nhất trong cộng đoàn, bất cứ kitô hữu nào cũng được rửa sạch, được cứu độ bởi phép Thánh tẩy. Nhờ phép nầy, họ không còn là "những con cái của nghèo đói và dốt nát nữa, nhưng là một sự tuyển chọn và thông hiểu" [32]. Những môn đồ tin vào Chân lý của giáo huấn và đạo lý Kitô giáo thì đạt đến tình trạng của kẻ "được soi sáng". Giáo thuyết nầy Justinô đã tuyên xưng trong cuốn "Hộ giáo" của ngài: "Phải, chúng tôi đã thú nhận điều nầy, chúng tôi không tin vào thần tượng giả trá, nhưng tin vào Thượng Đế rất thật là Cha của Đức Công Chính, của sự Khôn ngoan và của nhiều nhân đức khác; trong Ngài không pha lẫn điều gì xấu cả. Với Ngài, chúng tôi kính, thờ, tôn vinh trong tinh thần và trong chân lý, - Người Con đến tự nơi Ngài, Đấng đã ban cho chúng tôi những giáo huấn nầy, và đạo binh các Thiên thần tốt lành khác hầu cạnh Ngài và giống hình ảnh Ngài, cùng với Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát những sứ ngôn. Đó là giáo lý mà chúng tôi đã biết được và phổ biến rộng rãi cho những ai muốn tìm hiểu" [33].
Chương 61 của cuốn "Hộ giáo thứ nhất" đã mô tả cho thấy bằng cách nào những kẻ tin được thanh tẩy nhân danh Chúa Cha, Chủ Tể trời đất, Chúa Con chịu đóng đinh trên Thánh giá đời Phongxiô Philatô, và Chúa Thánh Thần, Người tiên báo đầy đủ cuộc đời Chúa Giêsu qua các tiên tri. Sự thanh tẩy nầy, là nước đem đến sự sống thật, là "sự thanh tẩy trong sám hối và nhờ vào sự thông hiểu về Chúa" [34]. Phép Thánh tẩy là "sự cắt bì tinh thần" [35]. Vì vậy, các dân tộc hân hoan vui mừng với Dân Chúa [36]. kitô hữu có thể được xem là dòng giống Israel đích thực [37]; từ rầy họ là con cái của Jacob, được sinh ra do đức tin và tinh thần [38]. Đức Kitô trở thành "Người chủ một dòng giống khác, một dòng giống được tái sinh bởi Ngài, bởi Nước, đức tin và gỗ mang mầu nhiệm của Thánh giá" [39]. Dân Chúa, là Giáo Hội (ekklesia) trong đó mọi người làm nên một[40], được cấu thành bởi danh Đức Giêsu Kitô và tham dự vào danh hiệu của Ngài [41]. Đức Kitô đến "thuận ban một chức vụ đồng  đều cho tất cả những ai tuân giữ lề luật của  Ngài" [42].
Tất cả môn đồ Chúa Kitô đều có một chức vị đồng đều. Trong vấn đề nầy, Justinô cho rằng không có giáo sĩ hay giáo dân phân cách cao thấp, nhưng chỉ con cái của sự tuyển lựa và sự thông hiểu. Quan niệm giáo dân như thế có phần nào duy trí? - Người kitô hữu trước tiên là một môn đồ chấp thuận việc thụ giáo, tin vào những lời giảng dạy và rồi đem chúng ra thực hành. Nhưng "tính cách duy trí" nầy không có tính cách tự mãn, kiêu căng (dừng lại nơi sự hiểu biết của con người). Nếu phép Thánh tẩy là phép rửa do hiểu biết, thì nó cũng là phép rửa do lòng sám hối; kẻ xin chịu phép Thánh tẩy phải ao ước được rửa sạch tội lỗi mình trước khi được ơn soi sáng. Ngoài ra sự hiểu biết Kitô giáo không phải là một kho kiến thức bí truyền, hạn chế; mỗi kitô hữu đều có bổn phận phải năng nỗ lực loan truyền giáo huấn họ nhận được cho tất cả những ai kế tiếp theo họ, bằng lòng trở nên môn đồ của Chúa.
Ở đây, ta có thể thấy nổi bật lên vai trò của kitô hữu trong trần thế. Kitô hữu cấu thành một dòng giống đặc biệt, phải triển nở và tràn lan ra mãi [43]. Theo sấm ngôn của Justinô, chính sự hiện diện của dòng giống kitô hữu mà ngày chung thẩm của thế gian được trì hoãn. Bằng lối nói của trường phái Platon, tác giả của "bức thư gửi Diognète" mô tả rằng kitô hữu là hồn thế gian, luôn duy trì sự sinh tồn của thế gian [44]. Vì thế, những ai đã được hình thành trong Giáo Hội bởi danh Đức Kitô, được qui hợp dưới danh xưng là kitô hữu, được mang chức vị đồng đẳng, được soi sáng, - thì đến phiên họ sẽ trở thành ánh sáng cho thế gian và nguồn ơn huệ cho chúng nhân do sự lớn mạnh của dân Chúa. "Nếu (Thượng Đế) đã không xét xử hay chưa xét xử, là bởi Ngài biết rằng mỗi ngày còn có nhiều kẻ đang học biết về Danh Đức Kitô của Ngài, đang từ bỏ con đường tội lỗi, vẫn còn tiếp nhận những ơn soi sáng của Ngài, theo sức của mỗi người, nhân danh Chúa Kitô - người thì được ơn "thông hiểu", kẻ khác ơn "khuyên bảo"; có người lại được ơn "sức mạnh", kẻ khác "ơn chữa lành bệnh tật"; kẻ nầy "ơn tiên tri", người khác lại "ơn giáo huấn", và người khác nữa được "ơn kính sợ Chúa" [45].

Irênê thành Lyon:
Một giáo sĩ, nói đúng hơn,
là một môn đồ linh khởi
Nếu so sánh những tác phẩm của Justinô và của Irênê thành Lyon, ta thấy rằng theo tỷ lệ vị sau nầy có phần ít bàn đến kitô hữu hơn và lưu ý về Giáo Hội nhiều hơn. Trong văn phẩm của Irênê, kitô hữu thường được đem đối ứng với người Do thái . Dĩ nhiên, tác giả vẫn cho rằng chữ "chúng ta" phải được áp dụng cho tất cả kitô hữu [46], và chức vị có tính cách tập thể đó phải được gắn liền với việc tuyên xưng đức tin nơi chỉ một Thiên Chúa Chân Thật và duy nhất, là Cha và là Đấng Tạo Hóa; nhưng chức vị đó theo ngài chưa phô diễn hết những hình thái của đức tin.
Sự kiện những người lạc giáo, luôn dựa vào Đức Kitô để biện luận, đã gây cho Irênê phản ứng mạnh mẽ; ngài viết rằng; "anh em tự giăng bẫy cho nhau, không khác gì việc Giáo Hội phải đau khổ chịu đựng những người con của mình" [47]. Nếu ngài có dùng danh từ "anh em" [48], "kitô hữu", thì ngài cũng chỉ dùng lại những chữ đã được dùng trong quá khứ. Riêng ngài, dường như ngài có sở thích đặc biệt dùng từ ngữ "môn đồ", hoặc minh bạch hơn nữa ngài dùng chữ "môn đồ đích thực". Nhờ lối dùng chữ nầy, ngài có thể có cách để phân biệt với những hạng người hay nại đến Đức Kitô một cách hồ đồ. Theo Irênê, cũng như theo Justinô, môn đồ đích thực là kẻ nhân danh Đức Kitô Giêsu tiếp nhận ân sủng của Con Thiên Chúa, "năng nổ phục vụ tha nhân", lắm lúc dẫn đưa kẻ khác đón nhận đức tin và gia nhập vào Giáo Hội.
Trong lòng Giáo Hội, họ tận dụng những ơn ích đặc biệt được ân ban để mưu cầu lợi ích tối đa cho nhân loại, phân phát dưng không những gì họ đã nhận được một cách dưng không [49]. Họ được đổ đầy ơn huệ nhân danh Chúa Giêsu Kitô và trở nên những nhà truyền giáo vô vị lợi như Justinô đã từng mô tả. Họ là môn đồ của Chúa hoặc của các Tông đồ; họ thực sự được linh khởi, tuyên xưng chỉ một Thiên Chúa duy nhất và chân thật; giảng giải Cựu và Tân ước trong ánh sáng của một Chúa duy nhất [50]; "được sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, họ xét đoán chúng nhân trong ánh sáng của lối giảng giải đó.
Việc thụ nhận các ân sủng và tinh thần truyền giáo vô vị lợi làm nổi bật đặc tính của các môn đồ. Nếu trước đây, ở Antiochia, lần đầu tiên họ được gọi là kitô hữu, thì nay họ lại được gọi là "tư tế". Khi thuật lại chuyện Đavid ăn bánh dùng để tiến dâng, "bản dịch của Symmaque" chép lại lời nói của Achimélech như sau: "Tôi không có bánh thường dự trữ, chỉ có bánh thánh mà thôi [51]. Nhân một bài đọc Phúc âm [52] liên quan đến sự tích kể trên. Irênê lại không dùng đến chữ giáo dân (laique = thường tục), nhưng minh giải như sau: "Là tư tế, đúng, Đavid mang tước vị đó trước mặt Thiên Chúa, dù ông bị truy lùng bởi Saulô, bởi vì mọi vua chúa công chính đều thuộc hàng tư tế. Là tư tế, tất cả mọi môn đồ của Chúa cũng mang tước vị nầy; ở đây họ không có ruộng vườn, nhà cửa làm cơ nghiệp, nhưng suốt ngày chăm lo phục vụ bàn thánh và Thiên Chúa" [53]. Về điều nầy, Irênê tỏ ra rất dứt khoát và khẳng định rằng: "Như đã bàn qua trong cuốn sách trước, tất cả môn đệ của Chúa đều là tư giáo (thuộc dòng Lêvi) và là Thầy Cả, dù họ có phạm ngày lễ nghỉ Saba trong đền thánh, thì họ cũng không phạm tội" [54].
Bên cạnh chức tư tế phổ quát cho mọi tín đồ, phải chăng có một chức vụ hiến tế riêng được hành xử bởi một số nhân vật đặc biệt? Không có gì cho phép ta quả quyết như thế. Khi Irênê nói đến hiến tế, hiến vật, lễ vật Kitô giáo, ngài không nêu lên một sự hiện hữu nào của những thừa tác viên cá biệt Xem AH IV,12-18. Người dâng lễ là những "môn đồ" [55], "chứng tá" [56], "Giáo Hội"[57]. Ngoài ra thì ngài dùng một lối nói theo văn thể thụ động [58]. Nhưng chúng ta không bao giờ thấy ngài viết ra rõ ràng có một chủ thể nào cá biệt dành lấy độc quyền tế lễ cả.
Dù có đề cao ý niệm về môn đồ linh khải, Irênê dường như từ chối việc thiết lập một hình thức phân biệt giữa những người kitô hữu; ngài không hề biết đến chữ giáo sĩ và giáo dân, và chủ trương tất cả các môn đồ đều thuộc hàng tư tế. Mặt khác, dường như ngài còn phản đối lối phân biệt của nhóm Valentinô chia tách kitô hữu ra thành từng lớp người, nào là "hạng tầm thường, "những kẻ chung chung" rồi đến "hạng toàn hảo" [59]. Mâu thuẫn thay lối phân chia nầy! "Lố người" mà nhóm Valentinô đề cập đến, được họ coi là những kẻ "tầm thường" và "vô học" đó, lại được gán cho một tên gọi hết sức đặc biệt. Vượt ra ngoài dự tưởng của ta, tên gọi nầy không phải là "giáo dân" (thuộc về thành phần dân chúng), mà là "viên chức" (ecclésiastique) (tức là những kẻ thuộc về giáo hội)! [60]

Những niên trưởng tốt
và những niên trưởng xấu
Một cách minh nhiên Irênê đã từ chối xếp loại kitô hữu thành từng loại khác nhau. Nhưng phải chăng ngài đã không dùng lối nói gián tiếp để phân biệt một cách tinh tế hơn? Những khái niệm như môn đồ đích thực, thần khải toàn hảo không nói lên những cấp độ hay sao? Ngài đã không từng nhắc đến "một môn đồ kiểu mẫu" là gì? Về quan điểm nầy, chắc chắn là Irênê đã chịu ảnh hưởng của những kẻ chống đối nên đã đánh giá rất cao con người được linh khải và toàn hảo. Ngài cũng đã đưa ra hình ảnh của "một vị niên trưởng, môn đệ của Tông đồ",  như là "mẫu mực toàn vẹn, lý  tưởng  của  môn  đồ" .[61] Nhưng ở đây cũng đừng vội xem mẫu mực đó chỉ áp dụng cho một ai cá biệt, dù là vị niên trưởng (ở một nơi khác, Irênê đã nói đến thánh Gioan như "môn đồ của Chúa Giêsu", nhưng ta thấy việc nầy không ngăn cản ngài nới rộng khái niệm trên cho tất cả các môn đồ khác). Những vị niên trưởng lại không phải là những môn đồ duy nhất được linh khải. Trong những tác phẩm của mình, Irênê đã đề cao chức vị niên trưởng bằng những khái niệm về quyền kế tục, và ơn đặc biệt về chân lý, nhưng mặt khác ngài cũng không quên nhắc lại tình trạng tương đối trong thực tế của những vị nầy. Để chứng minh điều đó một cách cụ thể, ta thử đọc lại lời giới thiệu của Cộng đoàn Lyon về Irênê, vị niên trưởng của họ, khi ngài lên đường đi La Mã: "Chúng tôi tự hỏi có thể biết được tước vị nầy theo đúng danh nghĩa đích thực của nó hay không, khi phải giới thiệu vị nầy trước tiên với tư cách là niên trưởng của cộng đoàn, vì đó là vị thế đích thực của người?" [62] Với những lời lẽ trên, trong bức thư gửi giáo đoàn La Mã vào khoảng năm 177, các Kitô hữu thành Lyon đang chịu bách hại đã giới thiệu Irênê. Câu văn nầy cho ta biết được hai sự việc: - trước hết Irênê là niên trưởng của cộng đoàn Lyon, và sau đó - danh hiệu mà con người gán cho không phải nhất thiết tương ứng, trùng hợp với tước hiệu theo chính danh của nó. Người ta cũng có thể nghĩ rằng câu nói nầy chỉ có thể được hiểu trong khuôn khổ cụ thể của hoàn cảnh lúc bấy giờ. Cộng đoàn viết thư nầy vừa mới trãi qua một cuộc bách hại quá khủng khiếp đến nỗi những chức tước và vinh dự do con người - dù là do kitô hữu - cũng có thể bị coi như quá phù phiếm so với địa vị cao quí mà các đấng Tử Đạo vĩnh viễn dành được nơi Thiên Chúa. Chức tước của vị niên trưởng không là gì cả nếu không có những ơn linh khải Chúa ban và nếu không có một cuộc sống đạo hạnh đi kèm. Irênê đã nhắc đến "những kẻ bên ngoài được nhiều kẻ xem là niên trưởng, nhưng họ làm nô lệ cho đam mê dục vọng, không biết lo kính sợ Thiên Chúa trong lòng, nhục mạ kẻ khác, tự cao, tự đại về địa vị cao của mình mà làm điều xấu xa trong bóng tối, nghĩ rằng; "không ai thấy được chúng ta đâu" [63].
Những người như thế sẽ bị lột mặt nạ và bị khai trừ. Chức vị trần thế không đáng gì cả so với phẩm cách, chức vị của môn đồ đích thực. Chức vị môn đồ linh khải quan trọng hơn bất cứ "chức vị nào". Nó phát sinh từ nguyên ủy do những ân huệ đã được thụ nhận trong bí tích thanh tẩy; những ơn đó triển nở sung mãn trong Giáo Hội. Thực vậy "nơi nào những ơn thánh của Chúa đổ tràn xuống, thì phải học hỏi chân lý tự nơi đó" [64].

Nhưng tìm chân lý nơi đâu?
Irênê chỉ ngay cho chúng ta con đường tìm chân lý; chỉ cần đọc tiếp đoạn văn nêu trên, ta sẽ thấy rõ. "Thật vậy, nơi nào ơn thánh của Chúa đổ tràn xuống, thì phải học hỏi chân lý tự nơi đó, nghĩa là nơi những kẻ hội tụ được tính kế tục trong Giáo Hội kể từ các thánh Tông đồ, sự ngay chính không thể trách cứ được của cuộc sống, và sự trong sáng không thể hoen ố của lời nói. Những kẻ đó bảo vệ đức tin của chúng ta nơi một mình Thiên Chúa Đấng Tạo thành mọi vật; họ làm cho tình yêu của chúng ta triển nở hướng về Con Thiên Chúa, Đấng hoàn thành cho chúng ta những "công nghiệp trọng đại, và sau hết họ giải thích cho chúng ta Kinh Thánh một cách an toàn, bảm đảm" [65].
Những con người đó chắc chắn không ai khác hơn là những vị niên trưởng. Vì thế, bất cứ kitô hữu nào biết đọc Kinh Thánh một cách nghiêm túc, bất cứ người nào yêu mến Thiên Chúa "sẽ tiến dần đến việc thấy Chúa và nghe Lời Chúa" [66] họ sẽ là "môn đồ hoàn hảo", với điều kiện là đọc Kinh Thánh theo đúng sự hướng dẫn của các vị niên trưởng.Như thế, chữ "môn đồ linh khải" vượt lên trên tất cả những sự chia phần có thể có trong cộng đoàn kitô hữu. Mỗi cá nhân đều được gọi để trở nên môn đồ linh khải và toàn hảo. Nhưng sẽ không bao giờ có thể đạt đến lý tưởng đó nếu đi ngược lại với những vị niên trưởng tốt lành, bởi lẽ những vị nầy là mẫu mực và là kẻ dẫn dắt của các "môn đệ hoàn hảo". Nói một cách cụ thể, trên bình diện xã hội học, những niên trưởng cấu thành điểm qui chiếu của Kitô giáo linh khải theo quan điểm của Irênê: Những ơn linh khải là ơn huệ Chúa ban, đổ tràn cho tất cả các môn đồ, nhưng "ơn về chân lý" trước tiên phải gắn chặt vào thực thể của hàng niên trưởng. Chưa có giáo dân, cũng chưa có giáo sĩ trong tác phẩm của Irênê; nhưng ai muốn trở nên môn đồ được linh khải thì cần thiết phải tuân giữ việc nầy: Lắng nghe các vị niên trưởng ở trong Giáo Hội [67].

Bảng tổng kết tạm thời.
Làm thế nào giải thích sự im lặng
của các bản văn về người giáo dân?
Từ những bản văn Tân ước đầu tiên cho đến tập khái luận "Chống lại những lạc thuyết" của Irênê thành Lyon, nghĩa là từ năm 40 đến năm 180, chúng ta chỉ gặp chữ giáo dân có một lần; chưa kể rằng chữ nầy chỉ được dùng qua một hình ảnh Cựu ước, chứ không trực tiếp áp dụng cho kitô hữu. Như vậy, hơn một thế kỷ rưỡi, Kitô giáo không có người giáo dân mặc dù có xuất hiện một mô thức Cựu ước về người nầy và một lối dùng chữ trùng hợp.
Vậy truy tìm nơi Kitô giáo thời nguyên thủy để tìm xem vị thế của vai trò người giáo dân là một việc làm vô hiệu. Theo quan niệm của kitô hữu nguyên thủy, tất cả các tín hữu cấu thành một số mệnh chung, được Thiên Chúa chọn; tất cả đều được gọi là thánh và đều cảm thấy mình là thành phần được tuyển lựa; tất cả đều chia sẻ đồng đều một chức vị duy nhất. Lý tưởng về sự hiệp thông vào "thánh tính" nầy và sự tuyển lựa, được thể hiện - trên bình diện chủng tộc qua việc xóa bỏ hàng rào chia cắt giữa Do Thái và các dân tộc, - trên bình diện xã hội qua việc mời gọi, kết nạp tất cả mọi người, nô lệ cũng như tự do, đàn bà hay là kẻ hèn mọn, - trên bình diện kinh tế, qua sự ước mong góp chung tất cả của cải lại với nhau, - trên bình diện nghi lễ qua sự thông dự của mọi người và mỗi người vào việc thờ phượng trong tinh thần và chân lý: Đức Kitô là vị Tư tế duy nhất, và mọi người đã chịu phép Thánh tẩy đều mang một chức vụ tế lễ phải chu toàn.
Sự khác biệt về chức vụ không phải phát sinh bởi tình trạng phân cách giữa hàng tư tế và kẻ không thuộc hàng tư tế, nhưng ở tại cách thái mà chức vụ thờ phượng của mỗi người được thể hiện. Trong cộng đoàn kitô hữu, mỗi người là một vị tư tế theo thể cách riêng của mình. Cũng vì lý do đó, không có người giáo dân đích thực. Cứ nghĩ rằng những dịch vụ do tín hữu thông thường thi hành bên ngoài nghi lễ thờ phượng là những "thừa tác vụ giáo dân" là một phán đoán đi trái với lịch sử. Justinô không phải là giáo chủ, tư tế, niên trưởng, và cũng chẳng phải là giáo dân. Khi ngài tham dự vào việc tế lễ, dù không đứng ra chủ sự, ngài vẫn hoàn thành một chức vụ tư tế, và chức vụ đó trong bản chất không khác gì chức vụ của vị "chủ sự".
Hai thế kỷ đầu của Giáo Hội gây ta chú ý đến điểm nầy: sự thống nhất của Giáo Hội còn quá qui kết vào Thiên Chúa, đúng hơn là qui hội về Đức Kitô, nên khó thích ứng với một nền thần học lấy con người làm trung tâm điểm. Trong đường hướng đó, những ơn linh khải, vì là những ân huệ Chúa ban dưng không, nên không được coi như đặc quyền hưởng nhận của một ai, nhưng phải được đem ra chia sẻ và phân phát cho tất cả những ai đến phiên mình, được mời gọi và được soi sáng. Những chức vụ chưa phải là sở quyền của bất cứ một định chế mang tính cách nhân loại được thiết lập để qui tụ chúng và phân bổ chúng lại. Vì lý do đó, không thể quan niệm sự lệ thuộc giáo dân vào hàng giáo sĩ. Chỉ có kitô hữu và những môn đồ tuyên xưng Đức Kitô là Thầy.
Nhưng ai là kẻ biết được Đức Kitô? Những môn đồ đích thực ở đâu? Các nhà ngộ đạo duy
trí nửa mai rằng những tín hữu của Giáo Hội toàn thể là "hạng thiếu học" là "viên chức Giáo Hội" hoặc là "những kẻ bốc đồng". Trái lại, đối với Irênê, mỗi một tín hữu của Giáo Hội đều được kêu gọi để trở thành một kẻ được linh khải bởi vì chính Giáo Hội có nhiệm vụ đem Thần Linh và Chân lý đến cho họ. Để có thể phân biệt được Giáo Hội đích thực và "những hội tà giáo" người tín hữu được kêu mời để thông hiệp với những vị niên trưởng tốt lành, vì theo Irênê, chỉ có nơi họ mới thể hiện được việc giải thích Kinh Thánh một cách nghiêm xác, mới thấy được tính kế tục từ các Tông đồ, và có được ơn riêng về Chân lý. Do đó, họ là những "vị thầy" đối với những môn đồ đã toàn hảo của Chúa Kitô. Không bao lâu nữa, ta thấy các vị niên trưởng sẽ là những vị giáo sĩ.












[1] II Ap.12.
[2] II Ap. 13
[3] Dial. 17,3:
[4] xem Dial.35.
[5] Dial. 63, 5.
[6] Dial. 64,1.
[7] Dial. 80.
[8] Dial.17,1.
[9] Dial.35.
[10] Dial.2.8.
[11] Dial.35.
[12] Dial.7.
[13] Dial.11.
[14] Dial. 39.
[15] I Ap. 61.
[16] Dial.80,10.
[17] Dial.9.
[18] Xem M. JOURJON, L'eucharistie des premiers chrétiens, coll. Le point théologique 17, Paris, éd. Beauchesne, 1976, p. 75
[19] Dial. 42.
[20] Dial.63.
[21] Dial.58.
[22] Ba mươi năm sau, Irénée AH II, 32,4.
[23] Tatien. Oratio 32.
[24] Athenagore Legatio II.
[25] Dial. 41.
[26] Dial. 41.
[27] Dial. 116.

[28] I Ap. 65.
[29] I Ap. 67.
[30] 1Timôthê 5,17 và Hermas, Visions 2, 4,3.
[31] Xem Faivre, "Clergé et propriété dans l'église ancienne" dans Lumière et vie, No 129-130, 8-12 1976, p.51-64.
[32] I Ap. 61.
[33] I Ap. 6.
[34] Dial. 14 và 19.
[35] Xem. Dial. 43,2.
[36] Dial. 130, 3.
[37] Dial. 135,3.
[38] Dial. 135,6.
[39] Dial. 138; Xem Dial. 84.
[40] Dial. 43,2.
[41] Dial. 63.
[42] Dial. 134,3.
[43] Xem I Ap. 61.
[44] A.Diognète 6,7
  [45] Dial. 39.
[46] Chẳng hạn nên xem AH III, II, I.,
[47] AH IV,21,3.
[48] AH V 6,1,
[49] AH II, 32,1-2.
[50] AH IV 32,1-2.;
[51] 1Sam 21,4-7.
[52] Xem Mt 12,3-4
[53] AH IV,8,3.
[54] AH V,34,4.
[55] AH IV, 17,5,
[56] AH IV, 28,6.
[57] AH IV, 18,1 và 4.
[58] AH IV, 17,5.
[59] XemAH I,6,4 và III, 15,2.
[60] AH, III, 15,2
[61] AH IV, 32,1-2.
[62] Eusèbe, HE V,4,2.
[63] AH IV, 26,3 trích Daniel 13,20.
[64] AH IV, 26,5.
[65] AH IV, 26,5.
[66] AH IV, 26,1.
[67] AH IV, 26,2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét