Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Thế Kỷ Thứ Ba Dân Chúa phân chia thành hai - Chương I Giáo dân là môn đồ và là thầy linh hướng



Thế Kỷ Thứ Ba


Dân Chúa phân chia thành  hai




Chương I
Giáo dân là môn đồ
và là thầy linh hướng


Khi siêu nhiên còn ưu thắng các định chế
Khởi đầu thế kỷ thứ III đánh dấu một khúc ngoặt của lịch sử dân Chúa. Chữ "giáo dân" dùng thoáng qua trong "thư của Clêmentê thành La Mã" vào thế kỷ thứ I đột nhiên lại tái xuất hiện. Đồng thời, ý niệm về hàng giáo sĩ được hình thành và phổ biến. Đây là thời kỳ của những học giả trứ danh: Tertulianô, Clêmentê thành Alexandria, Origène. Các vị nầy đã để lại rất nhiều tác phẩm, thành quả của nhiều năm tháng năng nỗ giảng dạy và trước tác. Nhưng trước hết phải nhớ rằng các vị là những bậc thầy linh hướng. Họ cố gắng dung hợp công việc định chế hóa cần thiết phải có và chiều kích siêu nhiên của Kitô giáo trong sinh hoạt của những cộng đoàn đang bành trướng mạnh mẽ về số lượng. Mỗi vị có một cách thế riêng để thể hiện công trình của mình. Tertulianô dứt khoát chủ trương tính cách thần khải của Giáo Hội, và về cuối đời, gia nhập vào nhóm Montanô cổ súy chủ thuyết tân-sấm-ngôn. Clêmentê dường như tương đối thích ứng tốt đẹp với cộng đoàn ngài đang sống; nhưng Origène lại phải xuôi ngược đó đây và chịu nhiều phiền muộn mới có thể bảo toàn sự trung kiên với Giáo Hội.
Ngày trước thánh Irênê thản nhiên đưa ra đẳng thức tương ứng như sau: Niên trưởng = Chân lý = Giáo Hội = Môn đồ linh khải. Ngài đã dùng những từ ngữ tổng quát để mô tả sự kiện nầy, nhưng đồng thời, nhân việc nhắc lại truyền thống các Tông đồ, ngài có phương cách cụ thể để phân biệt người niên trưởng tốt và người niên trưởng xấu. Nhưng, đến thời bấy giờ, khó mà tiếp nhận dễ dàng lối trình bày như vậy, bởi lẽ sự thể trước mắt không cho thấy một vị niên trưởng chỉ biết âu lo giải thích Kinh Thánh một cách nghiêm túc, nhưng là một vị Giám Mục đang trị vì, đầy quyền uy, đồng thời phải đối kháng với những hoàn cảnh mới lạ, khác với thời các Tông đồ trước đây. Vì những giải pháp đưa ra ngày trước đi ngược lại với nhận thức hiện tại của mình, một số người đã không ngần ngại chối bỏ đẳng thức tương ứng đó (Niên trưởng = Giáo Hội = Chân lý).
Tertulianô cảm thấy hết sực khó chịu khi chứng kiến những người ngoại tình và gian dâm được phép nhận bí tích Hòa giải, nên tiên sinh lên tiếng mạnh mẽ chống đối Callixtô, Giám mục thành La Mã như sau: "Ngài nói rằng, Giáo Hội có quyền tha tội ... Tôi ghi nhận lời tuyên bố của ngài, nhưng xin hỏi ngài với tư cách gì ngài xử dụng quyền của Giáo Hội. Nếu cho rằng Phêrô đã thụ nhận quyền tha tội, thì (phải hiểu rằng) quyền đó thuộc về những người linh khải (siêu nhiên) mà Phêrô đại biểu, nghĩa là thuộc về các Tông đồ và các Tiên tri. Bởi vì trước hết Giáo Hội được cấu tạo nên bởi Thánh Linh Thiên Chúa. Do đó, nói Giáo Hội tha tội là nói Giáo
Hội của Thánh Linh hành động qua cơ năng của những người linh khải, chứ không phải Giáo Hội theo quan niệm của ngài, nghĩa là tập thể các giám mục" [1]. Không đi quá trớn cũng không chống các giám mục một cách triệt để như Tertulianô, hai vị Clêmentê và Origène nhận thấy cần phải cân nhắc và định nghĩa rõ ràng vị thế của hàng giáo sĩ đang được khai sinh trong thế giới siêu nhiên, theo như quan điểm của các vị.
Khi con số kitô hữu gia tăng, thì số người lãnh đạo cần thiết cho các cộng đoàn cũng gia tăng lên mãi, nhưng mặt khác, những giá trị siêu nhiên đích thực lại dần hồi phôi pha, giảm sút. Origène có lúc phải phàn nàn về tình trạng đó như sau: "Thật vậy, nếu chúng ta xét sự việc theo bản chất chân thật của nó chứ không phải nhìn vào số lượng, và nếu chúng ta xét sự việc theo tâm tình đích thực chứ không dựa vào đoàn lũ tụ họp đông đúc, chúng ta sẽ thấy rằng ngày nay chúng ta không phải là những tín đồ (đích thực)" Ôi! còn đâu nữa thời vàng son đầy tâm huyết, còn đâu nữa những vị Tử đạo trung kiên! "Lúc bấy giờ, tuy ít ỏi, nhưng họ là những tín đồ đích thực sống theo con đường hẹp dẫn đến sự sống. Ngày nay, con số lại đông nhưng vì không mấy ai sống đúng con đường đạo hạnh, nên ít kẻ đáng được gọi là thành phần được tuyển chọn và sống trong hạnh phúc chân thật" [2].
Tuy nhiên, dẫu phải chứng kiến tình trạng sa sút nầy trong lòng Giáo Hội, Clêmentê và Origène không bao giờ chấp nhận việc hạ thấp lý tưởng Kitô giáo của mình. Các vị tiếp tục đề cao (và nhấn mạnh) sự ưu thắng của tính siêu nhiên lên trên định chế, và phân biệt ngay trong lòng Giáo Hội những kitô hữu, những niên trưởng xấu tốt khác nhau. Càng tỏ ra thận trọng đối với hàng Giáo phẩm đang hình thành bao nhiêu, thì các ngài lại càng đề cao lý tưởng chức tư tế siêu nhiên bấy nhiêu. Origène nói như sau: "Bất cứ ai cũng có thể thi hành những chức vụ trọng thể trong nghi lễ phụng vụ trước dân Chúa, nhưng có ít kẻ sống đời sống thánh thiện, biết học hỏi đạo lý, trau dồi sự khôn ngoan, có đủ khả năng để trình bày chân lý của các sự việc, và giảng giải mọi điều hiểu biết về đức tin" [3]. Nói một cách khác, những đặc tính siêu nhiên quan trọng hơn các chức vụ nghi lễ và các phẩm tước liên hệ. Nhưng kỳ cùng, việc nhắc nhở cần thiết nầy cũng không thể ngăn chận sự hình thành của một hàng giáo sĩ, cũng như sự xuất hiện của hàng ngũ giáo dân kitô hữu.

Tertulianô một giáo dân tinh thuần và cứng cõi
Chúng ta không biết nhiều về thân thế của Tertulianô. Tiên sinh sinh tại Carthage, vào năm 160. Tiên sinh không hề tiết lộ là đã trở lại Kitô giáo trong những hoàn cảnh cụ thể nào. Riêng về niên kỷ chính xác của năm tiên sinh tạ thế, chúng ta chỉ xác xuất suy đoán dựa vào những tác phẩm của tiên sinh: vào khoảng năm 197 đến năm 220. Người ta thường cho rằng con người đó làm việc không biết ngưng nghỉ, chỉ cái chết mới làm cho tiên sinh thôi sáng tác và tranh biện.
Thánh Giêrônimô quả quyết rằng Tertulianô là linh mục [4], nhưng ngài lại không nói ngài đã dựa vào tài liệu nào để xác quyết như thế. Hơn nữa, ngoài thánh nhân ra không mấy tác giả xác minh điều đó, chỉ trừ Quastien giữ lại quan điểm thánh nhân theo lối lập luận cá biệt của ông: "Dầu Tertulianô không bao giờ nói đến cương vị giáo sĩ của mình, nhưng vị thế đặc biệt và vai trò giáo huấn quan trọng của ông khó mà minh chứng việc ông chỉ là một giáo dân" [5]. Thực ra, vào thời của Tertulianô, việc cho rằng nhất thiết phải thụ nhận một chức thánh mới có thể giảng dạy đạo lý, là một nhận định sai lầm, mà ngay cả thánh Giêrônimô cũng không tránh khỏi. Hơn nữa, ngoài việc Tertulianô không nêu lên cương vị giáo sĩ "của mình", ta thấy lập trường của tiên sinh về chức vị và quyền hạn của giáo dân rất cứng rắn và rõ rệt, ngay trước ngày tiên sinh dứt khoát tách rời khỏi Giáo Hội [6].

Giáo dân: từ hàng ngũ nầy hàng giáo sĩ được phát sinh
Ta càng thắc mắc khó hiểu hơn nữa về sự thinh lặng của Tertulianô liên quan đến chức phận chính xác của mình, khi biết rằng những tác phẩm của tiên sinh lại là những bản văn Kitô giáo đầu tiên đưa ra một cấu trúc về Giáo Hội được phân ra làm hai nhóm: hàng giáo sĩ và hàng giáo dân. Trong những tác phẩm đó, giáo dân được đồng hóa với quần chúng (= plebs); họ được phân biệt khác với "hàng tư tế" hoặc "phẩm trật Hội Thánh" .[7] Các Giám Mục ,Thầy cả và Phó tế[8], một cách tổng quát là các vị giáo sĩ [9], được mô tả như là những vị chỉ huy (duces) và những kẻ chăn dắt [10].
 Như vậy phải chăng giáo dân ở đây là kitô hữu hạng nhì, có thể theo đuổi một lý tưởng ít cao trọng hơn? Tertulianô, người thuộc phái Montanô, trả lời dứt khoát rằng: Không - chính từ hàng ngũ giáo dân mà phẩm cấp Giáo Hội được phát sinh ra; mỗi giáo dân và mọi giáo dân đều phải thuần khiết như những thành phần của hàng giáo sĩ, tuân giữ những luật lệ y như các vị lãnh đạo, để đến phiên họ, họ có thể được tuyển lựa vào hàng giáo sĩ. "Phaolô làm thế nào để có thể đòi hỏi tất cả hàng giáo phẩm phải là những người chỉ cưới vợ một lần, nếu luật nầy trước đó đã không được hàng ngũ giáo dân tuân phục, một khi từ chính hàng ngũ nầy, hàng giáo phẩm được phát sinh ra? Nếu tất cả đã không tuân phục việc cưới vợ một lần, thì tìm đâu ra những người cưới vợ một lần hầu cất nhắc lên hàng giáo sĩ? Phải chăng, vì thế, mà thiết lập ra một giới chỉ cưới vợ một lần, và từ trong hàng ngũ mới nầy, hàng giáo sĩ sẽ được tuyển chọn?" [11].
Theo quan điểm của Tertulianô, thì hàng giáo phẩm phải được tuyển chọn trực tiếp từ hàng ngũ giáo dân. Việc thiết lập một "hàng ngũ dự bị" cho hàng giáo sĩ là việc không thể quan niệm được, bởi vì nó sẽ tạo ra sự phân cách giữa giáo sĩ và giáo dân. Hơn thế nữa, theo tiên sinh, giáo dân có quyền mang chức vị tư tế tương đồng với chức vị tư tế của hàng giáo sĩ. Và một khi giáo dân và giáo sĩ mang cùng một chức vị, thì họ cũng phải có những bổn phận giống nhau. Do đó, hàng giáo phẩm chỉ được xem như một hình thái cụ thể của chức vị và các bổn phận của toàn dân Chúa. "Chúng ta có mất trí mới cho rằng những gì các linh mục không được phép làm, thì giáo dân có thể được phép làm. Dù là giáo dân, chúng ta không phải đã là linh mục rồi hay sao? Có lời chép rằng: Ngài đã làm cho chúng ta thành một vương quốc gồm những vị tư tế của Thiên Chúa Cha của Ngài [12]. Sự khác biệt giữa "phẩm trật""dân chúng" là sự thể được tạo ra do một quyết định của Giáo Hội, và chức chưởng lại được thánh hóa (= chuẩn nhận) bởi toàn phẩm trật tập họp lại" [13]. Giáo dân là tư tế theo thánh ý của Chúa. Việc phân biệt giữa giáo phẩm (ordo) và dân chúng (plebs) bắt nguồn từ một quyết định của Giáo Hội, và sự thánh hóa (= sự phong chức) do bởi "hàng giáo phẩm" tập họp lại, dường như ở đây có nghĩa là do giám mục với sự trở giúp của các linh mục.Nhưng thử hỏi, do quyết định (auctoritas) của Giáo Hội nghĩa là gì? Phải chăng Tertulianô chỉ muốn nhấn mạnh rằng sự phân biệt giữa "giáo phẩm" và "quần chúng còn lại" là do quyết định của Giáo Hội mà thôi, chứ không phát sinh từ Thiên Chúa? Thông hiểu theo ý nghĩa đó [14]. Nhưng Tertulianô còn có thể muốn đi xa hơn nữa, khi tiên sinh nhắc lại rằng sự phân biệt nầy chỉ có thể được thể hiện với điều kiện được toàn thể Giáo Hội đồng ý - nghĩa là có cả khối "quần chúng" ở trong đó - chứ không phải do quyết định đơn phương của Giáo quyền. Đúng vậy, trong câu kế tiếp, Tertulianô nói rõ rằng giáo dân tạo thành Giáo Häi một cách toàn mãn: "Ở đâu không có sự hiện diện của hàng giáo sĩ, thì chính anh, với cương vị giáo dân, anh phải dâng lễ và rửa tội, anh là linh mục của chính anh; "nói cách khác, ở đâu có ba người, ở đó có Giáo Hội dù họ đều là giáo dân".
Qua lối lập luận nầy, dù có bị hạn hẹp trong khuôn khổ của một bài diễn thuyết về luân lý nhằm trước hết khích lệ giáo dân, nhà biện luận bướng bỉnh Tertulianô cũng đã có cách nói thẳng với những thành phần của hàng giáo phẩm rằng: phẩm cấp của các ngài không thể có được, nếu không có sự quyết định nào đó của quần chúng (nghĩa là của giáo dân). Một bài học về đức khiêm nhường nhắc nhở hai sự kiện: - không những các phần tử trong hàng giáo phẩm phải nhớ rằng giáo dân cũng là tư tế do thánh ý của Chúa - nhưng các vị còn phải lưu ý rằng với cương vị là thành phần của hàng giáo phẩm, họ lệ thuộc vào một quyết định của toàn dân Chúa họp lại. Ở đây lại có thêm một yếu tố nữa cho thấy hàng giáo phẩm phát xuất từ giáo dân.

Thừa tác vụ vĩnh viễn và thừa tác vụ hữu hạn
Chúng ta vừa thấy Tertulianô tuyên bố giáo dân là linh mục. Thế nhưng, khi chứng kiến những kẻ lạc giáo phong chức thánh một cách "may rủi, bừa bãi, không đâu ra đâu" Tertulianô lại phát giận và kêu lên: "Họ còn trao những nhiệm vụ (munus) tư tế cho giáo dân nữa" [15]. Phải chăng lại xuất hiện ra ở đây một Tertulianô Công giáo đang tự mâu thuẫn với một Tertulianô đầy cảm tình với chủ thuyết Montanô qua cuốn "De Exhortatione castitatis (bài giảng về đức trinh khiết)"?
Thực ra, đó chỉ là một sự mâu thuẫn có tính cách bề ngoài mà thôi. Mục tiêu của nội dung đoạn văn nhằm chỉ trích tình trạng hồ đồ trong sinh hoạt của các bè phái lạc giáo. Vì thế, tiên sinh cố dùng chữ nhiệm vụ (munus), một từ ngữ trong luật La Mã dùng để chỉ một bổn phận áp đặt cho người công dân theo lệnh của một quan viên, đối chọi lại với chữ "chức chưởng" (honor) nhằm chỉ một quan chế, hình thành qua một cuộc bầu cử hoặc qua sự đề cử của các công dân khác. Điểm chính yếu mà Tertulianô muốn chống đối, là quyết định hồ đồ đến từ cấp trên, không màng đếm xỉa đến việc truy cứu kỹ càng, bất chấp sự kiểm soát một cách nghiêm túc của toàn cộng đoàn. "Trong phe nhóm phản loạn, người ta chỉ nhằm lôi cuốn tín đồ bằng việc cấp ban chức tước. Vì vậy, - hôm nay họ phong một giám mục, ngày mai lại phong một vị khác, - hôm nay người nầy là Phó tế, ngày mai chính kẻ đó lại là người đọc sách, - hôm nay người nầy là Linh mục, ngày mai chính kẻ đó lại là giáo dân. Họ còn trao những nhiệm vụ tư tế cho giáo dân nữa" [16]. Không thể chối cải rằng điểm chủ chốt của đoạn văn nằm trong những chữ "hôm nay" ... "ngày mai". Chính sự thay đổi đã quá dễ dàng và giả tạo là sự kiện chính yếu bị Tertulianô chỉ trích. Ngoài ra, ta cũng thấy tiên sinh cho rằng sự cẩn trọng là đặc tính cốt yếu của một Giáo Hội biết lắng nghe thánh ý của Thiên Chúa. "Thiên Chúa ở đâu, thì sự kính sợ Ngài ở đấy, đó là giếng mối của sự khôn ngoan; và ở đâu có sự kính sợ Thiên Chúa, ở đấy cũng thể hiện sự nghiêm túc của đời sống, lòng nhiệt thành sâu sắc, sự sốt sắng ân cần, việc lựa chọn kỹ càng, giao tế chừng mực, tiến cử dựa vào những dịch vụ chính đáng, biết thuần phục tôn giáo, lo năng nỗ phụng sự Thiên Chúa, luôn khiêm tốn trong cách cư xử, và Giáo Hội hiệp nhất; và tất cả những điều đó đều do từ Thiên Chúa cả" [17].
Tertulianô không cho chúng ta thấy sự cần thiết phải có niên trưởng, tư tế hoặc giáo chủ vĩnh viễn; tiên sinh chỉ đòi hỏi phải có một thái độ tương đối nghiêm túc trong việc tuyển lựa các thừa tác viên, một tình trạng ổn cố khi thi hành công tác, một ít kinh nghiệm để đảm đang một vài chức vụ. Tiên sinh lại còn cho rằng: gặp lúc khẩn thiết, giáo dân có thể, và hơn thế nữa, cần phải thực hiện tạm thời những chức vụ tư tế mà họ hoàn toàn có đủ tư cách để hoàn thành; nhưng trong sinh hoạt đều đặn và bình thường, thì cần có một phẩm cấp nào đó; phẩm cấp nầy lại sẽ được chính giáo dân kiểm soát, qua việc chọn lựa những thừa tác viên.

Việc quyên góp tài chánh của giáo dân.
"Chính các vị bô lão dày kinh nghiệm sẽ chủ trì; họ có được vinh dự đó không phải do sự mua chuộc bằng tiền của, nhưng là do công đức thể hiện nơi họ, bởi lẽ khôngcó gì nơi Thiên Chúa lại được trả giá bằng tiền của cả" [18].
Dầu sao đi nữa, ta cũng thấy giáo dân phải cấp dưỡng các thành phần của các hàng phẩm trật, hay ít nhất họ đóng góp một khoản tiền trợ cấp. Tuy nhiên, nếu ta biết được sự kiện giám mục nhận một khoản trợ cấp gấp đôi [19] thì không rõ được số tiền đó là bao nhiêu và có nuôi sống đủ người thụ hưởng hay không, và chúng ta cũng không chắc rằng chỉ có giáo dân quyên góp tài chánh hỗ trợ nhu cầu của cộng đoàn, hay có sự tham dự cûa các phần tử của các phẩm trật, tương đối cũng thuộc hàng khá giả.
Tertulianô cho thấy rằng có một ngân quỷ chung, và nhấn mạnh rằng việc quyên góp vào quỷ chung đó không phải là việc của một phần tử nào giàu có được chỉ định đặc biệt để lo cho nhu cầu toàn cộng đoàn. Như vậy kitô hữu không trở thành "khách hàng" của ai cả và tiền bạc không thể ảnh hưởng hay khuynh đảo sinh hoạt của cộng đoàn. Nếu không có vấn đề hạn chế, cấm đoán người giàu có quyên góp nhiều tiền của, thì việc tiếp nhận bất cứ tặng vật nào, dù lớn lao đến đâu, cũng phải dựa vào sự trung thành của kẻ dâng cúng trong tình liên đới thành tâm đối với Giáo Hội. Về việc nầy, Tertulianô kể lại chuyện Giáo Hội thành La Mã trả lại một món tiền dâng cúng lên đến 200.000 đồng tiền La mã lúc bấy giờ (= một số tiền rất khổng lồ vào thời đó), khi biết được âm mưu bất chính của người cho là Marcion. Việc đóng góp của mỗi người vào ngân quỉ của Giáo Hội địa phương có mục đích ổn định sinh hoạt tối thiểu, bảo đảm được tình trạng tự lập của cộng đoàn. "Dù chúng tôi có một ngân quỉ chung, nhưng ngân quỉ đó không do một số người hạn hẹp được chọn riêng để cung cấp, khả dĩ tạo ra tình trạng một khoản tiền tạo danh dự (= somme honoraire), không khác chi đem tôn giáo ra bán đấu giá; (nhưng) mỗi người đều đóng góp một phần ít ỏi vào một ngày nhất định trong tháng, hoặc khi nào người ta muốn, - và nếu người ta muốn, -và nếu người ta có thể? Bởi lẽ không ai bị cưỡng bức phải đóng góp, nhưng mỗi người có tự do để đóng góp" [20].
Việc đóng góp đều đặn nầy không khỏi làm ta liên tưởng đến thứ thuế thập phân (thuế đóng cho Giáo Hội từ thời Trung cổ). Tuy nhiên, ta nên lưu ý rằng việc quyên góp ở đây hoàn toàn có tính cách tự nguyện; và hơn nữa, nếu tập thể giáo dân có quyên góp, thì hàng giáo sĩ hẳn cũng không đứng ra bên ngoài việc nầy. Cuối cùng, ngân quỉ chung không chỉ nhằm trợ cấp cho hàng giáo sĩ mà thôi; nó còn đáp ứng các nhu cấu của những kẻ túng thiếu: những người mồ côi, những người tôi tớ già yếu, những kẻ lưu lạc, tù đày. Không cần phải thuộc vào một "phẩm cấp" đặc biệt mới được hưởng trợ cấp của Giáo Hội. Tertulianô trong việc nầy lại chống đối thói quen hay đưa những trinh nữ còn xuân xanh vào hàng ngũ những bà góa, để từ qui chế nầy mới cấp cho họ sự giúp đỡ vật chất: "Nếu giám mục cần giúp đỡ cô ấy, ngài có thể chuẩn nhận trợ giúp cô ta bằng một cách khác, mà không vi phạm đến việc tuân phục lề luật" [21].

Trong hàng ngũ giáo dân, phụ nữ có một vị thế nào không?
Các bà góa thuộc về một "phẩm cấp" riêng và được kể là thành phần của các "phẩm trật" Giáo Hội [22]. Những tội nhân muốn được hòa giải phải sấp mìmh xuống trước các bà và trước những vị niên trưởng trong buổi hội. Tuy nhiên, qua câu nói: - nếu những phẩm cấp Hội Thánh vắng mặt, giáo dân cử hành Thánh lễ và rửa tội [23]- mà cho rằng Tertulianô có ám chỉ nói đến các bà trong số giáo dân là một chuyện đáng nghi ngờ. Các bà góa chắc hẳn không bao giờ cử hành Thánh lễ, cũng như rửa tội, dù các thành phần phẩm trật thuộc phái nam có vắng mặt đi nữa. Không chối cải rằng phẩm trật của các bà góa rất được "trọng vọng", nhưng phẩm trật đó được nhập vào hàng giáo sĩ trong khuôn khổ của việc trợ cấp mà thôi (nói cách khác chữ "trọng vọng" ở đây có nghĩa là "đãi ngộ"). Qui chế của các bà góa thật ra rất mập mờ khó hiểu.
Nhưng như thế, liệu các phụ nữ không thuộc vào một phẩm cấp nào của Giáo Hội có đương nhiên được xếp vào một qui chế riêng trong hàng ngũ giáo dân không? - "Từ nay phụ nữ có quyền hành xử các chức vụ của giáo dân".
Không phải vậy, câu nầy không phải do Tertulianô viết ra! Nó chỉ được tuyên đọc ngày 25 tháng Giêng năm 1983, khi ban hành bộ Giáo luật mới [24]. Luật gia thành Carthage đã không bao giờ có thể qui cho đến tình trạng nầy, khi tiên sinh minh nhiên viết trong cuốn "chiếc khăn đội đầu của người trinh nữ" rằng: "Phụ nữ không có phép lên tiếng trong Giáo Hội và cũng không được rửa tội, cử hành Thánh lễ, họ cũng không được phép đòi quyền tham dự vào chức vụ dành cho đàn ông, nhất là trong thừa tác vụ linh mục" [25].
Ngoài ra, Tertulianô còn chống đối kịch liệt sự táo bạo liều lĩnh của một phụ nữ lạc giáo dám thuyết giảng, và tỏ ra lo ngại trước sự sự kiện một vài bà dám đi đến việc rửa tội! [26] Tiên sinh không thể quan niệm được rằng người phụ nữ có thể mơ ước quyền hạn trên tùy nơi mỗi người giáo dân, đó là quyền hành xử chức vụ tư tế, quyền làm điều linh mục đang làm: "Tất cả chúng ta không phải là linh mục hay sao?"- Chính Tertulianô dấy lên các câu hỏi nầy trong cuốn "Bài giảng về đức trong sạch", mà không nghĩ rằng phụ nữ (- cũng không gì khác nam giới-) có thể nại đến câu nói nầy.
Thật ra, trong nội dung cụ thể của tư tưởng Tertulianô, khi nói đến giáo dân, tiên sinh chỉ nghĩ đến nam giới thôi. Không có một đoạn nào trong tác phẩm của Tertulianô áp dụng danh hiệu "giáo dân" cho phụ nữ cả. Theo tiên sinh, phụ nữ không thể mong ước có những quyền hạn như người giáo dân.




Việc Giáo Huấn Có Nên Giao Phó Cho Giáo Dân Không?

Tertulianô tuy là một kẻ chống kháng lại giáo quyền, và dù thánh Giêrônimô có quan niệm thế nào thì tiên sinh cũng là một giáo dân -, thế nhưng tiên sinh lại gây ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong Giáo Hội thành Carthage. Thánh Cyprianô thán phục sự thông minh quán thế của của con người đã từng phản kháng Giáo Hội của các Giám Mục. Mỗi lần muốn tra cứu những tác phẩm của Tertulianô, Cyprianô thường nói với người bí thư của ngài: "Đem ông thầy lại cho tôi". Vào thế kỷ thứ III, trường hợp những giáo dân uyên bác như Tertulianô không phải là một trường hợp có một không hai. Trái lại, ngay từ thời ấy, những cộng đoàn địa phương, hằng lo lắng bảo toàn sự hợp nhất và qui tụ chung quanh hàng Giám Mục, đã nêu lên thắc mắc rằng không biết giao việc giáo huấn cho giáo dân đối lập có phải là việc làm khôn ngoan hay không! Và không một giáo đoàn nào đặc biệt có sinh hoạt học hỏi, thuyết giảng phong phú hơn là giáo đoàn thành Alexandria, do đó không lạ gì thắc mắc nêu ra trên đây lại được đặc biệt lưu tâm tại giáo đoàn nầy.


Tôn vinh người giáo dân thường
bị quên lãng: Pantène, vị sáng lập  học viện Alexandria.
Ta chỉ biết qua rằng Pantène là một vị thầy nổi danh thời bấy giờ, ngoài ra không thấy một chứng tích gì về thân thế, sự nghiệp còn lưu lại cả. Tiên sinh điều khiển học viện Alexandria, giảng giải "bằng lời nói và bằng văn tự những kho tàng đạo lý thần thánh".  Không một văn phẩm nào được minh xác chắc chắn là của tiên sinh hết; nhưng qua người đồ đệ là Clêmentê (sau nầy kế tục Pantène điều khiển học viện Alexandria) và qua các tác phẩm của vị nầy, hẳn nhiên giáo huấn của Pantème phải được tồn tục; vả lại cũng khó mà đánh giá được phần nào trong các tác phẩm của Clêmentê là tư tưởng riêng của thánh nhân, phần nào lại chịu ảnh hưởng của thầy ngài. Clêmentê đã từng tôn vinh thầy mình như sau: "Đúng là một con bướm của đảo Sicilia, hút tỉa những tinh hoa trong cánh đồng của các thánh tiên tri và Tông đồ, thầy khai sinh ra một lối hiểu biết thuần khiết trong tâm hồn của những kẻ thụ giáo" [27].
Bậc thầy minh giải Thánh Kinh trên đã theo học những triết gia khắc kỷ trước khi trở thành Viện trưởng học viện Alexandria vào khoảng năm 180. Nếu ngày nay, ta dường như minh xác được rằng Clêmentê (= người đệ tử và là kẻ kế tục của Pantène) là một vị niên trưởng, thì ta không biết gì rõ ràng về chức phận của Pantème trong Giáo Hội cả. Liên tưởng đến trường hợp của Justinô, ta nghĩ rằng chức vụ làm thầy dạy có lẽ đã đủ cho tiên sinh, và hiểu rằng chức vụ đó không đòi hỏi phải có một "chức thánh" nào trong phẩm trật để chuẩn xác thêm. Giả dĩ tiên sinh vừa làm thầy dạy vừa mang chức vụ niên trưởng, thì e rằng uy danh của chức vụ giảng huấn đã làm lu mờ tước vị kia đi.
Pantène có được phong chức thánh không? Người nầy có phải là giáo dân không? Và hơn hết, chữ giáo dân trong khuôn khổ giáo đoàn Alexandria thời đó mang nội dung gì? Vì không thể có những văn bản của Pantène hầu trực tiếp tra cứu, ta sẽ đào sâu những tác phẩm của Clêmentê để tìm cách trả lời.





Người giáo dân theo Clêmentê thành Alexandria.
Clêmentê ít dùng chữ "giáo dân" hơn Tertulianô và không trực tiếp đem đối chọi chữ nầy với chữ "giáo sĩ". Từ ngữ nầy chỉ xuất hiện ba lần trong toàn bộ tác phẩm của ngài. Hai lần dùng như tĩnh từ, và một lần dùng như danh từ. Ngoài ra cũng cần lưu ý thêm rằng một trong ba trường hợp trên lại nằm trong một văn bản không được hoàn toàn chắc chắn, vì có nhiều mạch văn đa biệt trong đó. Theo văn bản nầy "laikos" mang một ý nghĩa tiêu cực, chỉ tính cách "thường tục", "thô lỗ", đặt gần để bổ túc thêm cho chữ "phóng túng" [28].
Ngoài trường hợp nầy, còn lại hai cách dùng chữ "laikos"; cách thứ nhất lại mang một âm hưởng tiêu cực không kém. "Laikos"đặt gần và bổ xung chữ "apistia" (sự bất trung). Khi mô tả đền thánh, Clêmentê tuần tự kể đến ba cấp - Nội điện Cực Thánh là nơi dành riêng cho Thầy Cả Thượng phẩm, - Cung thánh là nơi qui tụ các Thầy cả, và - tiền đường là chỗ đứng của dân chúng. Clêmentê nhắc lại rằng Cung Thánh được cách biệt ra với tiền đường qua một bức màn "thật ra bức màn là hàng rào ngăn cách sự bất trung thường tục (laikos apistias), căng lên trước
năm cột để phân cách những kẻ đứng trong tiền đường" [29]. Trong toàn văn phẩm của Clêmentê thành Alexandria, câu văn nầy là câu văn duy nhất có chữ "laikos" dùng theo khuôn khổ của nghi lễ thời Cựu ước.
Ngoài ra, Clêmentê thành Alexandria rất am tường nội dung bức thư của vị thánh phụ cùng tên là Clêmentê thành La Mã (thư gửi giáo đoàn Corinthô). Trong tác phẩm Stromates 4.16,105,1 đến 18,113,3, ngài còn trích dẫn bức thư đó rất nhiều là đàng khác. Dựa vào đó, Clêmentê đã đưa ra một hình ảnh mẫu về người ngộ đạo duy trí. Nhưng, khi nhắc đến những đoạn đi trước và kế liền theo đoạn mà thánh Clêmentê thành La Mã nói về "giáo dân" lần đầu tiên, Viện trưởng học viện Alexandria lại lướt qua, không dừng lại ở đoạn văn nầy, như thể ngài không cho nó có nội dung gì quan trọng.
Giờ đây ta hãy tìm đến bản văn duy nhất trong đó Clêmentê thành Alexandria dùng chữ "laikos" như là một danh từ. Trong toàn khuôn khổ của bản văn, học giả thành Alexandria cố
tìm cách chống lại những lý thuyết thanh giáo (encratites) chủ trương bài bác hôn nhân. Để liên minh lập trường của mình, ngài dựa vào thánh Phaolô và chứng minh rằng thánh Tông đồ đã không lên án hôn nhân. Ngài nhắc lại việc thánh Phaolô đã khuyên các phụ nữ trẻ góa bụa nên
lấy chồng lại để tránh dị nghị tai tiếng [30], và ngài còn tiếp: "Phải thánh Tông đồ chủ trương người đàn ông chỉ có được một vợ thôi, dù niên trưởng, trợ tế hoặc giáo dân, nếu họ sống xứng
đáng trong cương vị vợ chồng, qua việc sinh sản con cái họ sẽ được cứu chuộc .[31] Điểm quan trọng làm ta lưu ý là Clêmentê không đối chọi người giáo dân và bậc giáo sĩ, nhưng liên kết người giáo dân với các vị niên trưởng và các vị trợ tế trong cùng một khuôn khổ. Tiếp đó, ta ghi nhận thêm rằng người giáo dân, theo nội dung bản văn nầy, dường như là một người đàn ông. Việc nầy cũng không có gì lạ, bởi lẽ trước đây Tertulianô cũng chỉ nói đến giáo dân nam giới mà thôi.
Nhưng chúng ta thử truy cứu thêm một đổi nữa được chăng?- Liệu việc Clêmentê cho rằng giáo dân phải là người chỉ có một vợ y như các vị trợ tế và hàng niên trưởng, không đáng làm ta ngạc nhiên hay sao? Nếu trong "Thư gửi Timothê", thánh Tông đồ ao ước điều đó được thể hiện nơi vị giáo chủ hoặc nơi những vị trợ tế, thì không có một câu nào trong thơ mô tả ước mơ nầy khi nói đến giáo dân cả [32]. "Thư gửi Titô" có thể cho ta một lối giải thích: dường như nó đòi hỏi những người dự tuyển  vào  chức  niên trưởng phải là người chỉ có một vợ [33]. Người giáo dân phải chăng phải là người chỉ có một vợ vì một ngày nào đó họ có thể được gọi vào những chức vụ khác không? Việc liên kết người giáo dân vào khuôn khổ kỷ luật áp dụng cho các vị trợ tế và hàng niên trưởng có thể làm ta liên tưởng tới nội dung được bàn tiếp liền sau đó: chủ yếu nội dung đoạn văn nầy nhắc đến chức vụ giáo chủ, trong đó Clêmentê xác quyết lại một lần nữa rằng Giáo  chủ phải là người chỉ có một vợ [34]. Như thế, người giáo dân ở đây e rằng không phải là bất cứ kitô hữu nào, nhưng phải là người dự tuyển vào hàng tư tế! Ở Carthage, Tertulianô đã không nêu lên thắc mắc về một hàng ngũ như thế hay sao? - "Nếu tất cả (kể cả giáo dân) không tuân giữ việc chỉ cưới vợ một lần, thì tìm đâu ra những người cưới vợ một lần để đưa vào hàng ngũ giáo sĩ? Phải chăng cần phải thiết lập riêng một hàng ngũ những kẻ cưới vợ một lần, để từ hàng ngũ nầy có thể tuyển lựa ra hàng giáo sĩ?" [35]. Vào cùng thời kỳ nầy, tại Alexandria hẳn Clêmentê cũng phải đương đầu với một vấn đề tương tự. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết rõ xem Clêmentê hiểu nội dung câu: "người chỉ có một vợ" như là một sự bó buộc nhặt nhiệm, nghĩa là không được cưới vợ lần thứ hai, hay chỉ là sự bó buộc phải tuân giữ sự trung tín vợ chồng trong khuôn khổ của hôn nhân một vợ một chồng. Ta cũng khó mạnh dạn kết luận rằng, theo Clêmentê, giáo dân là toàn thể những kitô hữu nam giới "không chịu chức thánh" (trong trường hợp như thế, tất cả mọi người đàn ông đều bị trói buộc bởi luật chỉ có một vợ), nhưng đàng khác không thể dứt khoát cho rằng giáo dân là một thành phần dự bị của hàng giáo sĩ, như học giả sôi nổi Tertulianô từng gợi ra.

Cuộc sống của những kitô hữu
ưu tú trong cộng đoàn Alexandria
Người giáo dân được mô tả như là một người đàn ông chỉ có một vợ, sống đời sống hôn nhân một cách đàng hoàng và qua việc sinh con cái sẽ được cứu độ. Như thế, phải chăng người đó phải là kẻ toàn hảo hơn người kitô hữu trung bình, phải chăng họ là người được tuyển lựa đặc biệt, ở giữa những kẻ được tuyển lựa qua Bí tích Thanh tẩy?
Ở giữa lòng một thành phố phồn vinh như Alexandria, thương mại sung túc, văn hóa phong phú, thật khó mà thực hiện lý tưởng Kitô giáo một cách triệt để. Làm sao đòi hỏi một việc không thể làm được! Clêmentê hẳn đã ý thức rất rõ tình trạng nầy, khi Ngài viết: "Ngay từ bây giờ, ở giữa những kẻ được chọn, có một vài người đặc biệt hơn được tuyển chọn" [36].
Việc ý thức sự yếu đuối của con người cũng không ngăn cản "nhà mô phạm" đề nghị cho thính giả của mình một lý tưởng sống trong sự đạm bạc và tiết độ: Áo quần của kitô hữu nên để màu trắng, đừng có hoa hòe; phụ nữ nên từ bỏ những trang phục lụa là, những trang sức, dày dép xa hoa hay diếm dúa và nên mang giày trắng ngoại trừ những cuộc đi xa họ có thể dùng giày có đóng đế; đàn ông nên đi chân không được chừng nào hay chừng đó. Thay vì tô son điểm phấn, phụ nữ nên giữ cách ăn uống điều độ để làm cho da dẽ tươi mát và trắng trẻo thì hay hơn. Tránh đừng ăn uống hoặc ngủ quá độ, đừng dùng nệm quá mềm, "bỏ những loại gối nhét lông thú, mền đắt tiền, chiếu hoa và thảm Ba Tư dệt bằng kim tuyến, áo nhuộm màu đỏ tía và áo choàng quí giá, cũng như các loại vải vóc màu sắc sặc sỡ thói thường được thi gia ca tụng và phủ đầy lông lên" [37] bằng lòng với nhu cầu cần thiết và tránh phù phiếm xa hoa! Hãy xa lánh tất cả những việc làm trái với tự nhiên, sống cuộc sống vớ chồng trong tiết độ và nhằm sinh sản con cái. Về phía phụ nữ, các bà nên tránh trang điểm và nhuộm tóc; nên sống cuộc sống lành mạnh, dệt len, nội trợ. Ngoài ra, nên xử sự trang nhả và ôn nhu, đừng búng tay để gọi đầy tớ, đừng âu yếm lân lứa trước mặt họ; và như thế các bà sẽ chu toàn được những điểm cốt yếu của luân lý (theo lời dạy của nhà mô phạm nầy). Phải công nhận rằng, Clêmentê chú tâm không ít vào cái phong cách bề ngoài của người ta. Tất cả kitô hữu có theo được lý tưởng đơn đạm và khắc khổ đó không? Chắc hẳn là không; và việc Clêmentê dành thời giờ đi vào chi tiết của lối sống hằng ngày như thế chứng tỏ rằng những tính hư tật xấu đã ăn sâu vào cuộc sống bình nhật của cử tọa lắng nghe ngài. Nhà mô phạm thành Alexandria không ngừng chế nhạo những kẻ ham mê trang sức, đá quí, vải vóc sặc sở hoặc thêu thùa, vật dụng xa hoa, cũng như cách ăn uống vô độ của họ. Ngài viết: "Những tiếng nôn-oẹ của các tay nhậu nhẹt, những tiếng ngáy của bọn no nê ngốn đầy bao tử, những tiếng thở phì phào của người ngủ li bì trong mền ấm, những tiếng lọc bọc trong bụng tạp ăn, chừng đó quá đủ để làm nổi loạn con mắt của linh hồn và nhét đầy vào tâm trí khối khối những ảo mộng" [38]. Những kẻ được nhắc nhở đây hẳn đã quên đi tiệc thánh thanh đạm (agape) và chỉ sống với những đam mê sung sướng qua các bữa tiệc linh đình. Vì thế, mà Clêmentê phải kêu lên: "Sự sa đọa tệ hại nhất, là tiệc thánh không bao giờ được phép làm cho suy đồi, nay đã bị hạ từ trời cao xuống tận bùn đất, đến mức độ không còn ra gì nữa!" [39]
Lý tưởng của kitô hữu là chỉ nên dùng hành, trái ô liu, rau, sữa, phô-mát, trái cây; cũng có thể dùng thịt nướng hoặc luộc chín, nhưng tốt hơn nên ăn cá hoặc mật ong và phải tiết độ trong việc dùng rượu [40]. Nên dậy sớm từ tinh sương, bận đồ trắng để ca tụng Chúa. Trong ngày nên sinh hoạt lành mạnh, đừng quên làm việc tay chân; nhà cửa không nên trang hoàng xa xỉ vô ích. Chiều đến, sau khi đọc kinh và cảm tạ Chúa, nên ngủ giấc ngủ nhẹ nhàng vừa phải, phải biết canh thức đặc biệt trong mùa đông ngày ngắn và biết thức dậy trong đêm để cầu nguyện; cuộc sống vợ chồng phải trong sạch và tiết độ trong những giới hạn được cho phép.
Nhưng, kẻ giàu có ắt phải nản lòng, nếu bị bó buộc phải bỏ hết của cải! Đúng như vậy không? - Clêmentê không chủ trương như thế. Ngài chỉ đòi hỏi người buôn bán giàu có thành Alexandria nên từ bỏ việc ham mê quá độ của cải giàu sang, và phải biết dùng của cải làm điều nhân nghĩa [41]. Ngài còn khuyên họ nên có một vị linh hướng để dìu dắt họ trong nhiệm vụ phải làm [42].
Nhà dìu dắt đó chắc chắn là Clêmentê. Qua lời khuyên nhủ của "Nhà Mô phạm", ngài đã nhắn nhủ họ như sau: "Chính Thiên Chúa đã tạo dựng nòi giống chúng ta để dự phần vào những của cải của Ngài: Nòi giống nầy có Ngôi Lời của Ngài làm của quí trọng nhất, được phân chia cho mọi người và được ban phát cho tất cả dùng như là của cải chung; nòi giống đó có tất cả mọi sự cho tất cả mọi người. Vì thế, mọi sự là của chung; và người giàu có không nên muốn nhiều hơn kẻ khác. Nếu họ nói: Của cải trong tay tôi, tôi có dư đầy, tại sao tôi không hưởng? - Như thế thì quả là phi nhân, phi nghĩa. Họ phải sống thế nầy mới hợp với Đức ái: -Của cải tôi có, tại sao tôi không chia sẻ cho những kẻ túng thiếu?" [43]. Nếu không có việc đòi hỏi kẻ giàu có thành Alexandria phải chung góp triệt để của cải làm thành một như vào thời cộng đoàn kitô hữu đầu tiên, được mô tả trong sách "Công vụ Tông đồ", thì ít nhất những người nầy cũng được kêu gọi để đừng đóng kín lòng lại, đừng ti tiện, ích kỷ, nhưng phải thực hành việc bác ái.

Giáo dân trong trần thế và Linh mục trên Nước Trời?
Tín hữu cộng đoàn Alexandria, không nhiều thì ít, sống cuộc sống đạo hạnh của mình hầu đáp ứng ơn gọi làm thành phần tuyển chọn. Nhưng còn giám mục, các linh mục, các phó tế thì có luôn luôn sống xứng đáng hơn không? Clêmentê hiểu rõ tính cách tương đối của giáo quyền; ngài nghĩ rằng phẩm trật trên trời không nhất thiết phải ăn khớp khít khao với phẩm trật trong trần thế. "Ai thi hành và rao giảng những công việc của Chúa thì người đó đúng là vị niên trưởng đích thực và là trợ tá đích thực theo thánh ý Chúa. Không phải vì được phong chức và vì giữ chức vụ niên trưởng, mà đương nhiên người đó là kẻ ngay chính, nhưng vì sống cuộc sống ngay chính mà người ấy được ghi tên vào hàng niên trưởng. Theo tôi, những phẩm trật giám mục, linh mục hay phó tế trong Giáo Hội ở trần thế là một lối bắt chước sự vinh quang trên trời và tuân theo sự sắp đặt của Chúa muốn chờ đón những kẻ theo gương các Tông đồ hầu sống trọn lành đúng với Phúc Âm, (như lời Thánh Kinh đã chép)" [44].
Những người không phải là giám mục, linh mục, hay Phó tế đừng nên thất vọng, bởi vì điều quan trọng hơn cả là sống đạo đức và hướng về sự toàn hảo để sau nầy đạt đến những chức vị đích thực, và hưởng vinh quang trên trời. Những điều gì đạt được sẽ vượt xa những hình thái bắt chước lại đang thấy trong trần thế. Những kẻ sống công chính một cách toàn vẹn sẽ được nâng lên các tầng trời để trước hết hoàn thành chức phận Phó tế, rồi tiếp đó sẽ được thu nhận vào hàng linh mục, và lên mãi cho đến khi đạt đến tầm vóc của người toàn hảo [45]. Như vậy ,Clêmentê vừa thần thánh hóa, lại vừa tương đối hóa hàng giáo phẩm, bởi vì ngài cho rằng hàng giáo phẩm là sự bắt chước những tiến bộ của vinh quang trên trời; trên bình diện con người, phó tế, linh mục là những lối bắt chước, nhưng là một lối bắt chước trung thành với mẫu mực đích thực; và Clêmentê dường như cho rằng người toàn hảo là vị Giáo Chủ trên trời.
Người kế tiếp Clêmentê để lãnh đạo học viện thành Alexandria còn phê bình ráo riết hơn nữa khi bàn đến phẩm trật trong trần thế. Phải nhận rằng Origène có những lý do cá nhân nào đó để chỉ trích một số việc làm của hàng giám mục. Phần sau, chúng ta sẽ trở lại những câu chuyện xích mích giữa Origène và vị giám mục của tiên sinh, Démetrius, cùng những khó khăn tiên sinh gặp phải trong vị thế một nhà mô phạm và là một giáo dân. Tiếp nối công trình truy cứu của Clêmentê, Origène phân định thật rõ giữa chức tước và bản chất giá trị. Trong nội dung nầy, tiên sinh đã khuyên các thầy cả nên xét mình lại một cách đúng đắn: "Nếu các vị ấy cho rằng mình lớn lao, cao trọng trong tư tưởng cũng như trong việc làm, trong đạo lý, thì các vị ấy nên biết rằng họ có được chức Giáo Chủ tối cao, không phải vì danh xưng nhưng còn do sự xứng đáng nữa. Nói cách khác, các vị ấy nên tự coi mình như ở vào một vị thế bất xứng, dù có được một chức tước cao trọng nhất" [46].
Còn việc làm cách nào để đo lường, đánh giá những phong cách xứng đáng, cũng như việc chu toàn đích thực thừa tác vụ linh mục thì Origène tỏ ra rất dè dặt; tiên sinh tự hỏi "Ai giữ được và hoàn tất được những bổn phận của linh mục? Ngược lại, ai là kẻ có chức linh mục nhưng không chu toàn những công việc và thừa tác vụ của linh mục? Người biết được, hẳn phải là kẻ phải thấu suốt hết tận tâm can con người ta!" [47]. Đối với người kế tục của Clêmentê thành Alexandria, giá trị đích thực không liên hệ đến vị thế hoặc chức vụ: Chức vụ ("kléros") đưa đến tước vị và phẩm hàm đến độ có thể dấy lên lòng ham muốn - ghen tị, tranh giành, nhưng không nhất thiết bảo đảm ơn cứu độ. Ngược lại sự cứu độ không lệ thuộc vào chức vị của mình. Cương vị là giáo dân thông thường không phải là một trở ngại cho ơn cứu độ: "bởi vì nhiều người dầu ở trong hàng linh mục lại bị hư mất, và nhiều kẻ, dầu ở trong hàng ngũ giáo dân cũng được tuyên dương chân phước" [48]. Và học giả thành Alexandria nhấn mạnh thêm: "Trong hàng giáo sĩ có nhiều vị không sống xứng đáng để hưởng ơn ích do chức vụ ("kléros") của mình đem lại! [49]
Nhưng một mặt khác, Origène lại khẳng định sự cao trọng của chức vị dành cho hàng giáo sĩ. Dẫu ý thức rõ ràng rằng giữa hình thức bề ngoài và thực thể siêu nhiên có mối cách biệt, nhưng tiên sinh vẫn tôn trọng thứ bậc của hàng giáo phẩm. Thông thường tiên sinh từ chối việc coi giáo dân và giáo sĩ ở vào vị thế đồng hàng. Đối với Origène, giữa giáo dân, phó tế, linh mục, giám mục có một sự thăng tiến tuần tự trong việc đòi hỏi về đường trọn lành. Việc phân cấp bậc như thế, dường như thấy thể hiện ra qua sự đòi hỏi các mức độ trọn lành khác nhau trong khuôn khổ của Bí tích Hòa giải. "Một người dự tòng không đáng được dung xá hơn một người tín hữu hay sao? Một giáo dân không đáng được xót thương hơn một phó tế hay sao? Một phó tế không dễ được tha thứ hơn một Linh mục hay sao? Có ích gì cho tôi khi chiếm chỗ cao nhất trên tòa nầy, nếu tôi không hoàn tất những việc phải làm theo chức vị của tôi" [50].
Nhưng sự phân cấp không phải chỉ dựa vào những bổn phận mà thôi. Dù có phê phán gắt gao đến mấy, thì Origène cũng phải nhận rằng nó còn tùy thuộc vào yếu tố quyền hạn. Một giáo dân không thể tự mình tha tội cho chính mình, bởi vì những kẻ tốt lành hơn sẽ nhận tội cho kẻ thấp kém hơn, những người mạnh mẽ sẽ nhận tội cho kẻ yếu hèn hơn [51]. Ít nhất, ta cũng thấy quan niệm đó qua một bài giảng của Origène: "Nếu một người Israel, nghĩa là một giáo dân, phạm một tội lỗi, người đó không tự mình xóa tội cho mình, nhưng đi tìm một người trợ giáo Lêvi, cần có một Thầy cả, nghĩa là, người đó đi tìm nơi tốt hơn, cao hơn: ông ta cần đến Thầy Cả Thượng phẩm để được tha tội. Nhưng nếu Thầy cả - Thầy Cả Thượng phẩm - phạm tội, thì vị nầy tự giải tội cho mình, trừ phi là tội chống lại với Thiên Chúa" [52].
Ngoài ra còn có sự phân cấp bậc giữa giáo dân và giáo sĩ dựa vào sự thông hiểu và tính cách toàn thiện. Các linh mục, theo nguyên tắc, phải hoàn thiện trong đạo lý, nhân đức cũng như hạnh kiểm [53]. Các vị Tư tế vào được thâm cung của đạo lý lành thánh, còn những vị tư giáo Lêvi đạt đến những đạo lý khác. "Cuối cùng còn có những đạo lý khác nữa mà ngay con cái Israel, nghĩa là giáo dân cũng có thể đạt được; nhưng những người ngoài (Giáo Hội) thì không có gì, nếu họ đã không được ghi tên vào Giáo Hội của Chúa" [54]. Dù được xếp vào cấp thấp hơn, người giáo dân không phải vì thế mà không thuộc vào dân Chúa. Họ là con cái của Israel, thuộc vào Giáo Hội của Chúa, và được phân biệt với người ngoại giáo, không chịu phép Thanh tẩy.
Nhưng Giáo Hội ở đây được quan niệm thế nào? Giáo dân có được đồng nghĩa hoàn toàn với kẻ đã chịu phép Thanh tẩy, không hơn mà cũng không kém, hay không?Những chữ nầy có triệt để thay thế cho nhau được, và có cùng một nội dung thôi không?




Giáo dân là tín hữu
của Giáo Hội đích thực, không vương tì tích
Được xem là thấp kém hơn hàng linh mục, phó tế, cao trọng hơn người ngoài Giáo Hội và người ngoại giáo [55], giáo dân lại thuộc về Giáo Hội. Nhưng theo Origène, thì cái gì cấu thành Giáo Hội đây? - Học giả thành Alexandria dường như phân biệt ra những kẻ kêu đến tên Chúa và những môn đồ đích thực: "Những kẻ kêu đến Danh Chúa thì được phân biệt ra khỏi Giáo Hội, và những môn đồ là ánh sáng của họ y như Chúa Kitô là ánh sáng cho Giáo Hội" [56]. Origène nói rõ hơn khi bình chú lời nhắn gửi "ba lần chào" của Phaolô:
- Gửi đến Giáo Hội Chúa được thiết lập ở Corinthô, gửi đến những ai được thánh hóa trong Đức Kitô Giêsu, được gọi để nên thánh, với những ai, dầu ở nơi nào, kêu đến tên Giêsu Kitô, Chúa chúng ta [57].
Origène muốn giải thích thế nầy: -"Chúng ta đã chứng minh rằng chỉ những ai xứng đáng được khen lao mới gọi là Giáo Hội, còn những kẻ còn đáng chê trách, tuy không cách xa chúng ta, nhưng vì họ còn chiến đấu với tội lỗi, nên họ còn là những "kêu danh Chúa thôi và chưa phải là Giáo Hội". Do đó, chúng ta hãy mau ra khỏi nhóm những kẻ kêu lên danh Chúa để tiến đến Giáo Hội không vương tì tích" [58].
Trong Giáo Hội không tì vết đó, Origène nghĩ rằng không có tình trạng đa hôn. Hẳn tiên sinh vẫn biết rằng vào thời nầy, trong Giáo Hội còn có việc cưới vợ đến hai, ba, bốn lần, nhưng tiên sinh vẫn cố nhắc lại rằng việc đa hôn tạo ngăn trở không cho chịu các chức vụ của Giáo Hội (= giám mục, linh mục, phó tế, bà góa). Tiên sinh còn thêm rằng người nào đa hôn thì hẳn nhiên bị loại ra khỏi Giáo Hội của những kẻ không vương tì tích, nhưng dù vậy, họ không bị hư mất một cách tuyệt đối. Về việc nầy, Origène lại dựa vào "bức thư 1Cor" để minh giải: "Tôi nhớ đã nói (...) rằng có sự khác biệt giữa Giáo Hội" và "những kẻ kêu đến danh Chúa". Tôi nghĩ rằng người một vợ một chồng, người trinh nữ, người độc thân trong sạch thuộc về Giáo Hội của Chúa, còn những người đa hôn, dù sống đàng hoàng, dù có đạo hạnh mọi bề, thì cũng không thuộc về "Giáo Hội" và nhóm người không vương tì tích, hay một cái gì tương tự như thế. Nhưng người đó sẽ ở cấp thứ nhì, thuộc nhóm người kêu đến Danh Chúa. Dù vậy, họ vẫn được cứu độ nhờ Danh Chúa Giêsu Kitô, nhưng không được Ngài dành cho phần vinh hiển" [59].
Như vậy, có những người đã chịu phép Thanh tẩy, kêu đến Danh Chúa, nhưng không được Origène xem như thực tế thuộc về "Giáo Hội", lý do là vì những người nầy đa hôn. Nhưng, còn những kẻ không có chức vụ của Giáo Hội, không đa hôn, thuộc về Giáo Hội không vương tì tích, họ sẽ được đánh giá, gọi tên là gì? Ta không thể không nghĩ rằng họ là ai khác hơn là người giáo dân, như trước đây Clêmentê thành Alexandria đã nói qua rằng giáo dân phải là người chỉ có một vợ. Với quan điểm nầy, hẳn giáo dân phải được coi là người đã chịu phép thanh tẩy, chỉ có một vợ, là thành phần của "Giáo Hội những kẻ không vương tì tích", tham dự vào "cộng đoàn những đứa con đầu lòng". Họ không phải là toàn thể mọi tín hữu, nhưng là thành phần được phân biệt khác với "những kẻ chỉ kêu đến danh Chúa".
Nhưng hình ảnh của người giáo dân đó có ăn khớp với thực tế lịch sử lúc bấy giờ, hoặc có mô tả được một mẫu lý tưởng nào không? Có thể có một thời kỳ hết sức ngắn ngủi - thời của Clêmentê thành Alexandria - Giáo dân nhằm chỉ những kẻ được coi là thành phần đích thực của Giáo Hội, nghĩa là những kẻ không đa hôn. Nhưng đến thời của Origène, tình trạng đó dường như không còn thấy nữa mặc dù nó được tiên sinh nhắc đến, nhưng e đó chỉ là những hình ảnh để tiếc nuối mà thôi!
Vào thời Orogène, giáo dân có nhiệm vụ gánh vác thay cho các vị "Thầy cả và trợ giáo Lêvi" những lo lắng về vật chất, để giúp các vị dễ dàng hơn trong việc hiến thân trọn vẹn phục vụ Thiên Chúa [60]. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Giáo dân còn tham dự vào bữa tiệc thánh với điều kiện tuân giữ những qui thức cầu nguyện, giống như giám mục, linh mục và phó tế.[61] Origène đã trình bày quan niệm nầy một cách dè dặt trong cuốn "Đàm thoại với Héraclide" như là một ý kiến cá nhân thôi; tiên sinh không ngờ rằng quan điểm đó chỉ là việc lấy lại ý kiến trước đây của Clêmentê thành La Mã. Theo vị nầy, mỗi người "trong cương vị của mình" phải tham dự vào nghi lễ, nhưng đừng vi phạm những luật lệ được thiết định dành cho chức vụ của mình [62].

Origène hoặc chuyện đáng buồn
của nhà mô phạm- giáo dân.
Học giả thời danh thành Alexandria không phải là niên trưởng. Dẫu được kính nể và được nhiều người từ nhiều nơi hâm mộ đến thụ giáo, cũng có lúc Origène không khỏi phiền muộn, đau lòng. Và sở dĩ có sự kiện không vui đó, là vì Origène ở vào vị thế giáo dân (chứ không phải là giáo sĩ). Nhân cuộc du lịch qua Palestine vào năm 216, Origène được các Giám muc thành Césarée và thành Giêrusalem mời giảng dạy trong các cộng đoàn. Démétrius, Giám Mục thành Alexandria và cũng là giám mục của Origène tức tốc phản đối việc nầy, và triệu hồi Origène về lại Alexandria. Demétrius cho rằng việc một giáo dân giảng dạy trước các vị Giám Mục là vô phép. Biết được việc nầy, Alexandre, Giám Mục của Giêrusalem, và Théoctiste Giám Mục của Césarée đứng lên chống lại luận cứ của Démétrius.
"Trong thư của ngài, Demetrius còn nói thêm rằng từ xưa nay và cả sau nầy nữa, không bao giờ ai lại đồng ý để người giáo dân giảng dạy trước mặt các vị giám mục cả! Thật tôi không biết lý do tại sao ngài nói ra rõ ràng việc trái sự thật đến như thế. Thật ra, ở đâu có những người khả dĩ làm được điều tốt cho anh em, họ đều được các thánh giám mục mời để lên tiếng dạy dỗ dân chúng: Như Néon ở Lavanda Evelpis, Celse ở Iconium Paulin, Atticus ở Synnade Thépdore, tất cả những vị nầy đều là anh em thánh thiện của chúng ta ... Có lẽ còn nhiều nơi khác có những trường hợp tương tự mà chúng ta không biết hết được" [63].
Thực vậy, ở Cappadoce, đầu thế kỷ thứ III, những giáo dân có văn hóa cao không những giảng dạy trong các học viện tư, nhưng còn đảm trách việc giảng dạy trong các đền thờ. Eusêbiô nghĩ rằng có lẽ vì ghen tị với Origène, mà Demetrius, Giám Mục thành Alexandria đã từ chối một đặc ân cho nhà mô phạm giáo dân nầy, trong lúc đó dường như các nơi khác đặc ân nầy được chuẩn nhận hết sức dễ dàng. Ngài lại còn từ chối cho đến kỳ cùng, không cho Origène thụ chức linh mục. Tuy vậy, (sự kiện sau nầy làm cho thái độ của vị giám mục đó càng khó hiểu). Vì sinh viên ngày càng đông, Origène muốn dành nhiều thời giờ cho lớp thụ giáo cao cấp và giao lại lớp nhập môn cho Héraclas. Lạ lùng thay, Demetrius lại không ngần ngại phong chưc linh mục cho người phụ tá nầy, tức là Héraclas.
Vì buồn nản trước thái độ bủn xỉn của gián mục thành Alexandria, nên sau nầy Origène chấp nhận chịu chức linh mục bởi giám mục của Césarée.
Héralas về sau lên chức giám mục kế tiếp Demetrius. Denys, đồ đệ của Origène lại thay thế Héralas giữ những chức vụ điều khiển học viện giáo lý, và tiếp theo là chức giám mục. Dường như Origène là người giáo dân mô phạm lỗi lạc cuối cùng.

Những thầy giảng giáo lý
và các bậc thầy giải thích Kinh Thánh (= Tiến sĩ)
Origène đặc trách việc giảng dạy các sinh viên có trình độ cao. Nhờ thế, tiên sinh có được một diễn đàn dễ thông đạt và tinh thông lý lẽ hơn. Ngoài ra, tiên sinh dễ thấy thoải mái thâm giải Kinh Thánh và đưa ra những lối giải thích mạnh dạn hơn. Nói cách khác, tiên sinh dễ chu toàn phận vụ mà tiên sinh cảm thấy thiết thân, đó là việc chú giải Kinh Thánh (=vai trò tiến sĩ).
Song song với phận vụ đặc biệt của mình, Origène giao cho Héraclas đặc trách những sinh viên nhập môn, và hơn hết là những kẻ dự tòng. Vai trò nầy (= vai trò của thầy giảng giáo lý-) xem ra không đòi hỏi nhiều tài năng; nó đơn giản và ít cần đến sáng kiến hơn việc chú giải Kinh Thánh của bậc "tiến sĩ". Nhưng vấn đề xem ra mâu thuẫn khi vị thầy giảng lại được giám mục phong chức thánh, còn vị tiến sĩ thuyết minh lại phải dậm chân ở cương vị giáo dân!
Ngoài những vấn đề có tính cách cá nhân, chắc chắn đã có phần chi phối quyết định của Demetrius, sự kiện lạ lùng nầy cũng không phải không có những lý do khác để giải thích. Thầy giảng giáo lý sinh hoạt trong quảng đại quần chúng dân Chúa. Vì có công tạo điều kiện cho kitô hữu gia nhập vào Giáo Hội, nên vị nầy đóng một vai trò quan trọng không cách biệt bao nhiêu những chức vụ trong Giáo Hội. Hơn nữa vị nầy còn có mối liên hệ mật thiết với các giám mục, một khi quí ngài ý thức tầm quan trọng của chức vị mình trong việc bảo vệ lề luật của đức tin và sự hợp nhất của cộng đoàn kitô hữu. Ngoài ra, ta cũng biết được rằng thầy giảng giáo lý có thể cùng với các kẻ dự tòng đi đến việc thực hiện một vài hành vi rất gần với các nghi thức thờ phượng [64]. - Tất cả những lý do và sự kiện đó hẳn đã thúc đẩy các giám mục dễ dàng đưa các thầy giảng hội nhập vào trong hàng giáo sĩ của mình. Ngược lại, ít nhất theo quan điểm có phần thiển cận của Giám Mục Demetrius, việc chú giải Thánh Kinh quá đặc biệt, quá hạn chế, của một Origène có thể xem là không mấy cần thiết cho cộng đoàn!
Dường như những văn bản xưa nhất có liên quan đến chức vụ thầy giảng giáo lý đều nằm trong "những văn tập ngụy Clêmentê" (Ecrits pseudo-clémentins). Tên gọi tổng quát nầy quy hợp nhiều ngụy bản (những bản văn viết theo lối giả tưởng) gồm: "Thư của Phêrô gửi cho Giacôbê", "Thư của Clêmentê gửi cho Giacôbê", những bài giảng và những ký sự. Việc định nhật kỳ các văn tập nầy rất tế nhị; chúng trải qua quá nhiều đợt trước tác và thêm thắt. Dựa vào hình thức ổn định dứt khoát, ta có thể xếp các văn tập nầy vào thế kỷ thứ IV, nhưng cốt lõi của nội dung các bản văn chắc đã được cấu trúc từ thời Origène, vào đầu thế kỷ thứ III, chưa kể đến những yếu tố lấy lại từ các thời kỳ trước nữa: những đoạn liên quan đến thầy giảng giáo lý chắc chẳn là nằm trong những yếu tố thật lâu đời nầy" [65].
"Bức thư của Clêmentê gửi cho Giacôbe" kể lại câu chuyện tưởng tượng về việc Clêmentê chịu chức Giám mục. Trong thư nầy, ta thấy các thầy giảng phải học kỹ về giáo lý, có trình độ hiểu biết cao, sống đạo đức, đầy đủ kinh nhgiệm và sáng suốt, để có thể thi hành chức vụ của mình [66]. Chức vụ thầy giảng độc lập với giới chức, mà sau nầy ta gọi là hàng giáo sĩ. Cũng trong bức thư nầy, người thầy giảng giáo lý được ví như một sĩ quan truyền lệnh. Lấy chiếc tàu giữa biển làm hình ảnh để so sánh với Giáo Hội, tác giả khuyên độc giả hãy xem "Thiên Chúa là chủ chiếc tàu nầy, Đức Kitô là người hoa tiêu, Giám mục là sĩ quan trực canh, các linh mục là các trưởng toán, các Phó tế là đội trưởng của toán chèo tàu, các thầy giảng giáo lý là sĩ quan tuyển mộ, hết thảy anh em là hành khách trên tàu" [67]. Nhưng vị thầy giảng giáo lý "độc lập" nầy hẳn đã làm cho tác giả hiệu đính đợt cuối "bức thư của Clêmentê" khó xử: có thể vì thực tế lúc bấy giờ không còn thấy có vị nầy, hoặc cũng có thể vì tác giả muốn bỏ qua chức vụ nầy để dễ chủ trương quyền trưng tuyển của giám mục. Do đó, khi trở lại thí dụ về Giáo Hội như chiếc tàu, tác giả vẫn giữ lại những chức vụ chuyên môn như phó tế, linh mục và giám mục, nhưng quên đi chữ đặc biệt "thầy giảng giáo lý"; và thay vào chữ nầy tác giả nói phớt qua về một "người tuyển mộ" mà thôi [68]. Sau đó, trong những "bài giảng ngụy Clêmentê", ta lại thấy có những linh mục - dạy giáo lý mà tín hữu phải đãi ngộ bằng việc trợ cấp vật chất, như họ đã đãi ngộ vị giám mục, các phó tế và các  bà góa [69]. Đến thời kỳ sau nữa, trong tập những "ký sự ngụy Clêmente" thì không còn thấy dấu vết nào của chức vụ thầy giảng giáo lý. Chức vụ đó đã biến mất luôn.
Vì nhận thấy không biết xử sự làm sao với chức vụ thầy giảng giáo lý "độc lập" và lấn cán nầy, nên người ta bỏ dần chức vụ đó, để giao trả lại cho giám mục việc kiểm soát toàn thể lãnh vực về đức tin. Tuy nhiên, công việc giảng dạy người dự tòng vẫn luôn khẩn thiết cho sự sống còn và phát triển của các cộng đoàn. Một mình giám mục không thể làm hết mọi việc, nhất là số kitô hữu càng ngày càng đông. Do đó, mà công tác dạy giáo lý lại được giao phó cho các linh mục. Có lẽ vì lý do nầy mà chức vụ thầy giảng giáo lý biến mất. Nhưng không phải biến mất luôn, mà đổi qua một dạng khác. Khi công việc đó chuyển qua tay các linh mục, nó mang một danh hiệu có lẽ long trọng hơn. Ở giữa thế kỷ thứ III, Cyprianô thành Carthage nói đến những linh mục - học giả (tiến sĩ), được những vị "đọc sách - học giả" (lecteurs-docteurs) trợ giúp [70]. Từ nay, cái tên gọi thầy dạy giáo lý cũng không thấy còn nhắc đến nữa.

Văn hóa và hàng giáo sĩ.
Không phải chỉ có việc giảng dạy chính thức cho dự tòng mới bộc phát nhu cầu và vấn đề văn hóa trong Giáo Hội. Các giáo sĩ có luôn đạt đến trình độ văn hóa cần thiết không? Origène đã tỏ ra ngờ vực về tình trạng nầy, nên đã phàn nàn: "Tôi phải ghi nhận rằng giữ chức vụ giáo sĩ là một chuyện, hiểu hết và hoàn hảo trong mọi việc là một chuyện khác" [71]. Dĩ nhiên, với những chuyện xích mích với Giám mục Demetrius, Origène có lý do riêng để tỏ ra chua chát như thế, nhưng cũng vì vậy mà chứng lý của vị tiên sinh có thể có phần thiên lệch. Tuy nhiên, Origène không phải là người duy nhất làm chứng về trình độ văn hóa của hàng giáo sĩ lúc bấy giờ. Chúng ta được hay biết rằng, có một vài trường hợp giám mục có thể là người không biết chữ. "Cuốn định chế Giáo Hội các Tông đồ" viết vào khoảng thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ IV, đã bình thản nêu lên giả thiết rằng: "người dự tuyển chức vụ giám mục) nên có trình độ văn hóa, có khả năng giải thích Thánh Kinh; nếu không biết chữ, thì người đó nên hiền lành và thấm nhuần đức ái đối với mọi người, để đừng có ai khả dĩ làm cớ cho dân chúng chê trách lại được cử lên chức giám mục" [72].
Cũng trong tài liệu nầy, ta thấy trong cộng đoàn có sự hiện diện của một người đọc sách thông thái, có tài giảng thuyết, ở vào vị thế của người giảng giải Phúc âm. Người đọc sách phải chăng là kẻ trợ tá giám mục, nếu vị nầy trình độ văn hóa còn thấp! Ngoài nhiệm vụ đọc sách, người nầy chắc có thể còn giảng giải các đoạn Thánh Kinh, và giáo huấn trong buổi cử hành nghi thức Lời Chúa. Ta cũng lưu ý thêm là dường như nghi thức nầy lúc bấy giờ còn tổ chức riêng ngoài buổi tiệc Thánh. Trong những điều kiện như thế, chức vị giáo sĩ và trình độ văn hóa có thể không đi đôi với nhau, và do đó người đọc sách có được một địa vị "đáng trọng vọng" trong cộng đoàn. Cuốn "định chế Giáo Hội các Tông đồ" xếp người nầy thấp hơn hàng linh mục và cao hơn hàng phó tế.
Nhưng, sớm muộn tùy nơi, sự liên hợp chặt chẽ giữa hàng giáo sĩ và trình độ văn hóa đã xuất hiện như một việc khẩn thiết. Qua phần nói đến chức vụ thầy giảng giáo lý, "những văn tập ngụy Clêmentê" đã gợi cho ta thấy những giai đoạn biến chuyển quan trọng trong việc thu nạp lần hồi chức vụ văn hóa vào hàng giáo phẩm, trước đây chỉ chú trọng đến vai trò tế tự thôi. "Bức ngụy thư của Phêrô gửi cho Giacôbê" (- còn nặng tính cách liên hợp Kitô giáo - Do thái giáo -) nhấn mạnh đến những phẩm cách cần phải có của người được giao phó trọng trách về Kinh Thánh. Trong một bản văn khác nữa, - bản "tuyên hứa trọng thể" - qua nhân vật giả định Giacôbê, tác giả đã khuyên dạy những kẻ được giao trách nhiệm minh giải Thánh Kinh phải tuyên thệ tuân phục giám mục, nhân vật Giacôbê đó còn nói thêm rằng:
"Hỡi anh em là bạn đồng hành trong việc phụng sự (Thiên Chúa), hãy lắng nghe tôi. Nếu chúng ta giao việc giải thích Kinh Thánh cho bất kỳ ai, và nếu Thánh Kinh bị sửa đổi, ngụy tạo đi bởi một vài người bạo gan làm càn, hoặc ý nghĩa trong đó bị giải thích một cách sai lạc, như anh em đã từng chứng kiến việc đó, thì ngay những kẻ thành tâm đi tìm Chân lý cũng sẽ bị đẩy đưa vào con đường lầm lạc luôn mãi. Vì thế, tốt hơn, chúng tôi giữ lại trách vụ về Kinh Thánh nơi chúng tôi, và chỉ truyền giao trọng trách nầy với tất cả những dè dặt, cẩn trọng như đã nêu ra trên đây, cũng như chỉ truyền giao cho những người nào muốn sống đời sống đạo hạnh và hoạt động cho phần rỗi kẻ khác" [73].
Như vậy, chức vụ giải thích Thánh Kinh được qui hồi về giám mục. Bằng những lời lẽ thô thiển mộc mạc (phản ảnh sự lo âu) có tính cách phe nhóm, bản văn "tuyên hứa trọng thể "cho chúng ta thấy lý do việc thu hồi các chức vụ văn hóa vào thừa tác vụ tế tự. - Trước những nỗi lo sợ tình trạng lạc giáo có thể làm nổ tung cuộc sống cộng đoàn, vấn đề bảo vệ sự hiệp nhất về lãnh vực trí thức, suy nghĩ, được coi là một bảo đảm cần thiết để nối kết các phần tử trong nhóm lại với nhau. Sự hợp nhất có tính cách văn hóa đó minh định và tăng cường bản chất cá biệt và những hình thức độc đáo bên ngoài của cộng đoàn tế tự (cử hành Thánh lễ).

Giáo dân và giáo sĩ:
từ sự khác biệt
đến tình trạng bất  bình đẳng
Vào đầu thế kỷ thứ III, giáo dân là những người (đàn ông) - dường như không phải là phụ nữ - thuộc về Giáo Hội, nhưng không phải là giám mục, Thầy cả, phó tế; hay nói một cách tổng quát họ không phải là giáo sĩ. Giáo dân cần đến giáo sĩ, đặc biệt là Thầy cả Thượng phẩm (= giám mục) để được tha tội. Trên nguyên tắc, họ không bị đòi buộc phải đạt đến mức độ trọn lành
trong đạo lý và nhân đức như các Thầy cả và các vị Tư giáo Lêvi, vì thế nên khi lỡ lầm phạm tội, họ sẽ ít bị xử đối nghiêm khắc hơn là một vị phó tế hay một vị linh mục. Ngay từ thời đó, giáo dân đã nhận lấy trách nhiệm lo lắng về mặt vật chất thay cho Thầy cả và Tư giáo, để hàng giáo sĩ có đủ thời giờ hiến mình trọn vẹn cho việc phụng sự bàn thánh nhằm cứu độ mọi người. Và đó là công việc cụ thể và đích thực giúp ta phân biệt giáo sĩ và giáo dân. Thật vậy, các học giả thời đầu thế kỷ thứ III đã cố gắng đi đến việc tương đối hóa các chức tước và phẩm hàm của Giáo Hội trần thế; họ luôn nhắc nhở rằng tất cả mọi người đều được kêu gọi để làm người công chính. Về phần Origène, thì cho rằng mọi người đều phải hướng về sự trọn lành toàn mãn của chức vụ tư tế trên trời. Lấy lại lập trường của Clêmentê thành La Mã, Origène xác quyết thêm một lần nữa về sự tham dự cụ thể của giáo dân trong bàn tiệc thánh. Tertulianô thì nhấn mạnh thêm rằng giáo dân tất thảy đều là linh mục khi thiếu vắng hàng giáo sĩ. Như vậy, sự phân biệt giữa giáo sĩ (hoặc thừa tác viên của bàn thánh) và giáo dân, trong những điều kiện vừa kể ra trên đây, phải được nhìn dưới khía cạnh "thực tiễn""tượng trưng", chứ không liên quan đến "bản chất" (= ontologique). Vấn đề còn lại là xét xem những hậu quả của sự khác biệt có tính cách thực tiễn và tượng trưng đó dừng lại ở đâu?
Chúng ta thấy rằng Origène, từ sự khác biệt nầy đã rút tỉa ra những hậu quả áp dụng vào khuôn khổ của Bí tích Hòa giải. Tiên sinh quan niệm rằng Thầy cả có quyền tha tội cho giáo dân, và cả cho chính mình nữa, miễn là đừng chống lại Thiên Chúa. Còn quan hệ hơn là vấn đề tế tự - nghi lễ, vấn đề nầy dường như là vấn đề then chốt gây ra nhiều cuộc tranh cải, xung khắc thời bấy giờ. Chính vì quyền tha tội (giữ chìa khóa Nước Trời) mà Tertulianô đã không ngần ngại đứng lên chống lại Giáo Hội của các giám mục, khi tiên sinh đối kháng Giáo Hội nầy với Giáo Hội "siêu nhiên". Ở La Mã, Hippolyte chống đối sự dễ dãi của Giám mục Callixtô trong việc tha thứ tội lỗi cho những kẻ đến với ngài. Hippolyte còn chống trả lý thuyết cho rằng một giám mục đã phạm tội - dù là tội trọng - cũng không thể bị truất chức [74]. Suốt tiền bán thế kỷ thứ III, vấn đề tìm xem ai có quyền tha tội kẻ khác và tha tội cho chính mình, là mối bận tâm của tất cả các cộng đoàn kitô hữu. Nếu người ta coi Thánh lễ như là phương thức để tẩy xóa tội lỗi, thì khía cạnh nầy của Thánh lễ sẽ được thu nạp vào một thừa tác viên duy nhất đã được thừa nhận có được quyền tha tội. Như vậy, việc thông dự vào tiệc thánh không còn là một việc chung của mọi người, và đồng đều cho mọi người nữa. Giữa giáo sĩ và giáo dân, sự khác biệt duy nhất dựa vào sự phân công thực tiễn các vai trò phải thực hiện, không còn nữa; giờ đây sự khác biệt lại dựa vào sự phân bỗ các quyền hạn, ngay ở giữa cộng đoàn thông dự Thánh lễ. Các kitô hữu tham dự bữa tiệc thánh không còn bình đẳng.
Một mặt các giám mục xác quyết và củng cố quyền hạn mình trong vấn đề tha tội, thì (song song với việc nầy) mặt khác, giáo dân từ từ chấm dứt việc thực thi một trong những quyền lợi (đúng hơn đó là bổn phận) của người chịu phép Thanh tẩy, đó là quyền phát biểu, giải thích và truyền bá công khai đức tin của mình, một khi các chức vụ giảng dạy (=thuyết minh Thánh Kinh và dạy giáo lý) được định chế hóa riêng cho giáo sĩ.
Tuy vậy, sự phân cách giữa giáo sĩ và giáo dân không có tính cách triệt để. Sự phân cách đó chưa dứt khoát (vì những tước hiệu trần thế là tương đối so với những tước vị trên trời) và cũng không phải là tuyệt đối (vì theo Tertulianô, một giáo dân có thể hoàn thành những chức vụ tế lễ, khi thiếu vắng giáo sĩ). Sự cách biệt giáo sĩ và giáo dân thực ra là một sự phân phối các vai trò phải thể hiện với sự thuận ý của dân chúng, như Tertulianô đã cố tâm nhấn mạnh.
Một khi sự phân bỗ các vai trò nầy không được coi như có giá trị tuyệt đối, một khi kitô hữu còn có ý thức rằng sự phân bỗ đó có thể canh cải, dù chỉ trong trường hợp đặc biệt, thì giáo sĩ và giáo dân vẫn còn tương giao trong một chức vụ đồng đẳng, và gánh vác chung những bổn phận như nhau. Dường như đó là thực trạng xảy ra trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử hàng ngũ giáo dân. Clêmentê thành Alexandria kết hợp một cách hết sức thản nhiên hàng ngũ giáo dân cùng với các Thầy cả, Phó tế, khi ngài cho rằng tất cả họ chỉ nên có một vợ mà thôi. Tertulianô thì cho rằng giáo dân cũng là thầy cả và trong một vài trường hợp có thể hành xử những chức vụ tư tế. Tiên sinh còn dựa vào việc tuyển lựa giáo sĩ trong hàng ngũ giáo dân, để chủ trương việc cấm tái hôn áp dụng chung cho giáo sĩ cũng như giáo dân. Ở Carthage cũng như ở Alexandria, những cuộc tranh luận về tình trạng đa hôn xuất hiện đồng thời với việc dùng lại một cách bất ngờ chữ "giáo dân" làm ta thắc mắc tự hỏi: phải chăng "giáo dân" chủ yếu được dùng để phấn khích tín hữu ý thức rằng họ thuộc về một dân tộc tư tế, và đồng thời để nhắc nhở họ lưu ý những nghĩa vụ liên hệ.
Tertulianô còn minh giải thêm rằng những nghĩa vụ đó phải được mọi người tuân hành, không phải chỉ giới hạn trong hàng giáo sĩ, hoặc trong một thành phần ưu tú, dự bị cho hàng ngũ nầy. Còn Origène thì chỉ biết tiếc nuối, khi chứng kiến trong Giáo Hội đương thời có những kẻ đa hôn, hai, ba vợ. Trước tình trạng bất ưng nầy, tiên sinh chỉ biết nhắc nhở rằng những kẻ độc hôn mới thực sự thuộc về Giáo Hội không vương tì tích.
 Trong tác phẩm của Origène, biên giới giáo sĩ và giáo dân bắt đầu thấy xuất hiện, và sự bất bình đẳng không những chỉ có trong cuộc sống hằng ngày, mà đã đi sâu vào trong tâm tư con người. Sự bất bình đẳng đó được mô tả qua hình ảnh nầy: - Chỉ có Thầy cả Thượng phẩm mới được vào nơi nội điện cực thánh, mới đủ thẩm quyền dâng lễ vật xóa tội. Nhưng với một hình ảnh khác, người ta lại tương đối hóa tình trạng bất bình đẳng trên: -Phẩm trật trên trời không hoàn toàn tương ứng với phẩm trật trong trần thế. Hình ảnh đầu nhấn mạnh đến tính năng động của trào lưu lịch sử, - thúc đẩy gia tăng càng ngày càng đông thêm kitô hữu - không đòi hỏi nhiều đến phẩm cách, - có thể thu hẹp lý tưởng của đời sống trọn lành, cũng như có thể giới hạn quyền bính vào một thành phần nhỏ được lựa chọn riêng. Trong khi đó, hình ảnh thứ nhì, trước hết, dường như được dùng để chống đối lại sự xuất hiện một hàng ngũ giới hạn, được tuyển lựa riêng giữa lòng toàn dân được tuyển chọn, nhưng sau đó lại trở thành một liều thuốc trấn an: thế nào rồi cũng có thể làm giáo sĩ trên trời, dù trần gian không được như thế...
Và như vậy, giáo dân, tự bản chất thuộc về dân tư tế (peuple de prêtres) sẽ sớm trở thành dân chúng của hàng giáo sĩ (peuple des prêtres).








[1] Tertulien, Sur la Modestie. 21,7-17.
[2] Origène, Homélie sur Jérémie. 4,3.
[3] Origène, Homélie sur le Lévitique. 6, 6.
[4] Jérôme, Des hommes illustres. 53.
[5] J. Quastien, Initiation aux Pères de l'Eglise, traduction J. Laporte t,2. Paris, éd.. Cerf. 1958, p. 393.
[6] Về niên kỷ các tác phẩm của Tertulianô xem R. Braun. Deus christianorum. Recherches sur le vocabulaire doctrinal de Tertulien, Paris, Études Augustiniennes, 2e éd. 1977, p.563-577. Bản dịch các đề mục các tác phẩm của Tertulianô lấy từ  J. Quastien, op. cit., p. 298-397.
[7] Exhortation à la Chasteté. 7.
[8] Sur le Baptême. 17,2; la Prescription des Hérétiques, 41,8; Sur la Fuite dans la Persécution. 11,1.
[9] La Monogamie, 11-12.,
[10] Sur la Fuite dans la Persécution. 11.
[11] La Monogamie, 11-12.
[12] Khải Huyền 1,6.
[13] Exhortation à la Chasteté, 7.
[14] Xem C. Vogel, "La eucharistique?", dans L'Assemblée liturgique et les différents rôles dans l'assemblée. Rome, Edizioni liturgiche, 1977, p.316-319.
[15] La Prescription des Hérétiques, 41.
[16] La Prescription des Hérétique, 41,8.
[17] Ibid. 43, 5.
[18] Apologie. 39, 5.
[19] Jeune, 17.
[20] Apologie. 39, 5.
[21] Sur le Voile des Vierges. 9, 2-3
[22] Exhortation à la Chasteté. 13, 4.
[23] Sách dẫn 7.
[24] Xem Le Monde du 27 janvier 1983, p.9.
[25] Sur le Voile des Vierges, 9,1.
[26] Sur le Baptême, 17,4.
[27] Stromates I, 1, 11,2.
[28] Le Pédagogue III, 10, 83,2.
[29] F Ibid.
[30] Xem 1Tim. 5,14.
[31] Stromates III,12,90.
[32] Xem 1Tim. 3,2 và 12.
[33] Tite 1,6.
[34] Stromates III, 18, 108,2.
[35] Tertulien, La Monogamie, 11,12.
[36] Quel riche peut être sauvé? 36.
[37] Le Pédagogue II, 9, 80, 1.
[38] Le Pédagogue II, 9, 80, 1.
[39] Le Pédagogue II, 1, 7,4.
[40] Le Pédagogue II, 1, 15,1 et ss.
[41] Quel riche sera sauvé? 11.12.
[42] Ibid 41.
[43] Le Pédagogue II, 120,3-4.
[44] Stromates VI, 13,106.
[45] bid.
[46] Homélies sur le Lévétique, 6,6.
[47] Homélies sur les Nombres, 10,3.
[48] Homélies sur Jérémie 11,3.
[49] Ibid.
[50] Homélies sur Ézéchiel 5, 4.
[51] Cf. Rom. 15, 1.
[52] Homélies sur les Nombres 10, 1.
[53] Homélies sur le Lévétique 5,7.
[54] Homélies sur le Lévétique 5,3.
[55] Xem thêm Homélies sur l'Exode 11, 5.
[56] Commentaire sur saint Jean 6,59 (38)
[57] 1Cor 1,2.
[58] Fragments sur la Première aux Corinthiens 1.
[59] Homélies sur saint Luc 17.

[60] Xem Homélies sur Josué 17,3.
[61] Entretien avec Héraclide 4,22-5,7.
[62] 1Clêmentê 41,1.
[63] Eusèbe, Histoire ecclésiastique VI, 19, 17-18.

[64] Tradition apostolique 19.
[65] Écrits pseudo-clémentins dans A.Faivre, Naissance d'une hiérarchie, coll. Théologie historique, n.40, Paris, éd. Beauchesne, 1977, p.153-170.
[66] FLettre de Clément à Jacques 13.
[67] Lettre de Clément à Jacques 14.
[68] Lettre de Clément à Jacques 15.
[69] Homélie III, 71.
[70] Cyprien, Lettre 29.
[71] Homélies sur Josué 9,9.
[72] Constitution ecclésiastique des apôtres 16,1-2.

[73] Engagement solennel 5.
[74] Hippolyte philosophoumena IX,12.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét