Chương II
Ranh giới giữa Giáo sĩ
và Giáo dân qua các dịnh chế
Đầu thế kỷ thứ III: Một giai đoạn quyết định
Thế kỷ thứ II và thế kỷ thứ III
là một trong những giai đoạn đặc biệt, đánh dấu một khúc ngoặt trong lịch sử
của các định chế Kitô giáo. Nếu suốt thế kỷ thứ II, những tài liệu về các ộng
đoàn Kitô giáo và về cơ cấu tổ chức của chúng còn hiếm hoi, có nhiều gút mắc,
không ăn khớp sít sao với khuôn khổ thời gian - không gian nhất định, thì ngược
lại, vào giai đoạn đầu của thế kỷ thứ III, người ta chứng kiến những giáo đoàn
Kitô giáo được tổ chức rất hoàn bị, thích ứng vào xã hội trong đế quốc La Mã.
Vào thời kỳ nầy, cộng đoàn địa
phương (ecclesia: địa phận) là nền tảng xây dựng tất cả các định chế. Mỗi Giáo
Hội là một cơ thể sống động, tự túc, tự tạo ra những nề nếp sinh hoạt cần
thiết. Nguyên tắc tự lập của các Giáo Hội địa phương chỉ còn bị chi phối bởi
một luật trừ mà thôi: đó là việc phong chức giám mục. Thật vậy, các giám mục
đều phải được phong chức bởi ba giám mục, thường do các cộng đoàn lân cận cử
đến. Nhờ thế, mối tương giao giữa các giáo phận được bảo tồn. Cũng vào thời kỳ
đầu thế kỷ thứ III nầy, ngoài việc tuyên xưng cùng một đức tin, ta còn thấy các
cộng đoàn, (thông qua nhiều sinh hoạt đa biệt), vẫn giữ được những điểm tương
đồng bất biến về các định chế tổ chức. Bất cứ nơi đâu, mỗi cộng đoàn đều được
quản trị bởi một vị giám mục độc quyền cai quản: một giám mục và chỉ có một
giám mục cho mỗi địa phận - đây chính là thành trì bảo đảm sự chính thống và sự
hợp nhất. Không nơi nào chủ trương hoán đổi các giám mục, từ cộng đoàn nầy qua
cộng đoàn khác: giám mục giữ chức vụ mình một cách vĩnh cố, ngài là giám mục
của Giáo Hội riêng "của ngài", và
không tuyệt đối (là giám mục của các nơi khác). Chức vị giám mục Giáo chủ đó
còn được củng cố bởi nguyên tắc kế tục các tông đồ. Đặc biệt hơn cả là từ thời
đó trở đi, ta thấy rõ ràng có sự phân biệt giữa - "ordo" (giáo phẩm - hàng giáo sĩ) và "plebs" (dân chúng, bổn đạo); và sự phân biệt giáo sĩ và
giáo dân nầy là một hiện tượng chung của tất cả các Giáo Hội Kitô giáo.
Tính phổ cập của tình trạng phân
ranh nầy làm ta ngạc nhiên không ít, bởi khi nhìn lại thế kỷ thứ II, thì không
thấy có dấu vết nào về hàng ngũ giáo sĩ cả. Như vậy, phải chăng kết luận được
rằng sự thinh lặng trước đây của các tài liệu về sự hiện diện của hàng ngũ giáo
dân, chỉ là một sự quên sót hoặc phai lờ? Phải chăng suốt thế kỷ thứ II có
những biến chuyển lần hồi đã xảy ra trong các giáo đoàn địa phương mà sử gia
không ý thức, hoặc quên nói đến? Cũng có thể có như vậy. Tuy nhiên ta lại có
quyền nêu lên câu hỏi: - Tại sao phải cố chấp tiên kiến cho rằng lịch sử nhất
thiết phải được hình thành do chỉ bởi một hình thái biến hóa đều đặn (liên tục)
và chậm rãi? Ai dám xác quyết rằng - không thể nào có được sự xuất hiện đột
ngột một hàng ngũ giáo sĩ cũng như giáo dân, - không thể nào xảy ra được một sự
thay đổi bất chừng về tâm thức con người? Trái lại, những giả thiết nầy lại ăn
khớp chặt chẽ hơn với những tài liệu ta đang truy cứu! Trở lại vấn đề: tại sao
lại không thể đưa ra những giả thiết nầy? Lịch sử đã không ghi lại những biến
động đột ngột, không chứng kiến những giai đoạn thay đổi bất chừng hay sao? Thế
hệ những kẻ sinh vào năm 1965 có còn hình dung được thời kỳ Thánh lễ buộc cử
hành bằng tiếng La tinh không? - Có quan niệm được rằng việc nhận Mình Thánh
Chúa trong bàn tay được xem là một cử chỉ phạm thánh không? - Có biết rằng Bí
tích Hòa giải chỉ là việc cá nhân; người tham dự bàn thánh còn hạn che,
"lễ tế; không ai dám ăn thịt ngày thứ sáu không? Người thanh niên hôm nay
18 tuổi nghĩ gì về thời kỳ người ta nghiêng đầu, cúi mình khi thấy bóng áo
chùng thâm (đen), mũ trái khế đi ngang qua; thời mà bộ "clergymen"
màu xám còn gây nhiều ngại ngùng, bở ngỡ cho mọi người? Nếu Giáo Hội Công giáo
vào thế kỷ XX đã chứng kiến những tập tục đảo lộn trong khoảnh khắc ngắn ngủi
vài ba năm, tại sao những cộng đoàn Kitô giáo vào cuối thế kỷ thứ II lại không
thể đổi thay trong vòng vài chục năm?
Vào đầu thế kỷ thứ III, tất cả
các tác giả (Tertulianô ở Carthage, Hippolyte ở La Mã, Clêmentê và Origène ở
Alexandria) trực tiếp hay gián tiếp đều nói đến đường ranh ngăn cách phát hiện
giữa lòng cộng đoàn những kẻ đã chịu phép Thanh tẩy. Ranh giới nầy chia đoàn
thể Kitô giáo làm hai nhóm: giáo sĩ và giáo dân -, và ở trong mỗi nhóm, có
nhiều chức vụ khác nhau. Và một thể loại
tài liệu đặc biệt lại xuất hiện, xác định và biện minh cho ranh giới
giáo sĩ và giáo dân này, - định nghĩa những nhiệm vụ và vai trò của mỗi thành
phần bên trong các nhóm. Loại tài liệu đó thường được gọi là: "Tài liệu lễ
qui" (documentation canonico-liturgique). Bản "Định chế Giáo Hội các Tông đồ" (constitution
ecclésiastique des apôtres)- mà chúng ta có dịp lược qua khi nhìn đến những
Giám Mục không biết chữ và chức vụ đọc sách - thuộc về tài liệu nầy [1]. Trong
toàn bộ tài liệu, còn có hai bản văn: - "Truyền thống Tông đồ" (Tradition
apostolique) và "Mô phạm" (Didascalie). Hai văn phẩm nầy sẽ cống hiến cho chúng ta
những dữ kiện quan trọng liên hệ đến những hình thái đa dạng trong mối tương
giao giáo sĩ và giáo dân, đồng thời mô tả được nội dung chính xác của ý niệm "giáo dân" đối kháng với ý niệm
"giáo sĩ".
Một
Bản Văn "Lập Qui":
Truyền Thống Tông Đồ
Các bản lễ qui ghi chép những
mệnh lệnh thuộc về luân lý và kỷ cương. Những mệnh lệnh nầy được xem là do các
thánh Tông đồ hoặc chính Chúa Giêsu truyền dạy. Việc ngày nay người ta qui kết
các bản đó vào một tên gọi chung - những qui luật của Giáo Hội - cho thấy rõ
bản chất của chúng: đó là những bản văn dài ngắn tùy khi liên quan đến các Giáo
luật và các Hiến chế. Một vài bản văn trong đó muốn trình bày một hệ thống toàn
diện về qui chế Giáo Hội; nhưng trong thực tế, tất cả các bản văn đều có xen
lẫn việc mô tả các sinh hoạt cụ thể với những ước vọng cải cách của các tác
giả.Cuốn "Truyền thống Tông đồ"
xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ III và được xếp vào trong nhóm các bản văn nầy. Ta
không thể nào xác quyết một cách tuyệt đối về ngày tháng và nơi chốn của việc
sáng tác ra bản văn, cũng như về tác giả của nó; nhưng ta có quyền ghi nhận
rằng tài liệu nầy muốn mô tả những gì thật sự xảy ra trong Giáo Hội thời bấy
giờ và đồng thời muốn đưa ra những mẫu mực cần phải đạt đến. Ngoài ra, ta nhớ
rằng sự tự do ứng tác trong
khuôn khổ nghi lễ còn được coi là việc làm chính đáng lúc bấy giờ. Từ những lý
do đó, đối với sử gia, cuốn "Truyền thống Tông đồ" phản ảnh những vấn
đề, những thắc mắc đã đặt ra cho kitô hữu vào đầu thế kỷ thứ III. Chính qua lối
trình bày rối ren của bản văn, ta lại thấy tình trạng lúc bấy giờ: có rất nhiều
quan niệm đang được canh cải và tác giả, hoặc người biên tập [2] cố tìm ra
những phương cách giải quyết.
Cuốn "Truyền thống Tông đồ" được xếp vào một vị trí đặc biệt
trong toàn bộ văn bản lễ qui vì nhiều lý do: trước hết, nó ghi lại những chú
giải rất rõ rệt. Đây là tài liệu đầu tiên cống hiến cho ta những tiêu chuẫn
chính xác nhằm định vị khuôn khổ của hàng giáo sĩ; sau nữa, nó là tác phẩm gây
được nhiều thành quả rất đáng lưu ý: nó được sao chép lại và đưa vào trong các
bộ lễ qui quan trọng, - được hiệu đính nhiều lần qua nhiều thời kỳ ngay cả đến
ngày hôm nay, - với công trình của B. Botte nó lại ảnh hưởng rất nhiều đến
những cải tổ trong nghi lễ hiện thời [3].
Hàng
giáo sĩ, một cơ cấu căn bản.
Cuốn "Truyền thống Tông đồ"không đưa ra một định nghĩa nào
tích cực về "giáo dân" cả.
Tuy nhiên, nó cho phép ta định
nghĩa hàng ngũ nầy một cách tiêu cực. Trong cuốn nầy, ta chứng kiến một đường
ranh giới rất đậm nét chia cắt (cộng đoàn ra làm hai) - các thừa tác viên và
toàn thể cộng đoàn kitô hữu còn lại. Hàng giáo sĩ trong những năm 200 chỉ gồm
có một giám mục, những linh mục và những Phó tế mà thôi. Nhưng không phải chỉ
có những vị nầy là những kẻ duy nhất mang chức vụ lâu dài và cần thiết để phục
vụ sinh hoạt đa diện của cộng đoàn Kitô giáo. Như thế việc phân định nầy chỉ
muốn nói rõ rằng tất cả các chức vụ hoặc những tình trạng khác có thể có trong
cộng đoàn kitô hữu đều nhất thiết phải ở bên ngoài hàng giáo sĩ.
Nhưng
dựa vào tiêu chuẩn nào?
Muốn minh định đường ranh giới
nầy và phương cách giải thích lý do hiện hữu của nó, ta nên trở lại bản văn
thường được coi là cơ bản trích từ cuốn "Truyền
thống Tông đồ", liên quan đến các bà góa. Đoạn văn nầy tạo thành bản
lược khảo ngữ vựng chuyên môn đầu tiên liên quan đến sự phân biệt giáo sĩ và
giáo dân.
"Khi người ta (qui chế hóa =
kathistasthai) đưa một bà góa vào qui chế, người ta không phong chức thánh
cho bà (cheirotonein), nhưng bà được chỉ định cho tước hiệu (nầy). Nếu
chồng bà đã chết từ lâu, ta nên đưa bà vào qui chế. Nhưng nếu chồng bà mới
chết, ta đừng nên tin vào bà; nhưng ngay cả bà đã lớn tuổi, ta cũng nên thử
thách bà một thời gian, bởi vì những đam mê dục vọng cũng biết tồn tại với tuổi
con người. Ta hãy "qui chế hóa"
(kathistasthai) bà góa bằng lời nói thôi, và bà hãy gia nhập vào (hàng ngũ) với
các bà khác.
Nhưng ta đừng đặt tay trên ba (cheirotonein), bởi vì bà không cử hành việc dâng lễ (prosphora), và không có phận vụ tế lễ (leitourgia). Nên, việc phong chức thánh (cheirotonia) được thực
hiện cho hàng "giáo sĩ" (klèros) nhằm vào phận vụ tế lễ (leitourgia). Phần bà góa, được "qui chế
hóa" (kathistasthai) để cầu nguyện, việc đó (là vai trò chung) của mọi
người" [4].
Chắc là các bà góa đã đòi hỏi
quyết liệt để xin được phong chức thánh và gia nhập hàng giáo sĩ, nên tác giả
cuốn "Truyền thống Tông đồ" (khẳng định trả lời với họ là không), từ
chối giải pháp vừa nêu lên, và nhân việc đó tìm cách định nghĩa các hàng hàng
ngũ trong cộng đoàn Kitô giáo : kléros, giáo sĩ nhân việc đặt tay (cheirotonia)
trên mình, bởi vị nầy có một vai trò trong phụng
vụ (leitourgia), tế tự. Những chức vụ không có vai trò chính xác về tế tự
phải chu toàn, thì không được nhận việc đặt tay trên mình. Việc qui định
(katastaris) (đưa vào một qui chế) đã đủ để cộng đoàn thừa nhận một phận vụ
phải được thực thi trong nội bộ của cộng đoàn. Tuy nhiên, câu kết của đoạn văn
có lẽ lạ lùng; những bà góa nầy sẽ được qui chế hóa, nhưng thực sự, việc qui
chế hóa đó chỉ cho phép họ làm một việc mà mọi người kitô hữu đều phải làm là
cầu nguyện. Lại một lần nữa, giống như khi đọc "thư thứ nhất gửi Timothê", ở đây ta thấy qui chế của bà
góa có cái gì mơ hồ khó hiểu.
Việc
hạn chế hàng giáo sĩ
(kléros) - (một chữ rất ít khi dùng đến vào thời đầu thế kỷ thứ III) - vào bộ
ba thừa tác viên giám mục, linh mục , phó tế đều được nói đến trong tất cả các
tác phẩm của thời đó: Origène, Hippolyte, Tertulianô. Ta cũng nên nhớ thêm rằng
đối với Tertulianô, người giáo sĩ (clerus) không hoàn toàn có nghĩa là kẻ được
xếp vào phẩm cấp của Giáo Hội (ordinés). Thật vậy, các bà góa cấu thành một cấp
bậc (ordo) cá biệt trong cộng đoàn kitô hữu, nhưng không thuộc hàng "giáo sĩ" (clerus). Như thế,
hẳn các bà là giáo dân? Các bản văn không nói đến việc đó, và không đặt ra
những thắc mắc quá tế vi như vậy.
Dầu cuốn "Truyền thống Tông đồ" không đã động đến, nhưng chắc rằng
vấn đề phân biệt giáo sĩ và giáo dân lại còn vướng mắc thêm vấn đề phân biệt
đàn ông và đàn bà nữa. Để xác minh việc nầy, ta chỉ cần đọc lại chú thích viết
vào năm 340 trong bộ "giáo luật của
Hippolyte", hiệu đính cuốn "Truyền
thống Tông đồ"
"Ta đừng phong chức thánh cho các bà góa đã
được đưa vào qui chế - bởi các bà đã được những lời giáo huấn của các Tông đồ
nhắc nhở. - Ta không phong chức thánh cho các bà, nhưng ta hãy đọc lời nguyện
trên các bà, bởi vì việc lãnh nhận chức thánh dành riêng cho đàn ông. Chức vụ
các bà góa quan trọng trong khuôn khổ phận vụ các bà: kinh nguyện thường đều,
phục vụ bệnh nhân và năng ăn chay" [5].
Cái hay đặc biệt của cuốn "truyền thống Tông đồ" là tìm
ra được phương cách minh giải qui chế mơ hồ nầy bằng một lối cắt nghĩa hợp lý
duy nhất; việc minh giải đó áp dụng chung cho đàn ông cũng như cho đàn bà: đó
là việc phụng sự tế lễ: Phụng vu
(ïleitourgia). Việc tế lễ giải thích việc phong
chức thánh (chirotonia), đây là dấu chứng (hiển nhiên) không thể chối cải
của việc thuộc vào hàng giáo sĩ. Trước bất cứ sóng gió, - lập luận trái nghịch
hoặc những chống kháng - xuất phát bất kỳ từ đâu, tác giả cuốn "Truyền thống Tông đồ" dường như
sẵn sàng bảo vệ lập trường cố hữu nầy... Lập trường đó chủ trương một cách rõ
ràng sự kết hợp mật thiết (leitourgia) Phụng
vụ (chức vụ tế lễ) với việc dâng lễ
vật (prosphera). Ta thấy các từ ngữ đã biến hóa khá nhiều. Chữ leitourgia
(= Phụng vụ) không còn mang cùng ý nghĩa giống như chữ leitourgia (= chức vụ
tham dự tế lễ) thời của Clêmentê thành La Mã. Khi vi nầy khuyên tất cả kitô hữu
- kể cả giáo dân - phải thực thi (leitourgia) chức vụ tế lễ của họ.
Người giảng dạy (docteur=
giải thích Kinh Thánh)
phải là giáo sĩ hay là
giáo dân?
Đối với tác giả cuốn "Truyền thống Tông đồ",
những gì không liên quan đến chức vụ trực tiếp gắn bó với việc tế lễ, phụng vụ,
thì giáo dân có thể đảm trách được cả, không có gì trở ngại. Lời chú thích về
chức vụ giảng dạy nêu rõ điểm nầy: "Khi vị tiến sĩ, đọc lời kinh xong, đặt
tay lên trên những người dự tòng, ông sẽ cầu nguyện và cho họ về nhà. Dù vị
tiến sĩ đó là giáo sĩ hay là giáo dân,
thì vị ấy cũng làm như vậy" [6].
Hermas đã cho rằng kẻ giảng dạy
tuân theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần. Còn Justinô như ta đã từng thấy, thì
không cần biện minh công việc giảng dạy của ngài bằng một chức thánh hoặc một
qui chế đặc biệt nào [7]. Công việc
(giảng dạy ngài đảm đang dựa vào nền tảng của ân huệ Chúa (trực tiếp) ban cho
Ngài. Nhưng trong trường hợp Origène, vào đầu thế kỷ thứ III, là giáo dân đồng
thời là tiến sĩ giảng dạy không còn là chuyện đương nhiên, mà trái lại còn gặp
nguy hiểm, khó khăn là khác. Ta được biết rằng từ dạo đó, Giám mục là vị tiến
sĩ, người thầy tối thượng của Giáo Hội, và tất cả những vị Viện trưởng của Học
viện Alexandria đều được phong chức Linh mục cả. Trái lại, Tertulianô, dường
như cho thấy còn có nhiều vị giảng dạy độc lập, có đầy ơn thông hiểu đặc
biệt... Tiên sinh sắp xếp những vị nầy bên cạnh những người được các ơn linh
khải đặc biệt khác, như các trinh nữ, các vị Tử đạo [8]. Tuy
nhiên, vào giữa thế kỷ thứ III, Cyprianô lại nói đến các Linh mục giảng dạy
(tiến sĩ), như là một chức vụ được qui chế hóa tà lâu rồi. Từ đó trở về sau,
dường như chức vụ giáo sĩ lại đương nhiên gắn chặt với chức vụ giảng dạy.
Theo đó thì lời chú trọng cuốn "Truyến thống Tông đồ" về chức
tiến sĩ hẳn phải được viết vào thời kỳ đã thấy có khuynh hướng sát nhập chức vụ
giáo sĩ và chức vụ giảng dạy. Một cách nào đó, ta có quyền nói cuốn "Truyền thống Tông đồ" có thể
đã kín đáo chống lại khuynh hướng sát nhập hai chức vụ nầy, khi nhắc lại rằng
người giảng dạy chỉ có thể là giáo dân. Tuy vậy, cần lưu ý rằng chức vụ tiến
sĩ, giảng dạy trong cuốn "Truyến
thống Tông đồ" chỉ nhằm nói đến công tác giáo dục người dự tòng, chuẩn
bị chịu phép thánh tẩy mà thôi. Như thế nó giống chức vụ thầy dạy giáo lý được
mô tả trong các văn tập ngụy Clêmentê; hơn
là chức vụ của một tiến sĩ Origène [9]. Người
tiến sĩ trong cuốn"Truyến thống Tông
đồ" không nhằm chuyển đạt những hiểu biết cao siêu cho một diễn đàn
kitô hữu uyên bác muốn sưu khảo về thần học, nhưng chỉ nhằm dẫn dắt những người
dự tòng biết những chân lý đã được vạch bày trong khuôn khổ của đức tin mà họ
đã tuyên xưng trong ngày chịu phép rửa. Công việc dạy dỗ nầy, tuy có phần khiêm
tốn, nhưng cũng rất quan trọng cho cộng đoàn, và cũng vì thế mà một số giáo sĩ
lại chủ trương kiểm soát luôn việc nầy. Ngoài ra, khi dạy giáo lý dự tòng, nhà
tiến sĩ theo như cuốn "Truyến thống
Tông đồ" mô tả, còn có thể thực thi các chức vụ Á Phụng vụ như ứng
kinh, đặt tay.
Phân biệt giữa thừa tác viên lo
việc tế lễ và chức vụ giảng dạy, mà tác giả cuốn "Truyến thống Tông đồ" đã khia triển là việc làm rất hữu
ích; qua công việc nầy, ta thấy tác giả đã áp dụng tiêu chuẩn Thần học của mình
để đề ra sự khác biệt giữa giáo sĩ và giáo dân, bằng một lối minh giải hết sức
nghiêm túc và rõ rệt.
Một chức vụ giáo dân được
công nhận; Chức vụ đọc
sách.
Lúc ban đầu, chức vụ đọc sách và
chức vụ giảng dạy (=tiến sĩ) có liên quan mật thiết với nhau. Người đọc sách là
người thông thái ở trong cộng đoàn, nên rất được tôn trọng. Cuốn "Định chế Giáo Hội của các Tông đồ"
mô tả rằng người nầy có thể có trình độ văn hóa cao hơn Giám mục [10]. "Những văn tập ngụy-Clêmentê" ghi
lại sinh hoạt của thời kỳ mà người đọc sách cũng là kẻ đặc trách về Kinh
Thánh-, được xem như nắm luôn giềng mối của sự chính thống [11]. Nhưng
cũng trong các văn bản nầy ta thấy tình trạng của chức vụ đó quả có phần ngặt
nghèo, khó xử, khi mà mọi quyền bính đều bắt đầu qui về vị giám mục - được hàng
linh mục phụ tá. Tuy nhiên, khi có sự kết hợp giữa hai chức vụ đọc sách và
giảng dạy, thì cũng chính vào thời đó chức vụ giảng dạy lại bắt đầu bị hạn hẹp,
không còn độc lập nữa, nên mất đi uy thế. Về việc nầy, cuốn "Truyến thống Tông đồ" cho
rằng người đọc sách được qui chế hóa (kathistasthai) khi được giám mục trao
sách cho, nhưng người nầy không nhận chức vụ do việc được đặt tay trên mình
(chrotonie) [12].
Ta thấy tác giả cố ý nhấn mạnh
điểm nầy; người đọc sách không nhận việc được đặt tay trên mình. Như thế, theo
lối luận lý trước đây, người đọc sách sẽ được xếp vào hàng ngũ giáo dân (chỉ có
hàng giáo sĩ giảng dạy), nên chức vụ đọc sách, nếu đã tương quan mật thiết với
việc giảng dạy, hẳn phải ở gần với các sinh hoạt phụng vụ, tế tự hơn cả; từ đó
những vị mang chức vụ nầy luôn ao ước được sát nhập vào hàng ngũ những thừa tác
viên phụng sự bàn thánh. Giờ đây ta hiểu tại sao hàng giáo sĩ có uy thế và thu
hút được những người đang phục vụ trong cộng đoàn; ta cũng hiểu tại sao vị đọc
sách muốn được đồng hóa với hàng ngũ thừa tác viên tế lễ hơn là được liệt vào
thành phần giảng dạy, phải chăng vì có chức vụ tư tế thì sẽ được trọng vọng
hơn!
Hãy lưu ý giới tuyến giữa
việc phong chức thánh
và việc chỉ định một chức
vụ
Bản văn bằng tiếng Hy lạp của
cuốn "Truyến thống Tông đồ"
đã thất lạc. Dầu vậy, qua nhiều đợt nghiên cứu các bản văn, cũng như các bản
hiệu đính, ta có thể thiết lập lại một bản tổng kết tương đối gần với bản gốc.
Dù sao, việc xử dụng các từ ngữ trong bản văn mới thành lập nầy, hẳn có nhiều
điểm cần phải giải minh. Song song với việc nầy, ta còn ghi nhận thêm rằng, từ
mấy chục năm nay, nhiều công trình thâm cứu về các thừa tác vụ Kitô giáo đã
nhấn mạnh rõ hơn nữa phân ranh giữa việc phong chức thánh (đặt tay trên mình:
chirotonie) dành cho ba chức vụ: Giám mục, linh mục, phó tế, và việc chỉ định
một chức vụ thông thường (chrothesie) dành cho các chức vụ khác. Hơn nữa, do
bản Tự Sắc (motu proprio) "Ministeria
quaedam" ngày 15 tháng 8 năm 1972, giới tuyết đó lại càng được tô đậm
thêm qua việc xác minh dứt khoát một lần nữa rằng chỉ có giám mục, linh mục,
phó tế là giáo sĩ, còn những chức vụ khác thì được coi là những "thừa tác vụ" giáo dân.
Ta sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng
việc phân biệt giữa giáo sĩ và các thừa tác viên giáo dân lại đã được minh định
trong cuốn "Truyền thống Tông
đồ". Nhờ việc mô tả nội dung các lễ nghi phong chức thánh đầu tiên,
tài liệu nầy cống hiến cho chúng ta một số từ ngữ chuyên môn mới được thành
hình. Người ta phong chức (chirotonie) giám mục cho người đã được toàn dân Chúa
chọn. Còn đối với các linh mục, thì giám mục đặt tay lên trên họ (chirotonie:
phong chức). Còn về chức phó tế, bản văn dường như có phần đã được sắp xếp,
điều chỉnh lại, và viết rằng: "Khi đưa một người vào qui chế phó tế, người
ta chọn người đó như đã nói ở trên; chỉ có giám mục đặt tay trên vị nầy".
Nếu chưa ổn định được hết nội dung các chữ mới, thì ít nhất có một điểm rõ rật
là việc đặt tay chỉ dành riêng cho ba thừa tác vụ (- giám mục, linh mục, phó
tế), và không được áp dụng cho các chức vụ khác, như chúng ta đã thấy qua việc
đọc lại lời chú thích về bà góa và người đọc sách. Người ta lại càng phải từ
khước việc phong chức thánh cho người phụ nữ giữ mình trinh khiết, vì người ấy
không hành xử một chức vụ tế tự nào cả: "Ta cũng không đặt tay lên trên
bất cứ người trinh nữ nào, nhưng quyết định của chính cô ta làm cho cô ấy thành
người trinh nữ" .[13] Trong
trường hợp của chức vụ Phó tế, tác giả lại nêu lên sự khác biệt giữa việc đặt
tay và việc gọi tên. Người ta không
đặt tay lên trên vị phụ phó tế, nhưng chỉ gọi tên (chỉ định) người ấy để vị nầy
phụ cho chức vụ phó tế [14]. Sở dĩ đề
ra sự khác biệt nầy, dường như để làm nổi bật sự phân cấp, thứ tự trên dưới
trong các chức vụ. Cuối cùng, đối với những ơn riêng chữa lành bệnh tật, tác
giả lại phó thác cho sự xét đoán của lương tri Kitô hữu để phân định sự hiện
hữu của các ơn ích đó: "Nếu có ai nói rằng, tôi đã nhận được ơn chữa lành
bệnh tật trong một cuộc mạc khải đặc biệt, người ta sẽ không đặt tay lên trên
người ấy. Chính những sự kiện xảy đến sẽ chứng minh điều người ấy nói" [15].
Qua những chú thích nhỏ ấy, ta
tìm được phương cách để nhận ra một chức vụ nào đó không thuộc vào chức vụ của
giáo sĩ. Điểm chính của tất cả bản văn rất hiển nhiên, từ chối việc đương nhiên
phong chức cho bất kỳ ai đang thi hành một chức vụ nào đó trong Giáo Hội. Lý do
đưa ra hoàn toàn tiêu cực, nhưng cũng gợi lên một chứng lý nào đó để biện minh
cho các chức vụ nầy: Người đọc sách sẽ được chỉ định khi nhận sách, dấu hiệu
của chức vụ mình; - sự giữ mình tinh khiết là một cách sách sống và chính hiệu đồng trinh hoàn toàn lệ thuộc vào quyết
định của đương sự - vị phụ phó tế là người đi giúp theo vị phó tế, tên gọi đủ
để chỉ chức vụ nầy - Còn đối với người cho rằng mình có ơn chữa lành bệnh tật,
thì cứ đợi xem những sự kiện xảy ra sẽ chứng minh cho khả năng của họ.
Một trường hợp hản hữu:
Người tuyên xưng đức tin.
Lối lập luận vừa nêu lên đó, tuy có vẻ quá sơ phác, nhưng lại thấy dùng
một lần nữa trong một đoạn khá đặc biệt nói về những người tuyên xưng đức tin.
Đoạn văn nầy ta đọc được qua những bản dịch Đông phương [16]:
"Nếu một người tuyên
xưng đức tin đã bị bắt bớ vì Danh Chúa, người ta sẽ không đặt tay lên người ấy
để phong chức Phó tế hay Linh mục, bởi vì người đó có vinh dự tham dự chức tư
tế do sự tuyên xưng đó rồi. Nhưng nếu muốn cử người nầy lên chức vị giám mục,
người ta phải đặt tay lên người ấy".
"Nhưng gia dĩ cũng có
người tuyên xưng đức tin, mà đã không bị nhà cầm quyền bắt trình diện, giam
giữ, bỏ tù (lâu ngày) hay tra tấn, nhưng có lúc đã bị khinh khi vì Danh Chúa
chúng ta và đã chịu khốn khổ trong cuộc sống. Nếu người nầy còn tuyên xưng (đức
tin của mình) thì ta nên đặt tay lên người đó để phong cho y một chức vụ nào đó
được xem là xứng hợp".
Để có thể am tường ý nghĩa bản
văn, ta nên tìm hiểu thêm tâm thức của người đương thời. Một người tuyên xưng
đức tin, chịu khốn khó vì đạo cho đến chết hoặc gần như thế, thì được coi
như "tràn đầy ơn Chúa Thánh
Thần". Người tử đạo là "kẻ theo gương Chúa Kitô một cách hoàn
hảo", đầy tràn Thánh Thần. Người ta không thấy có lý do để thêm Thánh Thần
cho người nầy bằng việc đặt tay, một khi y đã được đầy tràn ơn Chúa. Người nào
từng chịu đau khổ để làm chứng đức tin của mình thì "nhận được vinh dự của
chức linh mục do "chính bởi việc
tuyên xưng đức tin của mình". Ta sẽ không còn cần phong chức (đặt tay
lên trên người ấy) linh mục hoặc phó tế nữa. Ngoài ra, ta biết rằng vào thời đó
những vị tuyên xưng đức tin là nhóm người "trừ
bị" sẵn sàng hành xử các chức vụ vừa nêu: những vị cao niên, được
trọng vọng thì trở thành linh mục, còn những kẻ khác thì trở thành phó tế. Và
ta cũng sẽ thấy lý do tại sao Giáo Hội Kitô giáo thời bấy giờ không miễn trừ
việc đặt tay trên người tuyên xưng đức tin, khi cử vị nầy vào chức vụ giám mục.
Chỉ có một giám mục cho một cộng đoàn, đó là dấu hiệu hiệp nhất của Giáo Hội.
Thánh Thần Chúa không thể bị phân chia và không thể là nguyên cớ gây ra việc
phân chia. Vì lý do nầy, việc tuyên
xưng đức tin không thể đương nhiên
tạo thành những giám mục, bởi lẽ làm như thế sự hiệp nhất của Giáo Hội sẽ không
còn. Do đó, phải phong chức giám mục bằng việc đặt tay cho người nào mà cộng
đoàn tuyển chọn, dù người đó là người đã từng tuyên xưng đức tin.
Bức chân dung: Cuộc đời
đau khổ của một nô lệ trở
thành
Giám Mục thành La Mã
Đầu thế kỷ thứ III, Calixtô là
người nô lệ đầu tiên trở thành giám mục thành La Mã. Phẩm chức nầy có được, một
phần do tài quản trị của ngài, một phần do vinh quang của việc ngài đã tuyên
xưng đức tin. Trường hợp của ngài chứng minh rằng ngay từ lúc bấy giờ, việc cân
nhắc vào chức giám mục không bị lệ thuộc vào những định ước về tầng lớp xã hội,
dù tầng lớp đó thấp kém đến đâu.
Thật vậy, cuốn "Truyến thống Tông đồ" đưa ra
một danh sách những nghề nghiệp và sinh hoạt mà kitô hữu không được phép làm.
Nhưng ngoài những trường hợp ngăn trở cho việc nhận phép rửa tội (vì những nghề
nghiệp bị cấm vừa nói đến), Giáo Hội dường như tỏ ra dân chủ và độ lượng. Theo
tác giả cuốn "Truyến thống Tông
đồ", người nào muốn chịu phép rửa tội thì không được làm nghề - chủ
chứa nhà thổ - ca xướng - giác đấu - nuôi thú cho đấu trường - viên chức phụ
trách các trò giác đấu - tăng ni hoặc thờ cúng bụt thần - quan án - nghề mãi
dâm - đồng tính luyến ái. - Nếu người muốn chịu phép rửa tội, đang hành nghề
điêu khắc, thì bỏ việc vẽ, khắc hình tượng bụt thần. - Nếu làm nghề đánh xe,
thì đừng tham dự các trò chơi ở đấu trường - nếu làm lính thuộc cấp, thì đừng
chém giết - Người dự tòng hoặc tín hữu không được xung làm lính. Còn những nhà
giáo dục, vì lý do nghề nghiệp phải truyền thụ văn hóa ngoại giáo, tác giả xem
ra rất khoan dung và chấp nhận cho số người nầy được tiếp tục hành nghề, nếu
không có nghề nào khác [17]. Nhưng
cuốn "Định chế Giáo Hội của các Tông
đồ" thì lại cấm giảng dạy những lý thuyết của người đời hoặc ngoại
giáo. Cuốn đó cũng cấm luôn nghề bói toán, phù phép hoặc trừ ta [18]. Rõ ràng
là những việc cấm đoán nầy nằm trong khuôn khổ luân lý đạo đức. Tuy nhiên vì có
việc cấm đoán nầy, những vấn đề lấn cấn về cuộc sống vật chất, kinh tế lại nảy
sinh ra. Vào thế kỷ thứ III, Giám Mục Cyprianô thành Carthage yêu cầu một trong
những giám mục đồng liêu ngăn cấm không cho một kitô hữu mở trường dạy hát
xướng. Ngài khuyên bạn nên giúp người ca hát phương tiện vật chất để sinh sống.
Gia dĩ nếu Giáo Hội địa phương đó không đủ phương tiện, thì cứ gửi nầy đến Giáo
Hội Carthage để nơi nầy cáng đáng thay. Nhưng việc cấm đoán đó cũng là lý do
thúc đẩy Giáo Hội thành lập một ngân quỉ nhỏ, một tổ chức kinh tế nào đó để đáp
ứng với hoàn cảnh [19]. Giáo Hội
càng lớn mạnh bao nhiêu, thì tiền bạc lại chiếm một vị trí quan trọng bấy
nhiêu.
Trong những điều kiện đó, một
người nô lệ được cử làm giám mục xem ra là chuyện mâu thuẫn. Nhưng ta phải hiểu
rằng Calixtô không phải là một người nô lệ chung chung như bao nhiêu người nô
lệ khác. Trường hợp độc đáo của ngài không ở tại việc ngài vừa là nô lệ vừa là
kitô hữu, hoặc do tự ý mình, hoặc đã được rửa tội chung với gia đình gia chủ.
Chúng ta không được rõ Calixtô ở vào trường hợp nào trong hai trường hợp nầy,
nhưng có điều rõ ràng là trước hết ngài được biết đến như là một nhà quản trị
tài chánh. Nhắc lại ở đây là do tài quản trị nầy và sau đó do việc tuyên xưng
đức tin mà Calixtô đã từ thân phận nô lệ được cử làm giám mục. Nhưng việc đề cử
ngài vào chức vị giám mục không phải là chuyện xảy ra một cách êm đẹp đâu!...
Chính vì có chuyện Hippolytô, niên trưởng tại La Mã, là người đối thủ và là cừu
địch của vị giám mục nô lệ, và do chính những tác phẩm của vị niên trưởng nầy,
mà ta biết được thân thế và sự nghiệp của Calixtô [20]. Hãy lược
lại chính những sự kiện do Hippolytô mô tả.
Calixtô được chủ tín nhiệm trao cho
các nghiệp vụ ngân hàng, nhưng ngài đã làm cho chủ vỡ nợ, các chủ nợ lại đến
khiếu tố. Calixtô dự tính đào tẩu mà không thành, bị chủ bắt phạt phải phục
dịch tại máy xay bột. Tuy nhiên, vì tin là Calixtô có thể tìm ra phương cách
giải quyết món nợ nầy, người ta cho phép ngài thôi làm việc ở nhà máy xay.
Calixtô liền đi đòi nợ nơi những con nợ người do Thái, và làm huyên náo tại nhà
hội của họ trong ngày lễ nghỉ Sa-bát, người do Thái chống đối việc đó với chính
quyền nên Calixtô bị đày đi làm phu hầm mỏ ở Sardaigne, vì buộc vào tội là
người kitô hữu. Sau nầy, nhờ một cung phi của Hoàng đế Commodô là Marcia can
thiệp, ngài được thả chung với những người kitô hữu khác. Khi thấyCalixtô được
thả tự do, Giám Mục thành La mã lúc bấy giờ là Victor tỏ ra ái ngại, nếu không
nói là không được vui. Giám Mục Victor âm thầm ra lệnh cấp ban cho Calixtô một
khoản trợ cấp, vì ngài là một kitô hữu đã tuyên xưng đức tin. Theo Hippolytô,
người kế vị Victor, Giám Mục Zéphirin (năm 199) lại là người đơn sơ và ít học,
nên không khôn ngoan như vị trước. Zéphirin giao cho Calixtô việc tổ chức tang
lễ và nghĩa địa. Cũng như các công dân khác, kitô hữu có quyền lập tang hội, và
với danh nghĩa hội đoàn họ lại có quyền sở đắc và quản trị đất đai, tài sản.
Calixtô đã chu toàn tốt đẹp công việc của mình. Cho đến năm 217, khi Zéphirin
mất, ngài lên chức giám mục kế vị.
Một mặt, vì từ thân phận nô lệ
được cử lên chức vị giám mục, nên Calixtô muốn để ý nhìn đến những yếu đuối của
con người. Mặt khác, Hippolyte, vì là người bảo vệ truyền thống, một niên
trưởng bảo thủ, nên lại đứng lên chống lại điều mà vị nầy cho là sa sút, buông
thả. Theo lời Hippolyte, Calixtô dám đón nhận kẻ tội lỗi vào trong Giáo Hội và
tha tội cho họ. Ngài còn đưa vào hàng giáo sĩ những người đã cưới vợ đến hai,
ba lần, và còn cho phép thành phần giáo sĩ lấy vợ nữa! Về việc hôn nhân, ta để
ý thấy cuốn "Truyến thống Tông
đồ" không liệt kê chuyện có hai, ba vợ vào trong danh sách những điều
ngăn trở cho việc chịu phép rửa tội. Ở đây, ta lại thấy Hippolyte chỉ có chỉ
trích việc dung nhân chuyện nầy cho hàng
giáo sĩ mà thôi. Thế nên, trước đây Origène đã chỉ trích tiếc nuối...! và sau
nầy ta lại thấy ở trong Giáo Hội có những kitô hữu cưới vợ hai và có khi đến ba
lần; dường như chuyện đó lại thường xảy ra! Trái với Tertulianô và Clêmentê
thành Alexandria, Hippolyte không tìm cách trói buộc, và cũng không nới rộng lý
tưởng một vợ một chồng nơi người giáo dân; tiên sinh chỉ cố chủ trương bảo vệ
lý tưởng đó trong hàng ngũ giáo sĩ thôi. Hippolyte xem ra chống đối việc
Calixtô tha tội một cách dễ dàng, hơn là chống đối quyền tha tội. Kỳ thực, khi
Calixtô tự cho mình có quyền tha tội, ngài hẳn đã trở thành tiêu biểu cho một
trào lưu tư tưởng lúc bấy giờ. Và cũng chính vì chống đối lại với trào lưu đó,
mà Tertulianô đã đứng ra phi bác kịch liệt, phân biệt dứt khoát Giáo Hội siêu
nhiên và "Giáo Hội của các Giám mục", một Giáo Hội lạm dụng quyền tha
tội, mở đóng Nước Trời. Nhưng Tertulianô sẽ có những phản ứng như thế nào nữa
khi biết đến vị Giám Mục được mô tả trong cuốn Mô Phạm (La Didascalie)!
Mô phạm (Didascalie):
Hoặc việc mô tả Uy quyềnTối thượng
của vị Giám mục
Giáo Hội tại Syria đã để lại cho
chúng ta cuốn truyện ký Kitô giáo đầu tiên, đó là tập "Những Văn Phẩm Ngụy-Clêmentê", ngoài ra còn thêm một pho
tài liệu lễ qui rất phong phú được viết vào thập niên năm 230: Cuốn Mô Phạm (La
Didascalie). Dầu viết theo lối văn thể nào đi nữa, thì các bản văn đều cho thấy
chế độ tập trung quyền hành, đối với kitô hữu lúc bấy giờ, là một chế độ lý
tưởng cho xã hội dân sự cũng như đối với Giáo Hội. Chế độ nầy giúp tránh được
tình trạng tranh chấp trong cuộc sống xã hội. Trong một bài "giáo
huấn" ghi lại trong tập truyện ngụy-Clêmentê, nhân vật giả tưởng Phêrô
giảng thuyết trước lúc phong chức Giám Mục của cộng đoàn Césarée cho Zachée;
nhân truyện nầy, tác giả minh giải quy chế của chức vụ Giám Mục độc quyền trị
vì như sau: "Ngài nói, cộng đoàn tín hữu phải vâng phục một vị chỉ huy duy
nhất, để nhờ vậy, mọi người được sống trong thái hòa". Chế độ nầy, giống
như hình ảnh của một nền quân chủ, tập trung sự lãnh đạo vào một vị chỉ huy duy
nhất; với trật tự tốt lành (tạo được), nó sẽ làm cho con dân được hưởng an
bình. Trái lại, nếu mọi người đều muốn cai trị cả, và từ chối vâng phục một vị
chỉ huy duy nhất, thì chính do những việc chia rẽ, xích mích giữa họ với nhau,
mọi người sẽ đi đến một tình trạng phân rẻ không có cách gì tránh khỏi. Chúng
ta không có bằng chứng xảy ra rành rành trước mặt chúng ta hay sao? Ngày nay, ở
đâu cũng thấy có vua có chúa, chiến tranh vì thế cứ tiếp tục mãi không ngừng. Vị
nào cũng đứng ra gây chiến để dành quyền với vị khác. Nếu chỉ có một vị duy
nhất cai trị trên toàn trần thế nầy, thì đâu còn có cớ để gây nên chiến tranh,
và nhờ vậy một nền hòa bình vĩnh cửu có cớ được thực hiện. Nay ít nhất đối với
những kẻ được xem là đáng hưởng cuộc sống đời đời, Thiên Chúa lại thiết lập một
vị Vua duy nhất cho cả hoàn vũ, để nhờ vào thể chế quân chủ tập trung nầy, một
nền hòa bình có được thể hiện. Vậy, toàn thể cộng đoàn phải tuân theo sự lãnh
đạo của một người duy nhất và phải tôn kính người đó trên những kẻ khác như là
hình ảnh của Chúa [21].
Giám Mục: Người cha chắt
chiu
đàn con Giáo Hội.
Cuốn Mô phạm lấy lại quan niệm
về tổ chức cộng đoàn đó và triển khai thêm bằng việc lấy lại những hình ảnh
trong Cựu ước. Việc làm nầy dẫn đưa đến việc coi tập thể giáo dân như những
người con mọn trong gia đình: "Giám Mục thương mến giáo dân như con đẻ của
mình; ngài nuôi dưỡng và ấp ủ họ trong tình yêu nồng nhiệt của Ngài, chẳng khác
chi trứng được ấp để nở ra chim con; ngài săn sóc và làm cho họ nên trưởng
thành, như những con chim con được tập luyện để đạt đến tầm vóc của những con
chim me" [22].
Tình phụ tử của giám mục phải
được thể hiện rõ rệt nhất trong Bí tích Hòa giải. Nếu ai đáng phải bị trách
mắng, giám mục có bổn phận phải trách mắng, nhưng là để đưa họ vào đường ngay
chứ không chú tâm làm cho họ hư mất. . Qua việc bình giải cặn kẽ Ezéchiel
34, cuốn Mô Phạm kêu gọi giám mục trở
thành : "một mục tử từ bi, chứa chan tình yêu mến và thái độ ân cần, ngày
đêm luôn lo lắng cho đàn chiên. Là y sĩ của Giáo Hội, người mục tử tốt lành đó
đừng "giấu nghe" nhưng sẵn sàng chữa lành những ai còn đau yếu và tội
lỗi". Nhất là, giám mục đừng kiêu căng về quyền hạn của mình, đừng rơi vào
tình trạng mà Chúa đã lên án qua lời Ngài nói: " Các người xử đối với họ
một cách bạo tàn và làm cho họ phải xấu hổ".[23]
"Các người đừng hay nóng
nảy và gây sự, các người đừng khinh thị, cao ngạo, vênh váo[24].
Đây là câu kết của chương bàn về
các giám mục. Sở dĩ nó được viết ra rõ ràng như thế là do mối nghi ngại về
những nguy cơ và những lạm dụng khó tránh khỏi, khi quyền uy tuyệt đối được
trao vào tay một người. Tác giả cuốn Mô Phạm thấy rõ việc nầy, nên bắt buộc
phải nhấn mạnh đến phương cách mà giám mục phải noi theo trong việc hành xử
quyền hạn của mình trên giáo dân: "Người đừng lãnh đạo họ bằng bạo lực,
đừng khắt khe, phán đoán vội vàng, tàn nhẫn vô tâm, khinh khi dân chúng dưới
quyền mình và từ chối giải hòa cho họ" [25]. Giám Mục
không được đối xử khắt khe với con dân, bởi vì con dân có thể bỏ Giáo Hội, và
lúc bấy giờ, giám mục lại chịu trách nhiệm về sự ra đi nầy: "Ai xua đuổi
một người ra khỏi Giáo Hội mà lòng không thương xót, thì không khác gì giết
người đó một cách ác độc và đổ máu người đó một cách vô tâm" Nếu giám mục
từ chối tha tội, thì Chúa sẽ hứa cho vị đó của ăn (đặc biệt) là lửa thiêu đốt
đời đời [26].
Một mặt tác giả Mô Phạm kêu gọi
giám mục phải khoan hòa với giáo dân, thì mặt khác tác giả cũng nhấn mạnh đến
bổn phận của Giáo Hội trong việc tuân phục giám mục: "Giáo dân hãy thương
mến nhau, hãy thương mến giám mục, trọng vọng và tôn kính vị nầy như một người
cha, như người chủ và như là Chúa, sau Thiên Chúa Toàn Năng (mà thôi); bởi lẽ,
chính qua các thánh Tông đồ, đã có lời nói về vị nầy như sau: "Ai nghe các
con là nghe Thầy, và ai khinh dể các con là khinh dể Thầy, cũng như Đấng đã sai
Thầy" [27].
Tôn kính (honorer):
Vinh dự (honneur)
và sự trọng đãi (honoraire).
Dường như trong bất cứ ngôn ngữ
nào, chữ "tôn vinh" (= trọng đãi) lại có nghĩa rất mập mờ. Việc dịch
lại chữ đó từ cuốn "Mô Phạm" phản ảnh ý nghĩa hạng hai nầy. Bản dịch
tiếng Syria (từ bản gốc bằng tiếng Hy Lạp) trình bày ở chương 26 cuốn II. Với
cách viết tựa đề chương nầy như sau: "Bài dạy dân chúng biết "tôn
kính" (honorer) vị Giám Mục"; nhưng những dịch giả Ả rập và Êthiopia
lại chuyển tựa đề nầy thành "về việc người giáo dân có bổn phận dâng lễ
vật cho Giáo Hội tùy theo sức mình". Sự kiện ý nghĩa hạng hai nầy cho thầy
có tình trạng biến đổi trong các mối tương giao giữa giám mục với giáo dân, và
đặc biệt nói đến vai trò "tài chánh" của giáo dân [28].
Trớ trêu thay, lời kêu gọi trong
cuốn Mô Phạm gửi cho giáo dân thúc đẩy những người nầy đóng tiền trợ cấp (thuế
thập phân: dime) cho giám mục, lại là bản văn ghi lại một trong những định
nghĩa đẹp đẻ nhất về người giáo dân, vừa tao nhả lại vừa súc tích về nội dung
thần học: "Hỡi người giáo dân, là Giáo Hội được Chúa chọn, anh em hãy lắng
nghe lời nầy. Phải, dân đầu tiên (dân Do thái), được gọi là Giáo Hội, nhưng
(phần anh em), anh em (được gọi là) Giáo Hội Công giáo, thánh thiện và hoàn
tất, là tư tế vương giả, đoàn thể thánh, dân hưởng thừa tự, đại Giáo Hội, hôn
thê làm đẹp lòng Chúa là Thiên Chúa" [29]. Tiếp
liền theo đó, bản văn nhắc nhở những bổn phận hết sức cụ thể của cái tên gọi
đẹp đẽ đó: "Ngoài những gì đã nói, giờ đây hãy lắng nghe thêm; hãy tuân
giữ việc dâng cúng lễ vật, các khoản đóng góp, và những hoa trái đầu mùa cho
Chúa Kitô, vì Thầy Cả Thượng phẩm đích thực, và cho các thừa tác viên của Ngài,
- (nhất là phải đóng) các khoản trợ cấp (dùng để nuôi dưỡng các vị nầy là 10%
tiền thu nhập, đúng như cái tên gọi của nó (dimes) [30]. Qua đề
tài tiền trợ cấp 10%, tác giả cuốn "Mô Phạm" đã nhân dịp để đối chiếu
dân cũ và dân mới, đồng thời mô tả những thừa tác vụ đa biệt được thể hiện
trong cộng đoàn lúc bấy giờ. "Hỡi Giáo Hội Công giáo của Chúa hãy lắng
nghe, anh em đã được cứu thoát khỏi mười tai ương, đã thụ nhận mười điều răn,
đã biết Lề luật và đã bảo vệ được đức tin vào Đấng "chữ Yod", vào cơ
nguồn của Danh Xưng, và được vững mạnh nhờ sự sung mãn của vinh quang nơi Ngài.
Thay vì những lễ vật ngày trước, anh em hãy dâng lời kinh, những lời nguyện cầu
và lời cảm tạ. Thay vì những hoa trái đầu mùa, những khoản đóng góp 10%, những
lễ vật dâng cúng (theo lối thờ phượng ngày xưa) nay có những lễ vật dâng lên
Chúa do những vị giám mục, tức là các vị lãnh đạo của hàng tư tế, những Thầy Cả
và những vị tư giáo Lêvi nay là các linh mục, các phó tế, các bà góa và những
kẻ mồ côi [31].
Đoạn sau nầy, sẽ chấm dứt chương
đó bằng việc trở lại ý nghĩa lúc ban đầu của chữ "tôn kính". Ở đây
tác giả lại dùng một lối văn "nhân hình hóa" và tượng trưng để liệt
kê các chức vụ mà giáo dân phải tôn kính:
"Giám Mục là vị Tư tế và là
thủ lãnh hàng tư tế; ngài là thừa tác viên của Lời (Chúa) và là người
trung gian, ngài là thầy dạy của anh em và là người cha sau Thiên Chúa. Ngài đã
sinh anh em bằng nước, là người chỉ huy và lãnh đạo anh em, ngài là một vị vua
quyền uy dẫn dắt anh em thay cho Thiên Chúa Toàn Năng. Hãy tôn kính ngài như
Chúa, bởi vì đối với anh em, Giám Mục là vị Đại diện Chúa Toàn Năng. Vị Phó tế
đại diện Chúa Kitô và anh em phải yêu mến vị ấy. Anh em hãy tôn kính vị Phó tế
phụ nữ, đại diện Chúa Thánh Thần. Hãy xem các bô lão như các vị Tông đồ, những
bà góa và các kẻ mồ côi như bàn thánh" [32].
Vì
anh em, hỡi giáo dân, mà có lời nầy:
"Các con đừng xét
đoán để khỏi bị xét đoán"
Theo cuốn "Mô Phạm", giám mục có một quyền bính tối thượng, từ trời
ban, thống trị trên tâm hồn và trên thể xác; nên phải yêu mến ngài như là một
vị Chúa tể [33].
Tuy một đoạn văn với lối viết còn trục trặc (như thường thấy ở trong toàn cuốn
Mô Phạm), ta chứng kiến tương quan trồng tréo giữa ơn ích Chúa ban và tặng vật
giáo dân phải dâng cúng cho giám mục. Giáo dân phải "trọng đãi" giám
mục, mang đến những hoa quả và công lao vất vã của cuộc sống hằng ngày để giám
mục chúc phúc cho những lễ vật đó. "Hãy dâng cho vị ấy những hoa trái đầu
mùa, những khoản trợ cấp 10%, những lễ vật và qùa biếu; (giám mục) cần phải
sống nhờ vào những của dâng cúng đó, và ngài còn phân phát lại cho những kẻ
túng thiếu theo nhu cầu của họ. Như thế, của dâng cúng của anh em sẽ được khấng
nhận trước nhan Chúa, là Thiên Chúa của anh em như hương hoa an bình trên trời
cao trước nhan Chúa là Thiên Chúa của anh em, Chúa sẽ chúc lành cho anh em và
ban thêm cho anh em những của cải mà Ngài đã hứa, như sách Khôn Ngoan đã chép:
Những tâm hồn đơn sơ đều sẽ được chúc lành, và sự chúc phúc của Chúa sẽ đổ
xuống trên những ai dâng cúng" [34].
Vì có sự trao đổi giữa người và
Chúa, một sự tương giao thần thánh mà tâm tình "cho đi để nhận lại"
(do ut des) hẳn cũng còn vương vấn khá nhiều, nên chức vụ Giám Mục (như là
trung gian trao đổi) hẳn nhiên phải chiếm một vị thế quan trọng trong sinh hoạt
xã hội, cũng như trong quan niệm thần học. Theo sự giải thích thần học của chức
vụ Giám Mục, vai trò trung gian của vị nầy là vai trò của Thầy Cả Thượng phẩm
trong Cựu ước; Ngài được công nhận như là trung gian giữa con người và Thiên
Chúa [35]. Chức vụ
trung gian quả là cao trọng, nên tác giả cuốn Mô Phạm khuyên giáo dân đừng
phiền hà đến vị giám mục, mà chỉ nên trực tiếp tiếp xúc với các vị phó tế mà
thôi: "Vì thế, dù ở đâu, giáo dân cũng phải trọng đãi giám mục một cách
phải lẽ, bằng những lễ vật, lòng ngưỡng mộ và sự kính trọng theo đúng lễ phép
bề ngoài, (giáo dân) phải đặt tin tưởng nhiều vào các vị Phó tế; đừng mãi làm
phiền vị lãnh đạo của họ, nếu muốn trình bày việc gì, họ có những vị
"hupèrétai", tức là các phó tế để lắng nghe họ, bởi lẽ không ai có
thể đến với Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng ngoài Chúa Kitô. Nên qua trung gian
các vị phó tế, (giáo dân) sẽ trình cho giám mục những gì họ muốn, sau đó họ mới
được làm" [36].
Quan niệm thần học đề cao tầm
quan trọng quá mức của chức vị giám mục đã đem lại một hệ luận có tính cách
định chế: người giáo dân không có quyền hạch hỏi giám mục về tình trạng những
của cải mà họ dâng cúng. Họ không được phê phán phương cách giám mục "Quản
trị và điều hành sinh hoạt kinh tế của ngài về việc xét xem ngài đã cho khi
nào, cho ai, ở đâu, đúng, sai hay hợp với lẽ phải (hay không). Chỉ có Chúa là
Thiên Chúa mới đoán xét việc nầy, (vì) chính Chúa đã trao nhiệm vụ đó cho giám
mục, và đã thừa nhận rằng vị đó xứng đáng với chức tư tế, đi đôi với vị thế
(phải có)" [37].
Nội dung cuốn Mô Phạm hẳn là
tương phản với những đòi hỏi của một vài kitô hữu vào cuối thế kỷ 20. Khi họ
muốn được tham dự vào việc quản trị tài sản của Giáo Hội, hoặc ít nhất được quyền
có tiếng nói. "Anh được lệnh phải cho, còn ngài có bổn phận phải phân
phát" [38].
Đó là một xác quyết có tính cách khẳng định của cuốn nầy, được viết ra để chỉ
dẫn phương thức quản lý những sinh hoạt của cộng đoàn kitô giáo tại Syria vào
thế thế kỷ XIII. "Đừng canh chừng vị giám mục, đừng xét đoán ngài, để nhà
ngươi khỏi nói bậy, khỏi chống lại Chúa Trời và khỏi xúc phạm đến Chúa
(Kitô)" [39].
Hậu quả hết sức hữu lý của thái
độ nầy, là việc hạ thấp (vai trò và) vị thế của giáo dân. Người giáo dân luôn
luôn phải tâm niệm lời đã viết trong Jérémia: "Bùn đất có nói với người
thợ gốm rằng: ông không làm việc đi, ông không có tay sao? Cũng như con cái có
thể nói được với cha mẹ mình: tại sai lại sinh ra tôi? Như thế có được phép
chăng?" [40].
Sự thấp bé của hàng ngũ giáo dân trong khuôn khổ thần học lại được đền bù bằng
việc họ sở đắc của cải nơi trần thế. "Sức mạnh của anh en là của cải trần
thế nầy" [41].
Tuy vậy, vì kho tàng nầy có thể hư nát, nên tốt hơn họ phải tích lũy của cải
trên trời. "anh em đừng chỉ yêu mến Chúa bằng môi miệng, như hạng người mà
Ngài nhắc đến để trách cứ: Dân nầy tôn thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng họ thì
xa Ta". Nhưng anh em, anh em hãy yêu mến và tôn thờ Chúa với tất cả sức
lực của anh em. Hãy trung thành trong việc đóng góp của dâng cúng và đừng đứng
ra ngoài Giáo Hội. Khi anh em đã nhận Mình Thánh Chúa trong hy lễ, hãy trao
những gì mang trong tay (những gì mang sẵn theo), để sau đó hòa đồng vào với
những người trong cộng đoàn, bởi lẽ của dâng cúng đó sẽ được thu góp hết cho
giám mục, cho tất cả những người trong cộng đoàn [42].
Người giáo dân có được của cải
trần thế, phải biết "trọng đãi" giám mục, tôn kính ngài và đóng góp
tiền trợ cấp (= đãi ngộ). Nhờ vậy, họ sẽ không đến trước mặt Chúa mà không có
gì trong tay [43].
Cuốn Mô Phạm còn khuyên thêm: anh em hãy làm việc nghĩa, để mưu lấy kho tàng
vĩnh cửu trên trời, ở đó mối mọt không phá hủy và trộm cắp không lấy đi được
Mattheu 6, 20 cité par Didascalie II, 36,6. Nhưng, giáo dân đừng nghĩ rằng vì
đã đóng góp họ có một quyền hành nào đó trên giám mục. Họ chỉ được lãnh phần
thưởng của họ trên Nước Trời; dưới thế nầy, họ chỉ biết tôn kính giám mục của
họ, chứ không được xét đoán ngài.
"Anh em phải sống thế nầy:
đừng xét đoán giám mục của anh em, cũng như người đồng hành với anh em, bởi vì
cho chính anh em mà có lời nói rằng: Các con đừng xét đoán để khỏi bị xét
đoán" Luca 6,37. Nếu anh em xét đoán anh em mình, và lên án người nầy, anh
em nghĩ là người đó lỗi, nhưng thực ra chính anh em đã tự lên án mình, và sẽ bị
xét đoán chung với những kẻ tội lỗi. Chỉ có giám mục mới có quyền xét đoán, vì
có lời chép về các ngài: "Các con hãy trở nên những kẻ ban phát tốt
lành" [44].
Vị
trí sắp xếp trong cộng đoàn
khi cử hành Thánh lễ.
Nhân cơ hội bàn đến sự tương
giao giữa của cải vật chất và ơn ích siêu nhiên, trong khuôn khổ của tương quan
giữa giám mục và giáo dân, cuốn Mô Phạm đã minh định được vị thế riêng biệt của
giáo dân. Giám mục có bổn phận phải khuyên dụ giáo dân tụ họp tại giáo đường [45], lo làm
sao cho mỗi người ổn định tại chỗ dành riêng cho mình. Những Linh mục có chỗ
dành riêng ở phía đông của nhà thờ; ở chính giữa là bệ ngồi của giám mục. Rồi
giáo dân sẽ được sắp xếp trong buổi lễ tùy theo thứ tự được coi là hợp tình hợp
lý, đúng với tâm thức thời bấy giờ: Trước hết, là đàn ông, sau đó mới đến đàn
bà; những kẻ già cả thì có chỗ ngồi riêng, thanh niên thì đứng hoặc ngồi tùy
còn có ghế hay không; con nít thì được tập trung lại một nơi có cha mẹ canh
giữ. Cuốn Mô Phạm đã định việc sắp xếp nầy bằng cách chia ra ba nhóm:
"Những vị lãnh đạo cộng đoàn (giám mục, có thể có những linh mục), những
người thường tục và sà sau hết là đàn bà [46]. Nếu ta
dịch chữ "người thường tục" thành "người giáo dân", thì hẳn
các bà không phải là giáo dân. - "Vị phó tế có bổn phận sắp xếp mỗi người
có một chỗ và đừng để ai ngồi không phải ghế của mình. Vị nầy cũng xem chừng
đừng để ai nói chuyện, ngủ, cười hoặc làm dấu hiệu lung tung" [47].
Tất cả những lo toan sắp xếp thứ
tự trong lúc cử hành lễ là nhằm gây cho mỗi người trong cộng đoàn ý thức và tôn
trọng cương vị của mình. Khốn cho người nào bạo gan lạm dụng những chức vụ tế
lễ!
"Cũng như người (ở ngoài),
nghĩa là kẻ thuộc hàng tư tế (Lêvi), không được phép đến gần bàn thánh, hoặc
dâng bất kỳ lễ vật gì mà không qua tay Thầy Cả Thượng phẩm, thì anh em cũng
vậy, anh em không được tự tiện việc gì mà không qua tay giám mục. Nếu có ai tự
tiện làm việc gì bất chấp giám mục, thì việc làm đó vô ích, vì đó không phải là
phận việc của người ấy. Thật vậy, không nên làm bất cứ điều gì bên ngoài vị
lãnh đạo hàng tư tế. Do đó, anh em hãy mang lễ vật đến cho giám mục, hoặc trực
tiếp bởi anh em hay nhờ trung gian của các phó tế; khi ngài đã nhận các lễ vật
nầy, ngài sẽ phân ban một cách phải lẽ" [48].
Cuốn Mô Phạm được trước tác một
cách hoàn bị vào khoảng thập niên 230, nên đã ghi chép những nội dung sinh hoạt
đã có từ trước niên kỷ nầy nữa. Theo bản văn chung kết nầy, ta thấy chức vụ
"tư tế" của giám mục chưa hoàn toàn được xác định trong khuôn khổ
thuần tế tự hoặc chỉ liên quan đến Thánh lễ mà thôi. Trái lại, cuốn "Định chế Giáo Hội các Tông đồ"
hiệu đính cuốn Mô Phạm vào năm 350, lại khai triển thật chu đáo việc cấm chỉ
vấn đề lạm dụng các chức vụ tư tế, đồng thời nêu đích danh người "giáo
dân" khi bàn đến người bạo gan dám qua mặt các vị Thượng tế (tức là Giám
Mục).
Như Saulô, vì đã tế lễ khi không
có mặt Samuel, nên phải chịu lời trách mắng: "Mầy hành động một cách điên
rồ". Cũng vậy, giáo dân tự ý làm gì mà không có linh mục, thì chẳng qua
chỉ làm một việc vô ích. Như vua Ozias, không phải là tư tế, mà đã hành xử chức
vụ tư tế nên bị bệnh cùi; cũng vậy, người giáo dân làm sao tránh khỏi bị trừng
phạt, một khi dám khinh dễ Thiên Chúa, xúc phạm hàng tư tế và tự phong cho mình
chức vụ nầy. Người đó không bắt chước Chúa Kitô, chính Ngài đã không tự phong
cho Ngài vinh dự Giáo Chủ, nhưng lắng nghe tiếng Cha Ngài phán về Ngài:
"Chúa đã hứa và không nói sai lời Ngài hứa bao giờ: Con là Thầy Cả đời đời
theo dòng dõi Melchisedech" [49].
Tiếp theo đoạn nầy, tác giả nhắc
lại bản văn Cựu ước liên quan đến đoạn trước đây (Clêmentê thành La Mã) dùng để
gợi lên chữ "giáo dân" lần đầu tiên trong các văn phẩm Kitô giáo [50].
"Nếu Chúa Kitô không tự
phong cho mình (tước hiệu) vinh quang mà không cần đến Cha Ngài, làm sao một
con người có thể sở đắc chức tư tế, mà không cần đến một vị bề trên để phong
chức vụ đó cho mình? (làm sao người đó) có thể thực hiện được những điều mà chỉ
có hàng tư tế mới có quyền làm? Dẫu thuộc về chi tộc Lêvi, nhưng vì đã đứng lên
chống lại Môisen và Aaron, vì đã dám làm những việc không thuộc chức phận mình,
những người theo Corê đã không bi lửa thiêu cháy hay sao? Đatan và Abiran đã
không đang sống mà đi vào âm phủ hay sao? Và chiếc gậy "đâm chồi nẩy
lộc" đã không làm tán loạn lũ điên rồ đó hay sao? (Chiếc gậy) đó không chỉ
định vị Giáo chủ do Thiên Chúa chọn hay sao?" [51].
Việc tề gia của người giáo dân
Cuốn Mô Phạm cho thấy giám mục
là trung tâm chỉ đạo mọi công việc, và hơn hết, giống như Chúa, ngài là người
Cha trong Giáo Hội của Ngài. Noi theo gương của các giám mục và là hình ảnh của
vị nầy, những người Cha (gia đình) kitô hữu, (nghĩa là) những giáo dân phải
biết chu toàn việc quản lý gia đình mình. Trước tiên,, họ phải dạy cho con cái
biết một nghề làm ên, và nếu được một nghề nào có ích cho tôn giáo. Người cha
tốt không được chiều con, phải biết dạy dỗ con cái và làm cho chúng biết vâng
phục. Muốn được như vậy, người làm cha đừng ngại dùng đến roi vọt, khi thấy
cần.
Anh em hãy dạy cho con cái biết
Lời Chúa, hãy nghiêm trị bằng roi vọt, và bắt con cái biết tuân phục lời dạy dỗ
đạo hạnh của mình ngay từ khi chúng còn bé. Đừng cho phép con cái ngỗ nghịch
với chính anh em (và) bề trên của chúng. Đừng cho phép chúng tự tiện làm bất cứ
điều gì mà không hỏi ý kiến của anh em; đừng cho chúng tụ họp, chơi bời với
những đứa trẻ cùng trang lứa, bởi vì chúng sẽ học thói phù hoa, bị lôi cuốn
theo dục vọng và rồi sẽ hư hỏng [52].
Khi đã dạy con nên người, người
cha còn có bổn phận chọn vợ cho con và cưới hỏi cho chúng "kẻo do nhựa
sống đầy tràn của tuổi xuân, chúng lại sinh ra hoang dâm như kẻ ngoại giáo, và
vì chính anh em còn phải trả lẽ với Chúa là Thiên Chúa trong ngày phán xét (về
việc nầy)" [53].
Tác giả cuốn Mô Phạm còn khuyên
kitô hữu nào không có con cái hãy nhận nuôi dưỡng một trong số những trẻ em
kitô hữu mồ côi, dù nó là trai hay gái: "Tốt lành biết mấy, nếu có ai
trong anh em không có con cái, vui nhận đứa bé trai nầy làm con mình -, nếu ai
đã có con trai thì nhận đứa bé gái nầy (để nuôi dưỡng) và sẽ cưới cho con trai
mình khi chúng đến tuổi, để hướng cuộc đời con mình vào việc phụng sự
Chúa" [54].
Nếu không có đứng ra nhận nuôi
những trẻ mồ côi kitô hữu nầy, thì thông thường giám mục sẽ trực tiếp đứng ra
cáng đáng việc nầy; "Hỡi các giám mục, các ngài phải lo nuôi dưỡng chúng,
đừng để chúng phải thiếu thốn. Khi cô gái đã đến tuổi, hãy tính chuyện gia thất
cho cô với một trong những người anh em. Cũng vậy, khi chú trai đã khôn lớn,
hãy lo cho nó học nghề; đến khi nó trưởng thành, hãy cho nó lãnh lương tương
xứng với việc nó làm, hãy giúp nó có phương tiện cần thiết để lập thân, khỏi lệ
thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, vì mấy khi sự giúp đỡ lại không có những hậu
ý và những thái độ giả nhân giả nghĩa trong đó" [55]. Giám Mục
lại cáng đáng thay cho kitô hữu vì họ bất cập! Một lối bổ khuyết xem ra nghịch
thường; tuy vậy nó cũng có thể giải thích được vì cộng đoàn kitô hữu đã đóng
quỉ trợ cấp 10%, và như thế thì họ cũng đã chu toàn bổn phận chính yếu của giáo
dân: "Phúc thay cho những ai có thể tự lập lấy thân (có thể cúng thí của
cải) để khỏi rơi vào hoàn cảnh của người mồ côi, người góa bụa và người xa
xứ" .[56]
Bà
góa, một hạng "giáo dân" kỳ lạ?
Cuốn Mô Phạm đã dành nhiều đoạn
thật dài để bàn về các bà góa. Tình trạng của họ đặt ra nhiều vấn nạn cho giới
hữu trách của các cộng đoàn vào đầu thế kỷ thứ III. chúng ta đã thấy, nhân việc
nói đến các bà góa, cuốn "Truyền
Thống Tông đồ" đã đưa ra định nghĩa đầu tiên về hàng giáo sĩ Kitô
giáo. Muốn sâu sát hoàn cảnh thời đó, ta nên lưu ý đến những gì có liên quan
đến tình trạng góa bụa của các bà, và đồng thời đừng quên những gì chúng ta đã
biết được về việc quản trị tài sản trong cộng đoàn. Dĩ nhiên, bà góa là người
phụ nữ đã mất chồng. Trên phương diện hôn nhân, bà có thể nghĩ đến chuyện tái
hôn. Về mặt vật chất, nếu bà gặp hoàn cảnh túng thiếu, thì cộng đoàn phải tìm
cách nuôi dưỡng và bảo đảm cho bà có mức sống tối thiểu. Giả dĩ bà là người
giàu sang, e rằng không thiếu nơi ngắm nghé để đón rước bà về nhà!
Chúng ta nhớ rằng, vì những lý
do có tính cách thần học: - chuyện tái hôn - một hình thức được xem là đa hôn
kế tục - là chuyện được coi như không mấy hay ho đối với kitô hữu vào thế kỷ
thứ III. Do đó, bằng mọi cách, phải giúp các bà góa khỏi phải tái hôn vì lý do
kinh tế. Nếu ta đã đọc cuốn Mô Phạm, ta thấy bà góa được xếp vào danh sách
những người cần được cộng đoàn trợ giúp: cùng với những kẻ mồ côi, những kẻ
nghèo túng, những người xa xứ, bà thuộc vào thành phần những người ưu tiên,
được Giám mục lo lắng, vì ngài là quản lý của cộng đoàn[57]. Với danh
nghĩa là những kẻ được cứu trợ, các bà góa và những kẻ mồ côi được coi là bàn
thánh [58], bởi vì
một phần trong số những đồ dâng cúng của tín hữu sẽ dành cho các bà. Nhân vì sự
so sánh nầy, tác giả cuốn Mô Phạm đã khuyên các bà đừng mãi đi đây đi đó:
"Bà góa nên biết rằng, bà là bàn thánh của Chúa: bà nên thường ở trong
nhà, đừng lang thang đi đây đi đó từ nhà nầy đến nhà nọ trong cộng đoàn như là
đi xin ăn, bởi vì đền thờ của Thiên Chúa không đi lang thang, rong ruỗi khắp
nơi bao giờ, nhưng lại ở một chỗ nhất định" [59].
Người được tín hữu cứu trợ dĩ
nhiên phải cầu nguyện cho kẻ làm ơn làm phước cho mình: "về vấn đề bàn
thánh, - ước gì các bà góa, được nuôi dưỡng bởi bàn thánh công chính, dâng lên
Chúa Toàn Năng lời kinh thánh thiện và đáng được Người lắng nghe (họ phải cầu
nguyện cho người ân nhân), qua trung gian của Con yêu dấu và của Chúa Thánh
Thần, chúc tụng và vinh quang đều qui về Ngài từ đời nầy đến đời khác" [60]. Ngoài
ra, đối với người bố thí, cuốn Mô Phạm đặc biệt nhắc nhở cộng đoàn phải lưu ý
đến việc làm của họ. Tiền tài rất dễ mê hoặc con người, nên giám mục là vị quản
lý "những kho tàng Thiên Chúa"
hãy tỉnh táo, coi chừng thái độ sống của kẻ gia ơn. Ngài đừng nên nhận tiền bạc
của những kẻ giàu có đã bắt bớ người khác vào tù ngục (dù người ta vô tội), -
của những kẻ hành hạ tôi tớ, hoặc ăn ở trái phép trong cuộc sống xã hội, hoặc
áp bức người nghèo - của những kẻ sống cuộc đời đồi trụy và dâm ô - của kẻ tàn
ác - của kẻ ăn hô nói thừa - của những trạng sư bất chính - của bọn cáo gian -
của kẻ quan án vô tâm - của những kẻ vẽ, khắc tượng thần - của bọn trộm cướp
làm đồ vàng, đồ bạc, đồ đồng - của những người thu thuế bất công - của những
người bói toán - của những người cân đo gian dối hoặc buôn bán bất lương - của
bọn chủ nhà hàng trộn nước vào rượu - của binh lính sống bất chính - của những
kẻ giết người - của những đao phủ thủ - của bọn quan quyền trong Đế quốc La Mã
lo gây chiến, đổ máu người vô tội, phạm đến đức công chính, phân xử ngạo ngược,
và vì muốn lấy của người đã đối xử trái phép và giải hoạt đối với người ngoại
giáo, những người nghèo và những người thờ cúng bụt thần - của những kẻ vô liêm
sỉ - của những kẻ cho vay ăn lời và của bọn hà tiện [61]. Một danh
sách dài lê thê như thế, chứng tỏ rằng bản tính con người thời nào cũng thế; và
ta tự hỏi không biết bà góa còn tìm đâu ra được những ân nhân" sống công
chính khả dĩ nhận nơi họ chút gì nuôi thân!
Chính vì "đã được no đầy do
bánh công chính" mà thôi, nên bà góa mới có thể dâng lên Chúa lời kinh
tinh khiết. Được giúp đỡ và nuôi dưỡng do cộng đoàn, bà góa phải dành thì giờ
của mình để hoàn thành phận vụ chính yếu là cầu nguyện cho các ân nhân của mình
và cho toàn Giáo Hội. Nhưng cuốn Mô Phạm lại dường như (có một cớ gì đặc biệt)
cố nhấn mạnh thật kỹ đến cung cách phải có trong cuộc sống của bà góa."Bà
góa phải đằm thắm, ôn hòa không lưu manh và đừng hay nóng giận, đừng đa ngôn,
đừng gây gổ, đừng lép xép chuyện người, đừng ngồi lê đôi mách. Nếu có thấy, có
biết một việc gì xấu, mà nên coi như không thấy, không nghe" [62].
Hẳn nhiên, những lời khuyên nầy
chẳng mấy khi được nghe theo! Chân dung những bà góa không tốt sau đây chứng tỏ
rằng mẫu bà góa lý tưởng được tác giả cuốn Mô Phạm chủ trương quả còn qúa xa
với thực tế hằng ngày. Các bà lang thang đi từ nhà nầy qua nhà khác, như kẻ
"mù quáng chỉ nghĩ đến việc đi xin thêm" [63];
"bởi vì các bà lắm lời nói càn, nói bậy và thóc mách điều xấu của người ta
nên gây ra những chuyện cãi vã, và trở thành lỗ mãng, vô liêm sỉ" [64].
Ngoài ra những bà góa xấu tính
như thế lại còn muốn lợi dụng "qui chế được cứu trợ" để nhận nhiều
hơn phần của mình, và để nhận trực tiếp, không qua trung gian của giám mục hay
các phó tế.
"Chúng ta chứng kiến những
bà góa lạm dụng qui chế của mình (để biến nó) thành một cứ sở làm ăn; các bà
hốt vào thật nhiều, và thay vì làm việc nghĩa và trao cho Giám mục để đón nhận
người xa xứ, dỗ dành kẻ túng bấn, các bà lại lấy tiền đó cho vay ăn lời thật
cao. Các bà chỉ biết lo cho tiền; túi tiền và bao tử là chúa tể của các bà ấy;
kho tàng của các bà ở đâu lòng trí các bà ở đó" [65].
Theo như cuốn Mô Phạm, các bà
tham lam, láo khoét, ghen tương và làm cho Giám Mục rất khó xử trí về tình
trạng các bà. Đúng thật, họ là "kitô hữu kỳ lạ". Nhưng ta có thể nói
rằng đó là "những giáo dân" hay không?
Vai trò và qui chế
của phụ nữ trong Giáo Hội.
Gần đây có nhiều biên khảo về vị
thế và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội; tuy nhiên, theo chỗ chúng tôi biết,
không một tác phẩm nào đặt vấn đề xem người phụ nữ có được xếp vào hàng ngũ
giáo dân hay không .[66]Một vài tác giả đã đi quá xa nội
dung các bản văn (lễ qui) và chủ trương rằng người phụ nữ đã thuộc vào thành
phần của hàng giáo sĩ, nhất là khi đọc đến từ ngữ "nữ phó tế"; nhưng
(có điểm người ta không lưu ý là) họ không vượt qua được tiên kiến cho rằng hễ
không phải là giáo sĩ, thì đương nhiên phải là giáo dân, như các đọc giả ngày
nay thường quan niệm. Thật ra, hoàn cảnh thực tế của phụ nữ kitô hữu, ngay từ
những thế kỷ đầu, phải chăng lại buộc ta đặt câu hỏi một cách khác hơn không!
Chúng ta thử bắt đầu bằng việc
trở lại cuốn Mô Phạm để nghiên cứu những vai trò được phụ nữ đảm đang trong
Giáo Hội. Hãy trở lại trường hợp các bà góa: bà là người phụ nữ được cộng đoàn
cứu trợ, thường là đã có tuổi; để đền bù sự giúp đỡ của kẻ khác, bà phải lo cầu
nguyện và làm một vài công tác lặt vặt cho cộng đoàn. Ngoài các bà, cuốn Mô
Phạm còn nhắc đến hai nhóm phụ nữ cũng sinh hoạt trong cộng đoàn, đó là các bà
góa "được qui chế hóa" và các phó tế phụ nữ.
Những bà góa "được qui chế
hóa" hay được "chỉ định", tạo thành một hàng ngũ xã hội riêng
biệt: hàng ngũ các bà góa: "Chèrikon".
Muốn gia nhập hàng ngũ nầy, cần đáp ứng một số điều kiện: các bà ít nhất phải
đến 50 tuổi, với tuổi nầy, các bà được tin nhận là không còn muốn tái hôn.
Người ta không đưa các bà góa trẻ tuổi vào hàng ngũ nầy, nhưng tìm cách giúp đỡ
họ, sợ rằng vì túng thiếu họ lại muốn lấy chồng lại chăng! Ngoài việc cầu kinh
và chay tịnh, các bà góa còn có bổn phận đi thăm người bệnh và đặt tay trên họ,
nhưng các bà không được làm gì bất kỳ khi không được phép của giám mục hay vị
phó tế. Tuy vậy, những bà góa tuổi đã cao, được qui chế hóa, nhập vào một hàng
ngũ riêng, lại hay bị cámdỗ muốn đóng một vai trò quan trọng trong cộng đoàn,
ít nhất trong giới phụ nữ với nhau. Giả dĩ, tác giả cuốn Mô Phạm đã nhấn mạnh
đến việc cấm chỉ các bà rửa tội và giảng dạy, chẳng qua vì một vài bà góa đã
mưu toan những việc đó.
Cũng như các phụ nữ khác, các bà
góa không có quyền rửa tội:
"Chúng ta cấm chỉ việc phụ
nữ rửa tội, cũng như việc để cho phụ nữ rửa tội cho mình, bởi vì việc đó trái
với trật tự, và nguy hại cho người hành xử việc nầy cũng như người thụ nhận.
Nếu chấp thuận để cho một phụ nữ rửa tội cho mình, thì Chúa và Thầy chúng ta đã
chịu phép rửa bởi Mẹ Ngài, là Maria, nhưng Ngài lại nhận phép đó bởi Gioan như
bao nhiêu kẻ khác trong dân chúng. Anh em đừng rước tai ách đó vào mình, khi
sống (như vậy là ở) bên ngoài lề luật của Phúc Âm" [67].
Một thế kỷ sau đó, người biên
tập cuốn "Những định chế Tông
đồ" sẽ khai triển việc cấm chỉ nầy, dựa trên hai lý chứng: - Về bản
tính người nam và bản tính người nữ - mệnh lệnh của Chúa Kitô.
"Về việc phụ nữ rửa tội, -
chúng tôi sẽ cho anh em thấy mối nguy hiểm nghiêm trọng mà các bà bạo gan dám
làm vấp phải. Sở dĩ chúng ta không cho phép việc đó, vì đó là một việc làm
không chắc chắn (có giá trị), hoặc đúng hơn nó bất hợp pháp và nghịch đạo. Thật
vậy, nếu đầu của phụ nữ chính là người nam, thì chính (vì thế) người nam đã
được chọn để nhận chức tư tế; khinh thị việc tạo dựng (của Chúa) để bỏ người
xuất hiện trước mà đi tìm thân xác đến sau, là việc làm bất chính! bởi vì phụ
nữ là thân xác của người nam, phát sinh từ sườn của người nầy, phục lụy và khác
biệt với người đó trong mục tiêu sinh sản con cái. Có lời đã viết về việc nầy
như sau: "Người đàn ông sẽ thống trị trên ngươi, bởi lẽ người đàn ông là
thủ lãnh của người đàn bà, vì ông ta là đầu của ". Nếu trước đây chúng ta
đã cấm chỉ các bà giảng dạy, làm sao nay có thể đồng ý việc cho các bà hành xử
chức tư tế, đi ngược lại với tự nhiên? (Vì) sự sai lạc trong việc lập ra những
nữ thầy cả để phụng thờ các nữ thần, giai do ở học thuyết vô thần của người
ngoại giáo mà ra, chứ không bắt nguồn từ lời chỉ dạy của Chúa Kitô" [68].
Cuốn Mô Phạm đã cấm chỉ các bà
góa giảng dạy, và ngay cả trả lời những câu hỏi người ta có thể nêu lên về
"sự công chính và đức tin vào Chúa". Nhưng khi nhắc lại việc cấm chỉ
nầy một lần nữa, thì tác giả lại xếp các bà góa ngang hàng với giáo dân; giáo
dân cũng vậy, họ không được quyền giảng dạy: "Bà góa cũng như giáo dân
không được phép bàn về những điểm nầy: (- Một Chúa duy nhất - hỏa ngục - Thiên
đàng - Vương quyền của Chúa Kitô - sự quan phòng -), bởi vì, nếu họ nói mà
không thông hiểu giáo lý, thì đó lại là việc lộng ngôn phạm đến Ngôi Lời. Vì
vậy, Chúa chúng ta, trong Phúc Âm nói về các bà góa và giáo dân như sau:đừng
vất ngọc trai trước mặt bầy heo kẻo chúng sẽ giày đạp dưới chân, trở lại làm
hại các ngươi, húc các ngươi" [69].
Dầu đa số các bà góa được chỉ
định bị cấm chỉ không được rửa tội và giảng dạy, thì tuổi tác, kinh nghiệm và
địa vị xã hội của các bà lại tạo cho các bà một tư thế và một tình trạng độc
lập, làm khó khăn cho giám mục không ít. Ta chứng kiến việc nầy khi đọc lại
những lời trách cứ các bà góa bất tuân như sau: "Các bà phải biết xấu hổ,
tất cả các bà là vậy mà các bà tưởng mình không những thông minh, khôn khéo hơn
đàn ông, mà còn hơn cả các linh mục, các giám mục nữa!" [70]. Khi đọc
lại những lời cấm đoán và những câu trách cứ nầy ta hiểu tại sao tác giả cuốn
Mô Phạm lại mong có một thừa tác vụ nữ giới: biết tuân phục hàng giáo phẩm hơn:
đó là thừa tác vụ của phó tế phụ nữ.
Cuốn Mô Phạm là tài liệu đầu
tiên đề ra chức vụ phó tế phụ nữ. Trong bản văn được coi là bản gốc của cuốn Mô
Phạm, chức vụ phụ nữ nầy rất ít được triển khai, và chỉ xuất hiện ở hai nơi
nhất định. Lần thứ nhất được nói đến, như chúng ta đã thấy qua, nằm trong đoạn
bàn về bổn phận dân chúng phải tôn trọng vị giám mục. Ở đoạn nầy, vị phụ nữ phó
tế được mô tả như là một người "được anh em tôn trọng", (vì) đại diện
Chúa Thánh Thần" [71]. Cách
dùng chữ theo lối văn "nhân hình hóa" áp dụng vào người phụ nữ phải
được giải thích trong khuôn khổ của một ngôn ngữ, mà Chúa Thánh Thần thuộc về
giống cái; ngoài cớ đó, lối dụng văn nầy không cho chúng ta biết gì nhiều về
vai trò và vị thế của vị phụ nữ phó tế cả.
Trái lại, có một đoạn dài - là
đề tài cho nhiều cuộc tranh cãi - lại đặt song song vai trò của các phó tế và
định chế của các phụ nữ phó tế [72]. Nhưng,
bản văn gốc bằng tiếng Hy Lạp của đoạn nầy đã mất. Dầu vậy, các tác giả đều
đồng ý rằng những chữ dùng đáng ra phải thế nầy: "Vị phụ nữ phó tế - è
diakonas" - hoặc người đàn bà - có chức phó tế - è gunè diakonos".
Sau Công đồng Nicée (325), ở trong Giáo Hội Đông phương, người ta mới thấy dùng
chữ "nữ phó tế - diakonissa". Việc thay đổi ngữ vựng nầy chứng tỏ là
vào thế kỷ thứ III, qua cuốn Mô Phạm, thừa tác vụ nữ giới nầy chỉ mới khởi phát
mà thôi. Việc tạo ra những sinh hoạt chặt chẽ, song song giữa phó tế và người
phụ nữ phó tế, có lẽ nhằm xóa đi sự hiện diện của các bà góa bung xung và phiền
toái: "Vì thế, hỡi giám mục, ngài hãy tự mình chỉ định những người phục vụ
cho đức công chính, những phụ tá dẫn đưa dân của Ngài đến sự sống thật. Ngài
phải chọn và bổ nhiệm vào những chức vụ phó tế những kẻ nào từ trong dân mà
ngài thấy vừa ý, một người nam để phục vụ những công tác cần thiết, một người nữ
để lo cho giới phụ nữ" [73].
Lý do nại ra để thành lập thừa
tác vụ phụ nữ nầy là lý do thuộc về lễ tiết xử thế bên ngoài. Bởi ví có những
gia đình mà ngài không thể cử một phó tế (người nam) đến giúp các bà được, vì
(ngại con mắt) người ngoại giáo". Khi được cử đến những gia đình người
ngoại giáo "có những tín hữu phụ nữ cư ngụ". Vị phó tế phụ nữ vừa có
thể chu toàn việc kinh nguyện, lại vừa hoàn thành được công tác vật chất, giúp
đỡ họ những phương tiện cần thiết. Và cũng vì những lý do thuộc về lễ tiết mà
phụ nữ được kêu gọi để phục vụ trong khuôn khổ phép rửa tội. Lúc bấy giờ, để
thực hiện lễ nghi rửa tội, người ta buộc người thụ nhận phải ở trần. "Đàn
bà để cho đàn ông thấy như thế là việc không nên", do vậy, vị Phó tế phụ
nữ sẽ xức dầu thánh cho người phụ nữ sắp chịu phép rửa tội. Nhưng đến đây, tác
giả cuốn Mô Phạm lại không tỏ ra hòa hoãn nhân nhượng để bỏ qua những quan điểm
cố hữu "chống chủ trương đề cao phụ nữ" của mình. Chỉ có giám mục,
hoặc các phó tế (nam) và linh mục mới có quyền rửa tội. Vị phó tế phụ nữ, dù
sao cũng là đàn bà, chỉ có nhiệm vụ, đợi xong phép rửa tội sẽ đón nhận người
phụ nữ đã chịu phép Thánh tẩy (để) "giáo dục và nuôi dưỡng người đó, hầu
ấn dấu không hề sứt mẻ của Bí tích Rửa tội được (bảo vệ) một cách tinh khiết và
thánh thiện" [74]. Như vậy
vị phó "tế phụ nữ đóng vai trò một bà vú đỡ đầu đối với các phụ nữ khác.
Kỳ cùng, phải chăng ta kết luận được rằng vị phó tế phụ nữ nầy lại được xếp vào
hàng ngũ "giáo dân"?
Tác giả cuốn Mô Phạm không nêu
lên vấn đề đó. Nhưng, nghiên cứu thật kỹ tài liệu nầy, ta có thể minh định được
quan điểm của tác giả về qui chế của phụ nữ trong Giáo Hội.
Trước hết, cần lưu ý là bản tài
liệu lễ qui thật dài nầy hoàn toàn không lưu ý đến "Kléros", người giáo sĩ. Vì thế, trong đó, không có sự
phân biệt giữa giáo sĩ và giáo dân. Ngược lại, nó lại dùng khá nhiều từ ngữ "giáo dân", nhưng không bao
giờ áp dụng chữ nầy để chỉ các thành phần nữ giới trong cộng đoàn.
Khi đưa ra những lời chỉ dạy
liên quan đến phụ nữ, tác giả chỉ đơn giản dùng chữ "phụ nữ", hoặc
"nữ kitô hữu", "phụ nữ kitô hữu", "bà góa",
"bà góa được qui chế hóa", "phụ nữ phó tế". Như vậy, chắc
chắn phải có những lý do để tác giả không dùng chữ: những "phụ nữ giáo
dân" hoặc "nữ giáo dân".
Lý do căn bản lại nằm trong tâm
thức của thời đại đó. Phụ nữ phải tuân phục chồng mình[75]. Người
chồng là đầu của vợ, như Chúa Kitô là Đầu của người đàn ông. Cơ cấu độc quyền
là cơ cấu chung cho gia đình, cũng như xã hội dân sự hay cho tổ chức tôn giáo.
Dù sao, ở đây lại có thấy có một luật trừ, khi người phụ nữ Kitô giáo tham dự
việc tế lễ phụng thờ [76] thì có
được một chỗ riêng. Bà thuộc về dân được tuyển chọn, là kitô hữu như mọi người
khác; dẫu bà không phải là "giáo dân", nhưng bà không hoàn toàn giống
với người phụ nữ trong Cựu ước nữa. Bà có thể đảm đang thừa tác vụ phó tế như
các bà trước đây đã từng "phục vụ" Chúa Giêsu: - Maria thành Magdala,
Maria con của Giacôbê, bà mẹ của Giuse, bà mẹ của các đứa con Zêbêđê [77]. - Nhưng
muốn hiểu tại sao phụ nữ không phải là giáo sĩ, và cũng không phải là giáo dân,
có lẽ nên khảo sát lại cơ cấu tổ chức các tài sản vật chất trong cộng đoàn Kitô
giáo, cũng như phương cách mà giám mục, vị Thầy Cả Thượng phẩm duy nhất của
Giao ước mới, phải áp dụng để quản lý các tặng vật do giáo dân dâng cúng.
Giám Mục, vị quản lý
của cộng đoàn kitô hữu.
Như ta đã thấy, giám mục
"ngự trị trên tâm hồn và thể xác, để trói buộc và tháo gỡ trong trần thế
nầy bằng một quyền uy từ trời ban" [78]. Ngài là
vị Tư tế và là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, nên các tín hữu được
lệnh phải "cho và Ngài phải ban phát" [79]. Chính
trong khuôn khổ của việc giải thích thần học và kinh tế, mà tác giả cuốn Mô
Phạm khai triển chủ đề liên quan đến việc đoán xét chỉ dành riêng cho vị giám
mục [80]. Qua việc
khảo sát và liên kết phần nào (các dữ kiện của) các truyền thống thời bấy giờ,
chúng ta chứng kiến những lý do thúc đẩy các cộng đoàn Kitô giáo định nghĩa
tính cách "tư tế" của một vài chức vụ (khởi đầu bằng chức vụ giám
mục), và đồng thời với việc nầy, định vị một nhóm gọi là giáo dân, mà đặc điểm
chính yếu lại chỉ là không hành xử chức vụ tư tế đã nêu ra.
Khai triển thật kỹ những mục
trong Cựu ước, cuốn Mô Phạm trình bày vị giám mục như là một vị Thượng tế và là
một vị Tư giáo Lêvi của dân mới: "Hỡi các vị giám mục, các ngài ngày nay
cũng là vị Thượng tế của cộng đoàn dưới quyền các ngài, và là hàng tư giáo Lêvi
phục vụ Nhà Tạm của Thiên Chúa; Nhà Tạm đó chính là Hội Thánh Công giáo" [81]. Cũng như
hàng tư giáo Lêvi, các vị giám mục cũng như gia đình họ có thể sống nhờ vào của
lễ toàn dân dâng cúng lên Chúa. "Nhờ các của dâng cúng, do dân chúng thuộc
quyền ngài mang đến cho ngài, các ngài phải nuôi dưỡng các vị phó tế, các bà
góa, các người mồ côi, các kẻ túng thiếu và người xa xứ " [82]. Ta thấy
ở đây lại sắp xếp lẫn lộn những người phục vụ bàn thánh (giám mục và các phó
tế) cùng với các người được bàn thánh phục vụ. Vào giữa thế kỷ thứ III, phần
nhiều các Giáo Hội địa phương đều có những danh sách rõ ràng ghi tên tất cả
những người phải được nuôi dưỡng và được trợ cấp vì nhiều lý do khác nhau.
Trong cương vị là người quản lý
duy nhất các tài sản của cộng đoàn, giám mục đóng vai trò của ông chủ "patronus" đối với giáo
dân. Từ đó, ta hiểu bằng cách nào và tại sao lại phát sinh tính cách "độc
quyền" của chức vị giám mục, và đồng thời biết được lý do thúc đẩy các tác
giả của các tài liệu lễ qui tìm cách hạn chế quyền uy tuyệt đối nầy: "Hỡi
giám mục, ngài phải là một quản lý trung thành, lo lắng cho mọi người. Vì ngài
gánh tội cho mọi người dưới quyền mình, nên, hơn ai hết, ngài sẽ được Thiên
Chúa tôn vinh".
Noi theo các mẫu mực của hàng tư
giáo Lêvi trong Cựu ước, chức vụ kinh tế của giám mục sẽ vạch ra đường ranh,
phân chia ra các nhóm trong cộng đoàn Kitô giáo. Trước hết sẽ có giám mục là
Thầy Cả Thượng phẩm, và giống như các tư giáo Lêvi đời trước, ngài không nhận
bất cứ "một sản nghiệp nào thuộc về trần thế" [83]. Trong
dân chúng, sẽ có những kẻ đóng góp tiền 10% (dimes), đó là hạng giáo dân, nghĩa
là những người đàn ông Kitô giáo, những kẻ đang quản lý tài sản gia đình họ.
Trong khung cảnh sinh hoạt như thế, phụ nữ Kitô giáo thật khó mà có một vị trí
nào. Khi còn trẻ hay khi thành gia thất, người phụ nữ tùy thuộc vào cha, lệ
thuộc vào chồng; bà không có cách gì để hành xử chức vụ giáo dân, khi chức vụ
nầy được định nghĩa ở đây như là dâng cúng của lễ 10%. Khi phải góa bụa, bà lại
trở thành vấn đề cho kẻ khác giải quyết. Để đừng vì lý do kinh tế thúc bách bà
phải lấy chồng lại, giám mục phải nuôi dưỡng và lo lắng cho bà. Trái ngược với
người giáo dân, bà nhận của nuôi thân từ bàn thánh, thay vì cung cấp những lễ
vật đáp ứng nhu cầu của các thừa tác viên bàn thánh. Đến 50 tuổi, bà có thể
được "đưa vào qui chế", và có một chút uy thế. Đến lúc nầy, bà cũng
không có gì để gọi là "giáo dân"; và theo cuốn Mô Phạm, giám mục
dường như còn lo âu về những sáng kiến bất chừng" của bà: có lẽ vì lý do
đó mà có ý kiến thành lập ra một thừa tác vụ phó tế phụ nữ để giám mục dễ điều
động và kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu nói rằng một giám mục có thể lo ngại vì
những chuyện lúng búng do một bà nào đó gây ra, để coi đây như là chứng cứ về
sự hiện hữu của quyền hành người phụ nữ, thì ta không thấy xuất hiện một hình
ảnh xã hội nào của phụ nữ có thể ăn khớp được với hình ảnh của một giáo dân có
trách nhiệm đóng góp thuế 10% cả. Phụ nữ được xếp ra bên lề, ở bên ngoài hàng
giáo dân, cũng như ở bên ngoài hàng ngũ giáo sĩ. Các bà đứng bên ngoài định
nghĩa của các nhóm Kitô giáo, cũng như các bà đã không tơ vương gì đến những
vai trò kinh tế của cộng đoàn.
Tóm lại, giám mục là Thầy Cả
Thượng phẩm, nắm trọn quyền kinh tế, đồng thời kiêm luôn tất cả các chức vụ
khác. Chính ngài mới có quyền chỉ định các phó tế và các phó tế phụ nữ để giúp
ngài trong việc điều hành, quản trị; chính ngài nuôi dưỡng những kẻ túng bấn,
những bà góa, người nghèo, mồ côi, xa xứ. Cũng chính ngài sẽ quyết định một
cách tối thượng việc xử dụng tài sản đã giao về ngài. Trong những điều kiện như
thế, khó tránh khỏi sự biến chuyển thường sau đây: từ ban đầu, chức vụ (giám
mục) là một công việc phục vụ cộng đoàn, nay được giáo dân coi như là một quyền
hành. Giáo dân không có quyền để xét xem những của dâng cúng của mình sẽ được
xử dụng vào việc gì. Ta có cảm tưởng như là cộng đoàn đã trở thành công cụ phục
vụ cho sự bành trướng của tòa giám mục độc quyền, trong khi đúng ra tòa giám
mục phải là dụng cụ phục vụ cho cộng đoàn.
Việc tập trung quyền hành vào tay
giám mục, tình trạng đảo lộn cứu cánh của các sinh hoạt, nói lên tiến trình
biến đổi tâm thức con người một cách rõ rệt, thấy được qua cách dùng trái
nghịch những tỉ dụ lấy lại từ các bản văn trước đó: Trong những bức thư gửi cho
Titô và Timothê, mẫu mực của vị Giáo chủ tốt là người cha tốt trong gia đình,
có thể tề gia một cách chính đính; nay, trong cuốn Mô Phạm, giám mục lại là mẫu
mực mà người cha gia đình phải noi theo.
[1] A.Faivre, "La
documentation canonico-liturgique de l'Eglise ancienne" dans Revue des
Sciences religieuses, n.3,1980, p.204-219 et n.4, 1980, p.273-297.
[2] Trong đó phải kể tên Hippolyte thành Roma, vị niên
trưởng bảo thủ đã viết sách chỉ trích Đức Giaó Hoàng Callixtô (Xem đoạn kế
tiếp).
[3] Xem Botte, Le mouvement liturgique. Témoignage et souvenirs, Paris,
Desclée 1973. Đặc biệt chương Les rites
d'ordination. p.165-177.
[11] Về lịch sử các phận vụ đọc sách và dạy giáo lý, xem A.Faivre. Naissance d'une hiérarchie, coll. Théologie historique, n.40, Paris,
éd.Beauchesne, 1977, p.145-170.
[66] Các sưu khảo về chức vụ người phụ nữ thời Kitô giáo sơ
thủy, xem R. Gryson, Le ministère des femmes dans l'Eglise
ancienne, coll. "Recherches et synthèse de Sciences religieuses",
section histoire, 4, Gembloux, éd. Duculot, 1971 et de G.A. Martimort, Les
diaconesses. Essai historique, coll. Bibliotheca Ephmerides liturgicae,
subsidia 24, Rome, éd. Liturgiche, 1982..
[75] Xem Didascalie
I, 8 dùng lại Éph. 5, 22-23; 1Cor.
11,2: Prov. 8,20. so sánh với Clément thành Alexandrie, Stromates IV,
20 hoặc Pédagogue III, II, 63-67.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét